Mục vụ gia đình

Gia Đình Tham Gia Vào Đời Sống Giáo Hội

Gia Đình Tham Gia Vào Đời Sống Giáo Hội

 

GIA ĐÌNH THAM GIA VÀO ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI

Thúc đẩy gia đình tham gia vào đời sống Giáo Hội chính là thúc đẩy mỗi thành viên trong gia đình sống Bí tích Rửa Tội. Bất cứ ai, một khi đã lãnh Bí tích Rửa Tội đều có trách nhiệm tham gia xây dựng Giáo Hội cách cụ thể theo khả năng và bậc sống mình.
A. DẪN NHẬPI. Một Giáo Hội tham gia

II. Tham gia vào sự quan phòng của Thiên Chúa

III. Trách nhiệm và sự tham gia

IV. Dân tư tế, tiên tri và vương đế

B.  THAM GIA VIỆC PHỤNG VỤ

I. Tham dự vào chức tư tế duy nhất của Đức Kitô

II. Tham dự vào nhiệm vụ tư tế của Đức Kitô

1. Dấn thân trong đời sống hằng ngày

2. Tham gia vun trồng ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ

III. Tham dự Thánh Lễ cách ý thức, tích cực và có kết quả

1. Tham dự vào việc ca hát

2. Tham gia vào sự thinh lặng thánh[38]

IV. Tham dự vào sự đau khổ cứu độ của Đức Kitô

C. THAM GIA VIỆC HUẤN GIÁO

I. Giáo dân tham gia vào nhiệm vụ tiên tri của Đức Kitô

II. Gia đình tham gia vào việc huấn giáo

III. Tầm quan trọng của gia đình

IV. Gia đình chông chênh tham gia vào việc huấn giáo

D.  THAM GIA VIỆC QUẢN TRỊ

I. Tham gia vào nhiệm vụ vương đế của Đức Kitô

II. Dấn thân phục vụ cộng đoàn giáo xứ

1. Tham gia Hội đồng Mục vụ Giáo xứ

2. Tham gia Hội đồng kinh tế của giáo xứ

III. Tham gia bảo vệ môi trường sống

1. Chăm sóc ngôi nhà chung

2. Chăm sóc ngôi nhà riêng

E. KẾT LUẬN

TÀI LIỆU THAM KHẢO

A. DẪN NHẬP

I. Một Giáo Hội tham gia

Một Giáo Hội tham gia[1] là một Giáo Hội trong đó mọi người đều sống ơn gọi riêng của mình và thực hiện vai trò riêng của mình. Để xây dựng ‘sự hiệp thông vì sứ vụ’ và ‘sứ vụ hiệp thông’, các đặc sủng của mỗi thành viên cần được nhìn nhận, phát huy và sử dụng cách hiệu quả. Đặc biệt là phải thúc đẩy sự dấn thân lớn hơn của giáo dân và những người sống đời thánh hiến trong việc lên kế hoạch và đưa ra các quyết định mục vụ, thông qua những cấu trúc tham gia như các Hội đồng giáo xứ hoặc Hội nghị giáo xứ”.[2]

Thúc đẩy gia đình tham gia vào đời sống Giáo Hội chính là thúc đẩy mỗi thành viên trong gia đình sống Bí tích Rửa Tội. Bất cứ ai, một khi đã lãnh Bí tích Rửa Tội đều có trách nhiệm tham gia xây dựng Giáo Hội cách cụ thể theo khả năng và bậc sống mình. Trong tư cách là người giáo dân, mỗi thành viên trong gia đình có vai trò và sứ mạng xây dựng Giáo Hội cùng với hàng giáo phẩm và các tu sĩ nam nữ. Họ cần tham gia với tâm thức mình vừa thuộc về Giáo Hội vừa là chính Giáo Hội, tham gia trong tinh thần đạo đức và hiểu biết, tham gia cách tích cực và hài hòa, tham gia trong sự hiệp thông. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam lưu ý cách riêng đến các thành phần tham gia: Các thành viên Hội đồng Mục vụ giáo xứ, giáo lý viên, thừa tác viên ngoại thường của Bí tích Thánh Thể, những người đặc trách Phụng vụ, thành viên của các hiệp hội và hội đoàn.[3]

II. Tham gia vào sự quan phòng của Thiên Chúa

“Vì chính Thiên Chúa tác động đến ý chí cũng như hành động của anh em do lòng yêu thương của Ngài” (Pl 2,13). Giáo Hội là Bí tích cứu độ của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa là Đấng Tạo hóa và Đấng Cứu Chuộc mọi người.

Khi tham gia vào đời sống của Giáo Hội, con người tham gia vào chính kế hoạch của Thiên Chúa. Sự cộng tác con người vào chương trình sáng tạo và cứu độ Thiên Chúa là tham gia vào sự cao cả và lòng nhân hậu của Thiên Chúa toàn năng. Như vậy, Thiên Chúa cho con người trở nên những nguyên nhân thông minh và tự do để hoàn thành công trình tạo dựng, và thực hiện sự hài hoà của công trình ấy hầu mưu ích cho chính mình và cho tha nhân. Con người, những cộng tác viên thường là vô ý thức, của thánh ý Thiên Chúa, có thể tham gia một cách ý thức vào kế hoạch của Thiên Chúa bằng hành động, bằng kinh nguyện, và cả bằng các đau khổ của mình. Như vậy, họ trở thành “những cộng sự viên của Thiên Chúa” (1Cr 3,9) và của Nước Ngài cách trọn vẹn. “Vì không có Đấng Tạo Hoá, thụ tạo sẽ tan biến” (GS 36§3), nên sự tham gia vào công việc của Thiên Chúa là cách làm cho thụ tạo được tham dự vào sự hiện hữu của Thiên Chúa.

Với những Kitô hữu, những người đã chịu Phép Rửa, họ được tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô, vào sứ vụ tiên tri và vương đế của Người, họ là “giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Ngài, Đấng đã gọi họ ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1 Pr 2,9). Bí tích Rửa Tội cho họ tham dự vào chức tư tế cộng đồng của các tín hữu.[4]

III. Trách nhiệm và sự tham gia

“Ta phải trở nên thánh chung với nhau. Ta phải đến với Thiên Chúa chung với nhau, trình diện trước Thiên Chúa chung với nhau. Ta không được gặp Thiên Chúa tốt lành người này sau người kia. Thiên Chúa có thể nói tốt lành sao được nếu ta lại ra đi người này không có người kia?”.[5] Trong đời sống Giáo Hội, việc tham gia của mỗi Kitô hữu chính là sự dấn thân tự nguyện và quảng đại của chính mình vào các công việc của Giáo Hội nhằm làm vinh danh Thiên Chúa và góp phần mưu ích cho ơn cứu độ của chính mình và cho tha nhân. Sự tham gia đó được thể hiện bằng việc đảm nhận nhiệm vụ trong các phần việc thuộc trách nhiệm bắt đầu từ cá nhân, trong gia đình và tiến tới cộng động Giáo Hội, cụ thể là môi trường giáo xứ. Khi quan tâm chăm sóc gia đình mình, khi làm việc của mình một cách có lương tâm, là Kitô hữu tham gia vào công ích của tha nhân, của xã hội và Giáo Hội. Vì quyền lợi và trách nhiệm luôn đi đôi với nhau, mỗi người cần tích cực tham gia càng nhiều càng tốt vào đời sống cộng đồng, tùy theo phong tục, tập quán, văn hóa...

Là muối men và ánh sáng cho trần gian, Kitô hữu tham gia vào đời sống Giáo Hội bao hàm sự hối cải không ngừng, góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh, công bằng, quan tâm phát triển những cơ chế giúp cải thiện các điều kiện của đời sống con người, đặc biệt việc giáo dục và văn hóa.[6]

“Bổn phận của các Kitô hữu là tham gia vào đời sống Giáo Hội, thúc đẩy họ hành động như những chứng nhân của Tin Mừng và chu toàn những nghĩa vụ phát xuất từ bổn phận đó. Làm chứng là lưu truyền đức tin bằng lời nói và việc làm. Làm chứng là một hành vi của đức công bằng nhằm thiết lập chân lý hoặc làm cho chân lý được nhận biết: Mọi Kitô hữu, dù sống ở đâu, đều phải lấy gương mẫu đời sống và chứng từ lời nói để biểu lộ con người mới, mà họ đã mặc lấy qua bí tích Rửa Tội, và biểu lộ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Đấng đã củng cố họ qua bí tích Thêm Sức”.[7]

Vai trò xã hội của gia đình Kitô giáo đòi hỏi vượt xa hơn việc truyền sinh và giáo dục để dấn thân cho nhiều công cuộc phục vụ xã hội và tham gia đời sống Giáo Hội. Việc tham dự hữu hiệu vào đời sống và sứ mạng của Giáo Hội trong thế giới tùy thuộc vào đời sống cầu nguyện tại gia và nuôi dưỡng bằng phụng vụ, cách riêng là việc tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật.[8]

IV. Dân tư tế, tiên tri và vương đế

Toàn thể dân Thiên Chúa tham dự vào ba chức năng Tư tế, Tiên tri và Vương đế của Đức Kitô. Xuất phát từ ba chức năng đó, họ lãnh trách nhiệm về sứ vụ và về sự phục vụ.

Nhờ đức tin và nhờ bí tích Rửa Tội, tín hữu tham dự vào ơn gọi duy nhất của dân Thiên Chúa: ơn gọi làm tư tế. Nhờ ơn tái sinh và việc xức dầu bằng Chúa Thánh Thần, họ được thánh hiến để trở thành ngôi nhà thiêng liêng và hàng tư tế thánh. Họ tham dự vào chức năng tiên tri của Đức Kitô bằng cách luôn luôn gắn bó với đức tin và củng cố đức tin để trở thành chứng nhân cho Đức Kitô giữa trần gian này. Họ tham dự vào chức năng vương đế của Đức Kitô. Theo gương Đức Kitô là Đấng phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người (Mt 20,28), Kitô hữu thực hiện “phẩm giá vương đế” của mình khi biết phục vụ Đức Kitô nơi những người nghèo khó và đau khổ.

Mỗi Kitô hữu tham dự vào chức vụ tư tế, tiên tri và vương đế của Đức Kitô tùy theo ơn gọi, địa vị, nhiệm vụ, điều kiện và cách thế của riêng mình. Họ thực thi sứ vụ giảng dạy, thánh hóa và cai quản mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho Giáo Hội để xây dựng Thân Thể Đức Kitô trong sự bình đẳng thật sự về phẩm giá và hành động.[9]

B.  THAM GIA VIỆC PHỤNG VỤ

“Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi đền thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giêsu Kitô.” (1Pr 2,5)

Phụng vụ bao gồm các việc cử hành phụng tự thần linh, việc loan báo Tin Mừng và việc thực thi bác ái. Tất cả phụng vụ là phục vụ Thiên Chúa và phục vụ con người. Trong cử hành phụng vụ, Giáo Hội được tham dự vào việc phụng tự, loan báo Tin Mừng và phục vụ bác ái của Chúa Giêsu Kitô. Mọi cử hành phụng vụ vừa là công trình của Đức Kitô tư tế, vừa là của Thân Thể Người là Giáo Hội. Đó là hành động thánh thiêng tuyệt hảo nhất của Giáo Hội.[10]

Phụng vụ là chức tư tế của Chúa Kitô, được mặc khải và ban cho chúng ta trong Mầu nhiệm Vượt qua của Người, được làm cho hiện diện và hoạt động bằng các dấu chỉ được ngỏ với các giác quan (nước, dầu, bánh, rượu, các cử chỉ, lời nói), để Chúa Thánh Thần, khi dìm chúng ta trong mầu nhiệm Vượt Qua, có thể biến đổi mọi chiều kích của đời sống chúng ta, khiến chúng ta ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô. Phụng vụ là nguồn hiệp thông thần linh đầu tiên, trong đó Thiên Chúa chia sẻ cuộc sống của chính Người với chúng ta. Nó cũng là trường học đầu tiên của đời sống thiêng liêng. Phụng vụ là món quà đầu tiên chúng ta phải dành cho những Kitô hữu hợp nhất với chúng ta trong đức tin và lòng nhiệt thành cầu nguyện của họ. Nó cũng là một lời mời gọi hàng đầu gửi tới loài người, để giờ đây mọi người có thể cất lên giọng nói thầm lặng của họ trong lời cầu nguyện chân thật và chúc phúc, và do đó có thể cảm nghiệm được sức mạnh tái sinh khôn tả khi họ tham gia cùng chúng ta trong việc cao rao những lời ngợi khen Thiên Chúa và những hy vọng của trái tim con người qua Chúa Giêsu Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Phụng vụ là đỉnh cao mà hoạt động của Giáo Hội hướng tới, và đồng thời là nguồn suối mà từ đó mọi quyền lực của Giáo Hội tuôn chảy.

Vấn đề cơ bản là làm thế nào để phục hồi khả năng sống trọn vẹn các cử hành phụng vụ khi con người hiện đại đã mất đi khả năng tham gia với tất cả tâm trí và cảm xúc vào những hành vi mang tính biểu tượng, một đặc điểm thiết yếu của hành vi phụng vụ.[11]

I. Tham dự vào chức tư tế duy nhất của Đức Kitô

Đức Kitô, là thượng tế và trung gian duy nhất, đã làm cho Giáo Hội thành vương quốc tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người. Như vậy, toàn thể cộng đoàn các tín hữu là tư tế. Các tín hữu thực thi chức tư tế do Phép Rửa qua việc họ tham dự, mỗi người theo ơn gọi riêng của mình, vào sứ vụ của Đức Kitô là Tư tế, Tiên tri và Vương đế.

Nhờ các bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, các tín hữu được thánh hiến để trở nên một hàng tư tế thánh. Chức tư tế thừa tác hay phẩm trật của các Giám mục và linh mục và chức tư tế cộng đồng của tất cả các tín hữu, mỗi chức theo cách của mình, tham dự vào chức tư tế duy nhất của Đức Kitô; tuy khác nhau về bản chất, nhưng cả hai tuỳ thuộc lẫn nhau.

Chức tư tế cộng đồng của các tín hữu được thực hiện qua việc làm tăng trưởng ân sủng Phép Rửa, đời sống tin cậy mến, đời sống theo Chúa Thánh Thần; còn chức tư tế thừa tác là để phục vụ chức tư tế cộng đồng, giúp làm tăng trưởng ân sủng Phép Rửa của mọi Kitô hữu. Đó là một trong những phương tiện Đức Kitô không ngừng sử dụng để xây dựng và dẫn dắt Giáo Hội Người. Vì vậy mà chức tư tế thừa tác được trao ban qua một bí tích riêng, là bí tích Truyền Chức Thánh.[12]

II. Tham dự vào nhiệm vụ tư tế của Đức Kitô

1. Dấn thân trong đời sống hằng ngày

“Tôi được định mệnh cho làm một người hoặc sự gì mà không ai khác được gọi để làm, tôi có một chỗ trong chương trình của Thiên Chúa và trên trái đất của Người mà không ai khác có được” (Thánh Gioan Henry Newman). Xuất phát từ bí tích Rửa Tội, người giáo dân có ơn gọi sống dấn thân trong đời sống xã hội để làm cho Nước Thiên Chúa lớn mạnh nơi trần thế.[13]

Một khi đã được thánh hiến cho Đức Kitô và được xức dầu bằng Chúa Thánh Thần, mọi công việc của giáo dân nếu được thực hiện trong Thần Khí đều trở nên những hiến lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa, nhờ Chúa Giêsu Kitô (1Pr 2,5). Những công việc đó bao gồm: Các thừa tác vụ theo giáo luật có thể dành cho giáo dân như đọc sách, giúp lễ, chủ tọa các buổi đọc kinh phụng vụ, ban Phép Rửa và cho rước lễ; Những lời cầu nguyện và việc dấn thân làm tông đồ; đời sống hôn nhân và gia đình; việc lao động và việc thư giãn tinh thần và thể xác; những khó khăn trong cuộc sống. Khi cử hành Thánh lễ, tất cả sẽ trở thành hiến lễ cùng với lễ vật là Mình Thánh Chúa thành kính dâng lên Chúa Cha. Các giáo dân khi là người tôn thờ bằng hành động một cách thánh thiện ở khắp nơi, cũng dâng chính trần gian lên Thiên Chúa. Cách riêng các bậc cha mẹ tham dự vào nhiệm vụ thánh hóa bằng đời sống vợ chồng yêu thương nhau theo tinh thần Kitô giáo và chính trong tình yêu đó họ chăm lo cho con cái được hưởng nền giáo dục Kitô giáo.

Như vậy, nhờ chức tư tế chung của người đã lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, giáo dân cùng được tham dự chức tư tế của Chúa Kitô. Họ lo giúp những người chung quanh mình học biết Tin Mừng và yêu mến Chúa Kitô. Họ làm cho xã hội, kinh tế, chính trị, được thấm nhuần đức tin. Họ tham gia đời sống Giáo Hội bằng thi hành những công việc và chức vụ khác nhau trong giáo xứ.[14]

Việc cầu nguyện chung tại gia và việc tham dự thánh lễ chung của gia đình thật là cần thiết: “Không có những sinh hoạt gia đình thúc đẩy sự tham dự chung, tương quan giữa cha mẹ thường đầy xung đột và bạo lực, và tương quan giữa cha mẹ và con cái đầy dấu vết thù địch”… “Cần lưu ý đến tầm quan trọng của linh đạo gia đình, việc cầu nguyện và tham dự Thánh lễ Chúa nhật, khuyến khích các đôi vợ chồng nên gặp gỡ đều đặn để thúc đẩy phát triển đời sống thiêng liêng và liên đới với nhau trong những đòi hỏi cụ thể của đời sống. Phụng vụ, thực hành việc đạo đức và thánh lễ được cử hành cho các gia đình, đặc biệt là vào dịp kỉ niệm hôn nhân, đã được đề cập như là những điều rất quan trọng để thúc đẩy việc loan báo Tin mừng qua gia đình”.[15]

2. Tham gia vun trồng ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ

Ơn gọi riêng của con cái đến từ Thiên Chúa. Cha mẹ tham gia vào đời sống Giáo Hội cách trực tiếp hay sứ vụ của Đấng Cứu Thể cách gián tiếp cần đón nhận, tôn trọng và khuyến khích con cái đáp trả theo tiếng gọi đi theo Chúa Giêsu như ưu tiên lớn nhất (Mt 10,37), với tâm tình vui mừng và tạ ơn. Chính với ơn gọi đi theo Người trong sự trinh khiết vì Nước Trời, trong đời sống thánh hiến hay trong thừa tác vụ tư tế mà con người mở rộng gia đình của mình để thuộc về gia đình Thiên Chúa (Mt 12,50).[16]

Trong bối cảnh sự trân quý đối với đức khiết tịnh và số ơn gọi thiên triệu linh mục và tu sĩ đang có xu hướng suy giảm ở nhiều nơi, gia đình và mục vụ gia đình cần quan tâm đến hướng dẫn của Giáo Hội. Gia đình đóng một vai trò quyết định trong việc làm nảy nở tất cả mọi ơn gọi và trong sự phát triển của ơn gọi ấy:[17] «Nơi nào việc mục vụ gia đình khởi sắc và có hiệu quả, thật tự nhiên biết bao để người ta vui sướng đón nhận đời sống, vì vậy thật dễ dàng để tiếng nói Thiên Chúa âm vang trong đời và đáp lại cách quảng đại hơn những gì họ lắng nghe».[18] Vì căn bản của mọi ơn gọi là ơn gọi nên thánh,[19] nên việc chuẩn bị cho ơn gọi sống đời hôn nhân trong cam kết yêu thương và dấn thân cho nhau trước mặt Thiên Chúa và trong lời cầu nguyện thật quan trọng. Không có tình yêu đó làm nền tảng, mọi ơn gọi sẽ bị gãy đổ tận gốc rễ. Sự hiệp thông yêu thương đó đòi hỏi «một sự tương đồng nào đó giữa mối dây hợp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa và mối dây hợp nhất của con cái Thiên Chúa trong chân lý và tình yêu».[20] Sự hiệp thông yêu thương có đặc tính gắn kết cách trọn vẹn cả xác lẫn hồn và luôn luôn được triển nở theo thánh ý của Thiên Chúa.[21] Sự hiệp thông yêu thương như thế trong gia đình vừa là môi trường vừa là cách thức huấn luyện con cái về đức khiết tịnh, nhân đức đòi hỏi có sự gắn kết chặt chẽ giữa tính dục và tình yêu. Thật vậy, kế hoạch của Thiên Chúa bị phá vỡ khi sự kết hợp vợ chồng muốn loại bỏ chiều kích truyền sinh, loại bỏ sự tự hiến để chỉ còn thuần túy là hành vi ân ái vợ chồng.[22] “Bản chất thâm sâu nhất của tình yêu là tự hiến”.[23] Khi thiếu vắng sự tự hiến, sự dữ len lỏi vào. Nó từ chối sự sống, phá vỡ gia đình và làm thiếu hụt ơn gọi. Đó là lý do cho cuộc khủng hoảng cả trong ơn gọi sống đời hôn nhân và ơn gọi sống đời khiết tịnh«Khi người ta không có sự quý trọng đời sống hôn nhân, người ta cũng không thể nào có đời sống khiết tịnh tận hiến; khi tính dục con người không được coi là một giá trị cao quý được trao ban bởi Tạo Hóa, người ta làm mất ý nghĩa của việc từ bỏ nó vì Nước Trời».[24]

Khi con cái học được nơi cha mẹ bài học biết sống tự hiến, chúng trở nên quà tặng qua sự tự hiến trong bất cứ bậc sống nào. “Đời sống con người đạt được sự viên mãn khi chính mình trở thành quà tặng qua sự tự hiến: một quà tặng có thể diễn đạt trong đời sống hôn nhân, trong đời sống khiết tịnh thánh hiến, trong đời sống hiến thân cho đồng loại vì một lý tưởng, trong sự lựa chọn chức linh mục thừa tác. Cha mẹ sẽ thực sự phục vụ sự sống của con cái mình, nếu họ giúp chúng biến đời mình thành một quà tặng, tôn trọng sự lựa chọn chín chắn và trưởng thành của chúng cũng như vui mừng khuyến khích từng ơn gọi, cả ơn gọi linh mục và tu sĩ».[25]

Có nhiều cách cha mẹ tham gia vào đời sống Giáo Hội, tuy nhiên không có cách nào tích cực và sâu xa hơn việc cha mẹ vui mừng, tôn trọng và khuyến khích khi thấy con cái có dấu chỉ được Thiên Chúa kêu mời hướng tới ơn gọi cao hơn để sống đời khiết tịnh hoặc sống độc thân vì tình yêu Nước Trời. Họ sẽ điều chỉnh lại việc huấn luyện con cái biết hướng tới tình yêu thuộc về đức khiết tịnh như điều kiện cần thiết để bước vào chủng viện hay tu viện, để sống ơn gọi chuyên biệt này với trái tim trong suốt và tự hiến.[26] Họ giúp chúng nhận biết ý muốn của Thiên Chúa cho đoàn chiên của Người, để tâm đến những nhu cầu của Giáo Hội và sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của Chúa với lòng quảng: “Này con đây, xin hãy sai con đi” (Is 6,8).[27]

Như vậy, vai trò của cha mẹ trong gia đình thật quan trọng và cần thiết để giúp đỡ con cái với ý ngay lành có thể khám phá ra ý muốn của Thiên Chúa và có thể tìm thấy ý nghĩa ơn gọi và sự bình an trong đời sống của chính mình.[28]

III. Tham dự Thánh Lễ cách ý thức, tích cực và có kết quả

1. Tham dự vào việc ca hát

Ngoài việc biết cầu nguyện tại gia, gia đình cần biết ý thức tích cực tham gia vào việc phụng vụ thánh.[29] Hiến chế Phụng vụ đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của Thánh nhạc trong Giáo Hội Công giáo và giúp cho Thánh nhạc trở thành một phương tiện hữu hiệu giúp cộng đoàn tín hữu tham gia tích cực hơn vào việc thờ phượng Thiên Chúa.

Bài ca và âm nhạc dự phần vào mục đích của các lời nói và các hành động phụng vụ: Đó là làm vinh danh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu. Với mục đích đó, cần chú trọng đến việc học hỏi và thực tập cách nghiêm túc về âm nhạc và phụng vụ; phát huy thánh ca cộng đồng và truyền thống âm nhạc đặc thù của mỗi dân tộc để toàn thể cộng đoàn tín hữu có thể tham gia cách đạo đức và tích cực vào các hoạt động phụng vụ. Vì vậy, cần có những bài ca có cung điệu thực sự mang tính thánh nhạc, lời ca trong các bài thánh ca phải phù hợp với giáo lý Công giáo và tốt nhất là nên được rút ra từ Thánh Kinh và từ các nguồn mạch phụng vụ. Vì thánh ca đi liền với lời ca nên là phần thiết yếu của phụng vụ trọng thể.[30]

“Thánh nhạc sẽ mang tính thánh thiêng hơn nếu liên kết chặt chẽ với hoạt động phụng vụ, hoặc để diễn đạt lời cầu nguyện cách dịu dàng hơn hay để cổ vũ sự đồng tâm, hoặc để tăng thêm tính cách long trọng cho các nghi lễ.”[31] Âm nhạc mang tính thánh thiện, phù hợp với văn hóa địa phương và não trạng thời hiện tại, nhằm làm cho nghi thức hoặc hành vi phụng vụ thêm sáng tỏ, giúp chiều kích thiêng liêng trong việc cầu nguyện của cộng đoàn thêm sốt sắng, thánh thiện, hiệp nhất, trang trọng và nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa.[32]

Theo cha Chupungco, O.S.B.,[33] làm cho cộng đoàn hát phụng vụ Thánh Lễ là một thành tựu vĩ đại của cải cách Công đồng Vaticanô II. Âm nhạc phụng vụ có nghĩa là hát bản văn được chỉ định vào một thời điểm được chỉ định. Một trong những mục đích của âm nhạc phụng vụ là để phát triển một phụng vụ âm nhạc nơi mà hành động phụng vụ được thực hiện bằng bài hát, không chỉ được kết hợp với âm nhạc. Âm nhạc thánh thiêng (De Musica Sacra) là ‘thánh’ đến mức độ nó được soạn thảo cho việc cử hành phụng thờ thần linh và có được tính toàn vẹn của thể loại (Musicam Sacram, số 4). Cần phân biệt âm nhạc trong phụng vụ và âm nhạc về phụng vụ; hát trong Thánh Lễ và hát Thánh Lễ. Âm nhạc phụng vụ là âm nhạc mà lời và bản văn của nó đều đến trực tiếp từ trật tự phụng vụ hay được chấp thuận cho việc sử dụng phụng vụ. “Âm nhạc phụng vụ như một loại âm nhạc kết hợp chính mình với hành động phụng vụ, giúp tỏ lộ tầm quan trọng trọn vẹn của nghi lễ, và ngược lại, nó thu được ý nghĩa trọn vẹn từ phụng vụ”.[34]

Gélineau viết: “Điều đặc biệt đáng mơ ước là tại các quốc gia truyền giáo, các sáng tác bản địa nên được cổ võ hơn là các giai điệu du nhập của các thánh thi Âu châu, bởi chúng có thể thích hợp với cách biểu diễn âm nhạc của quốc gia mình và tính thơ ca thuộc về chính ngôn ngữ có liên quan”. Ngay từ đầu Giáo Hội nhấn mạnh đến tính ưu việt của bản văn trên âm nhạc, âm nhạc phải phục vụ cho mục đích của các nghi lễ và kinh nguyện trong phụng tự Kitô giáo. Âm nhạc có một vai trò phụ thuộc trong việc thực hiện nghi lễ phụng vụ. Tuy nhiên, âm nhạc là một phần không thể thiếu của phụng vụ trang trọng, như Hiến chế Phụng vụ số 112 khẳng định.

“Thật không có gì tưng bừng và vui vẻ hơn trong một buổi cử hành phụng vụ, mà toàn thể cộng đoàn biểu lộ đức tin và lòng đạo đức của mình ra bằng lời ca tiếng hát”.[35]

“Cố gắng để có những bài ca đồng xướng cho toàn thể tín hữu. Sự hợp nhất tiếng ca là biểu hiện sống động của đức ái”.[36]

“Phải có sự quân bình giữa các bài hát cộng đồng về những bài hát dành cho ca đoàn. Vì bản chất việc cử hành Thánh Lễ là cộng đồng nên ca nhạc không được cản trở sự tham dự linh động của cộng đoàn”.[37]

2. Tham gia vào sự thinh lặng thánh[38]

“Sự tồn tại của một xã hội tùy thuộc vào sự trầm lắng riêng tư bất khả xâm phạm của các thành viên trong đó”.[39] Theo Đức Bênêđictô XVI, ngoài việc tung hô và ca hát, chiều sâu về tinh thần phụng vụ đòi hỏi nhận thức cách rõ ràng rằng thinh lặng là một phần của phụng vụ.

Bằng cách ca hát và cầu nguyện, chúng ta đáp lại Thiên Chúa, Đấng đang nói với chúng ta. Nhưng mầu nhiệm càng cao cả, càng vượt trên mọi từ ngữ, càng mời gọi chúng ta thinh lặng. Nội dung của sự thinh lặng ở đây là thời gian ngừng lại để hồi tâm, để có sự bình an nội tại, để lấy hơi và tái khám phá điều cần thiết duy nhất mà chúng ta đã quên. Thinh lặng để cảm nhận được sự hiện diện chứ không phải sự gặp gỡ của hữu thể ngay trong hiện tại của phụng vụ. Vượt lên trên việc dừng một hành động phụng vụ, thinh lặng phải là phần tích hợp vào trong biến cố phụng vụ.

Sự thinh lặng sau khi Rước lễ thì phù hợp cách thiêng liêng và hữu ích hơn thinh lặng sau bài giảng. Đây là giây phút cho cuộc đối thoại hay cầu nguyện nội tâm giữa tín hữu với Chúa, Đấng ban chính mình cho chúng ta, vì sự “hiệp thông” chính yếu này mà đi vào tiến trình hiệp thông. Không có hiệp thông, việc lãnh nhận Bí tích bên ngoài chỉ là nghi thức và vì thế, không sinh hiệu quả. Thinh lặng Dâng Lễ vật có ý nghĩa tốt và đem lại hiệu quả, nếu chúng ta thấy đây chủ yếu là một tiến trình nội tại, chúng ta chia sẻ hành động tự dâng hiến của Đức Giêsu Kitô cho Chúa Cha để được biến đổi, để ra khỏi đời sống thường ngày để đến với Thiên Chúa, hướng tới sự tháp nhập thời gian của chúng ta với thời gian của Người. Sự thinh lặng lúc Truyền phép khi nâng cao bánh và rượu đã được thánh hiến là lời mời gọi hướng nhìn về Đức Kitô, nhìn lên Người từ bên trong, trong cái nhìn này nói lên lòng biết ơn, tôn thờ và cầu xin cho sự biến đổi của riêng chúng ta. Trong một lúc, thế giới thinh lặng, mọi sự đều thinh lặng, và trong sự thinh lặng ấy, chúng ta chạm tới vĩnh cửu, vì từng nhịp đập trong trái tim, chúng ta bước ra khỏi thời gian đi vào trong Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Sự thinh lặng là một phần của hành vi phụng vụ. Những lời cầu nguyện thinh lặng của linh mục, liên quan đến nhiệm vụ chủ sự một cuộc gặp gỡ cá vị với Thiên Chúa hằng sống và như một con người đang trên đường đến với Thiên Chúa. Sự thinh lặng trong lời nguyện Thánh Thể là cần thiết, để không đánh mất Lời Chúa.[40]

Quá hiển nhiên, càng tăng thêm chữ nghĩa cũng chẳng giúp ích được gì. Một cách đặc biệt, sự thinh lặng có thể làm thành sự hiệp thông trước Thiên Chúa. Giáo dục phụng vụ phải nhắm tới việc giúp cho tín hữu làm quen với ý nghĩa chính yếu và đường hướng nền tảng của Lễ Quy. [41]

Tông thư Desiderio Desideravi nói về sự thinh lặng với nội dung như sau: Trong số các hành vi nghi lễ thuộc về toàn thể cộng đoàn, sự thinh lặng chiếm một vị trí quan trọng tuyệt đối. Sự thinh lặng trong phụng vụ là một điều vĩ đại vì nó là biểu tượng của sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng làm sinh động toàn bộ hoạt động cử hành. Vì lý do này, sự thinh lặng tạo thành một điểm đến trong trình tự phụng vụ. Chính vì nó là biểu tượng của Chúa Thánh Thần, nên nó có sức mạnh nói lên hành động nhiều mặt của Ngài: việc thống hối vì tội lỗi, ước muốn được hoán cải, sẵn sàng nghe Lời Chúa và cầu nguyện, chuẩn bị tôn thờ Mình và Máu Chúa Kitô, gợi nhắc sống tình thân mật hiệp thông[42]

Theo cha Chupungco, mầu nhiệm bao la của thập giá hoàn toàn tự động lôi cuốn các tín hữu đến sự thinh lặng nguyện cầu trong chiêm niệm. Ở đây thinh lặng thế chỗ cho tính nghi thức của phụng vụ. Sự thinh lặng được đề cao vì tạo cơ hội để tận hưởng trong sâu thẳm con tim sự hiện diện của Thiên Chúa qua việc cử hành. Thinh lặng là một yếu tố thể hiện sự tham dự tích cực sau những lời tung hô hay đối đáp (HCPV 30). Thinh lặng là một hình thức hoạt động phụng vụ khi tâm trí và con tim suy nghĩ về những mầu nhiệm cao vời. Thinh lặng là ngôn ngữ của cầu nguyện chiêm niệm. Đó là thái độ của một người tôn sùng, kính cẩn ngước mắt nhìn lên Đức Kitô, Đấng Toàn Năng, trong kinh nguyện của Giáo Hội Rôma, hay với sự hiền dịu nơi Hài Nhi trong vòng tay của Mẹ. Thinh lặng là lời đáp trả đúng đắn duy nhất cho những lời mầu nhiệm của Đức Kitô “Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì anh em.” Kính sợ khiến ta biết thinh lặng và biết vào phòng riêng âm thầm cầu nguyện cùng Chúa Cha.[43]

Âm nhạc phát sinh từ thinh lặng và rồi trở về thinh lặng. Thiên Chúa được biểu lộ vừa trong vẻ đẹp của âm nhạc vừa trong sức mạnh của thinh lặng. Phụng vụ thánh là sự hòa điệu nhịp nhàng giữa các bản văn, những hành động, những bài ca và thinh lặng. Thinh lặng trong phụng vụ cho phép cộng đoàn suy tư về những gì họ được nghe và cảm nghiệm, và mở lòng ra trước mầu nhiệm được cử hành. Các tác viên và những người phụ trách âm nhạc nên chăm lo cho các nghi lễ được tỏ hiện bằng cách để âm thanh và thinh lặng lên xuống đúng lúc. Thinh lặng trong phụng vụ có tầm quan trọng đặc biệt. Cũng cần thông báo và giải thích cho cộng đoàn phụng vụ biết ý nghĩa và những lúc thinh lặng thánh.

Theo hướng dẫn của Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma năm 2002:[44] “Thinh lặng thánh là một thành phần của việc cử hành; vì thế phải được giữ vào đúng lúc của nó. Tính chất của sự thinh lặng tùy thuộc vào lúc phải giữ trong mỗi cử hành. Nhờ sự thinh lặng và các bài hát, cộng đoàn làm cho lời Chúa thành của mình” (Số 45, 55). Diễn tiến của sự thinh lặng diễn ra vào những lúc như sau:

a. Ngay trước khi cử hành Thánh Lễ

Rất nên giữ thinh lặng trong nhà thờ, trong phòng thánh và trong những nơi gần cận, để mọi người dọn lòng cử hành các mầu nhiệm thánh cách sốt sắng và đúng phép (số 45).

b. Sau lời mời mọi người thống hối

Linh mục và cộng đoàn thinh lặng trong giây lát để hồi tâm lại (số 45, 51).

c. Sau lời mời cho Lời nguyện nhập lễ

Mọi người cùng linh mục thinh lặng trong giây lát để ý thức mình đang ở trước thánh nhan Thiên Chúa và có thể nói lên trong lòng những nguyện ước của mình (số 54, 127).

d. Phụng vụ lời Chúa

Trong phụng vụ lời Chúa, nên có những lúc thinh lặng ngắn, phù hợp với cộng đoàn đang hiện diện, nhờ đó, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, lời Chúa thấm nhập lòng người và chuẩn bị họ đáp lại bằng lời cầu nguyện. Tùy nghi và tùy hoàn cảnh, có thể giữ thinh lặng một lát sau bài đọc thứ nhất và thứ hai, cũng như sau bài giảng, để mọi người suy gẫm những lời đã nghe. (số 56, 66, 128, 130, 136).

e. Lời nguyện chung

Ngoài những câu đáp, cộng đoàn có thể cầu nguyện trong thinh lặng (số 71).

f. Kinh nguyện Thánh Thể

Kinh nguyện Thánh Thể đòi mọi người cung kính và liên kết với linh mục trong đức tin và trong thinh lặng lắng nghe. (Số 78, 147)

g. Hiệp lễ

Thinh lặng thánh sau khi rước lễ để ca ngợi và cầu xin Thiên Chúa trong lòng (số 45). Lúc linh mục chuẩn bị rước Mình và Máu Thánh thì tín hữu cũng thinh lặng cầu nguyện để chuẩn bị (số 84). Sau khi cho rước lễ, linh mục và cộng đoàn tùy nghi ngồi thinh lặng cầu nguyện ít phút (số 43, 88, 164).

Tráng chén xong, linh mục phải giữ thinh lặng một chút, rồi đọc Lời nguyện Hiệp lễ (số 271).

h. Sau lời mời cho Lời nguyện Hiệp lễ.

Sau lời mời cầu nguyện cho Lời nguyện Hiệp lễ, có thể giữ thinh lặng trong giây lát nếu chưa giữ thinh lặng ngay sau khi rước lễ. (số 165)

Như vậy, sự thinh lặng tạo chiều sâu cho lời ca tiếng hát. Theo Đức hồng y Robert Sarah, thinh lặng là điều quan trọng hơn tất cả mọi công trình khác của nhân loại vì nó diễn tả Thiên Chúa, nó giúp ta khám phá ra Ngài, nó là điều cần để gặp được Ngài. Không có thinh lặng, Thiên Chúa mất hút trong sự ồn ào, con người xa rời Thiên Chúa. Trong thinh lặng, chúng ta phát xuất từ Thiên Chúa và chúng ta trở về với Thiên Chúa. Thánh Gioan Thánh Giá nói thật tuyệt vời: “Ngôn ngữ mà Thiên Chúa thích nghe nhất là ngôn ngữ của tình yêu lặng thầm”. Vì vậy, tiếng ca và điệu nhạc làm vui thỏa lòng Thiên Chúa là chính tình yêu lặng thầm và đón nhận. Thinh lặng là điều kiện của tình yêu và nó dẫn đến tình yêu. Trong phụng vụ, thinh lặng với niềm vui vừa bày tỏ lòng tôn kính thánh thiêng và tình yêu dành cho Thiên Chúa, vừa loan báo và biểu lộ sự hiện diện tôn kính của Thiên Chúa.[45]

IV. Tham dự vào sự đau khổ cứu độ của Đức Kitô

“Không đau khổ nào mà không mang một ý nghĩa. Đau khổ luôn luôn có nền móng nơi sự khôn ngoan của Thiên Chúa.[46]

“Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em” (Cl 1,24). Khi tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô, Kitô hữu phải đón nhận giá trị cứu độ của đau khổ trong việc đem lại lợi ích cho Giáo Hội. Giá trị cứu độ của đau khổ chỉ có được nhờ sự kết hiệp với Đức Kitô chịu đóng đinh trên Thập Giá, Đấng đã chịu hiến tế để khai sinh ra Giáo Hội và trở thành trung gian và nguồn mọi ơn lành cần thiết để đem ơn cứu độ cho trần gian. Những anh chị em đang chịu đau khổ khi tham gia vào sự đau khổ của Chúa Kitô như thân thể hiệp thông với Đầu[47], họ đang trợ giúp và hậu thuẫn cho các vị chủ chăn trong Giáo Hội; họ chia sẻ cho tha nhân kho tàng ơn cứu độ. Họ cho Giáo Hội một kinh nghiệm mang tính nghịch lý kỳ lạ: Nguồn sức mạnh thần linh thật sự tuôn trào từ nỗi yếu hèn của con người.

“Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoại trừ thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhờ thập giá đó, thế gian đã chết đối với tôi, và tôi cũng đã chết đối với thế gian” (Gl 6, 14). Ơn cứu độ được thực hiện nơi Thập Giá Đức Kitô là hiện thân của đau khổ, và cũng chính tại đó mà sự đau khổ của nhân loại được cứu chuộc. Nơi Thập Giá Đức Kitô, Đấng Cứu Thế đã chịu đau khổ thay cho con người và vì con người. Người đã hoàn thành ơn cứu độ cách trọn vẹn nhưng Người tiếp tục mở ra để con người được tham dự vào ơn cứu độ đó. Stat Crux, dum volvitur – Chỉ Thập giá mới vững vàng, và thế giới xoay quanh Thập giá.[48] Khi con người tham dự vào công trình cứu độ, họ cũng được mời gọi tham dự vào sự đau khổ của Chúa Kitô và nhờ đó công cuộc cứu độ được hoàn tất ngay trong đau khổ của mỗi người. Chỉ với Đức Kitô mà đau khổ có một giá trị cứu độ. Giá trị đó ẩn chứa trong chính ánh sáng Phục Sinh của Chúa Kitô, Đấng đang sống: “Tôi chịu đóng đinh vào thập giá cùng với Đức Kitô. Thế nên tôi có sống thì không còn phải là tôi sống, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp con người của tôi trong niềm tin vào Con Thiên Chúa là Đấng đã yêu mến tôi và thí mạng vì tôi” (Gl 2,19-20).

“Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng phấn khởi” (1P 4, 13). Sự tham dự vào thập giá Chúa Kitô đem lại nguồn hy vọng tràn đầy nhờ sức mạnh của Đấng Phục Sinh ban tặng là Thánh Thần (Rm 5,3-5): “Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi có thể chịu được hết” (Pl 4,13). Chính sức mạnh này giúp Kitô hữu biến đau khổ thành niềm vui và mang một niềm hy vọng tràn trề: “Ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Chúa” (Cv 14, 22; 2Tx 1,4-5). Như vậy, Giáo Hội đem ơn cứu độ đến cho nhân loại từ nguồn mạch vô tận là sự đau khổ cứu độ của Đức Kitô và ơn cứu độ đó luôn luôn được bổ túc nhờ đau khổ của con người.[49] “Thiên Chúa không đến để làm cho hết đau khổ. Người cũng không đến để giải nghĩa về đau khổ, Người đến để lấp đầy đau khổ bằng sự có mặt của Người.”[50]

C. THAM GIA VIỆC HUẤN GIÁO

Trong gia đình, con cái học biết yêu thương bằng cách yêu thương không vụ lợi; chúng học biết tôn kính mọi người khác bằng cách tôn trọng họ; chúng học biết Thiên Chúa bằng cách chúng nhận thấy được ngay từ lúc đầu tình cha và tình mẹ chăm sóc chúng.[51]

I. Giáo dân tham gia vào nhiệm vụ tiên tri của Đức Kitô

Đức Kitô chu toàn nhiệm vụ tiên tri của Người nhờ Phẩm trật và nhờ các giáo dân. Giáo dân là những kẻ Người đã đặt làm chứng nhân và ban cho họ cảm thức đức tin và ơn ngôn ngữ. Dạy dỗ để dẫn đến đức tin là nhiệm vụ của bất cứ vị giảng thuyết nào, và cũng là của bất cứ tín hữu nào. Trong đời sống thường ngày và đời sống tông đồ, các giáo dân chu toàn sứ vụ tiên tri của mình bằng việc phúc âm hóa, việc loan báo Đức Kitô bằng chứng từ đời sống và bằng lời nói theo sắc thái đặc thù và một hiệu quả đặc biệt. Với những Kitô hữu giáo dân có khả năng và đã được huấn luyện, họ góp phần mình vào việc dạy giáo lý, vào việc giảng dạy các khoa học thánh, vào các phương tiện truyền thông xã hội, vào những ý kiến xây dựng Giáo Hội.[52] “Cũng như một cây nến được thắp sáng nhờ lửa của cây nến khác, thì đức tin cũng được thắp sáng nhờ đức tin.”[53]

II. Gia đình tham gia vào việc huấn giáo

“Hai điều con cái nên được cha mẹ truyền thụ: đôi cánh để bay xa và cội nguồn để nhớ về.”[54] Ngay từ tuổi ấu thơ, cha mẹ có bổn phận giáo dục đức tin cho con cái. Cha mẹ giúp con cái lớn lên trong đức tin qua chính đời sống Kitô hữu theo Tin Mừng như ưu tiên hàng đầu. Cha mẹ có sứ vụ dạy con cái cầu nguyện và khám phá ra ơn gọi làm con Thiên Chúa. Việc dạy giáo lý cho thiếu nhi, thiếu niên và người trưởng thành đều hướng tới việc suy gẫm Lời Chúa trong kinh nguyện cá nhân, được hiện tại hóa trong kinh nguyện phụng vụ, và được nội tâm hóa trong mọi lúc, để sinh hoa kết quả trong một đời sống mới.

Việc dạy giáo lý cũng là lúc để có thể phân định và giáo dục lòng đạo đức bình dân. Việc học thuộc lòng các kinh căn bản rất cần cho đời sống cầu nguyện; nhưng điều quan trọng là phải giúp người ta cảm nhận được ý nghĩa của những kinh nguyện này.[55]

Thực tại xã hội phức tạp và những thách đố mà ngày nay các gia đình đang phải đối diện đòi hỏi toàn thể cộng đoàn Kitô hữu dấn thân hơn nữa trong việc chuẩn bị cho các đôi bạn sắp kết hôn. Cần nhớ tầm quan trọng của các nhân đức. Trong số đó đức khiết tịnh là điều kiện quý báu cho sự tăng trưởng đích thật của tình yêu liên vị. Về sự cần thiết này, các Nghị phụ Thượng Hội đồng đã đồng ý nhấn mạnh đến đòi hỏi phải có sự tham gia nhiều hơn của cả cộng đoàn, đặc biệt là đời sống chứng tá của chính các gia đình, cũng như có một nền tảng chuẩn bị hôn nhân trong hành trình khai tâm Kitô giáo, bằng việc nhấn mạnh đến mối quan hệ hôn nhân với Bí tích Rửa tội và các bí tích khác. Đồng thời cũng rõ ràng là cần phải có các chương trình đặc biệt để chuẩn bị gần cho việc kết hôn, đây thật là một kinh nghiệm thật sự tham dự vào đời sống của Giáo Hội và để đôi bạn có cơ hội đào sâu hơn những khía cạnh khác nhau của đời sống gia đình.[56]

Với các gia đình Kitô Giáo, giáo xứ là cộng đồng Thánh Thể. Đó vừa là trung tâm đời sống phụng vụ, vừa là trung tâm huấn giáo tốt nhất cho cha mẹ và con cái.

III. Tầm quan trọng của gia đình

Trách nhiệm riêng của các bậc cha mẹ trong việc giáo dục Kitô giáo cho con cái của họ, trong tư cách những người đã được rửa tội, họ được mời gọi cộng tác vào việc dạy giáo lý. Sự hiện diện của họ ngày càng khẩn thiết vì có sự tiến triển trong nhận thức về nhu cầu phúc âm hóa trong thế giới đương thời và sự trỗi dậy của nền văn hóa mang tính toàn cầu hóa.[57]

Gia đình là chủ thể tích cực của việc loan báo Tin Mừng vì trước khi Tin Mừng được loan báo, gia đình nơi tự nhiên để hạt giống đức tin được ươm mầm, nảy nở và trổ sinh hoa trái. Thực tế trong đời sống gia đình là môi trường giáo dục Kitô giáo được thấm nhuần bởi chứng tá hơn là lời dạy bảo, dưới hình thức khiêm tốn và sống động xuất phát từ lòng trìu mến. Khi cơn bão của xã hội hậu hiện đại đang càn quét ngang qua những mái nhà, nó cuỗm mất ý nghĩa siêu việt của gia đình. Trong bối cảnh đó, qua tài liệu Tân Chỉ Nam Huấn Giáo của Hội Đồng Giáo Hoàng về Thăng Tiến việc Tân Phúc Âm Hóa đã kêu gọi đồng hành đức tin với sự gần gũi, lắng nghe và thấu hiểu, quan tâm, tôn trọng và ân cần, để khôi phục niềm tin và hy vọng cho tất cả và giúp vượt qua sự cô độc và phân biệt đối xử.

Chính đời sống của cha mẹ như các môn đệ của Đức Kitô là một hình thức rao giảng Tin Mừng. Khi sống trong những môi trường cụ thể, cha mẹ và cách đặc biệt là người mẹ trong thiên chức của người nữ làm chứng cho Tin Mừng, giải thích các thực tại của đời sống theo Kitô giáo, nói về Đức Kitô và những giá trị theo Kitô giáo một cách sống động. Cách dạy giáo lý bằng chính cuộc sống này là điều rất quan trọng vì nó kết nối cách trực tiếp với chứng từ đời sống của họ. Một cách cụ thể hơn, chính cha mẹ có thể tham gia thừa tác vụ giáo lý viên để phục vụ trong cộng đồng Kitô hữu cách hữu hiệu hơn. Đây luôn luôn là một việc phục vụ có giá trị và một sự cộng tác đáng giá bởi chính đức tin và gương sáng trong đời sống thường nhật của cha mẹ. Tự nó có khả năng hữu hiệu nhất trong việc thông truyền vẻ đẹp của đức tin Kitô giáo cho con cái ngay trong gia đình, điều mà không một ai khác có thể làm thay cha mẹ.

Bên cạnh cha mẹ còn là các bậc cha mẹ đỡ đầu,[58] những người hỗ trợ quý phụ huynh trong việc giáo dục đức tin qua chính gương sáng và lời chỉ bảo nhằm giúp bản thân họ và con cái đỡ đầu tái khám phá ra hồng ân đức tin và hồng ân thuộc về Giáo Hội. Lúc ấy, đức tin khi rửa tội của họ được đánh thức và canh tân để cùng bắt đầu một cuộc hành trình dấn thân và làm nhân chứng đức tin cho Giáo Hội.

Ông bà nội ngoại cũng gánh vác một vai trò đặc biệt trong việc truyền thụ đức tin và là nhân chứng đức tin cho những người cháu bé bỏng của mình (2Tm 1,5). Với đức tin và kinh nghiệm quý báu của mình, họ trở nên kho tàng và điểm tham chiếu vững chắc và quan trọng cho con cháu. Ông bà khai mở đời sống Kitô hữu cho cháu chắt qua việc dạy kinh bổn và việc dành nhiều thời giờ khích lệ sống đức tin bằng chính tình yêu thương chân thành của họ. Hơn nữa, chính những lời cầu nguyện của họ cũng nâng đỡ đời sống đức tin cho con cháu: “Nhiều người trong chúng ta đã học được nơi ông bà cha mẹ về năng lực của các cử chỉ phụng vụ, như dấu thánh giá, quỳ gối, các điều chúng ta phải tin. Có lẽ bây giờ chúng ta không còn nhớ đã học như thế nào, nhưng chúng ta có thể dễ dàng hình dung ra cử chỉ của một bàn tay lớn nắm lấy bàn tay nhỏ bé của một đứa trẻ và chậm rãi vẽ trên người đứa bé dấu hiệu của ơn cứu rỗi lần đầu tiên. Những lời đi kèm với động tác cũng được đọc lên cách chậm rãi, như muốn nắm giữ từng khoảnh khắc của cử chỉ, như muốn chiếm hữu toàn thể thân xác: “Nhân danh Cha… và Con… và Thánh Thần. … Amen”. Và sau đó buông tay đứa trẻ, nhìn nó một mình lặp lại động tác ấy, sẵn sàng giúp đỡ nó nếu cần. Động tác này giờ đây lại được thực hiện, như chiếc áo cùng lớn lên với đứa bé, mặc cho nó một ý nghĩa mà chỉ có Chúa Thánh Thần mới biết. Từ lúc đó, cử chỉ này và năng lực biểu tượng của nó, đã là của chúng ta, đã thuộc về chúng ta, hay nói đúng hơn, chúng ta thuộc về nó. Cử chỉ ấy hình thành chúng ta. Chúng ta được đào tạo bởi động tác đó”.[59]

Ngoài việc phục vụ Lời Chúa trong phụng vụ và việc bác ái, các phó tế giúp đỡ các tín hữu Kitô giáo qua việc dạy giáo lý cho các tín hữu trong một vài lãnh vực, nhất là đời sống bác ái và gia đình. Các phó tế vĩnh viễn sống trong bậc hôn nhân được mời gọi cách đặc biệt vì cách sống đặc thù của họ thành những nhân chứng đáng tin cậy của bí tích Hôn Phối. Với sự giúp đỡ của các bà vợ và con cháu, các phó tế vĩnh viễn có thể tham gia vào việc dạy giáo lý cho các gia đình, và đồng hành trong tất cả những trường hợp cần sự chú ý và nhạy cảm đặc biệt.[60]

IV. Gia đình chông chênh tham gia vào việc huấn giáo

Đối với những người ly dị đang sống một kết hợp mới, điều quan trọng là làm cho họ cảm thấy rằng họ vẫn là thành phần của Giáo Hội và là thành phần làm nên sự hiệp thông Giáo Hội. Họ cần được khuyến khích tham gia vào đời sống của cộng đoàn.[61] Khi họ vẫn giữ đức tin và ao ước giáo dục con cái họ theo Kitô giáo, họ cần các tư tế và toàn thể cộng đoàn tỏ ra ân cần quan tâm như là thành phần của Giáo Hội. Họ có thể và phải tham gia vào đời sống của Giáo Hội với tư cách là những người đã được rửa tội. Họ được khuyến khích nghe Lời Chúa, tham dự Hy tế Thánh lễ, kiên trì cầu nguyện, góp phần vào các việc bác ái và các việc phục vụ đức công bằng của cộng đoàn, dấn thân trong các công tác xã hội, giáo dục con cái trong đức tin Kitô giáo, sống tinh thần thống hối và làm các việc đền tội, để như vậy, hằng ngày họ nài xin Thiên Chúa ban ân sủng.

Khi khuyến khích họ tham gia vào đời sống của cộng đoàn, đời sống đức tin của họ được củng cố và chính cộng đoàn sống đức ái lại làm chứng cho sự bất khả phân ly của hôn nhân. Các mục tử giúp họ tránh mọi dịp gây gương xấu và giúp họ cảm thấy Giáo Hội như một người Mẹ luôn đón nhận, ân cần trìu mến chăm sóc họ và khích lệ họ trên hành trình cuộc sống và Tin mừng.[62]

“Những người ly dị tái kết hôn, mặc dầu trong tình trạng như vậy họ vẫn thuộc về Hội thánh, Hội thánh vẫn chăm chú theo họ cách đặc biệt, và ước mong họ cố gắng phát triển một lối sống Kitô hữu bằng cách vẫn tham dự Thánh lễ, nhưng không rước lễ; bằng cách nghe Lời Chúa, thờ lạy Chúa trong bí tích Thánh Thể và cầu nguyện; bằng việc tham gia vào đời sống cộng đoàn; bằng việc đối thoại không ngần ngại với một linh mục hay một người hướng dẫn thiêng liêng, bằng việc tận tụy bác ái cụ thể và làm việc  đền tội, bằng  việc dấn thân để giáo dục con cái họ.”[63]

D.  THAM GIA VIỆC QUẢN TRỊ

I. Tham gia vào nhiệm vụ vương đế của Đức Kitô

Nhờ việc Đức Kitô vâng phục cho đến chết đã truyền thông cho các môn đệ của Người hồng ân là sự tự do vương đế. Với hồng ân là sự tự do vương đế, bằng sự từ bỏ mình, bằng đời sống thánh thiện, bằng việc chế ngự được thân xác mình và làm chủ bản thân, người môn đệ có thể chiến thắng vương quốc của tội lỗi nơi chính bản thân họ. Họ mang nơi mình quyền năng vương đế, người đó được gọi là vua. Không chỉ nơi bản thân mình, người giáo dân cũng phải hợp sức làm cho các cơ chế xã hội và hoàn cảnh tội lỗi trở nên lành mạnh phù hợp với các nhân đức, nhất là đức ái và đức công bằng. Trong Giáo Hội, tùy theo khả năng, theo lương tâm và theo quy tắc luật định, mỗi người được kêu gọi để cộng tác với các Mục tử trong việc phục vụ cộng đoàn, làm cho cộng đoàn đó được tăng trưởng và phong phú. Như vậy, mỗi giáo dân do hồng ân có được sẽ là chứng nhân và là dụng cụ sống động của chính sứ vụ của Giáo Hội.

Sứ vụ vương đế của giáo dân hệ tại ở việc bản thân nỗ lực sống từ bỏ mình và sống thánh thiện, nỗ lực nhổ tận gốc quyền thống trị của tội lỗi trong chính bản thân mình và trong môi trường mình đang sống.[64]

“Kitô hữu hàng ngày phải đương đầu với cuộc chiến đấu mà Chúa Giêsu đã phải chịu đựng ở sa mạc Giuđêa suốt bốn mươi ngày do chính Satan gây ra. Đây là cuộc chiến đấu thiêng liêng chống lại tội lỗi, mà cuối cùng là chống lại Satan. Đó là một cuộc chiến đấu buộc toàn diện con người phải tham gia và đòi hỏi luôn phải tỉnh thức và kiên trì.”[65]

II. Dấn thân phục vụ cộng đoàn giáo xứ

“Tín hữu tham gia vào việc cử hành phụng vụ không chỉ bằng cách là thành viên chủ động của cộng đoàn, nhưng còn bằng việc thực hiện các nhu cầu của cộng đoàn”.[66] Cộng đoàn giáo xứ hình thành đặc biệt từ các tín hữu giáo dân. Họ tham gia vào các hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, nỗ lực biến đổi các thực tại trần thế để sao cho mọi hoạt động nhân loại được Phúc-âm-hóa. Với nét riêng biệt và đặc thù của mình, họ tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng cách dấn thân vào các thực tại trần thế và xếp đặt chúng theo ý định Thiên Chúa, họ được mời gọi cộng tác với các mục tử để phục vụ cộng đoàn Giáo Hội, vì sự phát triển và đời sống của cộng đoàn, qua việc thực hiện những thừa tác vụ khác nhau tùy theo ơn riêng hay đặc sủng Chúa ban cho họ. Người giáo dân ngày nay được mời gọi quảng đại dấn thân phục vụ cho sứ vụ loan báo Tin Mừng, trước hết bằng việc làm chứng tá cách chung trong đời sống thường nhật phù hợp với Tin Mừng, trong mọi môi trường họ sống và trên mọi cấp độ trách nhiệm khác nhau; và sau đó cách đặc biệt, họ dấn thân phục vụ cộng đoàn giáo xứ. [67]

“Tôi được mời gọi để làm hoặc để là cái mà không ai khác được mời gọi. Trên trái đất của Chúa, tôi có một chỗ trong chương trình của Chúa mà không ai có như vậy. Dù tôi giàu hay nghèo, bị khinh dể hay được trọng vọng bởi người đời, Chúa biết tôi và gọi tôi bằng chính tên tôi.”[68]

1. Tham gia Hội đồng Mục vụ Giáo xứ

“Các Hội đồng Mục vụ thật là cần thiết! Một Giám mục không thể điều hành giáo phận mà không có các Hội đồng Mục vụ. Một linh mục chính xứ cũng không thể nào điều hành được nếu không có Hội đồng Mục vụ”.[69]

Hội đồng Mục vụ trong thực tại cấu thành Giáo Hội là “Thân Mình Đức Kitô” vốn sinh ra “linh đạo hiệp thông”. Thật vậy, trong cộng đoàn Kitô hữu, sự đa dạng của các đặc sủng và thừa tác vụ phát xuất từ việc tháp nhập vào Đức Kitô và từ ơn huệ của Chúa Thánh Thần sẽ không bao giờ hòa hợp với nhau nếu họ không trở nên đồng điệu, cảm thấy phải chung tay thực hiện mọi sự và bình đẳng với nhau, luôn có cùng suy nghĩ theo cùng một cách thức. Trái lại, nhờ chức tư tế do Bí tích Thánh Tẩy, mỗi tín hữu được tạo nên là để xây dựng toàn thể Thân Mình Đức Kitô, và đồng thời xây dựng Dân Thiên Chúa, trong tinh thần đồng trách nhiệm giữa các thành viên với nhau, tham dự vào sứ mạng của Giáo Hội, nghĩa là phân định các dấu chỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa trong lịch sử, đồng thời trở nên nhân chứng cho Vương Quốc của Ngài.

Hội đồng Mục vụ phải làm cho Dân Thiên Chúa nổi bật ở vị trí trung tâm và giúp thể hiện điều đó. Dân Chúa là chủ thể và là những người giữ vai trò tích cực trong sứ vụ Loan báo Tin Mừng, tích cực tham gia vào sứ mạng của Giáo Hội trong thế giới, bởi từng tín hữu thành viên đã đón nhận ơn của Chúa Thánh Thần trong Bí tích Thánh Tẩy và Bí tích Thêm Sức. Cũng như cả cuộc đời của Chúa Giêsu được Thần Khí thúc đẩy, cũng thế đời sống của Giáo Hội và của mỗi chi thể trong Giáo Hội cũng được chính Thần Khí ấy hướng dẫn.

Hội đồng Mục vụ là một tổ chức tư vấn, tuân theo những quy tắc được Giám mục giáo phận đưa ra, xác định tiêu chuẩn thành lập, các phương pháp bầu cử thành viên, mục tiêu và phương thức hoạt động. Về mặt luật lệ liên quan của giáo phận, điều cần thiết là Hội đồng Mục vụ phải gồm những người thực sự đại diện cho cộng đoàn. Họ nên bao gồm phần nhiều thành viên đang có trách nhiệm trong đời sống mục vụ cụ thể của giáo xứ như trưởng các hội đoàn, giáo họ, giáo khu, ca đoàn, lễ sinh, caritas, các thừa tác viên, giáo lý viên… Điều này làm nên một môi trường đặc biệt trong đó người tín hữu có thể thực thi quyền lợi và bổn phận nói lên ý kiến riêng của mình với các mục tử về tài sản của cộng đoàn giáo xứ và truyền thông cho các tín hữu khác.

Nhiệm vụ chính của Hội đồng Mục vụ Giáo xứ là tìm kiếm và nghiên cứu đề xuất các sáng kiến thực tiễn về mục vụ và bác ái liên quan đến giáo xứ, phù hợp với đường hướng của giáo phận. Như vậy, Hội đồng này chỉ có quyền tư vấn, đóng góp ý kiến cho cha sở, một khi được chấp thuận thì mới đem ra thực hành. Cha sở phải chú tâm xem xét cẩn thận các ý kiến của Hội đồng Mục vụ Giáo xứ, nhất là khi các thành viên đồng lòng đưa ý kiến trong tiến trình phân định chung. Muốn thế, cha sở cần tránh việc đưa ra cho Hội đồng Mục vụ Giáo xứ quyết định có sẵn hoặc thiếu thông tin của mình và Hội đồng Mục vụ Giáo xứ cần tránh việc coi cha sở chỉ là một thành viên không có vai trò mục tử và lãnh đạo cộng đoàn.[70]

2. Tham gia Hội đồng kinh tế của giáo xứ

Việc quản trị tài sản của mỗi giáo xứ là việc quan trọng trong sứ vụ Loan báo và làm chứng cho Tin Mừng. Cha sở cần được những cộng sự viên giúp đỡ trong việc quản trị tài sản của Giáo Hội. Mỗi giáo xứ phải thành lập một Hội đồng kinh tế với tính cách như là một tổ chức tư vấn, do cha sở điều hành nhưng ngài không được kể là thành viên của Hội đồng này. Số thành viên của Hội đồng này, tùy thuộc vào số giáo dân trong giáo xứ và số thành viên này do cha sở chỉ định hay được Hội đồng giáo xứ bầu cử cách nào đó. Họ phải là những người tốt lành, minh bạch và là chuyên viên thuộc lãnh vực tài chính và luật pháp, để có đủ khả năng phục vụ một cách hữu hiệu và thành thạo. Hội đồng kinh tế có thể đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển, trong nội bộ cộng đoàn giáo xứ, nền văn hóa đồng trách nhiệm, sự minh bạch trong quản trị và phục vụ các nhu cầu của Giáo Hội. Cách riêng, sự minh bạch ở đây là thông tin vì quyền lợi của cộng đoàn, và là cơ hội thuận tiện cho cộng đoàn tham gia công việc xây dựng chính mình. Tính minh bạch có liên hệ đến phương thức làm việc (modus agendi), là điều rất cần thiết cho uy tín của Giáo Hội, đặc biệt ở những nơi có những tài sản quan trọng phải quản lý. Thông thường, có thể đạt được mục tiêu minh bạch bằng cách trình bày báo cáo tài chính hằng năm. Từ bản báo cáo tài chính hằng năm này, toàn thể cộng đoàn có thể biết được rằng các tài sản này thuộc về giáo xứ chứ không phải của riêng cha sở; cha sở chỉ là người quản lý các tài sản ấy. Cộng đoàn cũng biết được các tài sản này được quản lý như thế nào, tình trạng tài chính của giáo xứ ra sao và những nguồn tài sản nào sẵn có để có thể sử dụng cách hữu hiệu. [71]

III. Tham gia bảo vệ môi trường sống

“Ta không thừa kế trái đất này từ cha mẹ mình để muốn làm gì thì làm. Ta đã mượn trái đất của con cái mình, nên ta phải dùng nó thận trọng vì lợi ích của chúng cũng như của mình.” [72]

1. Chăm sóc ngôi nhà chung

“Mọi tạo vật trên trái đất đều cảm giác như ta. Mọi vật đều khát khao hạnh phúc như ta. Mọi vật cũng yêu, đau khổ và chết như ta, tất cả đều là công trình của Đấng sáng tạo toàn năng, cũng giống như ta, tất cả là chị em của ta.”[73] Vẻ riêng của mỗi thụ tạo đều phản chiếu một tia sáng khôn ngoan và tốt lành vô biên của Thiên Chúa. Con người cần tôn trọng chúng bằng cách không sử dụng các sự vật một cách vô trật tự. Việc tàn phá thiên nhiên vừa coi thường Đấng Tạo Hóa vừa kéo theo những hậu quả nguy hại cho con người và cho môi trường sống. Con người phải tôn trọng sự toàn vẹn của công trình tạo dựng. Quyền thống trị Đấng Tạo hóa đã ban cho con người trên các vật vô tri và những sinh vật khác không phải là tuyệt đối. Quyền đó phải để ý đến việc chăm sóc phẩm chất đời sống của tha nhân trong thế hệ hiện tại và tương lai, phải đối xử tử tế và đúng mức cần thiết với thú vật theo gương của thánh Phanxicô Assisi hoặc Philípphê Nêri khi chúng phục vụ cho đời sống, không hành hạ quá đáng cũng không dành cho chúng tình yêu vốn chỉ dành cho con người.[74]

Kitô hữu tạo được sự đóng góp có giá trị cho việc bảo tồn hệ sinh thái khi họ quan tâm đến các thụ tạo thay vì trút tâm trạng thất vọng về môi trường. [75] Trái đất là ngôi nhà chung của nhân loại. Ngôi nhà chung của chúng ta đang bị hủy hoại. Con người đang hủy hoại những điều tốt đẹp mà Thiên Chúa đã sáng tạo. Sự ô nhiễm do lượng rác thải xuất phát từ các gia đình cho đến các nhà máy đủ loại khiến sức khỏe của con người và trái đất bị đe dọa. Tham gia bảo vệ và xây dựng cho ngôi nhà chung là điều khẩn thiết, tùy theo văn hóa, kinh nghiệm, dấn thân và khả năng ở tầm mức cá nhân hay toàn cầu. Việc tham gia đòi buộc tất cả mọi người đều được thông tin thích hợp về các nguy cơ. Việc tham gia chăm sóc ngôi nhà chung phải được thúc đẩy bởi tình yêu để có chiến thuật mới bắt dừng sự tàn phá môi trường và đòi hỏi một nền “văn hoá bảo vệ” ảnh hưởng trên toàn xã hội.[76] Mỗi người khi tham gia chăm sóc thế giới mà ta sống trong đó như một gia đình duy nhất sống trong một mái nhà chung sẽ loại bỏ được thái độ tham lam vô độ.[77] “Điều thế giới cần là một nhân loại không còn xem thế giới như một siêu thị nhưng là một gia đình.”[78]

2. Chăm sóc ngôi nhà riêng

Mỗi người nữ đều tham dự vào mầu nhiệm tạo dựngmột mầu nhiệm trở nên hiện thực qua mỗi lần hạ sinh một con người”[79]. Bên cạnh việc chăm sóc ngôi nhà chung, ngôi nhà riêng trong gia đình nhân loại đang bị đe dọa bởi não trạng phi nhân vị hóa. Nó không chỉ khiến con người sống tham lam vô độ và hoang phí thực phẩm cách tồi tệ mà còn coi thường sự sống. Chính vì không trân quý sự sống như hồng ân quý giá nhất đã khiến tỷ lệ sinh sản suy giảm, người già bị hất hủi và sự sống con người bị coi như đồ vật, sống bạo lực và hủy diệt lẫn nhau. Khi không có tình thân hữu giữa các thế hệ trong gia đình, con người đang làm méo mó ý nghĩa cuộc sống, bần cùng hóa nhân cách người trẻ và chính gia đình. Chính khi nhân tính sa sút mà con người tìm cách khai thác nhau và loại bỏ nhau vì những động cơ kinh tế hay chủng tộc.

Con người học được tình liên đới ngay trong gia đình của mình. Đó là nơi giá trị như yêu thương, huynh đệ, chia sẻ, quan tâm, tha thứ, tôn trọng, phục vụ… được truyền đạt từ khi con người còn tấm bé. Liên đới là một cách để làm lịch sử. Việc chăm sóc ngôi nhà chung có liên hệ chặt chẽ với tinh thần quan tâm lẫn nhau và chia sẻ cho nhau xuất phát từ trái tim mỗi người và bắt đầu từ mỗi mái nhà.[80]

E. KẾT LUẬN

“Ý muốn xây dựng một gia đình là can đảm tham gia vào giấc mơ của Thiên Chúa, dám ước mơ với Ngài, dám xây dựng với Ngài, dám nhập cuộc chơi với Ngài trong lịch sử này, để xây dựng một thế giới trong đó không ai cảm thấy cô đơn”.[81] Qua bí tích Rửa Tội và bí tích Thêm Sức, Chúa Thánh Thần làm cho Kitô hữu trở nên con người mới. Bổn phận của các họ là tham gia vào đời sống Giáo Hội, thúc đẩy họ hành động như những chứng nhân của Tin Mừng và chu toàn những nghĩa vụ phát xuất từ bổn phận đó. Họ làm chứng qua việc lưu truyền đức tin bằng lời nói và việc làm, qua việc sống nhân đức công bằng nhằm thiết lập chân lý hoặc làm cho chân lý được nhận biết. Bằng đời sống gương mẫu và chứng từ lời nói, Kitô hữu biểu lộ con người mới, con người đã được tái tạo trong Đức Kitô khi Người chịu chết trên thánh giá và phục sinh (Ep 4,24).[82]

Kitô hữu có Đức Maria là mẫu mực cho cuộc lữ hành đức tin và đức mến của mình. Đức Maria đã hoàn toàn gắn bó với thánh ý Chúa Cha, đã tham gia với Người Con trong công cuộc cứu độ cách mật thiết từ lúc Mẹ thụ thai Đức Kitô cách trinh khiết cho đến lúc Chúa chịu chết. Dưới thập giá, Mẹ cùng chịu đau khổ cách khủng khiếp với Người Con Một của mình và liên kết mình với hy lễ của Người bằng tình mẫu tử. Đức Maria, sau cuộc Thăng thiên của Con mình, đã trợ giúp Giáo Hội sơ khai bằng lời cầu nguyện của mình. Cả khi Mẹ đã đến với Đấng là nguồn mạch sự sống cả hồn và xác, chính Mẹ, bằng lời khẩn cầu của Mẹ, Mẹ sẽ tiếp tục đem lại cho chúng ta những hồng ân của ơn cứu độ vĩnh cửu: “Lạy Mẹ Thiên Chúa, khi sinh con, Mẹ vẫn khiết trinh; khi yên nghỉ, Mẹ vẫn không lìa bỏ trần gian: Mẹ đã đến với Đấng là nguồn mạch sự sống, chính Mẹ, người đã cưu mang Thiên Chúa hằng sống và chính Mẹ, bằng lời khẩn cầu của Mẹ, sẽ cứu linh hồn chúng con khỏi chết”. [83]

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế về Phụng vụ Thánh– Sacrosanctum Concilium (viết tắt HCPV). Ngày 04/12/1963.

Công Ðồng Chung Vaticanô II, Ðức Phaolô VI, Ðức Gioan Phaolô II. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma. Ủy Ban Phụng Tự trực thuộc Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam phiên dịch từ ấn bản mẫu thứ ba Nhà in Vaticanô – năm 2002 (viết tắt QCTQ). Cập nhật 03/12/2014.

Thánh bộ Nghi Lễ, Musicam sacram – Huấn Thị Về Âm Nhạc Trong Phụng Vụ; ngày 05/03/1967.

Bộ Giáo sĩ, Huấn thị cải tổ mục vụ cộng đoàn giáo xứ để phục vụ sứ vụ Loan báo Tin Mừng của Giáo Hội. Ngày 29/06/2020.

Hội Đồng Giáo Hoàng về Thăng Tiến việc Tân Phúc Âm Hóa, Tân Chỉ Nam Huấn Giáo. Ngày 23/03/2020.

Đức Gioan XXIII, Tông thư Jucunda Laudatio. Ngày 08/12/1961.

Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio – về các bổn phận của gia đình Kitô giáo trong thế giới ngày nay. Ngày 22/11/1981.

Đức Gioan Phaolô II, Tông thư Salvifici doloris – Về ý nghĩa đau khổ; Ngày 11/02/1984.

Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo hội tại Á Châu – Ecclesia In Asia; Ngày 6/11/1999.

Đức Phanxicô, Diễn từ trong buổi gặp gỡ với các giáo sĩ, những người sống thánh hiến và các thành viên các hội đồng mục vụ, Assisi (4/10/2013): Insegnamenti I/2 (2013), 328.

Đức Phanxicô, Thông điệp Laudato Si’ – Về “chăm sóc ngôi nhà chung”; bản dịch của Lm. Augustinô Nguyễn Văn Trinh. Ngày 24/05/2015.

Đức Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia – Niềm vui yêu thương (viết tắt AL). Ngày 19/03/2016.

Đức Phanxicô, Thông Điệp Fratelli Tutti – Về Tình Huynh Đệ Và Tình Thân Hữu Xã Hội. Ngày 03/10/2020.

Đức Phanxicô, Tông thư dưới dạng Tự sắc Antiquum Ministerium – Thừa Tác Vụ Cổ Kính, Thiết lập Thừa tác vụ Giáo Lý Viên. Ngày 10/05/2021.

Đức Phanxicô, Tông thư Desiderio Desideravi – Về đào tạo phụng vụ cho Dân Thiên Chúa. Ngày 29/06/2022.

Đức Phanxicô, Diễn từ khai mạc Thượng HĐGM thế giới XVI, ngày 09/10/2021; Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư mục vụ gửi cộng đồng Dân Chúa về Giáo hội tham gia. Ngày 22/09/2023.

Đức Phanxicô, Tông thư Desiderio Desideravi – Về việc đào tạo Phụng vụ cho dân Chúa. Ngày 29/06/2022.

Hội Đồng Toà Thánh Về Gia Đình, Sự Thật và Ý Nghĩa Về Tính Dục Con Người – Những Định Hướng để Giáo Dục trong Gia Đình. Bản dịch của Uỷ Ban Mục Vụ Gia Đình – HĐGMVN. NXB Tôn Giáo. Hà Nội – 2018.

HĐGMVN, Bộ Giáo Luật năm 1983. NXB Tôn Giáo, Hà Nội – 2007.

HĐGMVN – UBGLĐT, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (viết tắt là SGLC), Nxb Tôn Giáo, Hà Nội 2011.

Ủy Ban Thánh Nhạc – HĐGMVN; Hướng Dẫn Mục Vụ Thánh Nhạc (viết tắt HDTN); Tháng 12 năm 2022.

Hồng y Joseph Ratzinger – Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, Tinh Thần Phụng Vụ, Biên dịch: Nguyễn Luật Khoa, OFM và Phạm Thị Huy, OP; NXB Tôn Giáo – 2007.

Hồng y Robert Sarah, Nicolas Dias, Sức mạnh của sự thinh lặng – chống lại sự độc tôn của một thế giới ồn ào; Dòng Phaolô thành Chartres Sài Gòn dịch; Sept-Fons hiệu đính; NXB Đông Phương – 2019.

Hồng y Robert Sarah, Nicolas Dias, Chúa hoặc Không; 2022. Tr. 22.

Anscar J. Chupungco, O.S.B., Phụng vụ là gì? Dịch giả: Giuse Nguyễn Thế Lân, O.P.; Hiệu đính: Giuse Nguyễn Cao Luật. Học viện Đa Minh – 2019.

Thomas Merton, Hoa trái thinh lặng – Thoughts in Solitude. Người dịch: Lm Minh Anh, Gp. Huế. NXB Tôn Giáo 2010.

YouCat Việt Nam (viết tắt YouCat). Chuyển ngữ: Lm. Antôn Nguyễn Mạnh Đồng. NXB Tôn Giáo 2013.

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Xây Dựng Giáo Hội tham gia từ góc nhìn của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu. Ngày 07/04/2024.

Lm. Giuse Đinh Quang Vinh

Thanh Xá 24/04/2024

Nguồn:hdgmvietnam.com

————————————————-

[1] Participatory Church; động từ participate (tham gia hoặc bị lôi cuốn vào một hoạt động) xuất hiện từ năm 1531 có từ nguyên Latin là participatus là phân từ quá khứ của động từ participare, các từ ghép particip-, particeps mang nghĩa là người tham gia; các từ ghép với part-, pars mang nghĩa là phần (part) + capere có nghĩa là nắm giữ (to take, to have). Một số câu Thánh Kinh được phỏng dịch thành chữ tham gia (Nkm 3,38; 1 Mcb 3,2; Hc 12,13-14); 1Cr 15,58: “Anh em thân mến, hãy kiên tâm bền chí, và càng ngày càng tích cực tham gia vào công việc của Chúa. – Dear brothers and sisters, stay firm and immovable, always abounding in energy for the Lord’s work. – Anh chị em thân mến, hãy vững vàng và không lay chuyển, luôn tràn đầy nghị lực cho công việc của Chúa.”

[2] Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo hội tại Á Châu – Ecclesia In Asia; Ngày 6/11/1999. Số 25; Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Xây Dựng Giáo Hội tham gia từ góc nhìn của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu. Ngày 07/04/2024.

[3] Tài liệu làm việc của Thượng HĐGM thế giới lần thứ XVI, số 20; Đức Thánh Cha Phanxicô, Diễn từ khai mạc Thượng HĐGM thế giới XVI, ngày 09/10/2021; Hội đồng Giám mục Việt Nam (viết tắt HĐGMVN), Thư mục vụ gửi cộng đồng Dân Chúa về Giáo hội tham gia. Ngày 22/09/2023. Số 3.

[4] HĐGMVN – UBGLĐT, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (viết tắt là SGLC), Nxb Tôn Giáo, Hà Nội 2011. Số 306 – 308; 1268; 1951

[5] Charles Péguy (1873–1914, thi sĩ Pháp); YouCat Việt Nam (viết tắt YouCat). Chuyển ngữ: Lm. Antôn Nguyễn Mạnh Đồng. NXB Tôn Giáo 2013. Số 122.

[6] SGLC 1913–1917

[7] SGLC 2472.

[8] Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio – về các bổn phận của gia đình Kitô giáo trong thế giới ngày nay. Ngày 22/11/1981. Số 44; 61.

[9] SGLC 783 – 786; 871 – 897

[10] SGLC 1070

[11] Đức Phanxicô, Tông thư Desiderio Desideravi – Về việc đào tạo Phụng vụ cho dân Chúa. Ngày 29/06/2022. Số 21; 30-31; 27; 60.

[12] SGLC 1546 – 1547

[13] SGLC 877-913, 940-943; YouCat 139.

[14] SGLC 901 – 903; YouCat 139

[15] Đức Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia – Niềm vui yêu thương (viết tắt AL). Ngày 19/03/2016. Số 51; 223.

[16] SGLC 2232-2233.

[17] Lumen Gentium, số 11.

[18] Gioan Phaolô II, Diễn văn tại Hội nghị khoáng đại lần thứ XVI của Hội Đồng Giám Mục Ý, ngày 15.05.1979.

[19] Lumen gentium, số 11; Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2013.

[20] Gaudium et spes, số 24; Gratissimam sane, số 8.

[21] Humanae vitae, số 9; Familiaris consortio, số 20.

[22] Gratissimam sane, số 12.

[23] Edith Stein (1891-1942), DoCat 103.

[24] Familiaris consortio, số 16.

[25] Gioan Phaolô II, Bài diễn văn cho các tham dự viên tại cuộc Hội thảo về «Các gia đình hướng đến việc phục vụ sự sống», được xúc tiến bởi Hội đồng Giám mục Ý, 28.04.1990.

[26] Perfectae caritatis, số 24.

[27] Presbyterorum ordinis, số 11.

[28] Hội Đồng Toà Thánh Về Gia Đình, Sự Thật và Ý Nghĩa Về Tính Dục Con Người – Những Định Hướng để Giáo Dục trong Gia Đình. Bản dịch của Uỷ Ban Mục Vụ Gia Đình – HĐGMVN. NXB Tôn Giáo. Hà Nội – 2018. Số 26-36.

[29] HĐGMVN, Bộ Giáo Luật năm 1983. NXB Tôn Giáo, Hà Nội – 2007. Điều 528 §2.

[30] Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh– Sacrosanctum Concilium (viết tắt HCPV). Ngày 04/12/1963. Số 112-116; SGLC 1156-1158

[31] HCPV 112.

[32] HCPV 62; Ủy Ban Thánh Nhạc – HĐGMVN; Hướng Dẫn Mục Vụ Thánh Nhạc (viết tắt HDTN); Tháng 12 năm 2022. Số 63-67.

[33] Anscar J. Chupungco O.S.B., Phụng vụ là gì?. Học viện Đaminh – 2019. Tr. 392.

[34] Edward Foley, Worship Music: A Concise Dictionary. General Editor. Collegeville: The Liturgical Press, 2000.

[35] Thánh bộ Nghi Lễ, Musicam sacram – Huấn Thị Về Âm Nhạc Trong Phụng Vụ; ngày 05/03/1967. Số 16.

[36] Đức Gioan XXIII, Tông thư Jucunda Laudatio. Ngày 08/12/1961.

[37] Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh– Sacrosanctum Concilium; 04/12/1963. (Viết tắt HCPV) Số 26 27; 119–120.

[38] QCSL 45, 51, 54-56; 66, 71, 78, 84, 88, 127-128, 130, 136, 147, 164-165, 271; HDTN 13, 86, 106, 140, 182, 188, 200, 228-229.

[39] Thomas Merton, Hoa trái thinh lặng – Thoughts in Solitude. Người dịch: Lm Minh Anh, Gp. Huế. NXB Tôn Giáo 2010. Tr. 11.

[40] ĐHY Robert Sarah, Nicolas Dias, Sức mạnh của sự thinh lặng – chống lại sự độc tôn của một thế giới ồn ào; Dòng Phaolô thành Chartres Sài Gòn dịch; Sept-Fons hiệu đính; NXB Đông Phương – 2019. Tư tưởng 249.

[41] Hồng y Joseph Ratzinger – Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, Tinh Thần Phụng Vụ, Biên dịch: Nguyễn Luật Khoa, OFM và Phạm Thị Huy, OP; NXB Tôn Giáo – 2007. Tr. 236 – 243.

[42] Desiderio Desideravi số 57

[43] Anscar J. Chupungco, O.S.B., Phụng vụ là gì? Dịch giả: Giuse Nguyễn Thế Lân, O.P.; Hiệu đính: Giuse Nguyễn Cao Luật. Học viện Đa Minh – 2019. Tr. 74-76.

[44] Công Ðồng Chung Vaticanô II, Ðức Phaolô VI, Ðức Gioan Phaolô II. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma. Ủy Ban Phụng Tự trực thuộc Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam phiên dịch từ ấn bản mẫu thứ ba Nhà in Vaticanô – năm 2002 (viết tắt QCTQ). Cập nhật 03/12/2014. Số 45.

[45] ĐHY Robert Sarah, Nicolas Dias, Sức mạnh của sự thinh lặng – chống lại sự độc tôn của một thế giới ồn ào; Dòng Phaolô thành Chartres Sài Gòn dịch; Sept-Fons hiệu đính; NXB Đông Phương – 2019. Tư tưởng 32, 68, 3, 5, 70, 142,166, 58, 82, 83, 98, 265.

[46] Thánh Tôma Aquinô. YouCat số 51.

[47] LG 7§4.

[48] Hồng y Robert Sarah, Nicolas Dias, Chúa hoặc Không; 2022. Tr. 22.

[49] Đức Gioan Phaolô II, Tông thư Salvifici doloris – Về ý nghĩa đau khổ; Ngày 11/02/1984. Số 1; 19-24; 27.

[50] Paul Claudel (1868–1955, thi sĩ và văn sĩ Pháp). YouCat số 100.

[51] Hội nghị về đức tin, 31/5/2004. YouCat số 85.

[52] SGLC 904 – 907

[53] Romano Guardini, YouCat 177.

[54] Johann Wolfgang Von Goethe (1749-1832), DoCat số 120.

[55] SGL 2226; 2688

[56] AL 206

[57] Đức Phanxicô, Tông thư dưới dạng Tự sắc Antiquum Ministerium – Thừa Tác Vụ Cổ Kính, Thiết lập Thừa tác vụ Giáo Lý Viên. Ngày 10/05/2021. Số 5.

[58] SGLC 1255.

[59] Đức Phanxicô, Tông thư Desiderio Desideravi – Về đào tạo phụng vụ cho Dân Thiên Chúa. Ngày 29/06/2022. Số 47.

[60] Hội Đồng Giáo Hoàng về Thăng Tiến việc Tân Phúc Âm Hóa, Tân Chỉ Nam Huấn Giáo. Ngày 23/03/2020. Số 20; 117-118; 121-129.

[61] Đức Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia – Niềm vui yêu thương. Ngày 19/03/2016. Số 243.

[62] SGLC 1651; AL 243; 297; 299. Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio – về các bổn phận của gia đình Kitô giáo trong thế giới ngày nay. Ngày 22/11/1981. Số 84.

[63] Đức Bênêđictô XVI, Bí tích tình yêu. YouCat số 270.

[64] SGLC 908 – 913; 943.

[65] Đức Bênêđíctô XVI, Diễn từ ngày 01/03/2006; YouCat 88.

[66] Anscar J. Chupungco O.S.B., Phụng Vụ là gì? Học viện Đa Minh – 2019. Tr. 32.

[67] Bộ Giáo sĩ, Huấn thị cải tổ mục vụ cộng đoàn giáo xứ để phục vụ sứ vụ Loan báo Tin Mừng của Giáo Hội. Ngày 29/06/2020. Số 85 – 86.

[68] Thánh John Henry Newman, YouCat số 201.

[69] Đức Phanxicô, Diễn từ trong buổi gặp gỡ với các giáo sĩ, những người sống thánh hiến và các thành viên các hội đồng mục vụ, Assisi (4/10/2013): Insegnamenti I/2 (2013), 328.

[70] Bộ Giáo sĩ – Sách đã dẫn. Số 108 – 114.

[71] Bộ Giáo sĩ – Sách đã dẫn. Số 101 – 107.

[72] Moses Henry Cass, DoCat số 151.

[73] Thánh Phanxicô Assisi; YouCat 57.

[74] SGLC 339; 2415–2418.

[75] DoCat số 256.

[76] Đức Phanxicô, Thông điệp Laudato Si’ – Về “chăm sóc ngôi nhà chung”; bản dịch của Lm. Augustinô Nguyễn Văn Trinh. Ngày 24/05/2015. Số 12-16; 21; 61; 123; 116; 144; 183; 231-232.

[77] Đức Phanxicô, Thông Điệp Fratelli Tutti – Về Tình Huynh Đệ Và Tình Thân Hữu Xã Hội. Ngày 03/10/2020. Số 17.

[78] Yann Arthus – Bertrand (1946), DoCat Tiếng Việt – Phải làm gì? Bản dịch của Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin – HĐGMVN. NXB Tôn Giáo 2017. (Viết tắt DoCat) Số 190.

[79] Đức Gioan Phaolô II, HG (12.3.1980), 3: Insegnamenti III/1 (1980), 543; Đức Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia – Niềm vui yêu thương. Ngày 19/03/2016. Số 168.

[80] Đức Phanxicô, Thông Điệp Fratelli Tutti – Về Tình Huynh Đệ Và Tình Thân Hữu Xã Hội. Ngày 03/10/2020. Số 18-21; 36; 114-117.

[81] AL 321.

[82] SGLC 2472

[83] SGLC 964-970.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!