Phụng vụTư liệu Phụng vụ

Giáo Hội Hiệp Hành Trong Tương Quan Với Ba Ngôi Thiên Chúa

Giáo Hội Hiệp Hành Trong Tương Quan Với Ba Ngôi Thiên Chúa

 

Giáo Hội là một thực tại mầu nhiệm. Vì thế truyền thống và huấn quyền đã dùng nhiều hình ảnh khác nhau để diễn tả về Giáo Hội. Công đồng Vaticanô II đã trình bày Giáo Hội như là Dân Thiên Chúa, là Thân Thể Chúa Kitô, là Đền Thờ Chúa Thánh Thần… Từ sau Công đồng được ví như “Lễ Hiện Xuống mới” này, Giáo Hội thường được trình bày qua 3 chiều kích “mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ” (mysterium, communio, missio).[1] Trong đó trọng tâm không còn được đặt ở chính Giáo Hội nữa mà là chính mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Trong giai đoạn chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng: Hướng đến một Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông, tham gia và sứ vụngười viết muốn tái khám phá về Giáo Hội hiệp hành trong tương quan với Ba Ngôi Thiên Chúa: một Giáo Hội hiệp hành phát xuất từ Ba Ngôi, là họa ảnh của Ba Ngôi và đang hướng về Ba Ngôi như là cùng đích của mình.

  1. Giáo Hội phát xuất từ Ba Ngôi Thiên Chúa

Ba Ngôi Thiên Chúa là nguồn cội của mọi sự, vì thế Ba Ngôi cũng là căn rễ, là nền tảng của Giáo Hội.[2] Mặc khải cho ta thấy rõ nét độc đáo của Giáo Hội trong kế hoạch của Ba Ngôi Thiên Chúa. Tất cả giáo huấn của Công đồng Vaticanô II về Mầu nhiệm Giáo Hội đều mang dấu ấn Ba Ngôi: Giáo Hội trong thực tại thâm sâu của mình là một mầu nhiệm ẩn dấu từ muôn thuở trong tâm trí Chúa Cha, được thiết lập bởi Chúa Con và theo hình ảnh Ngài, được tái sinh và cư ngụ bởi Thánh Thần tình yêu. Nói cách khác, Giáo Hội phát sinh từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, tức là từ sáng kiến của Chúa Cha, từ khôn ngoan của Chúa Con và từ tình yêu của Chúa Thánh Thần.[3] Giáo Hội cũng là nơi kế hoạch của Thiên Chúa diễn tiến, nơi hội tụ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Như thế, Giáo Hội là công trình của Ba Ngôi, được Ba Ngôi thiết lập, quy tụ và thông ban tình yêu để tạo nên sự hiệp nhất giữa các tín hữu chứ không phải là công trình của con người.[4] Giáo Hội không sinh ra “từ bên dưới”, từ những lợi ích thuần túy thế tục hay từ cái đà lực của một tấm lòng quảng đại nào đó ; nhưng là được sinh ra “từ trên cao” – từ Thiên Chúa, được đặt vào trong thời gian do sáng kiến tuyệt vời của Ba Ngôi.[5]

1.1.      Giáo Hội là công trình của Chúa Cha

Thần học thường quy gán cho Ngôi Cha công cuộc tạo dựng và sáng kiến nâng con người lên bình diện siêu nhiên. Ngài là nguồn gốc của mọi sự trong thế giới tự nhiên cũng như siêu nhiên, “là nguồn gốc của mọi gia tộc trên trời dưới đất” (Ep 3,15). Trong ý định ngàn đời, Chúa Cha đã nhắm đến định mệnh của con người được tuyển chọn và kêu gọi họ làm nghĩa tử. Ngài tập họp những người tin vào Đức Kitô thành một Giáo Hội thánh thiện, một gia đình của Thiên Chúa.[6] Thánh Phaolô đã nói: “Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô” (Ep 1,5-6). Các Giáo phụ khi suy tư về Giáo Hội thường bàn đến tính chất tiền định trước hết. Các ngài quan niệm rằng Giáo Hội có trước cuộc tạo dựng, vì đã hiện hữu (nơi Thiên Chúa) ngay cả trước khi có người tín hữu đầu tiên, chính trong và qua ơn gọi của Giáo Hội mà tất cả tín hữu được kêu mời. Origênê đã nói:

“Anh em đừng nghĩ rằng Giáo Hội được gọi từ khi thế gian được tạo dựng nên, … không phải từ khi, mà ngay cả trước khi tạo thành thế gian…bởi vì Đức Kitô đã yêu thương Giáo Hội…làm sao Ngài có thể yêu thương nếu Giáo Hội không hiện hữu? Vậy nếu Ngài yêu thương Giáo Hội thì chính là vì Giáo Hội đã có, Giáo Hội hiện diện nơi tất cả các thánh đã sống từ khởi thủy thời gian.”[7]

Tiếp đến, toàn bộ Cựu Ước là giai đoạn chuẩn bị, các lời tiên tri dệt nên “thời tiền sử” của Giáo Hội. Những người được cứu thoát trong tàu Nô-ê tượng trưng cho mầu nhiệm Giáo Hội vị lai, phải lênh đênh giữa phong ba thế trần và đã được cứu cho khỏi ngụp chìm nhờ gỗ cây thập giá.[8] Thật vậy, Giáo Hội Chúa Kitô nhận thức rằng khởi điểm của đức tin Giáo Hội và việc Chúa tuyển chọn Giáo Hội đã được tìm thấy nơi các tổ phụ, Môsê và các Ngôn sứ, như mầu nhiệm của Thiên Chúa an bài.[9] Như thế, Giáo Hội phát xuất từ “ý định khôn ngoan, nhân lành, hoàn toàn tự do, và mầu nhiệm” của Chúa Cha hằng hữu. Người đã quyết định nâng loài người lên tham dự vào đời sống thần linh, đã kêu gọi và quy tụ họ lại trong Đức Kitô, Con chí ái của Người. Từ nguyên thủy, Người đã tiên báo bằng hình bóng và chuẩn bị cách kỳ diệu trong lịch sử dân Ítrael, trong giao ước cũ và đã thành lập vào thời sau hết này.[10] Vậy Giáo Hội nằm trong kế hoạch của Chúa Cha từ trước muôn đời và xoay quanh Đức Kitô.

1.2.      Giáo Hội được Chúa Con thiết lập trong thời gian

Theo kế hoạch ngàn đời, Chúa Cha đã đặt Con làm Trưởng Tử của muôn loài thọ sinh, làm nguyên ủy quy tụ toàn thể vũ trụ về một mối, cho đến khi Thiên Chúa ở trong mọi sự (x. 1Cr 15,28). Trong thánh ý nhiệm mầu, Thiên Chúa đã khởi xướng, tác tạo và mời gọi cộng đoàn những người tin vào Người Con (x. Ep 1,9-10). Và khi thời gian tới hồi viên mãn, để thực hiện kế hoạch của Chúa Cha, Chúa Con đã trở nên xác phàm qua biến cố nhập thể để đến với loài người chúng ta. Ngài đã rao giảng và khai nguyên Nước Thiên Chúa ngay trần gian, mặc khải cho ta mầu nhiệm của Ngài và thực thi việc cứu thế bằng sự vâng phục thánh ý Chúa Cha. Đã hiện diện cách nhiệm mầu, Giáo Hội nhờ thần lực của Thiên Chúa mà tăng trưởng cách rõ rệt trong thế gian. Sự kiện khai nguyên và đà tiến phát đó được biểu thị bằng máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Chúa Giêsu chịu đóng đinh, được tiên báo qua lời Chúa nói về cái chết của Ngài trên Thập giá: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32).[11] Như Evà được tạo ra từ cạnh sườn của ông Ađam đang chìm trong giấc ngủ, Giáo Hội được sinh ra từ trái tim mở toang của Đức Kitô yên nghỉ trên thập giá. Cạnh sườn bị đâm toác của “Ađam mới” lập lại mầu nhiệm sáng tạo từ cạnh sườn của người nam để khai sinh ra một cộng đoàn nhân loại mới là Giáo Hội, với dấu chỉ là “máu và nước” tượng trưng cho Phép Rửa và Thánh Thể.[12] Như thế, sáng kiến của Chúa Cha đã trở thành hiện thực khi Giáo Hội “được Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế, thiết lập trong thời gian”.[13]

1.3.      Chúa Thánh Thần, Đấng tác sinh và làm cho Giáo Hội trở nên sống động

Cũng như trong đời sống nội tại của Thiên Chúa, niềm viên mãn của tử hệ hàm chứa hành động “nhiệm xuy” (spiratio) Ngôi Ba, thì sứ mạng của Chúa Con cũng được hoàn thành trong sự năng động của Thần Khí. Khi công trình Chúa Cha trao phó cho Chúa Con thực hiện trên trần gian được hoàn tất, Chúa Thánh Thần được sai đến trong ngày lễ Ngũ Tuần để thánh hóa Giáo Hội mãi mãi, và như thế, những ai tin sẽ được tới cùng Chúa Cha qua Chúa Con. Chính Thần Khí ban sự sống, nhờ Ngài mà Chúa Cha hồi sinh những kẻ đã chết vì tội lỗi và cho họ được phục sinh trong Chúa Kitô. Như thế, Chúa Thánh Thần là Đấng được cả Chúa Cha và Chúa Con sai đến để thánh hóa Hội Thánh[14] và hoạt động trong thế giới bằng ân ban sự sống, Ngài là nguyên lý của mọi hành động tác sinh,[15] và Ngài hiện diện cách đặc biệt trong Giáo Hội. Chúa Thánh Thần cư ngụ trong Giáo Hội như Đền Thờ, Ngài giống như linh hồn của Nhiệm thể, là nguyên lý sự sống của Nhiệm thể, nguyên lý của sự hiệp nhất và khác biệt.[16] Thánh Thần tiếp tục tác sinh và hướng dẫn Giáo Hội tiến về chân lý trọn vẹn, hiệp nhất Giáo Hội, cung cấp cho Giáo Hội những ân sủng và làm cho Giáo Hội thêm phong phú bằng nhiều hoa trái.[17] Chúa Thánh Thần cũng cư ngụ trong lòng các tín hữu như một đền thờ, chính Ngài bằng ân sủng, thực hiện lời hứa của Đức Giêsu rằng cả Ba Ngôi đều cư ngụ trong tâm hồn những người con của Chúa (x. Ga 14,23).

Như vậy, Giáo Hội phát xuất từ Chúa Cha, qua Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần. Hay như thánh Syprianô đã nói: “Giáo Hội phổ quát xuất hiện như một dân tộc được hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”[18], một Giáo Hội bề ngoài như một xã hội trần thế, nhưng trong nội tại thâm sâu lại có nguồn gốc mầu nhiệm vì phát xuất từ mầu nhiệm tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Là công trình của những sứ vụ thần linh, Giáo Hội là nơi gặp gỡ của trời và đất, nơi mà nhờ sáng kiến trong tự do, lịch sử Ba Ngôi Thiên Chúa bước qua và đi vào lịch sử loài người, trong khi lịch sử loài người lại được thu nhận và biến đổi trong vận động của sự sống thần linh nơi Ba Ngôi Thiên Chúa.

  1. Giáo Hội hiệp hành là họa ảnh của sự hiệp hành nơi Ba Ngôi Thiên Chúa

Phát xuất từ Ba Ngôi nên đời sống và cách thức hiện hữu của Giáo Hội không chỉ là nguồn gốc mà còn là ý nghĩa và khuôn mẫu bất biến cho cách thức hiện hữu của Giáo Hội. Bắt nguồn từ sự hiệp thông của Ba Ngôi nên Giáo Hội cũng được mời gọi sống và trở nên sự hiệp thông đó. Trong Ba Ngôi có sự khác biệt giữa các Ngôi vị nhưng lại nên một với nhau trong một bản tính duy nhất, vì thế Giáo Hội cũng là một Giáo Hội duy nhất dù gồm các thành phần khác nhau. Giáo Hội là duy nhất trong đa dạng, hiệp nhất trong sự khác biệt, hiệp thông giữa các đặc sủng và các tác vụ khác nhau, được tạo ra bởi Thần Khí độc nhất. Giáo Hội cũng được các Giáo phụ quan niệm như là một thực tại Ba Ngôi: được mời gọi trở thành Dân Thiên Chúa, kết hợp với Đức Kitô như “vợ với chồng”, nhờ Thánh Thần là Đấng cư ngụ trong mối thân tình này như cư ngụ trong đền thờ của Người. Tertulianô đã nói: “Nơi nào có cả ba – Cha, Con và Thánh Thần – nơi đó có Giáo Hội là Thân mình của cả Ba”. Công đồng Vaticanô II cũng nhìn nhận Giáo Hội như là một cộng đoàn hiệp thông. Sự hiệp thông chính là nền tảng chiếu dọi vào tất cả các mối tương quan: giữa Giáo Hội và Ba Ngôi, giữa các phần tử trong Giáo Hội, giữa Giáo Hội địa phương và Giáo Hội hoàn vũ, giữa Giáo Hội Công giáo và các Giáo Hội không Công giáo và các tôn giáo khác, giữa Giáo Hội và thế giới.

Nếu Giáo Hội là hiệp nhất vì là Dân được quy tụ từ sự hiệp nhất Ba Ngôi, thì sự hiệp thông của các Kitô hữu với Đức Giêsu có khuôn mẫu, nguồn mạch và đích điểm là chính sự hiệp thông của Con và Cha trong ơn ban của Thánh Thần: khi kết hợp với Con trong mối dây yêu thương của Thánh Thần, các tín hữu lên kết với Chúa Cha. Từ sự hiệp thông của các tín hữu với Đức Kitô phát sinh sự hiệp thông giữa các Kitô hữu với nhau: mọi người sẽ là cành nho của một cây nho duy nhất là Đức Kitô. Chúa Giêsu cho thấy trong mối hiệp thông huynh đệ này, sự phản chiếu kỳ diệu và sự tham dự huyền nhiệm vào đời sống thân mật của tình yêu Cha, Con và Thánh Thần. Vì sự hiệp thông này mà Đức Giêsu cầu nguyện: “Để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17,21). Như thế sự hiệp nhất của Ba Ngôi như nguyên lý và khuôn mẫu cho sự hiệp nhất các Kitô hữu.[19] Hơn nữa, Giáo Hội như một xã hội hoàn hảo với các phẩm trật chặt chẽ, và chính Ba Ngôi cũng hiện diện cách ẩn dấu trong phẩm trật của Giáo Hội nên sự hiệp thông cũng cần được thể hiện cách hữu hình qua sự hiệp thông với Đức Giáo Hoàng, các Giám mục là những người đại diện Chúa Kitô. Tính hiệp hành của Giáo Hội luôn là con đường của toàn thể Dân Chúa, là hành trình của tất cả các tín hữu chứ không chỉ của riêng Giáo hoàng và Giám mục.[20] Thiên Chúa Ba Ngôi là một và cũng đồng thời là ba trong hữu thể và trong các mối tương quan nên sự hiệp thông cũng được áp dụng vào hai lĩnh vực phổ quát và địa phương trong Giáo Hội. Sự hiệp thông giữa các Giáo Hội địa phương với Giáo Hội hoàn vũ phản ánh sự hiệp thông của Chúa Ba Ngôi. Do đó, nó không cho phép mỗi Giáo Hội sống cho chính mình, nhưng sự sống và nền tảng của các Giáo Hội địa phương phải làm một với Giáo Hội hoàn vũ, và phải diễn tả mối tương quan đó trong hình thức cơ cấu cụ thể theo mô hình của các mối tương quan giữa Ba Ngôi. Vì thế cần tránh mọi thứ đồng dạng hóa đơn điệu và những thứ đối đầu gây thương tích, hầu có thể đón nhận nhau cách hỗ tương và phong phú giữa các ngã vị và các cộng đoàn trong đức tin, đức cậy và đức mến.

Cuối cùng, chân lý về sự hiệp nhất trong Giáo Hội xuất phát từ Ba Ngôi, và vì thế Ba Ngôi ở trong nền tảng của đại kết đích thực.[21] Công đồng Vaticanô II cho phép chúng ta hiểu nguyên lý hiệp nhất của Ba Ngôi cũng là nguyên lý của sự hiệp nhất giữa các Giáo Hội Kitô. Nói cách khác, mô hình Ba Ngôi phủ nhận mọi hình thức độc tài nhà binh, chỉ quen với những mệnh lệnh rập khuôn đồng bộ từ bên ngoài. Trong khi đó theo mô hình Ba Ngôi, mỗi Ngôi vị tồn tại và hành động cụ thể trong lịch sử nhân loại, để đưa chúng ta đi vào mối tương quan thân hữu với Ngài và hiệp nhất chúng ta với người khác trong Ba Ngôi. Giáo Hội bị tổn thương trong thân phận con người và lịch sử, thì được chữa lành, hàn gắn trong Ba Ngôi hiệp nhất bất khả phân ly. Mặt khác, Giáo Hội không đứng ngoài thế giới loài người, nhưng luôn hiệp thông và đồng hành cùng thế giới: “vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và của bất kỳ ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà họ lại không cảm nhận trong đáy lòng họ”.[22]

  1. Giáo Hội lữ hành về cùng đích là Ba Ngôi Thiên Chúa

Giáo Hội phát xuất từ Ba Ngôi thì cũng phải trở về với Chúa Cha, qua Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi là nguồn gốc và là quê hương của dân lữ hành đang hướng về, là “cái đã là” và là “cái sẽ là” của Giáo Hội, là “cái quá khứ” và “cái tương lai” được hứa ban, là nguyên thủy và là cùng đích của Giáo Hội. Cùng đích đó là sự hiệp thông trọn vẹn vào tình yêu của Ba Ngôi, vào cuộc sống vĩnh cửu của Ba Ngôi trong vinh quang. Trước khi tới ngày đó, Giáo Hội là dân tộc lữ hành cho tới ngày Đức Kitô trở lại trong vinh quang và mọi loài đều quy phục Ngài. Giáo Hội không đạt tới hoàn tất của mình trong thời gian hiện tại, nhưng đợi chờ và chuẩn bị cho ngày đó. Vì Giáo Hội là cái đang trở thành, đang lớn lên và đợi chờ sự hoàn tất trong ngày cánh chung nên Giáo Hội phải không ngừng tự thanh luyện và đổi mới chính mình, trong sức mạnh và sự hướng dẫn của Thánh Thần. Trong bối cảnh Giáo Hội đang bị tổn thương như hiện nay, việc tự thanh luyện và đổi mới là vô cùng quan trọng. Đó cũng là lý do để Đức Thánh Cha Phanxicô khởi xướng Thượng Hội Đồng về tính hiệp hành khi kêu gọi toàn thể Dân Chúa góp phần nỗ lực để Hội Thánh hướng tới việc chữa lành: “Mỗi người đã chịu phép Rửa cần phải cảm thấy mình có liên quan đến sự thay đổi của Giáo Hội và xã hội mà chúng ta rất cần phải có. Việc thay đổi này đòi hỏi sự hoán cải mang tính cá nhân và cộng đồng, giúp chúng ta nhìn xem mọi sự như Chúa nhìn”.[23] Lo âu xao xuyến và luôn có đầu óc phê phán đối với bản thân, không ngừng cải tổ, không bao giờ được phép thỏa mãn với chính mình trong những “thành quả trần thế”, phải luôn cố gắng chu toàn sứ mạng Chúa Kitô giao phó nhờ Thánh Thần.[24] Sứ vụ đó là làm cho “muôn dân trở thành môn đệ”, nghĩa là làm cho triều đại của Thiên Chúa được phát triển và thành tựu trên toàn cõi đất.

Sứ vụ của Giáo Hội phải được trình bày trong bức tranh của sứ vụ Ba Ngôi Thiên Chúa. Ba Ngôi là căn nguyên của sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội. Sứ mạng của Giáo Hội không chỉ xuất phát từ sứ mạng của Chúa Kitô mà còn từ sứ mạng của Thiên Chúa: “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa Cha”.[25] Chúa Cha đã sai Con đến thế gian và Chúa Thánh Thần được Cha và Con sai đến để dẫn đưa nhân loại về vương quốc. Viễn tượng Ba Ngôi của sứ mạng truyền giáo còn thể hiện nơi lệnh truyền ra đi của Chúa Giêsu cho các môn đệ (x. Mt 28,19), Ngài đã trao lại sứ mạng của Ngài cho Giáo Hội để Giáo Hội tiếp tục sứ mạng ấy cho đến tận thế. Ba Ngôi cũng chính là đích điểm của sứ mạng truyền giáo, hay nói đúng hơn, đích điểm của sứ mạng Giáo Hội là đích điểm của Ba Ngôi Thiên Chúa, đó là thiết lập triều đại Thiên Chúa và tái thiết vương quyền của Ngài. Chính Ba Ngôi là sức năng động của sứ mạng Giáo Hội. Nguyên lý căn bản của sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội đều nhận lãnh năng lực từ sứ mạng Thiên Chúa (missio Dei). Missio Dei bắt nguồn từ lòng thương xót vô bờ của Chúa Cha, được Ngôi Lời thực hiện trong lịch sử và được Chúa Thánh Thần tiếp tục trong Giáo Hội. Nhờ đó Giáo Hội trở nên trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại, Giáo Hội phải luôn kết hợp hai yếu tố nhân loại và thần linh.[26] Trước hết, Giáo Hội phải bắt đầu bằng việc lắng nghe và phục vụ, luôn ý thức mình như người Con được Cha sai đi và hằng vâng phục Cha – Cha ở trên mọi sự và trên cả Giáo Hội. Sau nữa vì Con đã Nhập Thể nên Giáo Hội thuộc về phía con người, vì thế như người Con, Giáo Hội bước đi với toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ một sứ mệnh trần thế với thế giới.[27] Giáo Hội được mời gọi đi theo con đường mà Người Con đã đi: con đường phục vụ. Như Đức Giêsu đã đến với nhân loại và trở nên một “xác phàm”, đã lột bỏ chính mình (kenosis) và trở nên người Tôi Tớ của Thiên Chúa thì Giáo Hội cũng phải trở nên “nữ tỳ” của Chúa Cha để phục vụ nhân loại, nhất là những người nghèo, người bị bỏ rơi, người sống bên lề xã hội,… Sứ mạng này phải đặt trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần, chính Ngài tác động nơi người rao giảng lẫn người nghe, để họ có thể nhận biết và tin Đức Kitô là Đức Chúa.

Tạm Kết

Tóm lại, Giáo Hội hiệp hành là công trình của Ba Ngôi, là “họa ảnh” của Ba Ngôi trong lịch sử để dẫn con người về cùng đích là chính Ba Ngôi. Như thế, bản chất, hành động, ý muốn và sự tuyển chọn Giáo Hội đều có nền tảng nơi Ba Ngôi. Chúa Cha chọn Giáo Hội từ trước muôn đời, và nơi Đức Kitô, Con của Người, Người sáng lập và thực hiện kế hoạch đó trong thời gian. Người không ngừng dưỡng nuôi Giáo Hội bằng các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, đồng thời hiến tế, dẫn dắt và canh tân Giáo Hội bởi Chúa Thánh Thần. Vì thế sự sống còn của Giáo Hội hoàn toàn lệ thuộc vào Ba Ngôi. Mất đi viễn tượng này, Giáo Hội chỉ được nhìn như một sáng kiến khởi đi từ bên dưới mà đánh mất chiều kích mầu nhiệm. Thiếu lối nhìn Ba Ngôi, Giáo Hội hiệp thông sẽ có nguy cơ bị giản lược vào cơ cấu phẩm trật cứng ngắc, làm cho con đường tiến tới sự hiệp nhất giữa các Giáo Hội Kitô bị xô vào chân trời xa xăm. Cũng vậy, nếu vắng bóng Ba Ngôi trên con đường sứ vụ, sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội sẽ bị lạc vào những chương thăng tiến thuần túy thế tục, hoặc sẽ chỉ tập trung vào bản thân mình như là mục đích tối hậu mà thôi. Như Ba Ngôi luôn hiệp hành với nhau, Giáo Hội cũng luôn sống tính hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ. Tiến trình hiệp hành là cách thức hành động thông thường của Giáo Hội, như thánh Gioan Kim Khẩu đã nói: “Hội Thánh và Synod là hai từ đồng nghĩa”.[28] Ngay từ khi được khai sinh trong thời gian, Giáo Hội luôn sống tính hiệp hành là “cùng nhau gieo bước hành trình” trong thế gian. Đó cũng là “con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Hội Thánh của thiên niên kỷ thứ ba”.[29] Tiến trình hiệp hành chỉ có thể thực hiện được trong sự quan phòng của Chúa Cha, trong sự hiệp nhất với Chúa Con, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần.

Cách riêng là một Chủng sinh – một ứng sinh Linh mục, được mời gọi trở nên “con người của sự hiệp thông”. Do đó mỗi người cần thể hiện tình yêu của mình với Chúa và Giáo Hội cách thực tế và vô điều kiện qua việc tích cực tham gia xây dựng một Giáo Hội hiệp hành trên mọi bình diện, mọi cấp bậc: với Giáo Hội hoàn vũ, với Giáo phận, với gia đình Chủng viện… Cách riêng, cần tích cực xây dựng gia đình Chủng viện thành một cộng đoàn hiệp hành, nơi mà mỗi người và mọi người đều tích cực đóng góp xây dựng và phát triển Chủng viện, kiến tạo sự hiệp thông giữa mọi thành phần: Ban đào tạo với chủng sinh, giữa lớp trên với lớp dưới, giữa Giáo phận này với Giáo phận khác… Mỗi người cần tích cực tham gia xây dựng “thân thể chủng viện” theo chức vụ và khả năng riêng của mình, đồng thời tích cực cộng tác vào sứ vụ Loan Báo Tin Mừng bằng cách làm cho gia đình chủng viện trở nên “cộng đoàn mẫu mực về tính hiệp hành” cho những người xung quanh và với những người sẽ gặp gỡ trong tương lai qua các kỳ nghỉ hay các chuyến mục vụ chung của chủng viện. “Ước gì mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi, Chúa đã đến gần” (Pl 4,5).

Joseph P. Pham

[1] X. The Final Report of the 1985 Extraordinary Synod, The Church, in the Word of God, Celebrates the Mysteries of Christ for the Salvation of the World, trong http://www.ewtn.com/library/CURIA/SYNFINAL.HTM

[2] X. Filipe Gómes SJ., Giáo Hội Học, Giáo Khoa Thần Học 3, Antôn Đuốc Sáng, p. 63.

[3] X. Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Lumen Gentium, Chương I.

[4] X. Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương, Giáo trình Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi Như Một Lịch Sử Tình Yêu, Đcv. Thánh Phanxicô Xaviê, 2021, p. 188.

[5] X. Bruno Forte, Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi Như Một Lịch Sử, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2010, p. 259.

[6] X. Hội đồng Giám Mục Việt Nam, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 759.

[7] Origênê, Chú Giải Diễm Ca, II. 62 ; PG 13.134.

[8] X. Augustinô, De Catechizandis Rudibus, 27.53 ; PL 40.346.

[9] X. Công đồng Vaticanô II, Tuyên ngôn Nostra Aetate, số 4.

[10] X. Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Lumen Gentium, số 2.

[11] X. Lm. Norberto Nguyễn Văn Khanh, Thiên Chúa của Tin Mừng – Thiên Chúa Ba Ngôi, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2015, p. 282 ; Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Lumen Gentium, số 3.

[12] X. ĐGH Bênêđictô XVI, Đức Kitô Giáo Hôm Qua và Hôm Nay, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2009, p. 255-256. ; Sr. Maria Đinh Thị Sáng OP., Chúa Ba Ngôi Và Giáo Hội, Thời Sự Thần Học số 65, p. 60.

[13] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 40.

[14] X. Thánh Tôma, Summa Theologica, II-II, q.1, a. 9, ad.5.

[15] X. Hội đồng Giám Mục Việt Nam, Sách Giáo Lý Hội của Thánh Công Giáo, số 798.

[16] X. Hội đồng Giám Mục Việt Nam, Sđd. số 809.

[17] X. Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Lumen Gentium, số 2-4.

[18] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Lumen Gentium, số 4.

[19] X. Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Đại kết Unitatis Redintegratio, số 2.

[20] X. Cẩm nang cho THĐ Giám mục về tính hiệp hành, phần 1.3.

[21] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Bài giáo huấn ngày thứ tư hàng tuần, 9-10-1991, số 7.

[22] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 1.

[23] Cẩm nang cho THĐ Giám mục về tính hiệp hành, phần 1.4.

[24] X. Bruno Forte, Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi Như Một Lịch Sử, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2010, p. 261-262.

[25] Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh về Truyền Giáo Ad Gentes, số 2.

[26] X. Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Lumen Gentium, số 8 ; Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 771.

[27] X. Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 40.

[28] John Chrysostom, Chú giải Thánh Vịnh 149. Trích lại từ Tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng, số 11.

[29] ĐGH. Phanxicô, Diễn từ mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập Thượng hội đồng Giám mục.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!