Giáo hội với Hội thánh khác nhau ở chỗ nào?
Trong các sách vở, trong các bài giảng, cũng như trong những cuộc giao tiếp hằng ngày, lúc thì người ta nói “Giáo hội công giáo” lúc thì “Hội thánh công giáo”. Hai từ ngữ đó, “Giáo hội” và “Hội thánh”, có đồng nghĩa với nhau hay không? Nếu không thì khác nhau ở chỗ nào?
Trước khi trả lời cho những câu hỏi vừa nêu, chúng tôi xin phép ghi nhận một sự kiện về ngôn ngữ tôn giáo ở Việt Nam. Nếu tôi không lầm, thì chỉ có Phật giáo dùng tiếng “Giáo hội” (Giáo hội Phật giáo), chứ không ai nói tới Giáo hội Khổng giáo! Còn hình như không có ai dùng tiếng “Hội thánh” ngoại trừ anh em Tin lành (chúng ta thấy tiếng “Hội thánh Tin lành” được dùng nhiều hơn là “Giáo hội Tin lành”). Như vậy thì trong Việt ngữ, đã có một sự khác biệt về cách áp dụng rồi đó. Còn tại sao lại có sự khác biệt đó, thì tôi xin thú nhận là chưa đủ khả năng trả lời, bởi vì cần phải khảo cứu lịch sử ngôn ngữ Việt Nam để xem những danh từ đó đã xuất hiện từ hồi nào. Chắc chắn là tiếng “Giáo hội Phật giáo” chỉ mới ra đời trong thời gian gần đây, chứ không có trong văn chương cổ truyền. Như chị đã biết, bên Đông phương, người ta quan niệm tôn giáo như là “đạo”, nghĩa là con đường (đạo Phật); hay là “giáo”, nghĩa là lời dạy (Phật giáo). Người nào chấp nhận con đường hay lời dạy đó thì gọi là tín đồ, Phật tử. Các tôn giáo ở Đông phương xem ra không đặt nặng vấn đề cơ cấu tổ chức; vì vậy mà tôi nghĩ rằng họ không có nói tới “Giáo hội”.
Như vậy, “Giáo hội” ám chỉ cái cơ cấu của một tôn giáo, phải không?
Theo tôi nghĩ, thì đúng như vậy. Tuy nhiên, như đã nói trên đây, tôi không có dịp tra cứu lịch sử ngôn ngữ học, để xem tiếng “Giáo hội” xuất hiện trong văn chương Việt Nam từ năm nào. Giới hạn vào Công Giáo, chúng ta thấy rằng hai tiếng “Giáo hội” và “Hội thánh” đều được dùng để dịch cùng một từ trong các tiếng Âu châu: ecclesia tiếng La-tinh, église tiếng Pháp, hay là church trong tiếng Anh.
Con không có rành tiếng La-tinh cho nên không biết ý nghĩa của nó; nhưng mà chữ “église” trong tiếng Pháp có nghĩa là “nhà thờ” nữa, phải không?
Không phải chỉ có tiếng Pháp, mà cả tiếng La-tinh và tiếng anh, “ecclesia” (église, church), vừa có nghĩa là Giáo hội hay hội thánh, lại vừa có nghĩa là nhà thờ nữa.
Có phải tại vì “nhà thờ” tượng trưng cho công giáo, cũng như “nhà chùa” tượng trưng cho Phật giáo hay không?
Có thể là ở Việt Nam đã có người hiểu như vậy. Một lần nữa, tôi xin nhường câu trả lời cho các nhà ngữ học, để xem sự đối chiếu ấy bắt đầu từ bao giờ. Theo tôi, thì trong các thế kỷ trước, khi muốn đối chiếu giữa Thiên Chúa giáo với Phật giáo, thì người ta dùng tiếng “nhà Chúa” để đối lại với “nhà chùa”, chứ không dùng tiếng “nhà thờ”; bởi vì tiếng “nhà thờ” ám chỉ nơi dùng vào việc thờ cúng tổ tiên. Trong xã hội cổ truyền, mỗi gia đình có bàn thờ để kính tổ tiên; còn mỗi dòng họ thì có nhà thờ để kính thủy tổ của tộc. Do đó nhà thờ không thể nào làm biểu hiệu cho Thiên Chúa giáo được.
Nãy giờ, có bao nhiêu câu hỏi mà cha đã dành cho các nhà ngữ học trả lời thay. Bây giờ xin cha vui lòng giải đáp câu hỏi: Giáo hội công giáo và Hội thánh công giáo có gì khác nhau hay không?
Như trên đã nói, xét theo nguyên ngữ thì cả hai đều phát xuất bởi một danh từ duy nhất trong tiếng La-tinh, hoặc tiếng Pháp, tiếng Anh. Dĩ nhiên, bây giờ tới lúc phải hỏi xem: thế thì ecclesiacó nghĩa là gì? Nên biết là muốn đi tìm gốc của tiếng Ecclesia, thì chúng ta phải quay sang tiếng Hy-lạp, tức là nguyên ngữ của Tân ước. Trong tiếng Hy-lạp, ekklesia có nghĩa là sự triệu tập, tụ họp, hội nghị. Khi dịch Cưụ ước từ tiếng Do thái ra tiếng Hy-lạp, thì người ta đã dùng tiếng ecclesia để chuyển nghĩa cái từ “qahal”. Dân Israel đã dùng tiếng đó để ám chỉ cộng đoàn phụng vụ, nghĩa là những người được tụ họp lại để nghe lời Chúa; rồi dần dần chính dân Israel cũng tự coi mình là “qahal” bởi vì họ ý thức rằng sở dĩ các bộ lạc lẻ tẻ đã trở thành một dân tộc là nhờ bởi Chúa đã quy tụ lại: họ là đoàn dân của Chúa, được Chúa quy tụ, và kết lập giao ước. Do đó, ý tưởng chủ chốt trong từ ngữ “ecclesia” (Hy-lạp) hay “qahal” (Do thái) là việc một đoàn dân được Chúa triệu tập, quy tụ. Sang thời Tân ước, các Kitô hữu lấy lại ý tưởng đó, khi gọi mình là “ecclesia”. Thực ra thì trong Tân ước, người ta thấy một từ ngữ “qahal” từ tiếng Do thái đã được dịch ra hai từ ngữ khác nhau: synagoga, nếu ám chỉ Israel (chúng ta thường dịch synagoga là: hội đường), và ecclesia, nếu ám chỉ các Kitô hữu. Qua lối sử dụng từ ngữ như vậy, các nhà chú giải Kinh thánh nhận thấy rằng: các Kitô hữu vừa muốn nêu bật sự liên tục với Israel, lại vừa muốn vạch ra sự khác biệt. Liên tục ở chỗ ý thức rằng các Kitô hữu được quy tụ lại không phải do máu mủ hay là do hợp đồng ý chí, song là do Chúa triệu tập lại. Đây là một cộng đoàn được thành hình do ý định của Thiên Chúa, dựa trên giao ước của Chúa. Nhưng mà đàng khác, các Kitô hữu cũng muốn phân biệt mình với Dân Israel, bởi vì thủ lãnh của họ là đức Kitô, người mục tử đã quy tụ một đoàn chiên mới cho Thiên Chúa qua cái chết của mình.
Như vậy, dịch ra tiếng Việt là “Giáo hội” hay “Hội thánh” thì sát nghĩa lắm rồi, phải không)?
Trong cả hai tiếng “Giáo hội” và “Hội thánh”, chúng ta đều thấy có tiếng “hội”. Nếu mà hiểu “hội” theo nghĩa là “hội họp”, “lễ hội” thì quả thực là sát với nguyên gốc trong Kinh thánh. Có lẽ người ta đã thêm tiếng “Giáo” để nêu bật rằng sự hội họp đó có tính cách “tôn giáo”, để lắng nghe lời Chúa và thờ phượng Ngài, chứ không phải họp nhau để đấu láo hay là bàn chuyện chính trị. Tiếc rằng nhiều lần, chúng ta nghĩ tới “Giáo hội” theo nghĩa của một cơ cấu tổ chức, hơn là nghĩ tới chiều kích năng động của nó: tức là một cộng đoàn được Lời Chúa quy tụ lại để lắng nghe và đáp lại Lời Chúa.
Thế còn “Hội thánh” thì sao?
Thiết tưởng có thể hiểu theo hai nghĩa. Một đàng thì muốn nhấn mạnh tính cách phụng tự của các buổi hội. Như vừa nói, chúng ta hội nhau lại để phụng thờ Chúa, chứ không phải để nhậu nhẹt hay đấu láo. Nghĩa thứ hai, thì nhấn mạnh tới tư cách của những người tham dự buổi hội. Họ là những người “thánh”. Tư tưởng này gặp thấy nơi các tác phẩm của thánh Phaolô: các Kitô hữu được gọi là “thánh”, không phải bởi vì họ đã trở thành siêu nhân, nhưng vì họ đã được rửa sạch khỏi tội lỗi, qua bí tích Thánh tẩy; họ được thánh hóa do chính sự tuyển lựa của Thiên Chúa là Đấng thánh. Vì vậy mà họ họp nhau thành một cộng đoàn các thánh nhân.
Nói như vậy thì chừng nào các Kitô hữu họp nhau lại thì mới thành Giáo hội hay Hội thánh; còn họp xong rồi thì Giáo hội cũng giải tán luôn?
Trong Tân ước, chúng ta thấy tiếng “ecclesia” bao hàm rất nhiều chiều kích. Có lúc thì nó có chiều kích năng động, ám chỉ một buổi hội họp. Theo nghĩa đó, thì dĩ nhiên, khi tan họp thì cũng hết ecclesia. Tuy nhiên có lúc thì nó mang một chiều kích tĩnh, ám chỉ một đoàn thể bao gồm tất cả các Kitô hữu, vượt lên trên điều kiện không gian và thời gian. Từ đó mà ta có hai quan điểm về ecclesia: một quan điểm vượt không gian và thời gian (quen gọi là Giáo hội phổ quát hay hoàn vũ), và một quan điểm gắn với không gian (quen gọi là Giáo hội địa phương). Giáo hội phổ quát hay hoàn vũ bao gồm không những là hết tất cả các tín hữu ở khắp nơi trên mặt đất, mà còn cả các tín hữu còn sống hoặc đã qua đời. Nói khác đi, theo nghĩa này, Hội thánh gồm các tín hữu còn lữ hành lẫn những phúc nhân trên trời cũng như các linh hồn đang được thanh luyện. Tất cả họp thành một Hội thánh duy nhất của đức Kitô, họp thành một thân thể mầu nhiệm mà chính Đức Kitô làm đầu. Tuy nhiên, trong Tân ước, đặc biệt là trong các thư của thánh Phaolô, tiếng ecclesia còn ám chỉ những cộng đoàn của các tín hữu thuộc từng vùng, từng miền, từng chỗ. Vì vậy mà có rất nhiều “Ecclesia”. Trong tiếng Việt, chúng ta thường dịch là “ giáo đoàn”, thí dụ giáo đoàn Rôma, Corintô, Ephêsô, vv. Riêng thánh Phaolô thì ngài thích dùng lối nói “Hội thánh Chúa ở Rôma, Corintô”.
Như vậy, cùng là một từ “ecclesia” mà dịch ra tiếng Việt thành ba từ khác nhau: Giáo hội, Hội thánh, giáo đoàn.
Đâu phải chỉ có ba mà thôi, còn nhiều nữa: nhà thờ, thánh đường, giáo đường. Tại sao như vậy? Như vừa nói, trong Tân ước, tiếng “ecclesia” khi mà hiểu theo nghĩa năng động thì ám chỉ buổi hội họp của các tín hữu. Họ họp nhau ở đâu thì chỗ đó là “ecclesia”, dù là ngoài trời, hay là ở trong tư thất. Chị đã biết là trong những thế kỷ đầu, Kitô giáo còn bị bách hại, cho nên các tín hữu không có nơi thờ tự nhất định. Mãi đến khi họ được hưởng tự do tín ngưỡng, thì họ mới bắt đầu xây cất những nơi thờ tự. Và họ đặt tên cho địa điểm ấy là “ecclesia” (hay: domus ecclesiae), nghĩa là chỗ cho các tín hữu tụ họp nhau lại để cầu nguyện. Từ đó ta thấy có sự chuyển nghĩa: lúc đầu thì ecclesia được dùng để chỉ nhóm người tụ họp nhau, đến nỗi có thể nói được rằng hết họp thì cũng hết ecclesia. Về sau, thì ecclesia được dùng để chỉ nơi tụ họp, và cho dù chẳng có ai họp nữa thì nơi đó cũng được gọi là ecclesia như thường! Trong các tiếng La-tinh và các ngôn ngữ Âu châu, một tiếng ecclesia vừa ám chỉ cộng đoàn Kitô hữu vừa ám chỉ nơi thờ phượng. Đến khi dịch ra Việt ngữ, thì chúng ta gọi cộng đoàn là “Giáo hội, hội thánh, giáo đoàn”; còn nơi thờ phượng thì được gọi là: “nhà thờ, thánh đường, giáo đường”.
Giuse Phan Tấn Thành, OP