Thư việnTruyền thông

GIÁO HUẤN XÃ HỘI CÔNG GIÁO VÀ TRUYỀN THÔNG

Phần I. DẪN NHẬP

Trong những năm qua, Giáo Hội Việt nam có những biến động, do sự áp bức khắc nghiệt từ bên ngoài và do cả những vấn đề từ bên trong. Chính trong bối cảnh ấy mà nhiều câu hỏi được đặt ra: “Công lý là gì?” “Tài sản Giáo Hội nếu được trưng dụng để làm công ích thì tốt cho xã hội sao lại phản đối?” “Chúng ta phải sống theo gương Chúa Giêsu, yêu thương mọi người và biết nhịn nhục như Chúa dạy, thế tại sao phải lên tiếng đòi công lý…” và còn nhiều câu hỏi đại loại như thế.

Thật ra những câu hỏi ấy rất phiến diện, chưa thấm nhuần tinh thần Tin Mừng và chưa tham chiếu giáo huấn về xã hội của Hội Thánh, hay nói khác đi, chưa đặt trọng tâm là nhân vị, món quà cao quí nhất mà Chúa ban cho con người.

 

Trong Giáo Hội Chúa Kytô, mỗi người được sai đi làm một phận sự khác nhau, nhưng tự bản tính, con người có nhân vị và phẩm giá. Nhân vị và phẩm giá ấy sở dĩ hiện hữu là bởi vì Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, và thánh Augustinô còn nhấn mạnh “Con người mở rộng về Thiên Chúa: “homo capax Dei”, con người có khả năng hướng về siêu việt.

Giáo Hội dạy: “Khi khám phá ra mình được Thiên Chúa yêu thương, người ta mới hiểu được phẩm giá siêu việt của mình, biết như thế không phải để mình hài lòng với mình mà còn để đến gặp người khác qua một mạng lưới quan hệ ngày càng nhân bản hơn”

Nhân vị và phẩm giá của con người được Chúa yêu thương là nền tảng Học Thuyết Xã Hội Công Giáo. Học Thuyết này là giáo huấn chính thức của Hội Thánh về các vấn đề xã hội liên quan đến con người, đến phận người, quyền làm người của từng thành viên nhỏ bé nhất trong xã hội này.

Và vì Học Thuyết Xã Hội Công Giáo định hướng cho mọi vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội và văn hoá cho dân Chúa trong mọi xã hội và mọi thời, cho nên việc tìm hiểu để hành xử xứng hợp với Học Thuyết này là điều cấp bách.

Về phần chúng ta, những người đang quan tâm tìm hiểu về Truyền Thông Công giáo, việc ôn lại Học Thuyết Xã Hội Công Giáo là quan trọng vì hai lý do: thứ nhất, Học Thuyết Xã Hội cho chúng ta hướng đi phù hợp với ước nguyện của Hội Thánh, và thứ hai, Học Thuyết này giải quyết những vấn đề nóng bỏng của truyền thông thời đại vì Hội Thánh đã được Chúa giao quyền và sứ mạng “cầm buộc” hay “tháo gỡ” những vấn đề của con người.

Trong thời đại mới này, thời của máy vi tính hay điện toán, truyền thông có những bước phát triển vượt bực và trở nên quan trọng hơn rất nhiều. Cha Antôn Lê Ngọc Thanh, trong “Tâm Tình và Tri Ân cuối năm Dần” đã diễn tả sức mạnh truyền thông mạng tại Việt Nam như sau:

“Nhiều người cho rằng, tuy chỉ mới có khoảng 20 triệu dân (gần bằng ¼ dân số) được tiếp cận internet thì đã có không dưới 10 triệu dân đã bắt đầu tiếp cận được đến các mạng xã hội Facebook, WordPress, Blogspot, Multiply và các websites độc lập hay tự do, không thuộc hệ thống báo chí cộng sản Việt Nam. Con số 10 triệu này đã vượt xa tổng số ấn bản báo phát hành hàng ngày chính thức tại Việt Nam hiện nay.”

Làm sao chúng ta bảo đảm rằng mình sẽ làm truyền thông chân chính và hữu hiệu nếu không dựa vào nền tảng được thiết định do chính Hội Thánh là Hiền Thê của Chúa Kytô, Đấng là Nhà Truyền Thông vĩ đại nhất vì Người là Lời của Thiên Chúa?

Phần II. VÀI NÉT VỀ HỌC THUYẾT XÃ HỘI CÔNG GIÁO

Vây Học Thuyết Xã Hội Công Giáo có từ lúc nào? Hiểu theo nghĩa rộng, Học Thuyết này đã khởi đầu từ ngày Đức Giêsu rao giảng và chọn gọi các môn đệ, sai các ông đi làm chứng cho ơn cứu độ và cho phẩm giá con người.

Chính từ ngày ấy, Chúa Giêsu tỏ cho thế gian thấy rằng Ngài đến là để cứu con người, cứu linh hồn con người để họ được hưởng phúc muôn đời, đồng thời Người cũng cứu thân xác con người khỏi những đau khổ, bệnh tật và bất công xã hội ngay trên trần thế này.

Học Thuyết Xã Hội hiểu theo nghĩa hẹp là một hệ thống giáo huấn về các vấn đề con người và xã hội, khởi đầu từ Thông Điệp “Rerum Novarum”, (Tân Sự, Những Vấn Đề Mới) của Đức Thánh Cha Lêô XIII năm 1891. Các vấn đề Xã Hội ấy đã phát triền qua các triều đại Giáo Hoàng kế vị ngài trong các Thông điệp về Xã Hội và các Hiến chế của Thánh Công Đồng chung Vaticanô II.

Giáo huấn hay Học Thuyết về Xã Hội đã được chuẩn bị cho việc tóm lược ngắn gọn rõ ràng do một Hồng Y người Việt Nam kiệt xuất là Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận trong thời gian ngài làm Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hoà Bình.

Đức Hồng Y Renato Raffaele Martino kế vị ngài đã nhận xét về “Vị tiền nhiệm đáng kính”, Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (1928-2002), rằng “với sự khôn ngoan, sự kiên quyết và tầm nhìn xa trông rộng, đã thực hiện phần chuẩn bị phức tạp của tài liệu này”.

Với tầm nhìn xa trông rộng ấy của một mục tử người Việt (ngược lại với các lãnh đạo VN!), Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê góp phần làm cho “Giáo Hội phải làm cho tiếng nói của mình vang dội đến mọi người về ‘những điều mới mẻ’ (res novae) tiêu biểu của thời hiện đại, bởi vì Giáo Hội có nhiệm vụ mời gọi mọi người làm tất cả những gì có thể được để hướng đến một nền văn minh đúng nghĩa càng ngày càng nhắm tới sự phát triển toàn diện của con người trong tình liên đới” như Đức Hồng y Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh, Bộ Trưởng Ngoại giao Toà Thánh Vatican đã viết.

  1. A. THÔNG ĐIỆP RERUM NOVARUM

Chúng ta đều biết Đức Thánh Cha Leo XIII là một chuyên gia kinh tế xã hội. Tự điển Bách Khoa online Wikipedia gọi ngài là “một nhà thông thái, một chính trị gia lỗi lạc”, do đó ngài nhìn ra vấn đề của xã hội cuối thế kỷ 19 một cách rõ ràng và thiết thực.

Thế kỷ 19 là thế kỷ của khoa học và kỹ thuật thời kỳ đầu, của những phát minh làm thay đổi cuộc sống con người. Chúng ta có thể kể đến một số phát minh tiêu biểu thế kỷ 19: Máy in 1810, Đầu máy xe lửa hơi nước 1814, Xe đạp 1816, Động cơ điện 182, Máy đánh chữ 1829, Thang máy 1852, Máy khoan dầu 1859, Khử trùng (Pasteur) 1862, Thuốc nổ (Nobel) 1866, Máy hút bụi 1869, Điện thoại, loa 1876, Động cơ ô tô, mô tô 1879, Quạt điện 1882 v.v…

Vì những phát minh thay đổi thế giới ấy, hiển nhiên xã hội và các tương quan xã hội thay đổi, rõ ràng nhất là các nhà máy ra đời, hình thành hai giai cấp chủ nhân và thợ thuyền. Giới chủ nhân thì muốn lợi dụng sức lực của thợ, giới thợ thuyền thì muốn đòi quyền lợi. Rồi bao nhiêu tệ nạn và bất công phát sinh ra từ nền công nghệ mới mẻ ấy.

Nhiều người hô hào giới thợ thuyền đứng lên đòi quyền lợi, hô hào sử dụng bạo lực, dùng vũ khí để giải quyết các tranh chấp trong xã hội.

Nhưng Hội Thánh, với tấm lòng bao dung của người mẹ và với tầm nhìn khôn ngoan hơn, đã không muốn cho nhân loại đi vào con đường bạo lực ấy. Và Toà Thánh đã lên tiếng, trình bày đường lối và giáo huấn của Hội Thánh trước các vấn đề xã hội.

Nội dung Thông Điệp Rerum Novarum là gì? Nội dung chính gồm các điểm sau đây:

– Những quan hệ giữa chủ và thợ thay đổi, gây ra bất hạnh, khốn khổ và bất công.

– “Con ngưởi có quyền tư hữu tự nhiên, bền vững và trường tồn”

– Các giai cấp không phải là kẻ thù của nhau. Thợ thuyền có những quyền lợi căn bản của con người gắn liền với Luật Tự Nhiên, mà qua đó mọi người đều bình đẳng.

– Giáo Hội có quyền lên tiếng về các vấn đề xã hội. Vai trò của Giáo Hội là dạy bảo về các quy tắc xã hội và san bằng hố cách biệt giai cấp. Vai trò của quốc gia là tạo dựng một xã hội công bằng qua luật lệ và duy trì luật lệ ấy.

B. NỘI DUNG CHÍNH CỦA HỌC THUYẾT XÃ HỘI CÔNG GIÁO

Bản tóm lược Học Thuyết Xã Hội Công Giáo chia làm 3 phần gồm có 12 chương chính với 583 khoản mục, đề cập đến các vấn đề xã hội theo huấn giáo của Hội Thánh.

Trong phần I, bản tóm lược đề cập đến “Kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại”, “Sứ mạng của Giáo Hội và Học Thuyết Xã Hội Công Giáo”. Phần này cũng nếu lên giáo huấn của Hội Thánh về “Con người và nhân quyền”, (điều mà các nước độc tài không hoan nghênh). Phần này còn có một chương quan trọng mà chúng ta nhấn mạnh hôm nay, đó là “Các nguyên tắc của Học Thuyết Xã Hội Công Giáo”

Phần II gồm 7 chương về các vấn đề “Gia đình”, “Lao động của con người”, “Kinh tế”, “Cộng đồng chính trị”, “Cộng đồng quốc tế”, “Bảo vệ môi trường”, và “Cổ vũ Hòa Bình”. Trong phần này chúng ta tìm thấy những câu trả lời thực tế cho các vấn đề quan trọng như chính trị, vế các mối tương quan quốc tế, về môi trường…

Phần III nhấn mạnh đến Học Thuyết Xã Hội Công Giáo và Hoạt động của Giáo Hội.

Và phần kết luận có tựa đề là “Vì một nền văn minh Tình Yêu”

C. CÁC NGUYÊN TẮC CỦA HỌC THUYẾT XÃ HỘI CÔNG GIÁO

– Nguyên tắc nhân vị

“Giáo Hội nhìn thấy nơi mỗi người, nam cũng như nữ, hình ảnh sống động của chính Thiên Chúa. Hình ảnh này mỗi ngày được triển khai thêm một cách trọn vẹn và sâu sắc hơn nơi mầu nhiệm Đức Kitô, hình ảnh tuyệt hảo của Thiên Chúa, Đấng duy nhất đã mạc khải Thiên Chúa cho con người và mạc khải con người cho chính con người”.

Vâng, Chúa Giêsu Kytô đã mạc khải Thiên Chúa cho con người và mạc khải con người cho chính con người, để chúng ta biết Chúa và biết chính mình, biết mình có nhân vị và phẩm giá, (chứ nếu không mình tưởng mình là khỉ!)

Chính nhân vị và phẩm giá làm cho con người khác biệt mọi loài vật khác, làm cho con người không đơn thuần là con cháu loài khỉ hay vượn.

Khi con người chối bỏ Thiên Chúa là nguồn gốc muôn loài, họ cũng chối bỏ giá trị của chính mình và đồng loại. Do đó, trong một xã hội vô thần, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy bao nhiêu là những bi đát và đau đớn của kiếp người.

– Nguyên tắc công ích

“Mọi khía cạnh trong đời sống xã hội đều phải liên hệ đến công ích, nếu muốn đạt được ý nghĩa trọn vẹn nhất, công ích xuất phát từ chính phẩm giá, sự thống nhất và bình đẳng của hết mọi người. Hiểu theo nghĩa ban đầu, và được chấp nhận rộng rãi, công ích là “toàn bộ những điều kiện xã hội cho phép con người, tập thể hay cá nhân, đạt tới sự phát triển cách đầy đủ và dễ dàng hơn”

Hội Thánh dạy rằng công ích là những điều kiện thích hợp cho việc phát triển cộng đồng – phù hợp lợi ích cá nhân – và quan trọng nhất là phải hướng về thiện hảo, phải phụng sự Thiên Chúa.

– Nguyên tắc bổ trợ

“Bổ trợ là một trong những định hướng bền vững và đặc thù nhất của Học thuyết Xã hội Công giáo, và đã có mặt trong học thuyết ấy ngay từ văn kiện xã hội quan trọng đầu tiên”. Dựa trên nguyên tắc này, mọi xã hội thuộc trật tự cao hơn phải có thái độ trân trọng giúp đỡ (subsidium) – tức là hỗ trợ, đẩy mạnh, phát triển – các xã hội thuộc trật tự thấp hơn. Giáo Hội dạy: “Bổ trợ hiểu theo nghĩa tích cực là sự giúp đỡ về kinh tế, cơ chế hay pháp lý cho các đơn vị xã hội nhỏ hơn, nhưng có thể dẫn đến hàng loạt hậu quả tiêu cực như cấm Nhà Nước làm bất cứ điều gì mà thật sự hạn chế không gian sống của các đơn vị xã hội căn bản nhỏ bé đó. Không ai được phế bỏ sáng kiến, tự do và trách nhiệm của các đơn vị căn bản ấy.”

– Nguyên tắc liên đới

Giáo huấn của Hội Thánh đã nhiều lần nhấn mạnh rằng “Sự liên đới làm nổi bật một cách đặc biệt bản tính xã hội nội tại của con người, sự bình đẳng của mọi người về phẩm giá và quyền lợi, cũng như con đường chung cho các cá nhân và các dân tộc tiến tới sự thống nhất với một ý thức ngày càng cao hơn.”

  1. B. CÁC GIÁ TRỊ CỦA HỌC THUYẾT XÃ HỘI CÔNG GIÁO

– Sự Thật

Học Thuyết Xã Hội nêu lên ba nghĩa vụ đối với sự thật: hướng tới sự thật, tôn trọng sự thật và làm chứng về sự thật một cách có trách nhiệm.

– Tự Do

“Tự do là dấu chỉ cao đẹp nhất nơi con người, cho thấy con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa”. Và như vậy, tự do là dấu chỉ phẩm giá con người. (199)

– Công Lý

Công lý chính là “có ước muốn kiên định và vững chắc trả những gì mình mắc nợ Chúa và tha nhân”. Khi công lý được thực thi cùng với bác ái và liên đới, thì nó sẽ thành con đường dẫn đến hoà bình (x. Isaia 32,17; Gc. 3,18).

– Tình Yêu

Giáo Hội trung thành với giới răn trọng nhất mà Đức Giêsu đã truyền dạy, nhấn mạnh rằng công lý mà không có tình yêu thì “công lý có thể phản bội chính mình”, nghĩa là nỗ lực thực thi công lý lại có nguy cơ làm phương hại đến công lý. Vì vậy, Giáo Hội dạy “Giữa các đức tính nói chung, và đặc biệt giữa các đức tính, các giá trị xã hội và tình yêu, có một mối liên kết rất sâu xa mà chúng ta cần phải nhận thức càng ngày càng đầy đủ hơn”

Phần III. HỌC THUYẾT XÃ HỘI, THỰC TẠI VÀ TRUYỀN THÔNG CÔNG GIÁO.

A. Học Thuyết Xã Hội Và Thực Tại

– Sự Thật.

Xã hội Việt Nam XHCN  ngày nay chứng kiến nhiều điều đáng buồn, nhưng điều đáng buồn nhất là sự giả dối tràn lan ở mọi lãnh vực. Con người có thể nói dối và lừa lọc một cách tự nhiên như họ sống và thở. Trong bài giảng Lễ Tết Tân Mão, Đức Cha Nguyễn Năng (giáo phận Phát Diệm nói: “Ngày hôm nay, nhiều người rao giảng những điều dối trá, loan truyền những sự dối trá”

Báo chí có viết đúng sự thật không? Trên báo Dân Trí hôm Tết, người ta làm phóng sự về người Công giáo, họ bảo là người Công giáo cũng cúng 23 Tết, ngày ông Táo về Trời. Chuyện gì báo chí cũng nói mà không cần biết người đọc nghĩ gì.

– Công Lý

Theo Cha giáo sư Kinh Thánh Hà Ngọc Phú DCCT, từ “công lý” trong Kinh Thánh có đến 18 ngữ nghĩa. Dưới góc độ Học Thuyết Xã Hội, chúng ta xét công lý ở ba khía cạnh này: Phải tôn trọng công bằng xã hội – Phân phối tài sản hợp lý- Luật pháp phải công bằng, chính trực.

Trong mấy năm qua, nhiều mạng truyền thông lên tiếng cho công lý, nhưng tiếng vọng lại đã thấy công lý chưa?

Rồi công lý ở đâu khi mà Thánh Giá Chúa ở Đồng Chiêm bị phá nát, khi tượng Mẹ ở Đồng Đăng bị đập vỡ, khi linh mục tu sĩ bị đánh trọng thương? Công lý ở đâu khi dân Chúa bị mất nhà cửa, mất quê hương còn bị tù đày như ở Cồn Dầu chẳng hạn.

– Hoà Bình

Trong bài giảng Lễ Vọng Giáng Sinh 2008 , Đức Thánh Cha Benedictô XVI đã nói:“Chúng ta hãy cầu xin cho nền hòa bình được xuất hiện nơi đây, hòa bình mà các thiên sứ đã hát lên trong đêm thánh này”. Như thế, ngài muốn đến nền hoà bình mà thiên thần Chúa đã loan báo cho nhân loại thời Đức Kytô Thiên Sai, nền hoà bình khi con người được nhìn nhận đúng phẩm giá, nền hoà bình mà  ngài đã khẳng định trong sứ điệp hoà bình năm 2008: “nhân vị là trọng tâm của hoà bình”.

Ở Việt nam có hoà bình chưa? Học Thuyết Xã Hội dạy rằng hoà bình không chi là vắng bóng chiến tranh. Nhân vị chưa được tôn trọng, thậm chí còn bị chà đạp, thì hoà bình ở đâu?

Mới đây Đức Thánh Cha Bênêdíctô nhấn mạnh sự liên quan mật thiết giữa hoà bình và tự do tôn giáo: “Nếu quyền tự do tôn giáo không được bảo đảm và tôn trọng, thì tất cả các quyền tự do căn bản khác sẽ bị vi phạm trầm trọng dưới hình thức này hay hình thức khác, và nền hòa bình của thế giới bị đe dọa.”

– Đối Thoại

Có câu chuyện rất hài hước rằng trên chuyến xe đò về Daknông, có mấy học ngành kỹ thuật, không biết tiếng Anh, ngồi gần một hành khách ngoại quốc. Ông khách hỏi mấy câu gì đó các bạn ấy không hiểu, thế là một bạn đưa tay ra dấu như con dao cắt ngang cổ. Ông khách hết hồn, nghĩ là chàng trai doạ giết nên ông ngồi im ru. Các bạn bật cười vì các bạn chỉ muốn đùa rằng “Biết chết liền!”.

Rõ ràng việc đối thoại bất thành. Trong các lớp ngoại ngữ, một trong những hoạt động chính yếu là đối thoại. Khi làm ăn kinh doanh, người ta cũng cần đối thoại. Giữa xã hội, các các nhân và tổ chức cũng coi đối thoại như phương thế hữu hiệu để thành công.

Nhưng đối thoại là gì, đối thoại để làm gì và đối thoại như thế nào vẫn còn là vấn đề làm nhức óc nhiều người. Thậm chí những người hay dùng những từ đối thoại lại dường như không nắm được nội hàm của từ ngữ hoặc lạm dụng từ ngữ vì những lý do thuần cá nhân. Do đó, khi một người có trách nhiệm nói đến đối thoại thì lập tức làn sóng phản ứng tiêu cực lan nhanh.

Điều kiện đối thoại là “Phải coi luật luân lý phổ quát, được khắc ghi trong tâm hồn con người, là luật hữu hiệu và không thể xoá bỏ như một biểu hiện sống động của lương tri được chia sẻ của nhân loại, một “quy tắc thành văn” để chúng ta dựa vào đó mà xây dựng tương lai thế giới” (ĐGH Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc kỳ họp thứ 50).

– Tự Do

Tự do là được giải thoát. Chúa Giêsu nói “Sự thật giải thoát các con”. Không có Sự Thật thì không thể có tự do. Khi người ta không tôn trọng nhân vị và phẩm giá con người, thì sự tự do hãy còn ở xa lắm.

Cũng trong bài giảng Lễ Tết Tân Mão, Đức Cha Nguyễn Năng nói: “Ngày nay người ta nói: “Tôi tự do, tôi rao giảng về sự tự do,”. rao giảng về sự phóng túng, rao giảng về sự khoái lạc. Kêu gọi người ta sống thỏa thích, người ta loan truyền về sự phá thai, loan truyền đồng tính, loan truyền sự giàu có vật chất. Biết bao nhiêu sự lầm lạc và dối trá”

B. Vài vấn đề về Truyền Thông Công Giáo

Chính từ thực tế ấy mà mỗi người Kytô hữu, Kytô hữu giáo sĩ và Kytô hữu giáo dân, cảm thấy thao thức, muốn chung tay xây dựng xã hội trần thế theo huấn giáo của Hội Thánh. Với vai trò ngôn sứ, người Kytô hữu dùng truyền thông như khí cụ của thời đại để loan truyền các nguyên tắc và giá trị căn bản xây dựng ngôi nhà sự sống.

Trong Giáo Hội, Học Thuyết Xã Hội Công Giáo cần được phổ biến rộng rãi để làm nền tảng cho các hoạt động tông đồ giáo dân. Ngày càng có nhiều người tín hữu giáo dân tham gia vào các hoạt động của Giáo Hội. Đó là tín hiệu đáng mừng. Nhưng Giáo Hội còn khuyến khích phát triển các nhóm giáo dân, để họ học hỏi qua các nhóm, hiệp hội, phong trào.

Với Xã Hội, người giáo dân đang cố gắng đã làm tròn chức năng của mình bằng cách đưa sáng kiến, truyền đạt tinh thần Kytô giáo vào trong xã hội trần thế. Họ đang nỗ lực hội nhập vào văn hoá, giáo dục, xã hội và chính trị. Giáo Hội dạy: “Các Kytô hữu phải hoạt động sao cho toàn bộ giá trị về chiều hướng tôn giáo của văn hoá được nhìn nhận. Đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp bách đối với phẩm chất của cuộc sống con người, cả về mức độ cá nhân lẫn xã hội.”

Vai trò của ngôn sứ là nói lên sự thật. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhắc nhở “đừng sợ làm nhân chứng cho phẩm giá của mỗi con người, từ lúc con người thụ thai cho đến khi chết”.

Như đã trình bày trên, Học Thuyết Xã Hội cho chúng ta hướng đi phù hợp với ước nguyện của Hội Thánh, và thứ hai, Học Thuyết này giải quyết những vấn đề nóng bỏng của truyền thông thời đại vì rõ ràng Hội Thánh đã được Chúa giao quyền và sứ mạng “cầm buộc” hay “tháo gỡ” những vấn đề của con người.

1. Truyền Thông Công Giáo là mối quan tâm của HTXHCG

Trong việc thăng tiến một nền văn hoá đích thực, giáo dân sẽ đặt trọng tâm vào các phương tiện truyền thông đại chúng, và trên hết, bằng cách kiểm tra lại những nội dung của vô số những chọn lựa mà người ta thực hiện.

“Giáo hội vui mừng sử dụng các phương tiện truyền thông để cung cấp những thông tin về chính mình và mở rộng các phương thế truyền giáo, dạy giáo lý và đào tạo, trong khi xem việc sử dụng chúng như lời đáp trả cho mệnh lệnh của Chúa: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15)” – (ĐGH. Gioan Phaolô II, Tông thư “Sự phát triển nhanh chóng”, gởi giới hữu trách truyền thông xã hội, 24.01.2005, số 7).

2. HTXH hướng dẫn Truyền Thông Công Giáo

– Giáo Hội trao tặng một truyền thống lâu dài về sự khôn ngoan, ăn rễ sâu trong Mạc Khải của Thiên Chúa và trong suy tư của con người.

– Tín hữu giáo dân sẽ coi các phương tiện truyền thông như những công cụ tạo nên và tăng cường sự liên đới.

– Bổn phận thứ nhất của những người sử dụng phương tiện truyền thông là nhận định và chọn lọc.

3. Truyền thông CG và các vấn đề tôn giáo xã hội vài năm qua

– TTCG đóng vai trò lớn lao trong việc cỗ võ Công Lý và Sự Thật; giúp dân Chúa sống liên đới;  thông tin đa chiều; giúp thắng lại những chiếc xe xã hội đang lao xuống vực.

Phần IV. KẾT LUẬN

1. Người làm truyền thông Công Giáo cần thấm nhuần HTXHCG, bằng cách đọc, suy tư, học hỏi, chia sẻ và áp dụng trong từng bài viết cũng như cách sống của mình. Chúng ta có thể tìm đọc sách “Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội Công Giáo” do Ủy Ban Bác Ái Xã Hội, HĐGMVN xuất bản, hoặc có thể vào đọc ở đây:

http://www.vatican.va/roman_curia/pontifical_councils/justpeace/documents/rc_pc_justpeace_doc_20060526_compendio-dott-soc_vi.html

2. Chúa Giêsu là Lời mạc khải, là người mang sứ điệp truyền thông (Communicator) , và Đức Maria Mẹ Người là Đấng cộng tác đắc lực vào truyền thông. “Đức Maria vội vã đi lên miền núi…”. Chúng ta làm truyền thông thành công chỉ khi noi gương Đức Giêsu và Mẹ Maria, sống đời cầu  nguyện và gắn bó với Lời Chúa.

Gioan Lê Quang Vinh, VRNs

Câu hỏi thảo luận:

  1. Bạn có quan tâm đến Giáo huấn của Hội Thánh qua các Hiến chế, Sắc lệnh, Tuyên ngôn, Thông điệp, Tông thư… không? Tại sao?
  2. Bạn thấy Học Thuyết Xã Hội có quen thuộc không? Các giáo huấn ấy có được áp dụng trong xã hội ngày nay chưa?
  3. Bạn sẽ áp dụng Học Thuyết Xã Hội thế nào trong việc làm truyền thông Công giáo và trong việc đánh giá các vấn đề xã hội?
  4. Bạn hãy đưa ra một tình huống có thật ở xã hội ngày nay, nơi mà Học thuyết Xã Hội Công Giáo chưa được áp dụng. Bạn đề nghị một cách xử lý tình huống.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!