Chờ “đấng bản quyền lên tiếng” ư? Cái gốc cây được đưa về nhà thờ, dù biện minh bằng lời nói gì thì đây cũng là một cách gián tiếp hợp thức hoá. Nhiều người đã mặc định một cách chắn chắn đây là Chúa và tung hô… Kế tiếp thì sao? Tổ chức đọc kinh, “hành hương”, để bảng đá “tạ ơn Chúa gốc cây”, rồi “do nhu cầu mục vụ” giáo dân đòi quá nên đặt cái thùng tiền, rồi thành “linh địa”, rồi cánh xe ôm lan truyền những câu chuyện li kỳ, rồi có thêm nhiều người tới nữa, giáo xứ phát triển, người người sốt sắng, cả nhà cùng vui chăng?
Rồi sau đó ở đâu đó có ụ mối hình Đức Mẹ, củ khoai hình ông thánh Phê-rô, con bò sữa có hoa văn chim bồ câu, cây me có hình ông thánh Giu-se, dấu rỉ sét trên vách tole hay dấu rêu mốc trên tường nhà hao hao tượng ảnh… thế là nơi nơi hành hương, nhà nhà người người tìm cầu dấu lạ nơi gốc cây cục đá.
Tôi tự tới nhà thờ xin học giáo lý và chịu phép rửa tội năm 16 tuổi, sau này lớn lên có đăng ký học thêm Kinh Thánh và Thần Học từ những học viện online, niềm tin đơn sơ vào những điều căn bản trong kinh Tin Kính. Năm nay 33, theo đạo đã hơn nửa đời rồi, nhưng cũng khó thoát hai chữ tân tòng. Tôi yêu thích đức tin Công giáo vì nó không có những chuyện mê tín dị đoan ma trâu thần rắn, không dễ dàng đi theo những điều vô tri để mà coi là thần thánh rồi bái lạy, không dị đoan nghe đồn chỗ đó có ma có thần gì là lập miếu thờ rồi cúng bái xin ban phúc.
Tin Chúa, vững tâm yên lòng trước những thứ tà vạy ma mị. Mà nay mới có mười mấy năm, tôi lại thấy nhiều người anh em còn mê tín vào dấu lạ hơn cả người không Công giáo. Nếu cần một hình tướng để nhìn vào, tranh ảnh và tượng thánh đã quá đủ rồi. Tìm gì ở gốc cây hòn đá?
Ở nhiều nước khác vẫn có những hiện tượng cây cối na ná hình người, na ná hình tượng Chúa Giê-su. Người ta có thể thấy lý thú vì một hiện tượng thiên nhiên và chia sẻ nhau coi cho vui, chẳng ai xem đó là Chúa rồi tới thờ phượng.
Việc tin dị đoan có phải là đức tin mà kẻ tân tòng như tôi đã lãnh nhận?
Hải Lê