Kỹ năng sống

HẠNH PHÚC THỦY TINH

HẠNH PHÚC THỦY TINH
Mới sáng sớm chị đã gọi hai người bạn thân đi uống cà phê. Vừa ngồi vào ghế Hà đã phì cười.
– Bà chuyển sang nghề thám tử hay sao mà chơi nguyên cặp kính đen bự tổ chảng vậy.
Chị từ từ tháo kính xuống, để lộ ra cặp mắt sưng húp vì khóc nhiều, và đưa cho hai người xấp ảnh.
Hai người cắm cúi xem từng cảnh đôi trai gái tình tứ bên nhau, trong nhà hàng lung linh nến và hoa, cô gái xinh đẹp đang cười hạnh phúc, người đàn ông nhìn cô ấy say đắm…
Giọng chị đau đớn, vỡ vụn
Hai hôm trước là kỉ niệm 10 năm ngày cưới của vợ chồng em. Anh ta nói phải đi công tác gấp ở Hà Nội. Tình cờ người nhà em thấy anh ả đi ra từ khách sạn nên bám theo chụp rồi gửi cho em.
Hà buồn rầu nói
– Tao không ngờ ông Nguyên nhà mày đổ đốn vậy, ngày xưa mày học giỏi, xinh đẹp nhất trường. Ông ấy cưa mày mấy năm mới đổ. Mỗi lần họp lớp chúng tao đều lấy gương vợ chồng mày ra để phấn đấu, vợ chồng thành đạt, giàu có, hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn…
Chị Thanh (phó giám đốc cơ quan) quay sang hỏi
– Giờ em tính sao?
Chị khóc nức nở
– Em muốn ly hôn
Chị Thanh trầm ngâm một lúc rồi hỏi
– Bọn trẻ con thì sao? Ba chúng nó rất yêu hai đứa, em có ra tòa khả năng cao nhất cũng chỉ được nuôi một đứa, em đã nghĩ đến điều đó chưa?
Chị ngồi đờ ra rồi kiên quyết
– Có ai ly hôn mà chết đâu, em đã hy sinh hết lòng vì gia đình, vì sự nghiệp của chồng, cùng chồng trải qua bao nhiêu cay đắng ngọt bùi rồi để nhận lại sự phản bội phũ phàng như thế này. Em cũng muốn được như chị, giỏi giang, kiêu hãnh, thành đạt. Chị cũng ly hôn đã lâu, mà sự nghiệp càng ngày càng thăng tiến, nhan sắc ngày một xinh đẹp hơn đó sao.
Chị Thanh cười cay đắng
Mỹ phẩm xịn đấy em ơi. 10 năm trước chồng chị cặp với cô thư kí, chị phát điên lên, dứt khoát kí giấy ly hôn mặc cho anh ấy quì xuống van xin mấy tháng trời. Hơn một năm sau anh ấy lấy vợ, cô ta khéo lắm, quản chặt từng đồng. Bọn trẻ con nhà chị vừa thiếu tình thương của bố, vừa thiếu thốn đủ đường. Chúng nó quay sang oán trách mẹ. Chị đã phải gồng mình vừa làm ba, vừa làm mẹ, vừa lo kiếm tiền. Chị sợ nhất những ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết nhà người ta quây quần bên nhau, nhà mình có mấy mẹ con lủi thủi. Nhiều lúc mình muốn ngửa mặt lên trời hú như sói ấy. Cũng từ đó đến giờ chị có tìm được người nào bằng anh ấy đâu. Trẻ choai thì muốn đào mỏ, bọn có gia đình thì chỉ thích tình một đêm, còn ngươi tử tế yêu mình thật lòng thì không thương con mình.
Cái Hà chen vào
– Bọn gái bây giờ toàn xài đồ giả, thẩm mỹ không à! nhưng rượu vào mắt thằng nào cũng mờ, nên mê tít mày ơi. Mấy thằng bên công ty tao còn nói lén với nhau “Vợ có phải Tổ quốc đâu mà mỗi người chỉ có một”
Chị Thanh nói tiếp
– Cậu trưởng chi nhánh công ty mình ngoài Đà Nẵng, vừa xin nghỉ gấp một tháng vì bố bị ung thư giai đoạn cuối. Em về sắp xếp vào thay thế cho cậu ta được không?
Khi em mới về công ty, em là người vô cùng nổi bật và có năng lực. Vậy mà em xin sang phòng hành chính vì lý do con nhỏ, mẹ chồng đột quỵ. Em chỉ cần làm công ăn lương đi về đúng giờ để lo cho gia đình, em đã bỏ qua bao nhiêu cơ hội. Em nhìn lại mình đi, lúc nào cũng giản dị không trang điểm trong khi chồng làm ra nhiều tiền. Gái bây giờ thì 1001 kiểu moi tiền, muốn thế nó phải đầu tư bề ngoài chứ. Mai chị đưa em đi làm tóc, mua mấy bộ đồ hợp mốt. Tuần sau em đi công tác. Ở Đà Nẵng một tháng, chị tin là em sẽ có quyết định chính xác. Chị luôn luôn ủng hộ em.
Kéo vali vào nhà anh ngỡ ngàng nhìn vợ. Mới đi Hà Nội một tuần mà về thấy vợ thay đổi chóng mặt. Ngày xưa chị là hoa khôi nên giờ chỉ thay đổi kiểu tóc, trang điểm nhẹ nhàng cộng với bộ váy áo hợp mốt chị trở nên vô cùng xinh đẹp, quyến rũ. Trong bữa cơm tối chị thông báo.
– Cơ quan cử em đi công tác một tháng ngoài Đà Nẵng, sáng mai 8 giờ bay. Em đã sắp xếp mọi việc chu đáo rồi. Sáng anh chở thằng Bi đi mẫu giáo, con Nu đến trường. Chiều 4 giờ đi đón các con. Cơm nước, dọn dẹp nhà cửa em đã thuê người làm theo giờ. Anh nhớ khoảng 10 giờ tối vào mat xa đầu, xoa bóp nhẹ nhàng cho mẹ dễ ngủ.
Anh giật mình
Em ở phòng hành chính việc gì phải đi công tác lâu vậy, nhà mình đâu có thiếu tiền, em xin nghỉ việc đi.
Chị nhẹ nhàng nói
– Em vào thay cho cậu trưởng chi nhánh một tháng
Mẹ chồng thương chị như con gái cũng tiếp lời
– Để cho vợ nó đi con ạ, nó vất vả vì mẹ vì gia đình này nhiều rồi.
Buổi tối chị lấy cớ ngày mai đi nên sang ngủ với các con. Anh thì từ khi cặp bồ mấy tháng nay cũng gần gũi vợ cho có lệ nên cũng không có ý kiến gì. Chị đưa điện thoại cho bé gái lớn dặn dò đúng 8 giờ hàng ngày mẹ sẽ gọi về kể chuyện cổ tích cho các con, chỉ cho con cách bật loa ngoài để hai chị em cùng nghe.
Sáng sớm tinh mơ, ôm hôn hai con xong chị đặt taxi đi cho kịp chuyến bay. Anh vẫn ngủ, chỉ có mẹ chồng đẩy xe lăn ra (Chị vừa về làm dâu vài tháng thì bà bị tai biến) bịn rịn, dặn dò chị đi đường cẩn thận, nhớ giữ gìn sức khỏe. Mười năm nay chị chăm sóc bà hết sức chu đáo nên bà vô cùng cảm kích và yêu quý chị.
Theo thói quen, anh ngủ dậy chỉ lo làm vệ sinh cá nhân rồi mở tủ quần áo mặc bộ đồ chị đã chuẩn bị sẵn, lững thững xuống ăn sáng rồi đi làm. Hôm nay đón anh là hai cặp mắt tròn xoe của các con vì sắp đến giờ đi học rồi mà chưa chuẩn bị gì hết. Thế là cả nhà dưới sự giúp đỡ của bà nội nháo nhào lo bữa sáng vội vàng. Mấy năm nay chỉ quen đi xe hơi giờ anh phải dắt vội xe máy ra đường để đưa con đi cho kịp giờ. Hai đứa trẻ thi nhau ríu rít đủ thứ chuyện, gần đến trường chúng mới nhắc là ba không chuẩn bị đồ ăn trưa, mẹ ngày nào cũng chuẩn bị cho mỗi đứa một hộp cơm đẹp nhất trường. Anh tấp vội xe vào lề đường mua cho mỗi đứa một cái bánh bao và một chai nước.
Đến công ty việc ngập đầu anh cắm cúi làm cho xong, không kịp cả đi hò hẹn với bồ. Đúng 4 giờ chiều chị gọi điện về nhắc nhở anh đi đón con thế là lại phi xe máy vội vàng. Kẹt xe dữ dội nên ba cha con 6 giờ mới về được tới nhà. Người làm đã dọn cơm tươm tất rồi ra về. Bọn trẻ con đói quá sà ngay vào bàn, nhưng mới nuốt xong muỗng đầu đứa nào cũng nhăn nhó. Thằng Bi tự nhiên òa khóc
– Cơm không ngon.Mẹ đâu rồi? Bi nhớ mẹ lắm
Con Nu vội vàng dỗ em
– Bi ngoan ráng ăn đi, mẹ đi công tác ít bữa mẹ về, tí nữa mẹ gọi về kể chuyện cổ tích cho hai chị em mình nghe.
Lo tắm rửa cho hai con xong thì cũng gần 8 giờ. Bọn trẻ con chạy vội vào phòng chờ mẹ gọi điện, còn anh vào phòng thăm mẹ. Thương bà không đi lại được nên tối nào chị cũng trò chuyện, mát xa cả tiếng cho bà dễ ngủ.
Mới có một ngày mà anh đã cảm thấy quá mệt mỏi. Giờ đây anh mới cảm nhận được hết sự hy sinh thầm lặng của vợ, để anh lúc nào ra đường cũng bóng bẩy, mượt mà, vô lo, vô nghĩ, rảnh rỗi đến mức đi cặp bồ. Cuộc sống vợ chồng êm đềm trở nên nhàm chán. Những buổi rượu chè thâu đêm suốt sáng, những lời ngọt ngào mê hoặc của đám gái trẻ đã kéo anh ngày càng xa chị.
Những ngày tiếp theo, mặc dù có người làm nhưng cuộc sống nhà anh lúc nào cũng như trong trận chiến. Sáng ra là con chị mắng thằng em rồi hai đứa gây lộn ầm ĩ. Ngày nào cũng có màn kiếm quần áo để mặc. Áo cha, quần bà, váy cháu… người làm ủi xong nhét một đống tìm hoa hết cả mắt. Cơm thì bữa sống, bữa chín, món ăn thì bữa mặn chát, bữa nhạt phèo. Mẹ anh ngày nào cũng nhìn lên cuốn lịch để trước mặt nhẩm tính ngày chị về.
Đón tiếp chị là một dàn nhân viên trẻ trung, ai cũng khen sếp xinh như hoa hậu. Chị rất nhanh chóng thích nghi với cuộc sống Đà Nẵng và điều hành công việc rất tốt. Thời gian đầu tinh thần còn suy sụp, chị phải trang điểm rất kĩ mới đăng hình lên Facebook, vừa đăng xong là cả cơn mưa lời khen ập xuống. Thời gian sau chị bơi lội hàng ngày, ngủ đủ giấc nên trông chị càng ngày càng rạng rỡ. Anh vào Facebook của chị, anh thấy vợ mình xinh lắm, anh cảm thấy lo lắng từng ngày. Anh bắt đầu thường xuyên gọi điện cho chị, hỏi chị bao giờ về… ngược với mấy năm qua toàn là chị ngồi mòn mỏi bên mâm cơm chờ chồng và gọi điện hỏi anh khi nào về.
Công việc công ty, đưa đón chăm sóc hai đứa bé choán hết một ngày làm việc của anh, cảm giác có lỗi với vợ, sợ mất vợ khiến anh lơ là với cô bồ. Cô gọi điện hẹn hò với anh mấy lần không được nên một hôm cô liều đến nhà anh với danh nghĩa nhân viên công ty. Không còn là anh bóng bẩy, hào hoa chiều chuộng cô hết mức mà chỉ còn là người đàn ông bận quần đùi, áo cộc vừa hò hét đút cho đứa bé ăn, vừa la đứa lớn làm bài tập về nhà. Cô ngồi chưa ấm chỗ đã vội về vì cặp mắt mang hình viên đạn của mẹ anh.
Buổi tối khi anh vào phòng matxa đầu cho bà bà chỉ nói đúng một câu
– Con mà không cẩn thận là đổi vàng lấy đất sét đấy
Buổi tối anh cũng hay sang nằm với các con nghe chị kể chuyện cổ tích. Giọng chị rất nhẹ nhàng, truyền cảm. Anh nhớ lại mười mấy năm trước lần đầu nghe chị nói chuyện anh đã trúng tiếng sét ái tình rồi.
Mấy hôm nay nằm trong phòng anh cứ thấy thiếu thiếu cái gì. Tự nhiên anh sực nhớ là đi đâu, chuyển nhà lần nào chị cũng mang theo con cá thủy tinh anh tặng chị từ hồi sinh viên, từ hồi ăn mì gói trừ cơm. Đó là món quà đầu tiên anh tặng chị. Anh nhổm dậy ra giá sách tìm thì chỉ thấy những mảnh vụn thủy tinh nằm trong một cái túi, cạnh nó là xấp hình anh và cô bồ bên nhau, một tờ giấy có dòng chữ to Đơn ly hôn nhòe nhoẹt nước mắt và mấy dòng chữ “Con cá em đập một phát là vỡ tan còn nỗi đau anh mang đến sẽ theo em đến hết cuộc đời”
Thường là sau khi gọi điện cho các con chị sẽ tắt máy để ngủ cho ngon giấc. Sáng nay vừa bật máy lên chị thấy hàng chục tin nhắn của anh van xin, năn nỉ chị tha thứ kèm theo không biết bao nhiêu cuộc gọi nhỡ. Tin nhắn cuối cùng “Hôm nay thứ bảy, anh đã đặt vé máy bay, đang trên đường lên sân bay ra với em”
Hít một hơi thật dài chị biết vì các con, vì chị vẫn còn yêu anh nên chị sẽ tha thứ cho anh lần này nhưng chị cũng biết rằng ánh mắt đắm đuối anh nhìn cô bồ sẽ thỉnh thoảng hiện về trong các giấc mơ của chị, như mảnh thủy tinh cứa nát tim mình.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!