“Từ mẫu thủ trung tuyến,
Du tử thân thượng y”
(Du tử ngâm)
Có người hỏi tôi “hiền mẫu” có đồng nghĩa với “từ mẫu” hay không, và để diễn tả tình mẹ thương con, nên nói “tình hiền mẫu” hay “tình mẫu tử”?
Thắc mắc này bao gồm hai câu hỏi, chúng tôi xin lần lượt trình bày như sau:
1. “Hiền mẫu” có đồng nghĩa với “từ mẫu” hay không?
1.1 Trước hết, chúng ta thử tìm hiểu nghĩa của các mục từ hiền, từ và mẫu:
1.1.1. Hiền. Có bốn chữ: 賢, 贒 (贤), 痃. Trong trường hợp này là chữ賢, nghĩa là: (dt.) (1) Người có đức hạnh tài năng cao, trung hiếu vẹn toàn: Thánh hiền; hiền lương (đàn ông đức độ); hiền huệ (đàn bà đức độ); nhậm nhân duy hiền (dùng người theo đức); kiến hiền tư tề (Thấy người có tài đức thì muốn theo gương[1]). (2) (Họ) Hiền. (tt.) (3) Lành, hoà thuận, không ưa đánh đập gây gổ (trái với dữ): Đứa trẻ hiền; tánh hiền. (4) Tốt, ăn ở phải đạo: Mẹ hiền; dâu hiền rể thảo. (5) Tốt, có đức hạnh tài năng cao, trung hiếu vẹn toàn: Hiền nhân quân tử; hiền sĩ. (6) Tốt, không có độc, không gây nguy hại cho con người, có nhiều chất bổ béo: Trái hiền; đất hiền. (7) Tiếng gọi cách tôn kính để tỏ lòng mến: Hiền huynh; hiền đệ; hiền tẩu. (đt.) (8) Tôn sùng: Hiền hiền dịch sắc[2] (Đổi lòng yêu sắc đẹp mà thân yêu người hiền). (9) Hơn: Bỉ hiền ư ngô viễn hỹ (Họ hiền hơn ta nhiều lắm vậy). (10) Nhọc nhằn. (đại từ) (11) Tiếng kính xưng (ngôi thứ hai): Ông, ngài, cũng như công 公, quân 君.
“Hiền” nói chung là có nghĩa tốt, nhưng “hiền quá” thường có nghĩa ngược lại, chỉ sự khiếm khuyết tài đức cần thiết, dùng để nhận định hay phê phán cách nhẹ nhàng, lịch sự, vì tôn trọng người bị phê phán, thay vì nói một cách sổ sàng là “nhút nhát” “ngu quá”, “dỡ tệ” hay “cù lần”. Ví dụ: “Bà ấy hiền quá nên bị ông chồng đánh đập mãi” (Ngụ ý nói: Bà ấy thiếu can đảm, nhu nhược!); “Ông ấy làm ăn mà hiền quá nên bị bạn bè lừa gạt” (Ông ấy thiếu sáng suốt, ngu!); “Thầy ấy hiền quá nên các học sinh ngày càng vô kỷ luật” (Thầy ấy thiếu trách nhiệm, cù lần!).
1.1.2. Từ: Có 12 chữ: 詞 (词), 徐, 祠, 慈, 辭 (辞), 辤, 磁, 瓷, 甆, 糍, 茲, 兹. Trường hợp từ mẫu là chữ慈, nghĩa là: (dt.) (1) Hiền lành, thương yêu rất mực: Hiền từ; nhân từ; từ bi; phụ mẫu uy nghiêm nhi hữu từ (Cha mẹ nghiêm nghị nhưng có lòng thương). (2) Mẹ, tiếng tôn xưng mẹ: Gia từ (mẹ tôi). (3) Vui mừng của chúng sinh (Phật giáo): Đại từ. (4) (Họ) Từ. (đt.) (5) Yêu thương, người trên yêu kẻ dưới cũng gọi là từ: Từ ái (có lòng thương yêu); từ ấu (thương trẻ nhỏ). (6) Hiếu thảo: Từ hiếu. (7) Chu cấp cứu giúp cho kẻ túng thiếu khốn cùng gọi là từ thiện sự nghiệp.
1.1.3. Mẫu. Có 9 chữ này: 母, 畝, 畆, 畞, 畮, 亩, 牡, 拇, 鉧, trường hợp hiền mẫu là chữ母, nghĩa là: (dt.) (1) Mẹ: Mẫu thân. (2) Người đàn bà bằng vai với mẹ trong thân thuộc: Cô mẫu (cô); cữu mẫu (mợ); thẩm mẫu (thím); bá mẫu (bác gái). (3) Tiếng tôn xưng các bà trưởng bối hay bậc nữ thánh: Lão mẫu; thánh mẫu; mẫu nghi; mẫu hệ. (4) Phàm vật gì làm cốt để sinh ra các cái đều gọi là mẫu hay mẹ (chỉ căn nguyên): Mẫu tài (tiền vốn); thất bại thị thành công chi mẫu (thất bại là mẹ thành công). (5) Lỗ ốc vít, bộ phận có khía đường xoắn ốc để vặn đinh ốc: Loa ti mẫu (đai ốc). (6) (Họ) Mẫu. (tt.) (7) Mẹ, cái, gốc: Mẫu thuyền (tàu mẹ); mẫu hiệu (trường mẹ); cơ mẫu (máy cái); mẫu giáo; mẫu âm; mẫu số. (8) Mái, cái, chỉ giống cái: Mẫu kê (gà mái); mẫu ngưu (bò cái); mẫu trệ (lợn sề).
1.2 Nghĩa của hiền mẫu và từ mẫu.
1.2.1. Hiền mẫu: Đơn giản có nghĩa là “mẹ hiền”, chữ hiền ở đây vừa có thể hiểu theo nghĩa (7) của mục từ mẫu, tức là “tiếng gọi cách tôn kính để tỏ lòng mến” vừa có thể hiểu theo nghĩa (4) của mục từ mẫu, tức là bà mẹ “tốt, ăn ở phải đạo”. Xa hơn nữa, có thể hiểu theo nghĩa (5) của mục từ mẫu, tức là người mẹ “tốt, có đức hạnh tài năng cao, trung hiếu vẹn toàn”, như trong trường hợp người Công Giáo dùng tôn xưng Đức Mẹ Maria.
1.2.2. Từ mẫu: Nhiều người lầm tưởng “từ mẫu” đương nhiên là người mẹ hiền, mẹ nhân từ. Nhưng thời xưa “từ mẫu” có nghĩa khác, hoàn toàn không có liên hệ gì với hiền lành hay nhân từ gì cả.
Luật nhà Thanh của Trung Quốc cũng như Thọ Mai gia lễ[3] của người Việt đã phân biệt “tam phụ, bát mẫu” để quy định tang phục, tang chế cho người con hoặc người được coi là con. Trong đó “bát mẫu” (tám bà mẹ) là: (1) Đích mẫu (嫡母): Vợ cả (vợ chính thất) của cha (nếu mình không phải là con của người ấy, thì gọi người ấy là “đích mẫu” (Hán Việt) hay “mẹ già” (Nôm). (2) Nhũ mẫu (乳母): Mẹ cho bú, bà vú nuôi mình từ bé. (3) Dưỡng mẫu (養母): Mẹ nuôi. (4) Thứ mẫu (庶母): Vợ lẽ của cha (ngay cả khi mẹ ruột còn sống hoặc còn ở với cha). Theo tục xưa, mẹ đẻ ra mình, nếu là vợ lẽ của cha, không được gọi là “mẹ”, mà gọi là “đẻ”. (5) Kế mẫu (繼母): Mẹ kế, do cha cưới về sau khi vợ cả đã qua đời hoặc không còn ở với cha. Ngày nay người ta vẫn nói kế mẫu thay vì thứ mẫu. (6) Từ mẫu (慈母): Vợ lẽ của cha, có công thay người mẹ quá cố, nhận nuôi mình từ bé như con ruột theo ý cha; (đây không phải là “mẹ hiền”). (7) Giá mẫu (嫁母): Mẹ ruột, nhưng đã lấy chồng khác sau khi cha mất. (8) Xuất mẫu (出母): Mẹ ruột, nhưng đã ly hôn với cha (mẹ bỏ nhà đi hoặc bị đuổi ra khỏi nhà).
Theo sách Nghi lễ[4]: “Truyện viết: Từ mẫu giả hà dã? Truyện viết: Thiếp chi vô tử giả, thiếp tử chi vô mẫu giả, phụ mệnh thiếp viết: Nhữ dĩ vi tử; mệnh tử viết: Nhữ dĩ vi mẫu: Truyện kể: Từ mẫu là người thế nào? Truyện kể: Người vợ lẽ không có con, con của (một) người vợ lẽ (khác) không (còn) mẹ, người chồng dặn người vợ lẽ (rằng): Nàng hãy nhận đứa bé này làm con; lại dặn đứa con (rằng): Con hãy nhận (người đó) làm mẹ”.
Vậy “từ mẫu” không phải là bà mẹ ruột mà là mẹ nuôi, và điều kiện bắt buộc phải có để được gọi là “từ mẫu” (mẹ nuôi) ở đây là: (1) Phải là vợ lẽ; (2) Người vợ lẽ này không có con hoặc không có khả năng sinh con, ít nhất cũng là không sinh được con trai; (3) Quan trọng hơn nữa là người chồng còn phải có một người vợ lẽ khác mà người vợ lẽ này khi qua đời có để lại một đứa con trai. Khi đã đủ những điều kiện đó rồi, lại còn cần (4) người chồng giao trách nhiệm nuôi con cho người vợ lẽ kia và (5) bảo đứa con nhận người đó làm mẹ.
Như vậy “từ mẫu” có nghĩa là mẹ nuôi. Trải qua thời gian lâu đời, bên Trung Hoa, thuật từ “từ mẫu” đã mất đi ý nghĩa ban đầu, hiện giờ người Hoa hiểu là người mẹ “hiền lành, rất mực thương yêu con cái”, đó là nghĩa phổ biến hiện nay trong cách hiểu cũng như trong các từ điển của người Việt và Trung Quốc.
Bên người Hoa khi nói mẹ hiền thường dùng chữ từ mẫu, ít khi dùng hiền mẫu, điều này khác với người Việt. Người Việt thường dùng chữ hiền mẫu hay mẹ hiền, ít khi nói từ mẫu, càng không ai nói “mẹ từ”, khi người ta nói “lương y như từ mẫu” rõ ràng là chịu ảnh hưởng của người Hoa rồi.
2. Để diễn tả tình mẹ thương con, nên nói “tình hiền mẫu” hay “tình mẫu tử”?
2.1 Tình hiền mẫu.
“Tình” là danh từ chính; “hiền” là tĩnh từ, “mẫu” là danh từ. “Hiền” dùng để diễn tả “mẫu”, nghĩa là người mẹ hiền lành. Tình hiền mẫu là lòng thương của mẹ hiền.
Tình hiền mẫu chỉ nói về lòng mẹ, tình thương của mẹ, dành cho con cái, mà không màng đến tình cảm con cái đối với mẹ. Đây là thuật từ ngợi khen người mẹ.
Một trong những bài thơ mà tôi ưa thích là bài “Du tử ngâm”[5]: “Từ mẫu thủ trung tuyến, Du tử thân thượng y. Lâm hành mật mật phùng, Ý khủng trì trì quy. Thuỳ ngôn thốn thảo tâm, Báo đắc tam xuân huy[6]: Sợi chỉ trong tay mẹ hiền, nay đang ở trên áo người đi xa. Lúc sắp lên đường, mẹ khâu kỹ càng, có ý sợ con chậm trễ trở về. Ai dám nói rằng tấm lòng của con chỉ như tấc cỏ lại có thể báo đáp được ánh nắng ấm áp của ba tháng mùa xuân?” Đây chính là ý nghĩa của tình hiền mẫu. Người mẹ chín tháng cưu mang, chịu đựng biết bao khó nhọc, nhưng vẫn phải giữ gìn sức khoẻ chỉ vì con. Tình thương mẹ dành cho con không có giới hạn. Điều ước mong của mẹ là con được trưởng thành cách mạnh khoẻ, bình an và hạnh phúc. Dù bị con chê ghét, mẹ vẫn hết lòng che chở con. Người mẹ như ngọn nến thiêu đốt chính mình để soi đường cho con đi. Vậy người mẹ muốn con mình gặp điều tốt nhất, đó chính là tình hiền mẫu.
2.2 Tình mẫu tử. “Tình” là danh từ chính; “mẫu” và “tử” là hai danh từ bình đẳng nhau. Mẫu là mẹ, tử là con, mẫu tử là mẹ và con.
Tình mẫu tử nghĩa là tình thương giữa mẹ và con. Đây là một tình cảm hỗ tương, tình cảm giữa hai bên, có qua có lại. Mẹ thương yêu con và con hiếu thảo với mẹ. Nên không có nghĩa chỉ nói về mẹ, không phải là thuật từ chỉ ngợi khen mẹ.
Kết luận.
Cả hai từ hiền mẫu và từ mẫu đều chỉ về người mẹ tốt lành đáng tôn kính và quý trọng. Nhưng từ hiền mẫu có tính thụ động, nói lên tài năng và đức hạnh của mẹ; còn từ mẫu có tính tích cực hơn, diễn tả lòng nhân từ, yêu thương của mẹ dành cho con cái.
Tình hiền mẫu và tình mẫu tử có nghĩa hoàn toàn khác nhau. Tình hiền mẫu là lòng mẹ yêu thương con. Khi dâng lời kinh với Đức Mẹ Maria, muốn ngợi khen Đức Mẹ, thì phải dùng từ tình hiền mẫu. Còn khi nói về tình càm giữa mẹ và con thì dùng từ tình mẫu tử. Tương tự, khi diễn tả lòng cha thương con thì dùng tình hiền phụ, muốn nói đến tình cảm giữa cha và con thì dùng tình phụ tử.
Lm. Huỳnh Trụ
Nguồn: https://gpcantho.com/
—-
[1] Nhà thờ Tư Tề lấy từ thành ngữ này. [2] Luận ngữ論語 [3] Thọ Mai gia lễ của Hồ Sỹ Tân (1690-1760) có dựa theo Chu Công gia lễ tức gia lễ thời xưa của Trung Quốc và có trích dẫn một phần của Hồ Thượng thư gia lễ của Hồ Sỹ Dương (1621-1681). [4] Viết ở thời nhà Tần (221-207 TCN). [5] Của thi sĩ Mạnh Giao (751-814) nhà thơ ưu tú trong số nhà thơ thời Trung Đường [6] Bản dịch của Trần Minh Tú: “Mẹ hiền sợi chỉ trong tay, Đi xa hãy mặc áo này mẹ khâu. Đường kim mãi miết âu sầu, Sợ con chậm trễ kịp đâu ngày về. Tấc lòng ngọn cỏ bờ đê, Báo sao ân nghĩa nắng về ba xuân”.