Hối lộ – Có khi nào hối lộ mà không vi phạm đạo đức không?
Báo chí cũng thường hay nói đến những tệ nạn trong đấu thầu. Một công ty nhận được các ưu tiên đặc biệt trong một cuộc đấu thầu (được thông tin mật cấm công bố, được châm chước về khả năng dự thầu, được sửa hồ sơ thầu sau khi đã hết hạn…) bằng cách đưa tiền, vật phẩm, hay hứa nhận người thân vào công ty mình làm việc, hay mang lại giá trị khác cho người có quyền trong vụ thầu…
Tất cả các hành vi trên đều là trái lẽ công bằng, trái đạo đức. Theo luật Việt Nam thì bất kể quyền lợi được ban phát ấy từ cơ quan nhà nước, hay tư nhân thì hành vi đó đều là trái luật. (Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).
Việc xảy ra tràn lan hơn trong xã hội hiện nay là tình trạng người dân dúi tiền cho cán bộ để giấy tờ hành chính (xin giấy khai sinh, công chứng tại xã …) của mình được giải quyết nhanh. Người ta gọi là “bôi trơn” và rất nhiều khi được xã hội ngầm thừa nhận.
Nếu hành vi này diễn ra khi hồ sơ phải sắp hàng để được giải quyết theo thứ tự, thì hành vi hối lộ để hồ sơ được ưu tiên giải quyết trước cũng trái với lẽ công bằng, có vấn đề về đạo đức.
Người ta có thể nói rằng, hối lộ thì ở nước nào cũng có, nhưng ở nước ta hiện nay thì nó tràn lan và hầu như bất trị, khi cơ chế xin-cho, hay nói rộng hơn như chữ của giáo sư Hoàng Tụy: “lỗi hệ thống” vẫn còn đó.