▪ Equity (n): sự bình đẳng – là phần tương xưng được sở hữu, thường là của một công ty.
(Theo từ điển Cambridge)
Nói đến công bằng ngày nay, chúng ta nghĩ ngay đến công bằng trước pháp luật, quyền bầu cử, và các quyền dân sự khác. Nhưng điều này đã không xảy ra cho tới kỷ nguyên Kitô giáo, trong tác phẩm Cộng hoà – Plato chia xã hội ra làm ba tầng lớp:
1. Vàng: giới tinh hoa bao gồm triết gia, luật sự, thương gia
2. Bạc: giới binh sĩ.
3. Đồng: giới bình dân.
Nô lệ trong hình thái xã hội này hoàn toàn không hề có bất cứ quyền được đối xử bình đẳng nào, dù họ đóng góp đến 90% giá trị cho nền kinh tế. Như vậy rõ ràng ở đây nảy sinh sự bất bình đẳng (inequality).
Mâu thuẫn này đã không được giải quyết cho đến khi hết thảy Đế quốc La Mã nhận ra “con người giống hình ảnh Thiên Chúa” (St 1, 26-29). Chỉ một thuật ngữ đơn giản nhưng lại là một cuộc cách mạng về triết học chính trị, mà cho đến hiện nay nhân loại ở khắp nơi, cách riêng là đất nước Việt Nam chúng ta, mới nhận ra địng nghĩa về phẩm giá, tiếng gọi đấu tranh cho nhân quyền ẩn chưa trong đó.
Điều này lại đưa chúng ta đến một câu hỏi, nếu nói như Thánh vịnh 11,7: “Quả thật Đức Chúa là Đấng công chính, ưa thích điều chính trực; những kẻ sống ngay lành được chiêm ngưỡng Thánh Nhan.” Vậy tại sao điều xấu lại xảy ra với người tốt, ngay cả khi họ đã nhận biết Chúa? Há chẳng phải Thiên Chúa bất công rồi sao? Hay như tui vẫn tự hỏi: “Tại sao Chúa lại sinh con ra làm người Việt Nam, mà không phải một vùng đất đáng ao ước nào đó như Hoa Kỳ chẳng hạn?”
Trong một lần đi xe buýt, tui có gặp một lão ông tầm 70 tuổi, có vẻ ngà say, thấy tui ngồi mân mê chuỗi mân côi, cầm chơi chứ không đọc kinh kệ gì, ông lại hỏi tui là người có đạo hả? Thì tui trả lời: “Dạ chưa! Con chưa rửa tội!” Thì ông nói: “Cậu biết hong tui là tui tôn kính Thánh Giuse lắm, mà hình như tui càng cầu nguyện thì tui càng xui, hồi bữa đi dề tui bị té xuống cái cống của tụi làm đường á, đây nè còn nguyên chỗ bắt óc. Bởi nhiều khi tui muốn chửi đụ má luôn đó.”
Một ông lão U70, không gia đình chăm sóc, phải tự đi mưu sinh, lại còn bị té đến mức phải lặn lội từ miền Tây lên Sài Gòn khám bệnh giữa cái trời nắng tháng 3 lúc đó, ông hoàn toàn có quyền chửi “đụ má” và tui rất vinh dự được chia sẻ cùng ông. Nhưng chuyện không thể dừng lại ở đây được, nếu tui bỏ qua thì đồng nghĩa với việc thừa nhận rằng “Thiên Chúa không công bằng”.
Về đến nhà tui cầu nguyện trong thinh lặng nhưng vẫn làm vào mỗi tối, sau đó mở cuốn Kinh thánh ra thì chợt gặp ngay dụ ngôn “Người gieo giống.” (Mt 4,1-20)
Người gieo giống đi ra gieo lời của Thiên Chúa.
Hạt giống rơi dọc đường biểu thị cho những người nghe Phúc âm thì tiếp nhận, nhưng đánh mất liền sau đó – theo Phúc âm Mát-thêu, là kẻ đến cướp mất lời Thiên Chúa khỏi lòng người tiếp nhận – theo Phúc âm Mác-cô
Hạt giống rơi trên đất đá sỏi biểu thị cho những người nghe Phúc âm, tiếp nhận cách sơ sài – họ sẽ mau chóng chối bỏ Phúc âm khi bị rơi vào hoàn cảnh hoạn nạn hoặc khi bị bách hại vì niềm tin.
Hạt giống rơi vào bụi gai biểu thị cho những người nghe và chấp nhận Phúc âm, nhưng lại để những lo toan ở đời này cùng lòng ham mê tiền bạc bóp nghẹt hạt giống đức tin.
Hạt giống rơi trên đất màu mỡ biểu thị cho những người nghe Phúc âm và thấu hiểu với cả tấm lòng, và lời Chúa là hoa trái trong đời sống của họ.
Rõ ràng, mọi người đều bình đẳng về cơ hội đón nhận Tin Mừng cứu độ, nhưng nghe và thực hành lời Chúa đến đâu còn tuỳ thuộc vào tự do ý chí của mỗi người. Điều gì khiến chúng ta chắc chắn rằng nếu Thiên Chúa hiện ra với tất cả mọi người vào tất cả mọi lúc ở tất cả mọi nơi, Ngài sẽ cho chúng ta biết điều gì là xấu và ban cho chúng ta đầy đủ dư vật thì cuộc đời của chúng ta sẽ thôi bất hạnh? Vì rõ ràng Adam và Eva đã phạm tội ngay trong vườn Eden chứ không phải một nơi nào khác.
Ngay từ đầu, tự do ý chí đã là một món quà to lớn được trao ban bởi Thiên Chúa và trong những lần rao giảng của mình Chúa Giêsu không ngừng nhắc tới, cách riêng trong dụ ngôn “Nén bạc” (Mt 25,14-30).
Thiên Chúa cho mỗi người một số vốn khác cách bình đẳng phù hợp với sức của mình, giống như người đầy tớ thứ nhất được 5 nén bạc, người đầy tớ thứ hai thì 2 nén bạc, người thứ ba thì một nén bạc.
Cách họ sinh lời hay đem chôn dưới đất thể hiện tự do của chúng ta trong việc sử dụng khả năng mà Chúa trao ban. Và cho đến cuối cùng, chúng ta sẽ trả lẽ cùng Chúa xem mình đã làm gì với nó.
Đáng buồn là ngày nay, một bộ phận Kitô hữu thích sống thu mình lại, họ ngồi và nghĩ nghĩ về những ơn lành mà mình được lãnh nhận, việc rao giảng lời Chúa, làm lợi cho Giáo hội Việt Nam là chuyện của các linh mục, của dòng truyền giáo nào đó, chứ không nằm trong ơn gọi của họ dù trước ngày lên trời Chúa Giêsu đã truyền: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15-16). Dẫn đến đời sống đức tin nặng tính hình thức, kinh kệ một số nơi còn nhuốm màu mê tín.
“Nếu một xã hội đặt công bằng trước tự do, nó sẽ chẳng có được cả hai điều đó. Nếu một xã hội đặt tự do trước công bằng, nó sẽ nhận được mức độ cao nhất của cả hai.” – trích kinh tế gia Milton Friedman.
Kitô hữu chúng ta nhận ra ơn gọi của mình trong một thế giới còn đầy dẫy bất công, trách nhiệm rao giảng cho công lý và hoà bình. Chúng ta sẽ làm gì với nén bạc Chúa trao? Lại giấu nó đi như người đầy tớ? Hay chỉ miêu tả một nửa của nó với tha nhân, rằng Thiên Chúa của chúng tui là Đấng công bằng, Ngài ban ơn cho bất kể có đạo hay chưa có đạo? Hay Thiên Chúa đã trao ban cho con người sự tự do là món quà cao cả nhất, được Thần khí dẫn dắt, chúng ta biết “Vì quá yêu thương thế gian, Thiên Chúa đã trao ban chính Con Một Người, để ai tin vào Người thì không phải chết mà được sống đời đời.” (Ga 1,14)?
Đó không phải là câu trả lời, không phải giữa chúng ta với nhau, mà là giữa chúng ta với chính Chúa. Một người làm vườn, với nén bạc chủ giao, mà lại không thể quay lại tìm những hạt giống bị rơi, không thể cày trên đá sỏi, không thee nhổ sạch hết gai, thì liệu anh ta có xứng đáng với đồng denarius được chủ trả công vào ngày sau hết không? (Mt 20, 1-15).