Góc tư vấn

Khích lệ và chỉ trích

Khích lệ và chỉ trích
Sống trong xã hội phương Tây khá lâu, tôi thấy họ rất quan tâm đến khích lệ hơn là chỉ trích như trong xã hội Việt Nam.
Khi con tôi đi học tiểu học, gần như tuần nào nó cũng nhận được giấy khen. Nhưng khi đọc kĩ thì thấy giấy khen … gì đâu. Nào là giấy khen đi đúng giờ, giấy khen mặc đồng phục đúng quy chuẩn, giấy khen có tinh thần giúp đỡ bạn học, v.v. Dĩ nhiên, thỉnh thoảng cũng có ‘giấy khen thật’, hiểu theo nghĩa khen về thành tích học tập.
Thật ra, cái kiểu phân biệt ‘khen thật’ và ‘khen cho có khen’ đối với nhà trường là không cần thiết; đối với họ, khen là khen. Sau này, tôi còn quan sát thấy loại khen tặng như thế rất phổ biến trong cấp trung học, thậm chí đại học.
Trong trường học Úc hầu như không có kỉ luật học trò. Nếu học trò có hành vi gì đó không đúng thì phụ huynh được thầy cô nhắc nhở, hay nếu nặng nề lắm thì họ mời vào phòng riêng để hỏi cho ra lẽ. Có những học trò ngổ ngáo thì nhà trường có chuyên gia tâm lí tư vấn. Họ không có hình thức kỉ luật như ở Việt Nam mà tôi từng trải qua thời còn ngồi ghế tiểu học.
Nghĩ lại thấy thời đó mà … sợ. Chỉ cần mặc đồng phục hay đeo phù hiệu không đúng là quỳ gối cột cờ như chơi. Sợ nhứt là ông thầy giám thị, mặt mũi lúc nào cũng nghiêm nghị, và tay hình như lúc nào cũng có cây roi. Nhớ có lần tôi bị phạt, và hình phạt là nằm dài trên bàn để thầy quất roi, trước mặt học trò nam nữ khác! Giờ nhắc lại không phải oán trách gì thầy tôi đâu, mà chỉ để nói đến sự khác biệt giữa giáo dục học đường bên Úc này và bên nước mình.
Không chỉ cấp trung học, ngay cả cấp đại học cũng tràn đầy những hình thức khen thưởng, khích lệ. Nào là giải thưởng cấp School, cấp Faculty, rồi lên đến cấp cao nhứt là University. Mỗi cấp có đủ thứ giải thưởng cho đủ cấp bậc: cấp nghiên cử nhân, cao học, tiến sĩ; cấp hậu tiến sĩ; cấp giáo sư. Thưởng về giảng dạy, về nghiên cứu, về hỗ trợ đồng nghiệp, về hành chánh, v.v. Hôm nọ, tôi nói về Kì thi 3MT (nói về luận án tiến sĩ trong 3 phút), đó chính là một hình thức khích lệ.
Cá nhân tôi cũng hay ngồi trong các hội đồng trao giải thưởng, và học được nhiều cách nói rất hay. Hầu như họ không bao giờ dùng chữ tiêu cực trong các lần trao giải thưởng. Cái câu “Tất cả các bạn ở đây đều là người thắng cuộc” nghe thật là hay và ngọt ngào làm sao.
Khích lệ trong tiếng Việt mình có thể hiểu là làm cho người khác lên tinh thần, hăng hái. Nhưng tôi thấy nếu hiểu khích lệ theo tiếng Anh thì có ý nghĩa hơn. ‘Khích lệ’ trong tiếng Anh là ‘encouragement’; chữ encouragement có nguồn gốc từ tiếng Pháp cổ ‘Encourager’, và bản thân chữ này có nguồn gốc từ tiếng Latin,’cor’ có nghĩa là ‘trái tim’. Thành ra, khích lệ, hiểu theo nghĩa bóng của phương Tây, là cho trái tim. Chắc nói theo ngôn ngữ hiện đại ngày nay, khích lệ là … ‘thả tim’ 🙂.
Một lời trao tim (hay khích lệ) có thể làm thay đổi cuộc đời của một người. Có lẽ các bạn nghe đến văn hào gốc Anh Charles Dickens. Thuở còn thiếu niên, Charles Dickens học hành không tới nơi tới chốn, nhà thì nghèo xơ xác, thân phụ thì bị giam cầm vì không có tiền trả nợ, và đứa bé Charles phải làm nghề dán nhãn cho một hãng ở địa phương. Tuy nhiên, Charles mê viết văn và âm thầm viết những tác phẩm kể lại cuộc đời khốn khổ của mình và những người cùng cảnh ngộ. Charles gởi hết bản thảo này đến bản thảo khác cho nhà xuất bản nhưng chẳng ai muốn công bố và cũng chẳng trả lời.
Thế nhưng một ngày đẹp trời kia, một nhà xuất bản kia tuy không công bố nhưng có thư trả lời khen rằng ‘Anh viết hay lắm’. Sự nghiệp văn chương của Charles Dickens bắt đầu từ lời khen đơn giản đó, và sau này trở thành một trong những văn hào lừng danh nhứt trên thế giới. Một lời khen đơn giản, có thể là vô thưởng vô phạt đối với người khen, nhưng nó có thể trở thành một động cơ vô cùng to tát làm thay đổi một đời người.
Các chuyên gia tâm lí học cho biết rằng ngay cả phạm nhân trong tù, một lời khen hay khích lệ cũng có thể làm cho họ quay về con đường lương thiện.
Ngược lại, một lời chỉ trích có thể làm hư hỏng một đời người. Đối với người ở tuổi thiếu niên, một lời chỉ trích hay phê phán, hay một hành vi kỉ luật sẽ làm cho nó nhớ suốt đời. Đó là kinh nghiệm của tôi, nhớ hoài những lần bị quỳ gối trước cột cờ, nhớ hoài những lần bị chê là ‘viết văn dở như …’. Tuy nhiên, cá nhân tôi chẳng hiểu sao không để cho những lời phê phán như thế chi phối mình, nhưng đối với người khác thì những lời như thế sẽ làm cho họ trở thành tự ti suốt đời. Không chỉ tự ti, mà họ còn có khi câm phẫn người chỉ trích mình.
Người phương Tây có câu rất hình tượng rằng: những lời chỉ trích giống như những con chim bồ câu vì chúng lúc nào cũng bay về tổ. Các bạn thử suy nghĩ câu đó một chút sẽ thấy nó rất ý nhị.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn có lần nhận xét rằng văn hoá Tây thiên về khuyến khích, còn văn hoá Việt thiên về chỉ trích. Tôi thấy có lẽ đúng như thế. Những lời nói tiêu cực tràn đầy báo chí và cả thế giới mạng. Điều đáng ngạc nhiên là ngay cả người lãnh đạo cao cấp và có tuổi cũng nói những lời rất cay nghiệt cho những ‘đồng nghiệp’ của họ. Hình ảnh những cô ‘bán hoa’ được đưa lên báo chí có lẽ làm hài lòng cho vài người, nhưng tôi sợ là hành vi xâm phạm cá nhân đó sẽ làm cho những cô gái này căm thù cuộc đời và xã hội suốt đời.
Chỉ trích là cách tốt nhứt để làm tổn thương lòng tự trọng của người khác và đánh thức lòng căm phẫn.
Xu hướng chung là những người kém suy xét và lười biếng suy nghĩ rất thích chỉ trích. Lí do đơn giản là nhận ra cái hay khó hơn là tìm ra cái dở của người ta, và do đó chỉ trích rất dễ. Điều này tôi nhận ra khi làm biên tập cho các tập san khoa học. Trong bình duyệt bài báo, tìm ra cái dở của công trình nghiên cứu hết sức dễ dàng, nhưng nhận ra cái hay, cái đẹp của bài báo đòi hỏi phải suy nghĩ nhiều và nhìn từ quan niệm của tác giả.
Triết gia và sử gia người Anh Thomas Carlyle từng nói: “Một người cao cả chứng tỏ cái cao cả của họ qua cách họ đối xử với những người thấp kém hơn họ” (A great man shows his greatness, by the way he treats little men). Sự cao cả được minh chứng qua cách đối xử với mọi người chung quanh và quan tâm đến cảm xúc của họ, bất kể vị thế xã hội của họ là gì. st

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!