Nhân loại đã và đang sử dụng nhiều cách thức cầu nguyện bằng việc lặp lại các lời kinh của mình, bất kể thuộc tôn giáo nào. Ấn giáo có chuỗi Japa Mala, Phật giáo có chuỗi Mala, Công giáo có chuỗi Mân côi,… Đây là một kiểu cầu nguyện lặp đi lặp lại một lời kinh, mang tính cách và nguồn gốc Đông phương có từ xa xưa. Vì thế theo một nghĩa nào đó, ta có thể nói việc đọc Kinh Mân côi cũng cổ xưa và đầy sức sống lặng thầm như lịch sử nhân loại. Nhưng, theo một nghĩa khác và quan trọng hơn, việc đọc Kinh Mân côi chính là đặc trưng của Công giáo, một lời kinh được lặp đi lặp lại, kể đi kể lại về một biến cố vượt thời gian: “Biến cố hồng ân Cứu độ.”
Việc lặp đi lặp lại lời kinh có thể tạo nên một sự biến đổi nội tâm sâu sắc. Bởi vì, cách thế ấy làm cho chúng ta được đồng hoá với chính lời kinh, đồng hoá với chính Chúa.[1] Lời kinh ấy cũng “là lời kinh suy ngẫm, hay lời suy tư cao độ… là lời thân mật, hay nhìn vào tình yêu… là lời kinh kết hiệp, là lời an nghỉ trong Thiên Chúa và lắng nghe trong tâm hồn…”[2]
Phải nói rằng, chỉ có những người yêu nhau mới nói những lời lặp lại mà không hề sợ xưa cũ, không hề sợ sai hoặc sợ nhàm chán. Trong Tông thư Kinh Mân côi Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Người ta sẽ không cảm thấy khô khan, nhàm chán, nếu xem kinh Mân côi như một sự dâng trào của tình yêu không ngừng hướng về Đấng mình yêu mến, với những cách diễn tả tuy giống nhau trong nội dung, nhưng luôn luôn mới mẻ về phương diện cảm xúc… Nếu chúng ta cần chứng cứ trong Tin Mừng, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy trong cuộc đối thoại cảm động giữa Đức Kitô và ông Phêrô sau khi Người sống lại: Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy không? Chúa hỏi Phêrô đến ba lần, và ông cũng trả lời ba lần: Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy[3]… Trong tình yêu thì lời yêu không ngại lặp lại trên môi người yêu. Một điều rõ ràng là: cho dù lời Kinh Kính mừng được lặp đi lặp lại trực tiếp dâng lên Đức Maria, nhưng hành vi yêu thương rốt cuộc lại hướng về chính Đức Kitô, với Mẹ và qua Mẹ. Việc lặp đi lặp lại được nuôi dưỡng bởi lòng khao khát được trở nên đồng hình đồng dạng hoàn hảo hơn với Đức Kitô… Kinh Mân côi giúp chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô sát hơn, cho đến khi chúng ta đạt được sự thánh thiện thật sự 4]
Dường như có một mối quan hệ biện chứng giữa tình yêu, lời yêu và sự lặp đi lặp lại các lời yêu thương ấy. Vì, chỉ có trong tình yêu, người ta mới nói đi nói lại một lời yêu và nghe đi nghe lại cùng một lời ấy hằng ngày, mỗi ngày và trọn đời. Chúng ta cũng thế, ngang qua các mầu nhiệm Kinh Mân côi chúng ta ca tụng tình yêu cứu độ của Thiên Chúa đã ban cho loài người hoài hoài – mãi mãi mà không nhàm chán.
Dường như cũng có một mối quan hệ biện chứng giữa bản chất đơn sơ và tâm tình của trẻ em, với các câu chuyện mà chúng muốn nghe. Trẻ em thích nghe hoài một câu chuyện, thích nói hoài cũng một chuyện ấy. Người kể thì có thể mệt, nhưng trẻ thơ thì không, trẻ thơ thì nghe hoài nói hoài một chuyện rất cũ.
Thiên Chúa yêu con người, Ngài muốn nghe lại lời yêu thương ngàn vạn lần mỗi ngày, Ngài đáp lại tình yêu ấy bằng công việc lặp lại cũng không hề nhàm chán: “Mỗi sáng Thiên Chúa có thể nói với mặt trời: ‘Lại mọc lên đi’; và mỗi buổi chiều Ngài nói với mặt trăng ‘Lại xuất hiện đi’… Thiên Chúa cữ mãi mãi thích tuổi thơ…”[5]
Lời ngọt ngào trong Kinh Mân côi diễn tả tình yêu thương Thiên Chúa trao tặng con người. Ngài sai Thiên Sứ đến nói với Mẹ Maria: “Thiên Chúa ở cùng Bà”, để gián tiếp nói với nhân loại rằng “Thiên Chúa ở cùng chúng ta.” Chúng ta lặp lại lời kinh ngàn vạn lần là chúng ta chúc tụng ngàn vạn lần tình yêu của Thiên Chúa ở với nhân loại. Chúng ta lặp lại lời kinh ngàn vạn lần là chúng ta nói cho mọi người, mọi thế hệ, mọi nơi: Thiên Chúa ở cùng anh, Thiên Chúa ở cùng chị, Thiên Chúa ở cùng em, Thiên Chúa ở cùng chúng ta…
Con cất giọng vang câu trìu mến,
Kinh Mân côi tận hiến Mẹ yêu
Lặp đi lặp lại sớm chiều
Hồng ân Cứu độ cao siêu nhiệm mầu.
[1] Pl 1,21a.
[2] Cha Phêrô Bê-na-đô một tu sĩ dòng Đa Minh ở Toulouse (Pháp), sống vào khoảng thế kỷ XVII; trích trong sách “Can đảm hướng tới tương lai” của Tỉnh Dòng Đa Minh VN, tr 128.
[3] Ga 21,15-17.
[4]Tông thư Kinh Mân côi (Rosarium Virginis Mariae) của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, ban hành ngày 16/10/2002, số 26.
[5]Orthodoxy, London 1908,92. Trích lại của cha BTTQ Timothy Radcliffe.