Làm thế nào để sống hạnh phúc?
Trước đây tôi luôn có suy nghĩ cuộc sống chẳng khác gì một án tù chung thân. Ngày tôi đánh vần tròn trịa hai từ “cuộc đời” là ngày tôi bắt đầu nhận ra tất cả cuộc đời đều mang trong mình một ý nghĩa. Chúng ta đến với thế giới này để được sống hạnh phúc nhưng không phải ai cũng có thể hiểu hết đúng ý nghĩa đó. Tất cả mọi người đều không muốn được hạnh phúc và thế là họ đau khổ. Cơn đau khổ kéo dài triền miên ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm này cho đến năm kia. Thật may mắn cho những con người sớm nhận ra chân lý cuộc đời để kịp vui chung với niềm vui của hạnh phúc. Bất hạnh cho những người đến lúc từ giã cuộc đời vẫn không kịp một lần trông thấy khuôn mặt hạnh phúc tròn trịa.
Cách đây vài năm, tôi vẫn còn luôn nghĩ rằng tôi là một đứa bất hạnh vì cuộc đời tôi có quá nhiều đau khổ. Tôi dần xa lánh bạn bè và mọi người xung quanh bởi tôi không tìm được một tiếng nói chung từ họ. Tôi luôn gặp thất bại trong sự nghiệp. Tôi sống trong nghèo nàn… Có những cơn đau khổ kéo đến nghênh chiến cùng một lúc khiến tôi sợ hãi và tuyệt vọng. Đã có khi cơn tuyệt vọng cùng cực mang đi ý chí muốn được sống của tôi. Tất nhiên là hồi đó tôi nghĩ mình là đứa đau khổ nhất trái đất nhưng giờ nghĩ lại tôi chỉ đau khổ một phần so với những người hạnh phúc, còn đối với những người thực sự đang đau khổ thì tôi còn hạnh phúc gấp bội lần. Tôi nhận ra được điều đó là khi tôi dõi mắt ra thế giới bên ngoài để nhìn vào những nổi thống khổ của các số phận khác.
Đối với tôi có bốn điều tạo nên hạnh phúc của một con người. Đó là sức khỏe, là phương tiện để chúng ta duy trì sự sống, sự giao hảo trong mối quan hệ và sự thành công trong công việc.
Bạn sinh ra cơ thể còi cọc, chân tay ốm yếu khiến bạn luôn phải chịu cảnh về sau những người khỏe mạnh to lớn. Bạn trách than mình sinh ra không có được sức khỏe tốt như người khác. Nhưng bạn không biết rằng giây phút ấy có những người đang nằm trên giường bệnh và chống chọi với những căn bệnh hiểm nghèo. Bạn không muốn sống trong bộ dạng bạc nhược yếu ớt nhưng bạn không nghĩ đến những người nỗ lực cố gắng chỉ để được sống. Vâng, chỉ cần còn được sống là còn đấu tranh hy vọng.
Vào đại học, bố mua cho bạn một chiếc xe máy để di chuyển thuận tiện. Bạn lại nhìn vào chiếc xe đẹp hơn của bạn mình rồi thấy tủi thân. Đứa bạn đi chiếc xe đẹp ấy lại nhìn vào đứa được bố mẹ đưa đón bằng ô tô rồi hằng mong ước. Đó chính là lòng tham của con người, không ai biết hài lòng và thỏa mãn với cái mình đang có. Đã vậy lại luôn có xu hướng ngước nhìn lên mà lười biếng cúi xuống. Có bao nhiêu bạn bè vẫn còn đạp chiếc xe cà tàng ướt đẫm mồ hôi. Thực ra tôi nghĩ nếu chúng ta luôn đứng hiên ngang với cuộc đời với tâm thế mình chỉ cần là một người nghèo, không khao khát sống trong giàu sang.
Ảnh: sasint
Dù cuộc đời đưa đẩy bạn đến một vùng quê hẻo lánh, bạn vẫn sẽ sớm thích nghi với điều kiện hoàn cảnh sống ở đó. Làm cậu ấm cô chiêu bao giờ cũng khó khăn hơn là một kẻ ăn mày. Và khi đã quen làm một kẻ ăn mày, ta sẽ bớt khó tính đi. Ai đã quen sống trong cảnh giàu có sẽ thấy khốn khổ khi cuộc sống không mang lại cho họ những vật chất mong muốn và một khi quá quan trọng chuyện vật chất, họ sẽ luôn bị chúng ám ảnh. Dù họ giàu có đến đâu thì họ vẫn luôn phải sống trong lo sợ. Họ sợ không thể có, sợ không đủ, có nhiều quá thì đâm ra sợ đánh mất. Bởi kẻ trộm chỉ luôn chú ý đến những người giàu. Khi tôi nghèo, tôi biết rằng tôi không có gì để mất, kẻ trộm chẳng bao giờ quan tâm đếm xỉa đến người nghèo.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta xem thường khinh bỉ tiền bạc vật chất. Chúng cũng là một phương tiện công cụ tối thiểu giúp cuộc sống con người hạnh phúc hơn. Tiền không xấu, nhà lầu xe hơi không xấu, chỉ có cái nhìn của tôi với nó mới là vấn đề. Khi tôi có tiền tôi sẽ rất vui, nhưng nếu tôi không có, tôi cũng không nghĩ tôi phải buồn phiền đau khổ vì nó.
Tiếp theo là sự giao hảo với người khác. Đó chính là tình thân ái, tình thương trong gia đình, tình yêu đôi lứa và tình đồng chí trong mối quan hệ với đồng đội, một vài mối quan hệ lẻ tẻ khác giữa những người xung quanh. Nếu những sự giao thiệp đó mà khốn khổ thì đời sống của bạn sẽ luôn bị gián những đòn chí mạng vào tinh thần. Cái khổ tâm bao giờ cũng đớn đau hơn là cái khổ vật chất. Nếu bạn thiếu thốn vật chất nhưng bạn có tinh thần, trời có sập xuống vẫn còn niềm tin để chống đỡ. Còn nếu trời chưa sập mà tinh thần đã sớm bị thân xác chôn vùi dưới vùng đất lạnh lẽo thì thật là không còn gì để mang ra bàn luận. Bạn nên biết rằng không phải ai cũng có nghĩa vụ yêu thương bạn, hoặc nếu có thì chưa chắc họ đã yêu thương bạn theo đúng cách bạn mong đợi. Hãy yêu thương và cho đi thật nhiều, nhưng quyết đừng trông chờ sự nhận lại. Bạn cho đi mà không có nhu cầu đáp trả. Lúc đó mối quan hệ của bạn mới thoát khỏi cảnh biến thành nhà tù.
Ảnh: Pexels
Hầu hết mọi người đều đi tìm ý nghĩa cuộc đời trong sự thành công. Đó là mục đích đối với những con người cương nghị. Những cá nhân bỏ phố tìm về quê chăn trâu nuôi bò rồi trồng rau kiếm miếng ăn qua ngày, loại người này tôi nghĩ họ đã tự có thể tìm ra hạnh phúc riêng cho mình chứ không chật vật chạy quanh hỏi mượn hạnh phúc. Còn những người thờ ơ biếng nhác, sống hời hợt với cuộc đời, những người chẳng bao giờ quan tâm đến việc mình muốn sống để làm gì, điều gì tạo ra ý nghĩa cuộc đời mình, cứ sống như một bóng ma lởn vởn bay chập chờn giữa thế gian. Loại người này tôi không có đủ lí trí và hiểu biết khi nói về họ. Còn lại những người luôn sống lao động, cực lực làm việc và tìm kiếm kết quả mong đợi. Và nếu công việc họ làm không đem lại kết quả mong mỏi thì họ khổ sở. Tất nhiên nếu mọi kết quả luôn theo ý mình, điều đó quả thật sung sướng. Nhưng tôi nghĩ rằng khi chúng ta tìm được một công việc mình yêu quý thì bất kỳ hoạt động nào cũng làm cho ta sung sướng vì ta thích hợp với nó. Hãy tìm cho mình một công việc mà chỉ cần được làm nó cũng đủ khiến ta hạnh phúc. Thành công phải là cái đến sau chứ không phải là điều được nhắc đến hàng đầu.
Mọi người luôn nhìn vào cuộc sống người khác và không thỏa mãn với cái mình đang có. Đó là thói ganh tị. Thói quen này rất nguy hiểm đối với hạnh phúc. Họ không hiểu rằng đáng lẽ hưởng niềm vui họ nắm được, thì họ lại sầu khổ vì nghĩ rằng người khác có nhiều hơn mình. Chúng ta cần phải dửng dưng, để ý làm quái gì tới người khác.
Con người cũng luôn lo lắng. Lo lắng quá nhiều khiến họ không còn nhìn thấy hạnh phúc. Tôi luôn tự đặt ra câu hỏi rằng nếu sự việc tôi lo lắng thực sự xảy ra thì kết quả tệ hại nhất mà tôi nhận được sẽ là gì. Khi đã vạch ra được tất cả những điều tồi tệ đó. Quả thật tôi chẳng biết tôi đang lo lắng cái quái gì. Mọi chuyện không phức tạp như tôi nghĩ, cũng chẳng có gì nghiêm trọng. Chỉ là tôi bị những lo lắng của mình uy hiếp nên đâm ra lú lẩn thiếu minh mẫn tỉnh táo.
Tôi bây giờ thậm chí không còn quan tâm đến những vấn đề trên nữa, bởi tôi đã tìm ra được bí quyết thần dược khiến cho tôi luôn cảm thấy mình hạnh phúc. Đó là việc tôi luôn nghĩ rằng tôi là người hạnh phúc. Khi tôi thất bại, tôi nghĩ tôi thật hạnh phúc vì đã học thêm được một bài học. Khi tôi sống trong cảnh nghèo nàn, tôi nghĩ tôi thật hạnh phúc vì đã có thể đi đến tận cùng những con người dưới đáy sâu xã hội, cái nghèo dạy cho tôi sống tiết kiệm, tôi được ăn những món ngon mà người giàu không bao giờ được ăn, tôi được sống trong khung cảnh tuyệt diệu của một khu ổ chuột, tôi được tiếp xúc với những con người bần cùng khác và rồi tôi lắng nghe chia sẻ của họ, tôi đã thấy thế giới tôi rộng mở hơn…
Khi nhắc đến cuộc sống, con người luôn có nhu cầu tìm kiếm sự đau khổ hơn hạnh phúc. Niềm vui thì chóng qua mà nỗi buồn thì cứ luôn muốn giữ lại. Một điều tệ hại hơn là chúng ta còn luôn cố gắng gặm nhấm nó. Hãy nhớ khi chúng ta còn bé, chúng ta không bao giờ cố gắng tìm kiếm hạnh phúc nên chúng ta cũng chưa bao giờ cần bận tâm đến khổ đau. Chúng ta đón nhận tất cả làn gió mát từ cuộc sống với thái độ hiển nhiên, hồn nhiên và rất vô tư. Vui đó rồi cũng buồn đó, không mang vác đi đâu xa xôi. Vậy nên chúng ta lãng quên mọi thứ rất nhanh.
Ảnh: sasint
Tâm trí một đứa trẻ không phức tạp giống người lớn. Chúng cũng không có nhu cầu ham muốn nhiều như chúng ta. Trẻ em cũng yêu quý và ham muốn những thứ chúng thích nhưng chỉ cần bố mẹ bảo rằng con không thể. Giận giữ bực bội lắm cũng chỉ khóc một trận cho thỏa lòng. Ngủ một đêm thức giấc ngày mai đã lại là một trang giấy trắng tinh khôi. Người lớn đau khổ là vì họ có quá nhiều ham muốn. Càng ham muốn thì lại càng phụ thuộc. Sự phụ thuộc quá nhiều khiến người lớn không thể thoát ra khỏi cái vũng lầy. Đó là nguyên do cản trở người lớn sống hạnh phúc.
Thực ra tôi chưa bao giờ hiểu trọn được ý nghĩa thế nào là hạnh phúc. Tôi chỉ biết đó là một sự phủ định của những khổ đau tôi phải gánh chịu. Hạnh phúc thực sự có tồn tại? Hay nó chỉ là một sự trừu tượng của tâm trí được dệt lên bằng tất cả ao ước muốn thoát ra khỏi khổ đau của con người. Bất kể một rủi ro hay khó khăn đau khổ nào xảy đến với tôi, tôi đều biến nó thành niềm hạnh phúc của mình. Tôi không có quá nhiều ham muốn và tôi luôn ngây thơ tin rằng tôi là một đứa hạnh phúc. Tôi nghĩ tôi hạnh phúc và thế là tôi luôn nhìn thấy mình hạnh phúc trong tất cả đớn đau.
Mười năm sau, tôi vẫn sẽ thích cái suy nghĩ của tôi mười năm trước. Tôi là một đứa trẻ và mãi sẽ sống như là một đứa trẻ với tất cả sự hồn nhiên vô tư.