16. Những lời chào – hỏi ngắn gọn, lễ phép, đơn sơ, nhưng lại giúp dễ dàng gây thiện cảm với bất cứ người nào em gặp. Lời chào hỏi cũng biểu lộ người lịch sự, có giáo dục.
17. Trong gia đình, em luôn giữ lễ phép với người trên qua việc “đi thưa, về trình”.
18. Gặp những người trên, em luôn chào hỏi cách lễ phép, không trợn mắt nhìn hoặc cười ruồi rồi quay đi.
19. Đối với bất cứ ai đã giúp em làm một việc gì dù nhỏ, em hãy nhớ nói lời cảm ơn để biểu lộ lòng biết ơn đối với người đó.
20. Khi nhận được lời cảm ơn, em đừng toét miệng cười; hãy trả lời: thưa không có chi ạ! Hoặc con vui khi làm việc đó…
21. Khi có việc cần vượt qua người đi trước, em hơi cúi đầu và nói: xin phép ông, xin phép bà… tuy là những câu nói vắn tắt, nhưng nó sẽ giúp em gây thiện cảm với mọi người, và tránh được rất nhiều những xích mích nhỏ nhen.
22. Mỗi khi làm điều chi sai lỗi, hoặc nói gì không đúng, em hãy cố can đảm cất lời: “tôi xin lỗi”, “tôi lầm” để nhận lỗi với người khác.
23. Hãy biết lắng nghe và đừng cắt ngang lời người khác khi họ đang nói.
24. Trường hợp em bị người khác sơ ý làm phiền, người ta xin lỗi, em nên lịch sự bỏ qua và vui vẻ trả lời: “thưa không có chi”. Đừng lườm nguýt cũng đừng tỏ ra khó chịu.
25. Khi nói chuyện với người khác, em cố gắng nhận ra cái lý của họ và thành thực cảm phục họ bằng cách dùng câu nói: anh có lý… chị nói đúng. Làm vậy sẽ gây được cảm tình và có thêm bạn bè mới.
26. Khi không đồng ý với ai về một vấn đề, và muốn trình bày ý kiến của mình, thì hãy mở đầu bằng câu nói: anh nói đúng, nhưng có chi tiết này, chúng ta cần nhận xét lại xem… . Nói thế em sẽ tránh được làm phiền và chạm tới tự ái người khác.
27. Khi đã hứa với ai chuyện gì, phải giữ đúng lời hứa. Nếu vì trường hợp đột xuất có việc quan trọng hay không thể chu toàn được phải báo lại cho người đó biết.