Phụng vụTư liệu Phụng vụ

Lời Chào: “Chúa Ở Cùng Anh Chị Em”

Lời Chào: “Chúa Ở Cùng Anh Chị Em”

 


Edward Sri
BƯỚC VÀO THÁNH LỄ QUA KINH THÁNH
A Biblical walk through the Mass
Understanding What We Say and Do in the Liturgy

Ascension Press, 2010,

PHẦN II: CÁC NGHI THỨC MỞ ĐẦU
2. Lời Chào: “Chúa Ở Cùng Anh Chị Em”

Mục Lục

Chủ tế: Chúa ở cùng anh chị em
Cộng đoàn: Và ở cùng cha

Theo quan điểm Kinh Thánh, lời chào “Chúa ở cùng anh (chị em)” không phải là lời chào thông thường. Điều này không giống chút nào với lời trao qua đổi lại khi linh mục nói: “chào anh chị em” và cộng đoàn đáp “chúng con cũng chào cha”. Nếu thực sự hiểu nền tảng Kinh Thánh của những lời này, chúng ta có thể bước vào phụng vụ với cảm giác kính uý hơn.

Ở mức độ căn bản, những lời này nói lên một thực tại về sự hiện diện của Chúa Giêsu với cộng đoàn tín hữu đang họp nhau nhân danh Người, vì Người đã nói: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ”(Mt 18,20).

Lời chào trong phụng vụ này cũng diễn tả thực tại sâu xa về sự sống Thiên Chúa đang cư ngụ trong linh hồn chúng ta nhờ bí tích Rửa tội. Bằng những lời này, linh mục đang cầu nguyện để sự sống thần linh chúng ta đã nhận có thể tiếp tục lớn lên trong chúng ta.

Nhưng lời chào “Chúa ở cùng anh chị em” cũng gợi lại những lời được ngỏ với toàn bộ các vĩ nhân trong Kinh Thánh, là những người được Thiên Chúa gọi thi hành một sứ vụ đáng sợ – sứ vụ buộc cá nhân vượt qua “vùng an bình thư thái” và cậy dựa vào Chúa như chưa từng có trước đây. Tương lai của dân Chúa phụ thuộc vào việc những người này đáp trả lời mời gọi và thi hành tốt vai trò của mình như thế nào. Hãy nghĩ đến Ixaác (St 26,3.24) và Giacóp (St 28,13-15); Môsê (Xh 3,12) và Giôsuê (Gs 1,5.9); Vua Đavít (2Sm 7,3), ngôn sứ Giêrêmia (Gr 1,6-8), và Đức Trinh Nữ Maria (Lc 1,28). Tất cả các ngài đã nghe sứ điệp này vào thời điểm mấu chốt của cuộc đời. Trong nhiều dịp, khi Thiên Chúa gọi ai theo cách này, chính Người hoặc các thiên thần của Người sẽ nói với người ấy những lời đảm bảo: “Chúa ở cùng ngươi”.

Ví dụ về Giôsuê. Sau khi ông Môsê qua đời, Thiên Chúa gọi ông Giôsuê thi hành công việc khó khăn là dẫn đưa dân vào Đất Hứa, nơi có nhiều đội quân lớn ngăn chặn lối vào và nhiều trận chiến xảy ra. Nhưng Thiên Chúa truyền cho ông Giôsuê phải can đảm và tin tưởng rằng ông sẽ thành công, bởi vì: “Ta sẽ ở với ngươi”.

“Mọi ngày đời ngươi, không ai sẽ đứng vững được trước mặt ngươi. Ta sẽ ở với ngươi như Ta đã ở với Môsê; Ta sẽ không bỏ rơi ngươi, Ta sẽ không ruồng bỏ ngươi. ‘Mạnh bạo lên, can đảm lên! Vì chính ngươi sẽ cho dân này chiếm đất ấy làm gia nghiệp, đất mà Ta đã thề với cha ông chúng là Ta sẽ ban cho chúng. Mạnh bạo lên, can đảm lên! Đó chẳng phải là lệnh Ta đã truyền cho ngươi sao? Đừng run khiếp, đừng sợ hãi, vì Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, sẽ ở với ngươi bất cứ nơi nào ngươi đi tới’” (Gs 1,5-6.9).

Thiên Chúa gọi ông Ghítôn theo cùng cách như vậy. Sách Thủ lãnh kể rằng Thiên Chúa sai một sứ thần đến với ông Ghítôn để gọi ông cứu dân thoát khỏi quân Mađian, là những kẻ chiếm đất đai của Ítraen. Sứ thần chào ông bằng những lời này: “Chúa ở với ông”(Tl 6,12). Mặc dù, ông Ghítôn không có kinh nghiệm chiến đấu nổi trội, lại xuất thân từ một thị tộc thấp kém, và là người kém cỏi nhất trong gia đình, nhưng Thiên Chúa hứa với ông rằng ông sẽ lãnh đạo Ítraen chiến thắng quân Mađian – không phải do sức mạnh hoặc tài năng của ông, mà là bởi Thiên Chúa ở với ông: “Ta sẽ ở với ngươi, và ngươi sẽ đánh quân Mađian như đánh có một người” (Tl 6,16).

Có lẽ, ví dụ hay nhất là lời mời gọi ông Môsê trong bụi gai cháy bừng. Trong khung cảnh đáng chú ý này, Chúa đã mời gọi ông Môsê thi hành một sứ vụ rất khó khăn: Trở lại Ai Cập (nơi người ta đang tìm cách giết ông, x. Xh 2,15), đương đầu với Pharaô độc ác, kẻ đang bắt người Do Thái làm nô lệ, đồng thời thuyết phục vị vua này để cho dân ra đi.

Những lời Thiên Chúa phán như gánh nặng đè trên ông và ông cảm thấy không đủ sức để thi hành công việc đó. “Con là ai mà dám đến với Pharaô và đưa con cái Ítraen ra khỏi Ai Cập?” (Xh 3,11). Sau đó, ông đã làm tất cả những gì có thể để thoát khỏi trách nhiệm Thiên Chúa ủy thác: Ông thưa với Thiên Chúa rằng dân sẽ hỏi ông Tên của Thiên Chúa này là gì (Xh 3,13), rằng dân sẽ không tin ông và nghi ngờ Thiên Chúa đã thực sự hiện ra với ông (Xh 4,1), và ông không có khả năng ăn nói như một nhà lãnh đạo (Xh 4,10).

Phải chăng sứ vụ bất khả thi?

Thiên Chúa đã phản ứng lại những cảm giác không xứng đáng làm người lãnh đạo của ông Môsê như thế nào? Cần lưu ý rằng Thiên Chúa không gửi ông đến một khoá huấn luyện để giúp ông phát triển kỹ năng lãnh đạo, hay đến một cuộc hội thảo để đào tạo ông thành người có khả năng nói trước công chúng. Đúng hơn, Thiên Chúa ban cho ông một điều ông cần nhất: Người đảm bảo sẽ hiện diện với ông trong sứ vụ đầy thử thách này. Thiên Chúa nói: Ta sẽ ở với ngươi” (Xh 3,12; 4,12). Ông Môsê sẽ hoàn thành sứ vụ, không phải vì kỹ năng hoặc tài nghệ của ông, nhưng vì ông được Thiên Chúa giúp đỡ. Sự giúp đỡ này làm cho ông có khả năng thực hiện tốt hơn nhiều so với những gì tự ông đã từng làm. Theo thánh Phaolô, sức mạnh của Thiên Chúa sẽ được thể hiện qua sự yếu đuối của ông Môsê (x. 2Cr 12,9-10).

Bạn đã từng cảm thấy căng thẳng và nặng nề với những yêu cầu của cuộc sống? Bạn đã từng có cảm giác như ông Môsê – không xứng đáng với sứ vụ Thiên Chúa ủy thác cho bạn, trong hôn nhân, trong công việc, gia đình, và đời sống đức tin Công giáo? Nếu như thế, những lời mở đầu phụng vụ Thánh lễ “Chúa ở cùng anh chị em” có thể vừa truyền cảm hứng vừa khuyến khích bạn.

Một đàng, theo quan điểm Kinh Thánh, lời chào “Chúa ở cùng anh chị em” nhắc nhở chúng ta về ơn gọi cao quý của mỗi người. Như là con cái Thiên Chúa, mỗi chúng ta có một sứ vụ đặc biệt để hoàn tất kế hoạch của Chúa Cha. Khi nghe những lời này, chúng ta nhận ra rằng mình đang bước trên dấu chân của ông Giôsuê, Môsê, Ghítôn, và nhiều người khác, là những người đã đón nhận lời mời gọi đặc biệt từ Thiên Chúa. Chúng ta không được gọi để bảo vệ dân Chúa chống lại những kẻ áp bức ngoại giáo, hay để đương đầu với những nhà độc tài bất lương như Pharaô, nhưng mỗi người chúng ta có một vai trò mà không ai khác có thể đảm nhận – trong hôn nhân, công việc, gia đình, tình bằng hữu, giáo xứ và cộng đoàn chúng ta.

Đàng khác, những lời hứa này cũng đảm bảo rằng chúng ta có thể đạt được sức mạnh lớn hơn, đến nỗi sức mạnh ấy có thể nâng đỡ chúng ta vượt qua gian nan thử thách trong cuộc sống, đồng thời giúp chúng ta trung thành với bất kể nhiệm vụ nào được Thiên Chúa trao cho. Nếu chúng ta cảm thấy nghi ngờ hoặc không xứng đáng trong việc nuôi nấng con cái, chia sẻ đức tin với người khác hoặc trong phạm vi nào đó về đức hạnh, thì phụng vụ nhắc nhở rằng Thiên Chúa luôn ở cùng để giúp đỡ chúng ta. Nếu chúng ta đang đối diện với một cuộc hôn nhân không suôn sẻ, một tình huống khó khăn tại nơi làm việc, một cuộc chiến với căn bệnh trầm trọng, hoặc mất người thân yêu thì Thiên Chúa vẫn ở cùng chúng ta trong những thử thách này. Nếu chúng ta đang trải qua buồn sầu, thất vọng, mờ mịt trong đời sống thiêng liêng, thì Thánh lễ nhắc nhở chúng ta rằng Chúa đang thực sự ở cùng, cho dù chúng ta không cảm thấy sự hiện diện của Người. Nhưng trên hết, lời chào này chỉ ra những thực tại kính uý mà tất cả chúng ta sắp tham dự – đó là các mầu nhiệm về sự chết, sự sống lại của Chúa Kitô và sự thông hiệp với Mình và Máu Người. Chúng ta không xứng với vinh dự lớn lao như thế, nhưng những lời của linh mục khi bắt đầu Thánh lễ nhắc nhở chúng ta rằng Chúa ở cùng chúng ta. Giống như Môsê, Giôsuê, Ghítôn, và nhiều người khác, chúng ta có thể tự tin tín thác vào sự trợ giúp của Chúa. Chúng ta có thể tin tưởng sức mạnh của Thiên Chúa sẽ bổ khuyết cho bất kỳ điều gì còn thiếu nơi chúng ta.

Lời chào mang tính Tông truyền

Những chọn lựa mang tính nghi thức khác đối với lời chào mở đầu lấy từ những lời thánh Phaolô sử dụng trong các thư của ngài. Ví dụ, linh mục chủ tế có thể nói: “Nguyện xin ân sủng và bình an của Thiên Chúa, Cha chúng ta và của Chúa Giêsu Kitô ở cùng anh chị em”. Đó là những lời lấy từ các lời chào khởi đầu các thư của thánh Phaolô (x. Rm 1,7; 1Cr 1,3; Gl 1,3; Ep 1,2; Pl 1,2).

Câu đầu tiên này đặc biệt nhấn mạnh rằng đức tin đến với chúng ta qua các Tông đồ, vốn là những người được Chúa Kitô trao sứ vụ và quyền bính, rồi sau đó các ngài trao quyền cho những người kế nhiệm. Các giám mục ngày nay là những người kế nhiệm trực tiếp của các Tông đồ. Các ngài chia sẻ sứ vụ tông đồ cho các linh mục. Khi nghe lời chào “Nguyện xin ân sủng và bình an của Thiên Chúa, Cha chúng ta và của Chúa Giêsu Kitô ở cùng anh chị em”, chúng ta nhận biết tình bằng hữu của mình với các thánh trong suốt dòng lịch sử Giáo hội, là những người đã được chào bằng những lời này ngay từ thời thánh Phaolô.

“Và ở cùng cha”

Cuối cùng, chúng ta sẽ suy nghĩ về cách chuyển dịch của câu đáp cho lời chào này: “Và ở cùng thần trí cha”. Câu đáp này tỏ ra thích hợp hơn với bản văn La Tinh dùng trong Thánh lễ và với ngôn ngữ của thánh Phaolô. (Gl 6,18). Trên hết, câu này trình bày cách đầy đủ hơn một điểm thần học quan trọng. Theo cách dịch: “và ở cùng cha”, chúng ta có thể có cảm tưởng rằng câu đáp này đơn thuần chỉ có ý diễn tả một sự trao đổi căn bản: “Xin Chúa cũng ở cùng cha nữa”. Nhưng có nhiều điều thể hiện trong câu đáp này. Bằng cách đáp: “và ở cùng thần trí cha”, cộng đoàn nhận ra hoạt động duy nhất của Thánh Linh qua vị linh mục trong phụng vụ thánh nhờ chức thánh của ngài.1 Jeremy Driscoll giải thích: “Cộng đoàn đang ngỏ lời với “thần trí” của linh mục, nghĩa là phần nội tâm sâu kín nhất nơi con người của ngài, nơi đó ngài đã thực sự lãnh nhận ơn thánh chức để dẫn dắt cộng đoàn trong hoạt động thánh này. Thực vậy, cộng đoàn đang nói “Ngài là linh mục cho chúng con bây giờ”, nghĩa là họ biết rằng chỉ có một linh mục duy nhất, là chính Chúa Kitô, và vị linh mục của họ, là đại diện cho Người bây giờ, phải được ơn thánh biến đổi để thi hành tốt các nhiệm vụ thánh thiêng.”2

Một vị thánh thời hiện đại có lần đã nhấn mạnh tại sao những lời cầu nguyện cho các linh mục như thế lại quan trọng, đặc biệt trong khung cảnh Thánh lễ: “Tôi xin tất cả các Kitô hữu thiết tha cầu nguyện cho các linh mục chúng tôi, để chúng tôi biết thi hành hy tế thánh thiêng một cách thánh thiêng. Tôi xin anh chị em tỏ lòng yêu mến tha thiết đối với Thánh lễ. Theo cách này, anh chị em khuyến khích các linh mục chúng tôi cử hành Thánh lễ cách kính cẩn, vừa mang phẩm tính thần linh và vừa mang phẩm tính con người: giữ gìn sạch sẽ phẩm phục và đồ dùng dành cho việc thờ phượng, tận tâm hành động và tránh vội vàng hấp tấp.” 3

1. See Pius Parsch, The Liturgy of the Mass (St. Louis: B. Herder, 1957), tr. 109.
2. Jeremy Driscoll, What Happens at Mass (Chicago: Liturgy Training Publications, 2005), tr. 25.
3. St. Josemaria Escriva, Christ is Passing By, p. 15. As cited in Charles Belmonte, Understanding the Mass (Princeton, NJ: Scepter, 1989), tr. 53.
(Bản dịch của https://thinhviendaminh.net/)

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!