Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến hàng tuần tại Quảng trường Thánh Phêrô ngày thứ tư 12 tháng 4.
Tu sĩ Dòng Tên Hans Zollner đã từ chức khỏi Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ trẻ vị thành niên được Đức Phanxicô thành lập cách đây 9 năm.
Linh mục Dòng Hans Zollner, một trong những chuyên gia hàng đầu của Vatican về vấn đề nhức nhối lạm dụng tình dục, lương tâm và quyền lực trong Giáo hội đã đóng sầm cửa Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ trẻ vị thành niên do Đức Phanxicô thành lập 9 năm trước với sự giúp đỡ của linh mục.
Đây là nhân vật nặng ký thứ nhì rời Ủy ban sau lần bà Marie Collins, người Ai-len và là nạn nhân bị lạm dụng tình dục thời thơ ấu, tháng 3 năm 2017 bà đã từ chức vì thiếu hợp tác, vì có những miễn cưỡng không thể chấp nhận và đáng xấu hổ của các văn phòng khác nhau của Giáo triều.
Lần này các nguyên nhân đã khác, nhưng cũng nghiêm trọng không kém. Một cơn nhức đầu mới cho Đức Phanxicô. Trên thực tế, linh mục Zollner đầu hàng do những trục trặc của Ủy ban, không minh bạch, không tôn trọng các quy tắc và không trách nhiệm, đó là những điểm thiết yếu trong cuộc chiến chống lại văn hóa im lặng và lạm dụng như hôm nay linh mục đã tố cáo trong một cuộc họp tại trụ sở Hiệp hội báo chí nước ngoài.
Linh mục Zollner trong buổi họp báo / Ảnh Elisabetta Piqué
Quyết định của linh mục Zollner – nhà thần học, nhà tâm lý học, giám đốc trong 11 năm của Viện Bảo vệ Trẻ vị thành niên của Giáo hoàng Học viện Gregorian và là cố vấn cho giáo phận Rôma – linh mục đã từ chức Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ trẻ vị thành niên vài tuần trước. Nhưng tin tức đã bị lu mờ vì Đức Phanxicô bất ngờ nhập viện. Sau đó giữa linh mục Zollner và hồng y Mỹ Sean O’Malley, tổng giám mục Boston kiêm chủ tịch Ủy ban có những lời giải thích khác nhau, hồng y O’Malley đưa ra tuyên bố đánh giá cao công việc của linh mục Zollner và cho rằng linh mục ra đi vì công việc quá tải.
Hồng y O’Malley “thất vọng” vì các chỉ trích của linh mục Hans Zollner
Linh mục Zollner chỉ trích: “Ngài đã cắm hoa hồng, nhưng ngài không nói có vấn đề,” linh mục đề cập trong một tuyên bố khác “các vấn đề về cơ cấu và thực hành” ở cấp độ tài chính, tổ chức và thậm chí cả tuyển dụng làm cho công việc trở nên “không thể thực hiện” để tiếp tục làm việc trong Ủy ban. Linh mục cũng đưa ra việc thiếu các quy tắc điều chỉnh mối quan hệ của Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ trẻ vị thành niên và bộ Giáo lý Đức tin, mà với cuộc cải cách giáo triều năm ngoái, đã đưa Ủy ban vào “bộ” này.
Trong cuộc gặp với các nhà báo, linh mục Zollner nhắc lại sự bối rối của ngài trước thay đổi này và nhiều thay đổi khác trong thời gian gần đây, điều này đã tạo một hoang mang lớn trong Ủy ban, mặt khác, Ủy ban xác nhận “Đức Phanxicô đã có một sáng kiến tuyệt vời và đã thành công vượt ra ngoài các vấn đề”.
Linh mục Hans Zollner, thành viên cốt cán của Ủy ban chống lạm dụng tình dục từ chức
Trong phần phát biểu đọc từ đâu buổi họp báo, linh mục Zollner xác nhận quyết định ra đi không phải là chuyện dễ dàng với ngài: “Đã nhiều lần tôi tự hỏi: quyết định này có tương ứng với tinh thần đồng đội và sự thận trọng cần thiết trong bất kỳ công việc nhóm nào không? Với quyết định này, tôi có làm tổn thương đến Đức Phanxicô là người rất quan tâm đến công việc của Ủy ban không?” Sau đó, linh mục cho biết đã có những người đi trước đã rời Ủy ban với những lời chỉ trích. Linh mục giải thích, nếu ngài quyết định nói ra bây giờ thì không phải vì “mục tiêu gây tranh cãi hoặc làm hại Ủy ban” nhưng vì ngài đã nhận được quá nhiều yêu cầu phỏng vấn từ các phương tiện truyền thông khác nhau và cũng để đóng góp một cái gì đó cho Ủy ban.
Linh mục Hans Zollner / BBC World
Trong bối cảnh này, linh mục cho biết trong những ngày gần đây, ngoài việc nhận tin nhắn khuyến khích từ khắp nơi trên thế giới, nhưng cũng có nhiều lời khuyên thiện ý, cho rằng tốt hơn là không nên nói gì trên diễn đàn công cộng, linh mục giải thích: “Theo tôi, đây không phải là một giải pháp thay thế thực sự, vì sẽ nhầm tinh thần đồng đội với đồng tình, thận trọng với che giấu, trung thực với nô lệ. Vấn đề của Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ trẻ vị thành niên rất phức tạp từ quan điểm chính trị và xúc cảm, vì những lý do hiển nhiên. Ủy ban có tầm quan trọng to lớn trong cuộc chiến chống lạm dụng và có giá trị nội tại không gì có thể thay thế được.”
Ba vấn đề
Sau khi lấy làm tiếc những đóng góp cho cuộc thảo luận bị một số người cho là “công kích cá nhân” và xin lỗi nếu có ai cảm thấy bị tổn thương, như đã làm trong tuyên bố của ngài ngày 29 tháng 3, linh mục Zollner nhắc lại những điểm quan trọng liên quan đến ba vấn đề cơ bản: “Đức Thánh Cha Phanxicô đã xác định chúng là thiết yếu trong cuộc chiến chống lạm dụng trong Hội nghị thượng đỉnh năm 2019 về bảo vệ trẻ vị thành niên: minh bạch, tôn trọng các quy tắc và trách nhiệm.” Về vấn đề này, linh mục nhấn mạnh, năm ngoái, ít nhất ba lần linh mục đã viết thư cho các giám đốc của Ủy ban để báo động với họ ngài thấy mọi thứ không ổn ở những điểm này và linh mục đã không bao giờ nhận được phản hồi.
Không muốn nêu tên, linh mục Zollner thừa nhận sự bối rối to lớn của ngài trước những thay đổi trong những năm gần đây, việc lựa chọn các thành viên và sự nhầm lẫn về vai trò. Ngài chỉ trích: “Nếu bạn không biết mình chịu trách nhiệm về điều gì, nếu bạn không rõ ràng về ranh giới và quyền hạn chính xác của mình và người mà bạn chịu trách nhiệm, thì sẽ có nhầm lẫn. Và điều này tạo ra những khó khăn trong việc tôn trọng các quy tắc cũng như tính minh bạch.”
Mặt khác, ngài thừa nhận vẫn còn có phản đối trong Giáo hội liên quan đến cuộc chiến chống lạm dụng: “Mặc dù sự dấn thân của nhiều người về vấn đề này đã tăng, đã có nhiều người làm việc và mạng lưới đã phát triển rất nhiều, nhưng vẫn có một số người cản trở. Và các nạn nhân tiếp tục có cảm nghĩ họ không được lắng nghe.”
Linh mục lấy làm tiếc: “Mặc dù tôi đã tận mắt chứng kiến cách Đức Phanxicô dành thì giờ và lắng nghe các nạn nhân, ngài là tấm gương về thái độ mà Giáo hội nên có, nhưng đôi khi một số người không muốn lắng nghe. Nếu Giáo hội không phục vụ những người bé nhỏ nhất, những người bị tổn thương, như các nạn nhân của lạm dụng, thì điều này chẳng có một nghĩa lý gì. Nhiều nạn nhân không còn mong chờ gì, nhưng nhiều người khác vẫn muốn tìm lại hình ảnh nhân bản của Giáo hội và điều đau đớn nhất là họ không tìm thấy.” Linh mục kết luận: “Rõ ràng và trực tiếp, Giáo hội không quen với ngôn ngữ của ba từ này – minh bạch, tôn trọng các quy tắc và trách nhiệm -, và đó không phải là vấn đề cánh tả hay cánh hữu, vấn đề bảo thủ hay tự do. Đó không phải là vấn đề của đảng phái, mà là thái độ”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch