Mục vụ gia đình

“Mẹ không đánh, nhưng con đau lắm!”

“Mẹ không đánh, nhưng con đau lắm!”

 

Có lẽ đó là lời nói đại diện cho biết bao con trẻ đang cảm nhận sự cào cấu của tổn thương do chính cha mẹ mình. Cha mẹ nào mà không yêu thương đứa con mình mang nặng đẻ đau. Nhưng yêu thương không đúng cách lại đang gây đớn đau tâm hồn cho trẻ. Đôi khi, nỗi đau ấy gấp nhiều lần đòn roi.​
Cover_baolucgiadinhtreem_phailamgi.jpg

Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo khẳng định rằng, con cái là “món quà”, là “hoa trái” do sự kết tinh tình yêu của mỗi cặp vợ chồng. Cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển tâm sinh lý của mỗi đứa trẻ. Cha mẹ được xem là nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu mà các con được gặp gỡ. Cùng với sự yêu thương và che chở, cha mẹ giáo dục con cái cả về mặt đạo đức, tôn giáo, cũng như trách nhiệm đặc biệt trong việc nhân bản hóa giáo dục giới tính(TLHT 239-240). Việc giáo dục con cái vừa được xem là quyền, vừa là nghĩa vụ của các bậc làm cha mẹ. Không ai khác có thể đảm nhận trọng trách này, ngay cả nhà nước. Nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ cha mẹ trong vấn đề này.

Tuy nhiên, giữa con cái và cha mẹ luôn có những khác biệt về thế hệ, gây nên những xung đột không đáng có trong việc nuôi dạy con cái của cha mẹ. Khiến đứa trẻ phải chịu những áp lực nặng nề mà bố mẹ không hề hay biết.

Điển hình như việc cha mẹ áp đặt con cái một cách tiêu cực. Ảnh hưởng từ tư tưởng “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, cha mẹ thường có xu hướng vạch sẵn những con đường cho con cái, cho rằng đó là điều tốt nhất. Vô tình biến đứa trẻ thành công cụ “hiện thực hóa giấc mơ” của cha mẹ. Chúng phải thực hiện những thứ mà chúng không hề mong muốn, dần dần cảm thấy bản thân không còn được yêu thương, thậm chí nhiều đứa trẻ sinh ra trầm cảm.

Ngoài ra, việc bạo lực ngôn từ, la mắng con một cách thậm tệ cũng được phần lớn cha mẹ áp dụng khi nuôi dạy con cái. Họ cho rằng, nếu ngon ngọt với con, con sẽ sinh hư, phải nặng lời, con mới vào khuôn khổ. Đây là một phương pháp dạy con vô cùng sai lầm. Khi phải sống trong môi trường thường xuyên có những lời lẽ tiêu cực, những đứa trẻ sẽ chịu tổn thương nặng nề về mặt tâm lý. Có thể nói, đây là một hình thức của bạo lực tinh thần. Thay vì dùng vũ lực để làm tổn thương thể xác, người thực hiện bạo lực tinh thần sẽ dùng hành vi và lời nói để nhắm vào tinh thần nạn nhân.

Thậm chí, nhiều trường hợp, có đứa trẻ đã nghĩ đến việc quên sinh: “Mẹ không đánh, nhưng con đau lắm.”

chia sẻ của 1 bạn trẻ trong một group fb.jpg

Chia sẻ của một bạn về áp lực từ mẹ đăng tải trên 1 hội nhóm Facebook
Bên cạnh đó, Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo cũng lên án những hành vi xâm phạm tới phẩm giá con người, như hành vi sử dụng bạo lực, bao gồm cả hành vi bạo lực tinh thần và bạo lực thể xác. Đồng thời, con cái cũng được quyền lớn lên trong một gia đình lý tưởng, đó là nơi mà em được trải nghiệm tình hiệp thông với người khác, được yêu thương và tôn trọng. Chỉ như thế, mỗi thành viên trong gia đình, bao gồm bố mẹ và những người con mới có thể phát huy hết năng lực và đủ khả năng đương đầu với bất kỳ điều gì mà cuộc đời có thể mang lại. (Docat 117)

Tóm lại

Giáo dục con cái không chỉ là bổn phận quan trọng, mà đó còn là một vinh dự đối với các bậc làm cha, làm mẹ. Việc này tạo nên những hữu thể có ích cho xã hội, cần có một đường hướng, lập kế hoạch và sử dụng phương pháp trong tình yêu và sự tôn trọng. Con cái lớn lên nên người hay hư hỏng, còn tùy vào sự bận tâm giáo dục của cha mẹ ngay từ đầu.​ st

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!