Phụng vụSuy niệm ngày thường

Một chứng nhân hiền lành, khiêm tốn

Một chứng nhân hiền lành, khiêm tốn

 

Phúc Âm IV đã viết về ơn gọi của Gioan: “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin” (Ga 1,6-7). Ông Gioan là chứng nhân của Ðức Kitô ánh sáng. Ông làm chứng cho Ðức Kitô bằng chính sự hiền lành và khiêm nhường trong cuộc sống, trong sứ vụ của mình.

 

Ông Gioan là một chứng nhân hiền lành và khiêm nhường. Ông đã phủ nhận địa vị cao quý mà dân chúng gán cho: “Tôi không phải là Đức Kitô, không phải là Elia, không phải là một ngôn sứ. Tôi chỉ là tiếng kêu trong hoang địa, hãy dọn đường cho Chúa” (Ga 1,20). Vì hiền lành và khiêm tốn, ông cũng đã tự xóa mình trước Đức Kitô: “Ngài phải được lớn lên, còn tôi phải nhỏ bé đi”. Ông đã hiền lành đến khiêm tốn: “Người đến sau tôi, nhưng tôi không xứng đáng cởi quai dép cho Người” (c.27). Ông chẳng sợ mất uy tín trước bao nhiêu người ngưỡng mộ và cũng không dám nhận những vinh quang người đời tưởng lầm về ông, mà chỉ nhận những sự thực rất khiêm nhường, rất bé nhỏ của mình. Đây cũng là sự khiêm tốn tuyên nhận giá trị người khác: “Tôi làm phép rửa cho anh em trong Nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến… Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa” (Lc 3,16).

Thực ra, ông Gioan hiền lành, khiêm tốn, là vì đã có cảm nghiệm về mối tương quan giữa mình với Đức Kitô ngay từ trong lòng mẹ, đã có cuộc gặp gỡ giữa bào thai Gioan và bào thai Đức Kitô. Trong cuộc gặp gỡ này, Gioan đã hiền lành và khiêm nhường nhảy mừng đón chào Đức Kitô. Dùng lời nói của mẹ là bà Elisabeth, như là ngài đang nói: “Bởi đâu tôi được Chúa tôi đến viếng thăm tôi…” (Lc 1,43). Chính vì thế, khi gặp gỡ Chúa Giêsu đến với mình xin làm phép rửa, ông Gioan cũng hiền lành và khiêm tốn lên tiếng: “Chính tôi mới cần Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi” (Mt 3,14). Và trong biến cố này, ông cũng có cơ hội sống cảm nghiệm thiêng liêng từ một thị kiến và làm chứng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người… Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” (Ga 1,33-34).

Cũng chính vì cảm nghiệm nội tâm về tương quan huyền nhiệm của ông với Đức Kitô, nên Gioan đã thi hành sứ vụ của mình (Lc 3,1-18) một cách hiền lành và khiêm tốn: “Ông kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội…, hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (c. 1-6), nhưng không nhát đảm: “Các anh hãy sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối… Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (c. 8-9).

Cái chết của ông Gioan – bị chém đầu trong ngục tù (Mt 14,1-12) – là một lời chứng tuyệt vời về sự hiền lành, khiêm tốn, khi ngài đã cảnh cáo vua Hêrôđê không được loạn luân (c. 4) : “Số là vua Hêrôđê đã bắt trói ông Gioan và tống ngục… Ông Gioan có nói với vua: “Ngài không được phép lấy bà ấy”… Vua sai người vào ngục chặt đầu ông Gioan. Người ta đặt đầu ông trên mâm, mang về trao cho cô, và cô ta đem đến cho mẹ” (c. 1.4.10-11).

Cuộc đời và sứ vụ của Gioan là Tiền hô của Đấng Cứu Thế. Sự sinh ra, cuộc sống ẩn dật trong hoang địa, sự xuất hiện thi hành sứ vụ, lời rao giảng và cái chết của Gioan là tiên báo cho sự sinh ra, cuộc sống ẩn dật tại Nazareth, cuộc đời công khai, và cuộc khổ nạn của Đức Kitô. Nhưng cuộc sống, sứ vụ, và cuộc vượt qua của Chúa Kitô đã đem lại cho cuộc sống, sứ vụ, và cái chết của Gioan có một giá trị đích thực như Phúc Âm thứ IV viết: “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng. Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người (Ga 1,6-9)”. Và Chúa Giêsu tuyên bố: “Tôi nói thật cho anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy giả” (Mt 11,11); cao trọng hơn vì ông hiền lành, khiêm nhường.

Xã hội ngày nay đang ngày càng cằn cỗi những giá trị đạo đức như một hoang địa khô cằn, ngày càng bị ô nhiễm bởi những ích kỷ và thù hận như một dòng sông bị ô uế bởi rác thải thành phố, ngày càng bị bao vây và trói buộc bởi những tệ trạng xã hội. Xã hội này đang cần ánh sáng của lòng bao dung và yêu thương, ánh sáng của khôn ngoan và trung thực, ánh sáng của niềm hy vọng và tự do nội tâm.

Tôi có phải là một Gioan được sai đến để làm chứng cho ánh sáng Chúa Kitô trong môi trường xã hội mà tôi đang sống và hoạt động không?

Để có thể thi hành sứ vụ của mình giữa trần gian, như thánh Gioan Tẩy giả, tôi cần tìm cho mình một không gian và một thời gian để đi vào hoang địa cô tịch, ở đó tôi cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa đang đối thoại với tôi trong yêu thương và huấn luyện. Tôi cần tìm đến với dòng sông của ơn thánh, của bí tích, đặc biệt là Bí tích Hòa giải và Thánh Thể, để cảm nghiệm được giá trị của sự bao dung và uyển chuyển nhằm biến đổi tôi nhờ hoán cải và canh tân. Và cần luôn thức tỉnh đối với những hình thức trói buộc của bản năng con người, của những quyến rũ trần gian, của những mưu mô ma quỷ, để sống cuộc sống khổ chế. Nhờ đó, tôi đang loan truyền sứ điệp Mùa Vọng:“Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3,4-6).

 

“… Tôi có phải là một Gioan được sai đến để làm chứng cho ánh sáng Chúa Kitô trong môi trường xã hội mà tôi đang sống và hoạt động không? …”

 

 

   Giám mục Giuse Trần Văn Toản

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!