Phụng vụSuy niệm ngày thường

MÙA CHAY và THÁNH THẦN

MÙA CHAY và THÁNH THẦN

 

Chúng ta thường, chỉ nghĩ rằng: Chúa Thánh Thần là tác nhân đổi mới mọi sự, nhưng, chúng ta quên rằng: Chúa Thánh Thần đích thực là động lực thúc đẩy: đổi mới chính sự đổi mới, canh tân cả cái canh tân (Ipsa novitas innovanda est). Chính vì sự quên lãng này, mà bao nhiêu Mùa Chay Thánh đã trôi qua, bao nhiêu lần thường huấn, tĩnh tâm với biết bao sốt mến và nhiệt thành đổi mới, nhưng rồi, chúng ta vẫn đâu vào đấy: đời sống thiêng liêng của chúng ta không tiến thêm được chút nào, thậm chí, có khi bị lùi lại là khác. Thật vậy, canh tân và đổi mới luôn đặt chúng ta ở ngã ba đường, với hai lối rẽ: (1) rẽ về Thiên Chúa: con đường sự thật và sự sống; (2) rẽ theo Satan: con đường dối trá và chết chóc.

Ngay chính lúc Satan phải làm việc cực lực nhất, quyết liệt nhất, thì lại là lúc, chúng ta bị ru ngủ bởi những thành quả do cuộc canh tân và đổi mới mang lại. Đức Kitô chỉ dâng hiến lễ một lần, mà vĩnh viễn làm cho những kẻ Người đã thánh hoá được nên hoàn hảo (x. Cv 10,14), còn nguyên tắc hoạt động của Chúa Thánh Thần thì không phải thế: Người chỉ tác động khi có tình huống phát sinh, chứ Người không làm: một lần cho tất cả, hoặc một lần cho mãi mãi. Do đó, mỗi cá nhân, cũng như toàn thể Hội Thánh, phải được Chúa Thánh Thần hướng dẫn từng bước một: trong những quyết định quan trọng, cũng như trong những điều bé nhỏ, nhất là, những điều chúng ta nghĩ là tốt. Chẳng hạn, khi thánh Phaolô và thánh Timôthê muốn đi rao giảng Tin Mừng ở Asia, đây là một điều tốt, nhưng, Chúa Thánh Thần đã ngăn cản (x. Cv 16,6). Nếu chúng ta tự thỏa mãn với những gì đã đạt được sau cuộc canh tân và đổi mới, rồi không làm gì nữa, thì chúng ta đã tự mình xây bờ, đắp lũy giam hãm nguồn suối Thánh Thần trong những ao tù nước đọng: gây hôi thối và ô nhiễm.

Ước gì trong Mùa Chay Thánh này, chúng ta biết khoét rỗng chính mình, để ơn Chúa Thánh Thần được tuôn đổ tràn trề, chan chứa trong tâm hồn chúng ta, hầu, chúng ta có thể phân định đâu là điều mà Chúa Thánh Thần muốn chúng ta thực hiện trong Mùa Chay Thánh này. Chúng ta chỉ có thể được đầy tràn Thánh Thần, khi chúng ta thừa nhận quyền tối thượng của Chúa Thánh Thần trên đời sống chúng ta (x. 1Cr 3,16;6,19). Để Mùa Chay Thánh của chúng ta thu lượm được những hoa trái tốt đẹp, như lòng Chúa ước mong, chúng ta phải không ngừng sát tế ý riêng của mình để vâng theo ý Chúa (x. Mt 26,39).

Chúng ta phải đầy tràn Thánh Thần, đây là một mệnh lệnh dành cho tất cả mọi người (x. Ep 5,18). Mệnh lệnh này cho chúng ta thấy rằng: đây là điều kiện tiên quyết cho tiến trình Mùa Chay của chúng ta. Khi Thánh Kinh dùng từ “phải”, từ “hãy”, thì đó là những mệnh lệnh không thể chối bỏ được. Tại sao Chúa lại muốn chúng ta “phải đầy tràn Thánh Thần”? Thưa vì, Chúa muốn chúng ta thuộc về Chúa, để chúng ta có được kinh nghiệm về sức mạnh, quyền năng và tình yêu của Chúa trong đời sống của Hội Thánh, cũng như của mỗi cá nhân.

Chúng ta phải đầy tràn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và được ấn chứng là con cái Thiên Chúa, và điều này sẽ khiến cho căn nhà cuộc đời của chúng ta đã có Chúa làm chủ, Satan không thể xâm chiếm, và bén mảng tới được.

Chúng ta phải đầy tràn Thánh Thần, để chúng ta có năng lực dồi dào, hầu, chiến thắng được mọi cơn cám dỗ, vượt qua mọi thử thách, để phụng sự Thiên Chúa, và phục vụ tha nhân cách tốt đẹp nhất, khi đó, chúng ta sẽ trở thành một bài ca, mà khi, bất kỳ ai gặp gỡ, tiếp xúc với chúng ta, họ cũng đều có thể hát lên, để ngợi ca, chúc tụng Thiên Chúa.

Chúng ta phải đầy tràn Thánh Thần, để tội lỗi không còn có chỗ cư ngụ, và Satan không còn có cớ để cáo buộc chúng ta: khiến chúng ta bất an và đau khổ. Khi chúng ta được đầy tràn Thánh Thần, thì mọi thói hư tật xấu của chúng ta sẽ hoàn toàn bị xóa sổ, nhường chỗ cho: quyền tể trị của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời chúng ta.

 

Chúng ta chỉ có thể được đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần, khi chúng ta biết trao phó trọn vẹn cuộc đời mình cho Chúa Thánh Thần kiểm soát và điều khiển. Nghĩa là, mọi tư tưởng, lời nói, việc làm của chúng ta đều hướng tới: những gì mà Chúa Thánh Thần muốn. Như một chiếc bình rỗng không, đầy tràn không khí, không còn một chỗ trống nào trong bình, mà không có sự hiện diện của không khí. Nếu chiếc bình có chứa một ít cát, hay một chất nào đó, thì dù chỉ một chút xíu đi chăng nữa, nó cũng không thể được gọi là: chiếc bình chứa đầy không khí, hay không khí đầy tràn chiếc bình, bởi vì, một phần của chiếc bình còn dành để chứa cát, hoặc là một thứ gì đó.

Ơn đầy tràn Chúa Thánh Thần cũng tương tự như vậy. Khi Chúa Thánh Thần đã đầy tràn trong chúng ta, thì không có một chỗ trống nào trong cuộc sống của chúng ta lại thiếu sự hiện diện, và kiểm soát của Người. Khi chúng ta đầy tràn Thánh Thần, chúng ta sẽ hát khen, tôn vinh, cảm tạ Chúa: đôi tay, đôi chân, cái nhìn, sự nghe… tất cả đều làm vinh danh Chúa. Khi chúng ta sống theo ý riêng của mình mà không theo ý Chúa, đó là lúc Chúa Thánh Thần không có chỗ trong lòng chúng ta.

Những khi nóng nảy, bực bội, giận hờn, cay đắng, ghen ghét… là những lúc chúng ta tống khứ Chúa Thánh Thần ra khỏi lòng mình. Nếu điều đó lặp đi lặp lại thường xuyên, và trở thành bản chất của chúng ta, chúng ta phải biết chắc rằng: Chúa Thánh Thần chưa có chỗ trong lòng chúng ta, Người chỉ là một khách lạ qua đường, đứng ngoài cuộc đời chúng ta.

Ước gì chúng ta luôn biết mở rộng lòng mình: đón nhận luồng gió mới của Chúa Thánh Thần, để Người đổi mới canh tân: làm cho chúng ta trở nên những con người đầy tràn Thánh Thần, hầu mưu ích cho bản thân chúng ta, cho Hội Thánh và cho thế giới hôm nay. Ước gì được như thế!  Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!