Tâm tình độc giả

Nền tảng mạng xã hội không phải là một giáo xứ điện tử

Nền tảng mạng xã hội không phải là một giáo xứ điện tử

Một tín hữu hỏi tìm gặp cha xứ nọ thì người ấy nhận được câu nói rõ to: “Các anh chị lên mạng mà tìm…”

Ở đây, tác giả không muốn nhắc đến việc chay mạng hay chay internet hoặc chay các loại phương tiện khác như nhiều lời mời gọi đang có trên mạng xã hội được nhiều lượt chia sẻ và tìm đọc.

Mùa Chay là mùa được mời gọi hồi tâm, nhưng cũng cần những “hoạt động” để trở về với nhà thờ, cộng đoàn, giáo họ, giáo xứ và đặc biệt về với chính Đền thờ Chúa Thánh Thần của mỗi Ki-tô hữu để được Chúa biến đổi nên mới thì ít người nhắc tới. Cộng đoàn, nơi có những hoạt động chính thức xảy ra trong con người vừa hữu hình vừa thiêng liêng. Nếu chỉ thay đổi tâm tình, trở về với Chúa bằng con đường nội tâm mà thôi thì chưa đủ, vẫn còn đó những hoạt động xây dựng cho ngôi đền thờ của Chúa cả hữu hình lẫn vô hình mang tính “tương tác” hỗ tương không thể bỏ qua. Hiện nay có nhiều dấu hiệu cho thấy sự biếng nhác và thờ ơ đối với các hoạt động tại nhiều cộng đoàn, thiếu đi tính xây dựng cộng đoàn hữu hình dành cho các đền thờ thiêng liêng.

Ngày nay, người ta nói và nhắc nhiều đến hai chữ: “tương tác”. Nghe có vẻ hấp dẫn và thời thượng. Nhưng cũng có được mấy ai để ý được khí cụ thực sự cần tương tác của Ki-tô hữu là ai, là gì?

Tương tác với dụng cụ và khí cụ thực sự của Chúa mới có ơn ích và ơn cứu độ. Người ta vẫn truyền tai nhau câu tương tự: “Xứ có vàng không bằng làng có Cha”. Giáo xứ có cha xứ hiện diện hữu hình là một khí cụ của Chúa ban, Hội thánh không cần đến một “cha xứ và giáo xứ điện tử” trên mạng, dẫu cho đó là phát minh và sáng kiến của con người có vẻ hợp thời. Vượt thời gian, Internet trổi vượt và cần thiết cho nhiều loại hình sinh hoạt của con người nhưng chỉ là dụng cụ phát minh của con người không nhằm mang lại ơn cứu độ trực tiếp của Chúa, còn linh mục và cộng đoàn giáo xứ Chúa dùng như khí cụ cứu độ trực tiếp, thực thụ và là phát minh của Thiên Chúa thì luôn luôn hợp thời, vẫn luôn quan trọng hơn bao giờ hết, người tín hữu cần phải được “động chạm” cách trực tiếp. Một trong những ví dụ điển hình, như xưa kia người phụ nữ băng huyết cố gắng chạm vào tua áo của Chúa Giê-su và bà được chữa lành, thì ngày nay người ta cần động chạm đến khí cụ và dụng cụ hữu hình của Giáo hội Chúa hơn là động chạm bàn phím và những thứ của internet thời thượng.

Trong khi có mặt thể lý tại một cộng đoàn, thì chỉ có ít người nhận biết mình đang dần xa giáo xứ và cộng đoàn mình khi đang cố gắng tìm, chia sẻ mọi thứ trên mạng để thoả mãn sự tò mò và chính kiến cá nhân, và trong đó, có khi có cả những thứ chính đáng lẫn không chính đáng. Tinh thần của một Giáo hội hiệp hành đôi khi trở nên khẩu hiệu qua nhiều các bài viết, hình ảnh đẹp đẽ, nhưng xem ra phần thực hành thì lại chỉ dừng lại ở mạng và các phương tiện internet.

Mạng xã hội là dụng cụ, nhưng linh mục và giáo xứ là khí cụ nơi đó Chúa dùng để chứa đựng và ban phát ơn cứu độ qua hoạt động cầu nguyện, sinh hoạt phụng vụ và nhận lãnh các Bí tích. Do vậy, người tín hữu nào xa lìa hoạt động của giáo họ, giáo xứ mà chỉ thích gần gũi với các hoạt động mạng xã hội đơn thuần kia thì người ấy đang lìa xa với ơn Chúa. Có thể suy nghĩ đơn giản là, thời nay, Giáo hội dùng mạng xã hội để phục vụ hai điều chính: Một là: các phương tiện truyền thông dành cho những người không có khả năng thể lý để họ có thể tiếp cận cách không trực tiếp với các hoạt động của Hội Thánh. Hai là: đó là dụng cụ thêm vào cho hoạt động tìm hiểu kiến thức và hiệp thông với Giáo hội từ xa. Mỗi người tín hữu cũng cần hiểu rõ rằng mạng xã hội không phải là dụng cụ thực sự để truyền tải ơn cứu độ từ xa. Mạng xã hội và các phương tiện mạng xã hội chỉ dừng lại ở mức dụng cụ cần thiết cho một số hoạt động mục vụ mang tính “có thể được” nhưng không phải là phương tiện ơn cứu độ. Trải dài dòng lịch sử cứu độ, Chúa luôn dùng khí cụ hữu hình trực tiếp của Người để có thể tiếp xúc, để đụng chạm trực tiếp đến ơn cứu độ rất chắc chắn, chứ không phải như những thứ “có thể được”. Một người được đào tạo nhiều năm để dành cho việc mục vụ khác với một thứ vật chất chỉ được tạo ra trong vòng vài giây phút, hay còn gọi là trong vòng “một nốt nhạc”.

Mùa chay hướng chúng ta tới Mùa Phục Sinh. Tương tác giữa Mùa Chay để có được ơn lành của Chúa Giêsu Ki-tô Phục sinh, chúng ta cần đến nhà thờ, cần đến linh mục, cần đến cộng đoàn. Một Hội Thánh hiệp hành không chỉ dừng lại ở nơi “điện tử”, nhưng cần đến nơi thực sự đem lại ơn cứu độ cho mỗi người qua các hoạt động mục vụ, các việc đạo đức, cầu nguyện và lãnh nhận các Bí tích nơi các giáo họ, giáo xứ. Một cộng đoàn, một giáo họ, một giáo xứ phục sinh và sống động thực sự chứ không ảo.

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Cao

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!