Góc tư vấn

Nghệ thuật Phục sinh: Ba phụ nữ nơi mộ Chúa Kitô

Derek Rotty
Ngắm xem và suy ngẫm nghệ thuật thánh, tham dự vào vizio divina, đem đến cho các tín hữu một cách suy niệm tuyệt vời về cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô và mầu nhiệm cứu độ.
Chúng ta đã đi qua Mùa Chay và Tam Nhật Thánh để bước vào mùa Phục Sinh. Chúng ta mừng chiến thắng của Chúa chúng ta trên cái chết, trước là Tuần Bát Nhật và sau là sáu Tuần tiếp theo. Đây là mùa dài nhất trong năm phụng vụ của Giáo hội, và đúng như vậy, bởi vì các tín hữu cần nhiều hơn một ngày, hơn một tuần, để khai mở mầu nhiệm sâu xa vốn phá vỡ quan niệm sống của chúng ta.
Lịch sử về nghệ thuật thánh, đặc biệt suốt năm thế kỷ qua, có rất nhiều hình ảnh về Chúa Giêsu sống lại từ ngôi mộ vào buổi sáng Phục sinh. Những người biết về nghệ thuật có thể nhanh chóng nghĩ đến những bức tranh của Francesca, Titian, Tintoretto, El Greco, Carl Bloch hoặc Peter Paul Rubens. Mặc dù những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời đó mang lại cơ hội thường xuyên để suy niệm sâu hơn, nhưng cũng không tồi khi nghiên cứu nghệ thuật bên ngoài một tí. Năm 1843, một nữ nghệ sĩ người Pháp tên là Irma Martin đã đưa ra cách chú giải trực quan của riêng mình về các tường thuật của các tác giả Tin mừng vào buổi sáng Phục sinh. Tác phẩm của Martin mang đến cho người xem cơ hội suy ngẫm về tình tiết này từ góc nhìn về ba người phụ nữ đến ngôi mộ để xức dầu cho thi hài Chúa Giêsu sau kỳ nghỉ của ngày Sabát theo luật (xem Lc 24, 9-10 ESV).
Khán giả nhanh chóng nhận thấy phối cảnh này. Ngôi mộ này có một lỗ hổng lớn mà lẽ ra phải cần đến “một tảng đá lớn” để lấp nó lại (Mt 27,60). Từ từ góc nhìn của khán giả, nghệ nhân đã kết nối các chuyển động của Tuần Thánh và Tam Nhật Vượt Qua. Ở mép bên trái, họa sĩ vẽ thành thánh Giêrusalem, địa điểm diễn ra tuần giảng dạy cuối cùng của Chúa Giêsu và nơi tổ chức bữa ăn Lễ Vượt Qua Mới mà Người vừa cử hành cùng các môn đồ của mình. Giữa thành phố và ngôi mộ, có ba cây thánh giá trống trơn trên ngọn đồi cao. Ngọn đồi này là Golgotha, cách ngôi mộ đá chỉ chừng hai trăm thước.
– Tôi có đánh giá cao các hoạt động của Tuần Thánh và Tam Nhật Vượt Qua không? Tôi có tham dự những cuộc cử hành đó để chờ đợi vinh quang của Chúa Phục Sinh không?
Bên trong ngôi mộ, khán giả được thiên thần chào đón, “diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết” (Mt 28,3). Thiên thần đưa tay về phía những người phụ nữ, dường như trong tư thế sẵn sàng để chỉ về phía ngôi mộ. Khi làm điều này, thiên thần nói thông điệp mà ngài được Chúa sai đến để truyền đạt: “Này các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giêsu, Đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm” (Mt 28,5-6).
– Có thông điệp nào của sự thật, ngay cả những điều có thể tôi không mong đợi, đến với tôi từ Thiên Chúa hay bất kỳ sứ giả nào của Ngài không? Có khi nào một thông điệp như vậy đồng thời vừa gây sốc vừa thú vị không?
Thiên thần chỉ tay về phía mồ đá trống rỗng ở trung tâm của cảnh vật. Nắp mồ đá bị đẩy sang một góc, cho thấy nó nhanh chóng bị bật ra. Một tấm vải liệm trống rỗng bị kéo rê một bên mồ đá, rơi xuống sàn.
– Tôi có nhận ra thực tại nhiệm mầu là sự Phục sinh không? Tôi có dành thời gian để sự thật về ngôi mộ trống in sâu vào tâm trí mình không? Tôi có cố gắng nhìn tất cả những mầu nhiệm của cuộc đời tôi dưới ánh sáng của cuộc khổ nạn đóng đinh và sự Phục sinh của Chúa Giêsu, điều vừa gây sửng sốt vừa thú vị cho tôi?
Ngay giữa mồ đá và lỗ hổng của ngôi mộ là ba người phụ nữ, chủ thể của bức tranh. Thánh Marcô cho chúng ta biết ba người phụ nữ này là “Maria Mađalêna, Maria mẹ của Giacôbê, và Salome”. Mặc dù chúng ta không biết chính xác từng người phụ nữ trong hình là ai, nhưng mỗi người trong số những người phụ nữ này đều ở trong một tư thế rất có ích cho việc suy niệm.
Người phụ nữ ở bên trái trong tranh cầm một cái bình. Điều này chắc chắn nhằm mô tả “hương liệu mà họ dùng để đi ướp xác Người” (Mc 16,1). Có lẽ bình hương liệu mà bà cầm là dầu thơm, thường được dùng trong thế giới cổ đại để ướp xác khi chôn cất. Mặc dù không được nêu rõ trong các văn bản kinh thánh cách chính xác, nhưng nó sẽ mang lại ý nghĩa phong phú nếu đây là bình mộc dược được các nhà chiêm tinh dâng kính ngày Chúa Giêsu Giáng sinh, khoảng ba thập kỷ trước đó.
 
– Tôi mang gì đến xức cho Chúa Giêsu là Đấng Cứu độ và là Chúa của tôi?
Một người phụ nữ khác mặt hướng về khán giả. Ánh mắt của bà dán chặt vào ngôi mộ trống, tay phải của bà giơ lên, giống như một học sinh chuẩn bị đặt câu hỏi. Nhìn nét mặt của bà như muốn biểu lộ mạnh mẽ nhận định của Thánh Luca về suy nghĩ của những người phụ nữ : “Bấy giờ các bà nhớ lại những điều Đức Giêsu đã nói …” (Lc 24,8).
– Tôi có dành thời gian để đọc và suy ngẫm về những lời trong Kinh thánh, đặc biệt là các sách Phúc âm, và nhận ra những điều này được ứng nghiệm trong sự Phục sinh như thế nào không? Tôi có muốn dành thời gian để thực hiện điều này trong Mùa Phục Sinh, đọc mọi sự dưới ánh sáng của Chúa Phục Sinh không?
Người phụ nữ thứ ba quay lưng về phía khán giả, và làm hiện ra phản ứng của nhóm đối với chỉ thị của thiên thần (xem Mt 28,7 và Mc 16,7[1]). Người phụ nữ này dường như đang rời khỏi mộ và quay trở lại Giêrusalem. Bà dang rộng hai tay, như muốn nói “Đủ rồi! Tôi không thể nghĩ ra được điều này, nhưng tôi biết những gì tôi được yêu cầu phải làm”. Vị trí của bà cho phép khán giả suy ngẫm về phản ứng của cả nhóm như được ghi lại trong Phúc âm: sợ hãi, run rẩy, kinh ngạc và vô cùng vui mừng (xem Mt 28,8 và Mc 16,8). Những chi tiết này có thể khiến bất kỳ ai trong chúng ta đặt câu hỏi:
– Tôi có muốn nhanh chóng nói cho người khác biết về những thực tại nhiệm mầu và kỳ diệu không? Tôi có đáp lại những chỉ dẫn của Chúa trong đức tin, ngay cả khi tôi không hiểu hết không?
Cuối cùng, ở góc dưới cùng bên phải, trên sàn, là một mảnh vải màu đỏ với một chiếc đèn lồng nằm ở trên. Đây có thể là cách tác giả muốn trình bày chi tiết được Thánh Mátthêu nêu ra: “Thình lình, đất rung chuyển dữ dội […] Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy chết ngất đi” (Mt. 28:2-4). Những người lính Rôma đang canh giữ ngôi mộ (xem Mt. 27,62-66) đã bị đánh bại bởi quyền năng tuyệt đối của Sự Phục Sinh.
– Giống như những người lính này, tôi có bị choáng ngợp, thậm chí bị sốc trước thực tại và quyền năng của Thiên Chúa không? Tôi có sẵn sàng thay đổi quan điểm của mình không, giống như viên đại đội trưởng đã chứng kiến ​​cảnh đóng đinh và rồi đã thốt lên: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa!” (Mt 27:54)?
Bức tranh của Martin nắm bắt một cách trung thực và khéo léo những chi tiết mà chúng ta đọc được trong các trình thuật Phúc âm. Nó cho phép chúng ta nhận ra biến cố của buổi sáng Phục sinh từ một góc nhìn khác với cách nhìn thường được trình bày. Khi ngắm nhìn tác phẩm nghệ thuật này, chúng ta có cơ hội suy niệm về mầu nhiệm và quyền năng của Sự Phục Sinh. Hy vọng rằng với sự suy niệm và thinh lặng giúp chúng ta lắng nghe sự thật của Chúa, thúc đẩy chúng ta nhanh chóng thực hiện sứ mạng nói về vinh quang của Chúa, giống như những người phụ nữ này vào buổi sáng Phục sinh.
G. Võ Tá Hoàng
———–
[1] “Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phêrô rằng Người sẽ đến Galilê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông”.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!