Góc tư vấn

Nguồn Gốc và Ý Nghĩa Phẩm Phục của Các Linh Mục Mặc Trong Thánh Lễ

Nguồn Gốc và Ý Nghĩa Phẩm Phục của Linh Mục trong Thánh Lễ

Trong những ngày vừa qua nhiều anh chị em xôn xao về việc một số vị linh mục mặc áo dài khăn đống để cử hành Thánh Lễ. Để giúp quý anh chị em hiểu thêm về tầm quan trong của phẩm phục các linh mục mặc trong Thánh Lễ, tôi xin đăng lại bài viết này tôi đã cho đăng trên bản tin Hiệp Thông của Cộng Đồng Giáo Việt Nam, Giáo Phận Orange, ngày 12 tháng 7 năm 2000.​
phailamgi_linh mục dâng lễ.jpg

Ảnh minh họa: Nguyen Martino (hình cha xứ ở giáo xứ St. Peter Vietnamese, Dallas mặc áo dài dâng lễ)

Nguồn Gốc và Ý Nghĩa Phẩm Phục của Các Linh Mục Mặc Trong Thánh Lễ

Tình cờ đọc được bài viết của Cha William P. Saunders, mang tựa đề, “What Are the Origin and meaning of the Vestments the Priest Wears at Mass?” đăng trên trang mạng của ngài, Catholic Straight Answers, thấy hay và thú vị, nên trình bày lại bằng tiếng Việt trong Góc Phụng Vụ tuần này để chúng ta cùng học hỏi thêm.

Theo Cha Saunders, ngay từ thời Giáo Hội sơ khai các linh mục đã mặc phẩm phục khi cử hành Thánh Lễ. Nhiều người lầm tưởng phẩm phục của các tư tế thời Cựu Ước đã ảnh hưởng đến những phẩm phục của những linh mục Kitô giáo sau này, nhưng thực ra chỉ là một phần nhỏ; nguồn gốc chính vẫn là từ văn hóa của người La Mã gốc Hy Lạp (Graeco-Roman). Tuy nhiên ý tưởng cần phải có một lễ phục riêng biệt để cử hành nghi thức phụng vụ thì Giáo Hội đã học được từ những tư tế thời Cựu Ước. Thánh Giêrônimô nói, “Tôn giáo của Thiên Chúa cần phải có phẩm phục riêng cho nghi thức thánh, phải khác hơn những trang phục trong việc giao tế xã hội và sinh hoạt hàng ngày.”

Sau khi Thiên Chúa Giáo được hoàng đế La Mã chính thức công nhận vào năm 313, Giáo Hội xác định lại những quy định về phẩm phục và cho áp dụng trên 500 năm. Nhiều những quy định này tồn tại cho đến Công Đồng Vaticanô II.

Hiện nay mỗi khi cử hành Thánh Lễ, linh mục chủ tế thường mặc phẩm phục như sau: Trước hết là khăn choàng vai amice; áo alba; dây thắt lưng cintura, dây stola, và áo lễ casula.

Khăn choàng vai amice là khăn màu trắng, hình chữ nhật, và có hai sợ dây dài. Khăn này dùng để quấn vào cổ và phủ lên hai vai, để che đi cổ áo ở bên trong. Sau đó thắt hai sợi dây ở trước ngực theo hình thánh giá của Thánh Anrê. Mục đính chính của khăn choàng amice là để che đi những lớp áo ở bên trong và thấm mồ hôi chảy xuống từ đầu hoặc cổ. Thời xưa, những người lính La Mã thường dùng làm khăn trùm đầu để thấm mồ hôi, không cho chảy xuống mắt. Khi khăn choàng amice được sử dụng làm phẩm phục, ý nghĩa của nó nhắc nhở các linh mục về lời răn dạy của Thánh Phaolô: “Hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa” (Ep 6:17). Theo truyền thống, mỗi khi quấn khăn này lên cổ, linh mục đọc lời nguyện sau đây: “Lạy Chúa, xin đội lên đầu con mũ chiến cứu độ để con có thể vượt thắng những cuộc tấn công vũ bão của ma quỷ.”​

khăn amice.jpg
Khăn choàng vai amice
Sau khi quấn khăn amice xong, linh mục mặc áo alba.
Áo alba là áo chùng trắng, phủ kín toàn thân vị linh mục, từ cổ xuống tới mắt cá chân. Chữ alba có gốc từ chữ Latin là albus, có nghĩa là trắng. Áo này được người La Mã ngày xưa mặc hàng ngày như áo soutane của người Trung Đông. Nếu là mầu đen, áo này được gọi là áo chùng thâm các linh mục thường mặc khi làm việc. Khi áo alba trắng được mặc trong phụng vụ, ý nghĩa của nó là nhắc nhở các linh mục về ân sủng của Bí Tích Rửa Tội, đã tẩy xóa con người linh mục khỏi mọi tội lỗi. Nó là biểu tượng của sự thanh sạch trong sáng cũng như phẩm giá cao quý của người Kitô hữu. Hơn nữa, khi sách Khải Huyền muốn nói đến hình ảnh các thánh đang đứng xung quanh bàn thờ Chiên Thiên Chúa, đã mô tả, “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7:17). Vì được mang ý nghĩa cao cả này, các linh mục khi dâng Lễ phải có được tâm hồn và thân xác thanh sạch, cùng với phẩm giá tốt sao cho xứng đáng với thiên chức linh mục. Lời nguyện cho các linh mục khi mặc áo alba là, “Lạy Chúa, xin thanh tẩy con khỏi mọi vết nhơ và rửa sạch tâm hồn con, để nhờ máu thánh Con Chiên gột rửa, con được hưởng niềm vui đời đời.”​
áo alba.jpg
áo alba
Sau khi mặc áo alba, các linh mục thắt sợi dây cintura ngang thắt lưng. Sợi dây này được làm như sợi dây thừng có tua, và có thể cùng màu với áo casula là áo lễ mặc ở bên ngoài. Người lính La Mã ngày xưa thắt sợi dây này như chúng ta thắt dây da quần ngày nay. Ý nghĩa thiêng liêng của sợi dây này là nhắc nhở lời răn dạy của Thánh Phêrô, “Vì thế, áo xắn đai lưng lòng trí, và ở tiết độ, anh em đã đặt tất cả cậy trông vào ân sủng sẽ được đem đến cho anh em trong cuộc mạc khải của Ðức Giêsu Kitô.” (1 Pr 1:13). Lời nguyện khi thắt dây cintura là, “Lạy Chúa, xin bảo vệ con bằng đai lưng khiết tịnh và xin dập tắt ngọn lửa dục vọng trong tâm hồn con, để con giữ vững nhân đức tiết độ và thanh sạch.”​
dây cintura.jpg
sợi dây cintura
Mặc bên ngoài áo alba là dây stola. Người Việt Nam chúng ta quen gọi là dây các phép vì các linh mục thường phải đeo dây này để cử hành bí tích hay á bí tích. Khi đeo dây stola để cử hành Thánh Lễ thường thì phải đeo cùng mầu với áo lễ ở bên ngoài. Dây được đeo ở trên cổ xuống tới quá đầu gối, và được thắt lại ở khoảng thắt lưng bằng sợi dây cintura. Trước đây sợi dây stola được bắt chéo trước ngực như một biểu tượng của Thánh Giá. Những thầy rabbis ngày xưa cũng đeo sợi dây này để nói lên quyền hành của họ trong cộng động. Những người lính La Mã ngày xưa đeo chéo sợi dây này trước ngực mỗi khi ra trận. Một vạt của sợi dây dùng để dắt gươm; còn vạt bên kia dùng để lưu giữ đồ ăn, thức uống, cùng một số đồ dùng cá nhân. Tương tự với ý nghĩa này, khi linh mục chủ tế đeo dây stola để cử hành Thánh Lễ, dây stola nói lên đặc quyền và phẩm giá của vị linh mục, nhưng đồng thời cũng nhắc nhở đến trách nhiệm rao giảng Lời Chúa. Lời Chúa được Thư Gửi cho Tính Hữu Do Thái mô tả là “lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi” (4:12). Lời nguyện khi đeo dây stola là: “Lạy Chúa, xin phục hồi nơi con sự trường sinh bất tử đã mất do nguyên tổ, và cho dầu con bất xứng để đến gần các mầu nhiệm thánh của Chúa, xin cũng ban cho con được hưởng niềm vui đời đời.”​
dây stola.jpg
dây stola (dây các phép)
Sau cùng là áo lễ casula, mặc ở bên ngoài áo alba và dây stola. Theo tiếng La Tinh, casula có nghĩa là “nhà.” Áo casula là áo choàng của người La Mã ngày xưa, mặc trong những lúc thời tiết khắc nghiệt. Trong phụng vụ, áo casula nhắc nhở đến đức mến của Chúa Giêsu như Thánh Phaolô viết: “Trên hết mọi sự, anh em hãy mặc lấy đức mến, tức là giềng mối của sự trọn lành” (Cl 3:14). Lời nguyện kèm theo khi mặc áo lễ casula: “Lạy Chúa, Chúa đã phán dạy rằng: ‘Ách ta êm ái, gánh ta nhẹ nhàng,’ xin ban ơn giúp con mang lấy ách và gánh của Chúa, để được lãnh nhận ân sủng Chúa ban.”​
áo lễ.jpg
áo lễ casula
Vào thời Trung Cổ, một số học giả đưa ra hai cách diễn giải phẩm phục các linh mục. Cách thứ nhất được nhiều sách vở ghi nhận hơn, đó là dựa trên cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Khăn choàng amice được ví như khăn bịt mắt Chúa; áo alba là áo Chúa mặc khi bị quân lính chế diễu và đánh đòn Người; dây thắt lưng cintura là xiềng xích trói buộc Chúa khi Ngài bị đội mão gai; dây stola là thập giá Chúa vác; áo lễ casula là áo không có đường may quân dữ rút thăm ai được thì lấy cả. Cách diễn giải thứ hai được ít người biết đến, nhưng cũng mang ý nghĩa thích hợp. Cách này cho rằng khi linh mục mặc phẩm phục, linh mục giống như những người lính La Mã ngày xưa. Linh mục cũng là những người lính của Chúa Kitô chiến đấu với Satan và tội lỗi.

Theo Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, phẩm phục mang hai mục đích như sau: “dấu chỉ chức vụ của mọi thừa tác viên… và làm tăng vẻ trang trọng của chính nghi lễ phụng vụ” (335). Trong tinh thần đó, phẩm phục giúp cho linh mục và tín hữu cử hành Thánh Lễ sốt sắng khi hiểu được nguồn gốc và ý nghĩa của nó.​

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!