Giáo Hội Hoàn VũTin Giáo Hội

Nhà phát minh phiên bản máy fax đầu tiên

Nhà phát minh phiên bản máy fax đầu tiên

 

Linh mục người Ý Giovanni Caselli (8.6.1815 – 25.4.1891) là nhà phát minh chiếc máy điện báo toàn năng, tiền thân của dòng máy fax ngày nay.

 

Đam mê môn điện tử và từ trường từ thuở nhỏ, cha Caselli không những tạo ra máy điện báo toàn năng mà còn giới thiệu với thế giới hệ thống máy fax thực tiễn đầu tiên. Ngài nắm giữ nhiều bằng sáng chế và ý tưởng công nghệ của ngài đã được người đời sau phát triển thành truyền hình sử dụng tín hiệu tương tự để truyền tải hình ảnh và âm thanh (TV analog) cũng như máy quay cầm tay.

Yêu thích khoa học từ bé

Cha Caselli chào đời ở thị trấn Siena (Ý) ngày 25.4.1815. Khi còn nhỏ, cậu bé Caselli đã được nhà vật lý Leopoldo Nobili dạy phụ đạo những môn như điện hóa, điện từ và từ trường. Quyết định theo ơn gọi, thầy Caselli được truyền chức linh mục năm 1836 trước khi trở thành sinh viên của Đại học Florence ở các ngành văn chương, lịch sử, khoa học và tôn giáo. Từ năm 1841-1848, vị linh mục chuyển đến sống ở Parma và làm gia sư cho các con trai của Bá tước Sanvitale ở đây.

Năm 1849, sau cuộc binh biến ở Parma, cha quay lại Florence và trở thành giáo sư vật lý tại đại học. Năm 1851, ngài sáng lập chuyên san kỹ thuật La Ricreazione với những bài viết giải thích về các vấn đề vật lý theo ngôn ngữ đời thường. Cha tiếp tục học về điện tử và từ trường. Từ năm 1855 đến 1861, vị linh mục phát minh chiếc máy điện báo toàn năng, tiền thân của máy fax.

Nhờ vào phát minh trên, cha được hoàng đế Napoleon III của Pháp trao Bắc đẩu Bội tinh. Các nhà khoa học và kỹ sư ở Paris bắt đầu thành lập Hiệp hội Điện báo toàn năng nhằm trao đổi ý tưởng về chiếc máy này và lắp đặt hệ thống thiết bị đồng bộ để gởi và nhận thông tin hiệu quả.

Máy điện báo toàn năng

Pantèlègraph là từ ghép của pantograph, thiết bị sao chép những chữ tượng hình và các phác thảo, với telegraph, hệ thống điện tử gởi thông điệp từ nơi này đến nơi khác. Trong thời gian làm giáo sư của Đại học Florence, cha Caselli dành hầu hết thời gian nghiên cứu công nghệ truyền điện báo những nét phác thảo và chữ viết tay. Nhà phát minh Alexander Bain (Scotland) và nhà vật lý học Frederick Bakewell (Anh) cũng đồng thời nghiên cứu kỹ thuật này.

Trở ngại lớn vào thời đó chính là phải đạt được sự đồng bộ hoàn hảo giữa giai đoạn truyền và tiếp nhận. Cha Caselli đã phát triển dạng công nghệ điện hóa với cơ chế đồng bộ dựa trên đồng hồ, cho phép việc truyền và nhận dữ liệu hơn hẳn bất kỳ công nghệ nào mà hai chuyên gia Bain lẫn Bakewell từng thực hiện được.

Linh mục Caselli đã chế tạo nguyên mẫu đầu tiên của hệ thống vào năm 1856 và biểu diễn phát minh đột phá cho Leopold II, Đại Công tước xứ Tuscany. Vị công tước vô cùng ấn tượng với thiết bị của cha và quyết định tài trợ cho các cuộc thử nghiệm của ngài. Khi Leopold II không còn hào hứng tài trợ cho nỗ lực nghiên cứu, vị linh mục chuyển đến Paris để giới thiệu phát minh cho Hoàng đế Napoleon III. Vị hoàng đế lập tức trở thành người ủng hộ nhiệt thành cho dự án của cha Caselli. Từ năm 1857 đến năm 1861, nhờ vào sự dẫn dắt của nhà phát minh kiêm kỹ sư người Pháp Paul-Gustave Froment, cha Caselli hoàn thiện cỗ máy điện báo toàn năng và thiết bị đã có thể hoạt động được.

Năm 1860, hoàng đế Napoleon quyết định đưa thiết bị điện báo toàn năng của cha Caselli vào sử dụng trên thực tế. Cha không những tiếp cận được hệ thống điện báo của nước Pháp mà còn nhận được sự tài trợ từ hoàng đế nước này. Khi chạy thử, máy đã truyền tải thành công hình ảnh chữ ký của nhà soạn nhạc Gioacchino Rossini từ Paris đến Amiens ở cách đó 140km. Năm 1863, cha Caselli tiếp tục thử nghiệm công nghệ mới, lần này thông qua khoảng cách 800km từ Paris đến Marseille, và cũng thành công.

Năm 1864, Pháp ban hành luật cho phép sử dụng máy điện báo toàn năng trong hệ thống điện báo của nước này. Một năm sau, tuyến Paris-Lyon được khai trương, trước khi mở rộng đến Marseille năm 1867. Cha Caselli đã phát minh hệ thống fax thương mại đầu tiên và khai sinh cái gọi là “tờ bìa fax”. Vị linh mục người Ý đã được cấp bằng sáng chế của châu Âu nhờ vào thiết bị này.

 

Anh quốc cũng mở tuyến thử nghiệm giữa London và Liverpool trong 4 tháng của năm 1863. Năm 1867, Hoàng đế Napoleon chỉ đạo mua thiết bị của cha Caselli để sử dụng truyền thông tin từ Paris đến Marseille. Sa hoàng Nga Alexander II cũng cho chạy thử dịch vụ này từ cung điện ở Saint Petersburg đến Moscow từ năm 1861-1865.

Tuy nhiên, bất chấp những thành công, thiết bị không được kịp thời cải tiến nên hoạt động chậm chạp, dẫn đến không hiệu quả theo thời gian. Cuối cùng, vị linh mục từ bỏ phát minh của mình và quay về Florence, nơi ngài qua đời năm 1891. Phải nhiều thập niên sau, ý tưởng của cha Caselli một lần nữa được phổ biến và tạo tiền đề cho chiếc máy fax thời hiện đại. Cũng xuất phát từ công nghệ trên, máy quay dùng trong phòng quay ra đời và kế đến là máy quay cầm tay.

 

BẠCH LINH

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!