Góc tư vấn

Những tật xấu và các nhân đức.  Buồn phiền

Những tật xấu và các nhân đức.  Buồn phiền


Bài giáo lý của Đức Thánh cha về những tật xấu và các nhân đức
Bài 7: Buồn phiền
Anh chị em thân mến
Chúng ta đang ở trong những bài giáo lý về những tật xấu và các nhân đức, hôm nay chúng ta tập trung vào một tật khá xấu xí, đó là buồn phiền, được xem như sự chán nản của tâm hồn, một mối sầu não thường xuyên ngăn cản con người cảm nhận niềm vui trong cuộc sống của mình.
Liên quan đến buồn phiền, trước hết, cần lưu ý rằng, các Giáo phụ đã đưa ra một sự phân biệt quan trọng. Thực thế, có thứ buồn sầu thích hợp với đời sống kitô hữu và với ân sủng của Thiên Chúa nó sẽ được biến đổi thành niềm vui: tất nhiên điều này không bị bác bỏ và nó là một phần của hành trình hoán cải. Nhưng cũng có một loại buồn phiền len lỏi vào trong tâm hồn và hạ gục nó trong tình trạng chán nản: đây là loại buồn phiền thứ hai, cần phải chiến đấu cách liên lỉ và với toàn bộ sức mạnh, vì nó đến từ tên ác quỷ. Chúng ta cũng tìm thấy sự phân biệt này trong thư của thánh Phaolô khi ngài viết cho cộng đoàn Côrintô như sau: “Quả vậy, nỗi ưu phiền theo ý Thiên Chúa làm cho chúng ta hối cải để được cứu độ: đó là điều không bao giờ phải hối tiếc; còn nỗi ưu phiền theo kiểu thế gian thì gây ra sự chết” (2Cor 7,10).
Do đó, có nỗi buồn thân tình dẫn chúng ta đến ơn cứu rỗi. Hãy nghĩ đến dụ ngôn người con hoang đàng: người con ấy chạm đến vực sâu của sự suy đồi, anh cảm thấy cay đắng tột cùng, và điều này thúc đẩy anh trở về với chính mình rồi quyết định trở về nhà cha mình (xem Lc 15, 11-20) . Đó là ơn khóc than cho tội lỗi của mình, nhớ lại tình trạng ân sủng mà từ đó chúng ta đã sa ngã, khóc lóc vì chúng ta đã đánh mất sự tinh tuyền mà Thiên Chúa luôn mơ ước về chúng ta.
Nhưng có nỗi ưu phiền thứ hai, đó là căn bệnh của tâm hồn. Nó phát sinh ngay ở con tim của con người một khi niềm khát khao hoặc hy vọng biến mất. Ở đây chúng ta có thể đề cập đến câu chuyện về các môn đệ trên đường Emmau. Hai môn đệ đó rời Giêrusalem với một tâm hồn thất vọng, có thời điểm cùng với người xa lạ trên đường, họ thổ lộ: “Trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi (Lc 24,21). Động thái của nỗi buồn gắn liền với trải nghiệm mất mát. Hy vọng nảy sinh từ con tim đôi lần bị thất vọng. Có thể là mong muốn sở hữu cái gì đó nhưng không thể đạt được; Nhưng nó cũng có thể là điều gì đó quan trọng, chẳng hạn như mất mát về mặt cảm xúc. Khi điều này xảy ra, trái tim con người như thể rơi xuống vực thẳm, và những cảm xúc mà anh ta trải qua là sự chán nản, yếu đuối về tinh thần, trầm cảm, thống khổ. Tất cả chúng ta đều trải qua những thử thách tạo ra nỗi buồn trong lòng, bởi cuộc sống khiến chúng ta ấp ủ những giấc mơ nhưng sau đó bị tan vỡ. Trong tình huống này, có người sau một thời gian rối loạn, họ phó thác vào hy vọng; nhưng có người lại chìm sâu trong sầu muộn, cho phép nó mưng mủ trong lòng. Bạn có cảm thấy vui trong việc này không? Mọi người thấy đó: nỗi buồn giống như vui thích điều không ưa; như kiểu cầm viên kẹo đắng, không đường, dở tệ, rồi mút nó. Nỗi buồn là vui thích điều mình không ưa.
Tu sĩ Evagrio nói rằng tất cả các tật xấu đều nhằm đến niềm vui, dù nó có thể là phù du, trong khi nỗi buồn thì thích ngược lại: giữ trong lòng một nỗi đau vô tận. Một vài nỗi đau kéo dài, khi một người tiếp tục mở rộng khoảng trống cho người không còn ở đó nữa, nó không đúng với cuộc sống trong Thánh Thần. Những cay đắng thù hận nơi một người trong đầu luôn có yêu sách khiến họ đội lốt nạn nhân, không tạo ra một cuộc sống lành mạnh nơi con người, chứ đừng nói đến cuộc sống kitô hữu. Có cái gì đó trong quá khứ của mọi người cần được chữa lành. Nỗi buồn, từ một cảm xúc tự nhiên có thể biến thành một tâm trạng tồi tệ.
Đó là một con quỷ nham hiểm, đó là nỗi buồn. Các giáo phụ sa mạc mô tả nó như một con sâu trong tâm hồn, ăn mòn và làm rỗng những ai tiếp nhận nó. Hình ảnh này rất hay, nó giúp chúng ta hiểu được. Vậy tôi nên làm gì khi tôi buồn? Anh chị em hãy dừng lại và nhìn xem: Nỗi buồn này có tốt hay không tốt? Và phản ứng theo bản chất của nỗi buồn. Đừng quên rằng nỗi buồn có thể là một điều rất tồi tệ dẫn đến bi quan, dẫn chúng ta đến một sự ích kỷ hầu như không thể chữa lành.
Anh chị em chúng ta phải cẩn thận với nỗi buồn này và hãy nhớ rằng Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta niềm vui của sự phục sinh. Mặc dù cuộc sống có thể đầy những mâu thuẫn, những ước muốn bị đánh bại, những giấc mơ chưa trọn, mất tình bạn, nhưng nhờ sự phục sinh của Chúa Giêsu, chúng ta có thể tin rằng mọi thứ sẽ được cứu chữa. Chúa Giêsu sống lại không chỉ cho chính Ngài, mà còn cho chúng ta, để chuộc lại mọi hạnh phúc còn dang dỡ trong cuộc sống của chúng ta. Đức tin xua tan nỗi sợ, và sự phục sinh của Chúa Kitô cất đi nỗi buồn giống như phiến đá được lăn ra khỏi mộ. Mỗi một ngày của kitô giáo là một bài tập về sự phục sinh. Georges Bernanos, trong cuốn tiểu thuyết Nhật ký về một linh mục nhà quê, cha xứ Torcy đã nói: “Giáo hội có niềm vui, mọi niềm vui dành cho thế giới u buồn này. Những gì bạn đã làm chống lại Giáo hội là bạn đã làm trái với niềm vui”. Và một nhà văn người Pháp khác, León Bloy, đã để lại cho chúng ta một câu nói tuyệt vời: “Chỉ có nỗi buồn, […] đó không phải là thánh thiện”. Xin Thánh Thần của Chúa Giêsu phục sinh giúp chúng ta vượt qua được nỗi buồn bằng sự thánh thiện.
G. Võ Tá Hoàng

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!