Những “viên đạn vô hình” bắn vào tương lai con trẻ!
“Thằng đầu đất!”
“Mày ăn gì mà ngu thế!”
“Có thế cũng không làm nên hồn!”
“Biết vậy, lúc đẻ mày ra tao bóp mũi cho mày chết rồi!”
“Tao ước giá như mày không phải là con tao!”
“Nhìn con người ta kìa, đẻ con như thế cũng mát lòng, mát dạ!”
Đó là những câu cửa miệng của nhiều bậc cha mẹ, đôi khi cũng chỉ là vô tình, thốt ra trong lúc bực tức vì con cái không nghe lời hoặc không làm được những công việc do cha mẹ mong. Họ nghĩ rằng, những câu nói ấy sẽ không ảnh hưởng gì tới những đứa trẻ là con cái họ.
Trong thực tế
Theo các chuyên gia tâm lý, những lời mắng mỏ, chỉ trích, đay nghiến của các bậc cha mẹ, dù không để lại những thương tích trên thân thể các con, nhưng để lại những vết sẹo trong tâm hồn con trẻ, và thường xuyên sẽ trở thành nỗi ám ảnh.
Những đứa trẻ thường xuyên bị cha mẹ la mắng bằng những lời tiêu cực sẽ cảm thấy chúng không có giá trị gì trước mặt cha mẹ và gia đình, nhẹ sẽ từng bước giết chết sự tự tin của các con, nặng dẫn tới trầm cảm và nhiều trường hợp rơi vào quẫn bách, dẫn tới bỏ nhà ra đi hoặc tự tử.
Một nghiên cứu ở Hoa Kỳ cho kết quả, những đứa trẻ bị bạo lực ngôn từ sẽ trải qua một loạt hệ quả tiêu cực trong suốt cuộc đời, phổ biến nhất là hành vi phạm tội, trầm cảm, hung hăng, rối loạn hành vi, lạm dụng chất kích thích, và tức giận.
Một nghiên cứu khác cho thấy, 60% tội phạm vị thành niên từng bị cha mẹ bạo hành bằng ngôn từ.
Hãy chúc lành chứ đừng nguyền rủa
Con cái là quà tặng Thiên Chúa ban qua gien di truyền của cha mẹ. Vì thế, mỗi đứa trẻ như một hạt giống được gieo vào trong gia đình. Những gì cha mẹ cần làm là gieo hạt giống ở nơi có nhiều ánh nắng mặt trời, thường xuyên tưới nước, cắt cành tỉa lá.
Nơi đó, dĩ nhiên, không đâu khác chính là gia đình, vì “gia đình vừa là nơi một người sinh ra và cũng là nơi người đó lớn lên.”
Vì đứa trẻ “sẽ lần đầu tiên cảm nghiệm được tình hiệp thông với người khác, những người theo tính tự nhiên mong ước cho em những điều tốt đẹp”, nên ngay từ trong gia đình, các bậc cha mẹ phải làm sao giúp các con cảm nghiệm được “tình thương và sự tôn trọng của cha mẹ đối với em cũng như đối với mọi người trong gia đình”. Chính trong môi trường được yêu thương và tôn trọng đó mà một đứa trẻ có thể phát huy hết các năng lực và đạt được sức mạnh để đối phó với bất cứ điều gì mà cuộc đời có thể mang lại. Đồng thời, cũng chính ở trong môi trường yêu thương và được tôn trọng đó, mọi thành viên trong gia đình và ngay với một đứa trẻ sẽ từng bước thấy được trách nhiệm của mình đối với xã hội và với những người thân trong gia đình mình (x. Docat #117).
Kết luận
Trẻ em như những hạt giống được Thượng Đế gieo vào trong các gia đình. Những lời nói vô tình, cay nghiệt sẽ như những “viên đạn vô hình” bắn vào tương lai của những đứa trẻ.
Vì thế, là những bậc làm cha mẹ, hãy giáo dục con cái trong yêu thương và sự kính trọng nhân vị, “chúc lành cho các con chứ đừng nguyền rủa”, vui cùng các con, khóc cùng các con và trên hết hãy dạy và cầu nguyện cùng các con, để cho hạt giống tốt đã được gieo, sinh hoa kết quả dồi dào.