Tâm tình độc giả

NÓI LEO VỀ PHỤNG VỤ NHÂN DỊP LỄ PHỤC SINH

NÓI LEO VỀ PHỤNG VỤ NHÂN DỊP LỄ PHỤC SINH
Phụng vụ là được ban hành bởi giáo triều, nơi có những người quyền uy và tài giỏi tuyệt đỉnh, tự thân phụng vụ đã đủ huy hoàng, chỉ cần làm đúng và đủ thì đã có những nghi thức đẹp khắc sâu vào lòng người dự lễ. Ấy là còn chưa kể sự thánh thiêng siêu hình và vẻ đẹp của đức tin trong lòng người cử hành, đâu phải chỉ do bề ngoài.
Nhưng khi học hành không tới, không thấy được sự cao sang và thánh thiêng đó, người ta mới chế ra thêm hoa lá cành cho rậm đám. Cái sự vẽ rắn thêm chân này có thể nói một cách thô lỗ là do nhà quê.
Hãy nhìn một anh thổ dân đeo cả rừng trang sức, trên đầu cắm hai trăm cọng lông vũ sặc sỡ, vẽ mặt xanh đỏ, dưới chân đeo hai mươi cái lục lạc; với nhìn một anh tây mặc bộ vest một màu, tóc chải gọn gàng và mang giày da. Tôi không nói cái nào xấu cái nào tốt, vì mỗi thứ nó cần ở đúng chỗ phù hợp. Nhưng nếu anh ở trong một bộ lạc mà mặc đồ vest đi săn bắn, hoặc đi làm trong công sở mà trang sức như thổ dân, thì chẳng phải là không phù hợp và kỳ cục lắm sao? Tương tự như vậy, khi cử hành nghi thức phụng vụ thiết lập bởi giáo triều, mà chèn những cái do mình tự chế ra, liệu có phù hợp?
Tất nhiên, cũng cần nói lại, sự “nhà quê” trong phụng vụ vẫn có nhiều lúc rất đáng yêu. Đó là những hình thức đạo đức bình dân, như khi mấy cụ già đi lễ, thì cha giảng cha làm gì kệ cha, tôi ngồi đây lần chuỗi, thả tâm hồn tới Chúa một mình tôi. Hoặc tới Mùa Chay, lại tranh luận coi thịt con chuột với thịt con lươn có ăn được không, để mà dặn con cháu giữ chay sao cho khéo cho tinh. Những ban kèn, ban trống, đội rước, kiệu bát cống tám người khiêng tượng Chúa… không có cũng không sao nhưng có thì vui vậy, miễn nằm ngoài các nghi thức thánh lễ.
Đạo đức bình dân thường được cử hành khi thiếu vắng mục tử trong thời bị cấm cách. Chính những điều này đã nuôi dưỡng đức tin của nhiều thế hệ. Nó khác hoàn toàn với những điều mà các linh mục tự chế ra theo ý riêng.
Sẽ rất dễ dàng biện phân đâu là đạo đức bình dân theo truyền thống và đâu là những thứ thêm thắt theo ý riêng của vị linh mục quản xứ. Mà như đã thưa ở đoạn đầu, nghi thức phụng vụ của giáo hội đã tuyệt vời tráng lệ lắm rồi, hãy tìm hiểu để thấy cái hay cái đẹp và “quy nguyên”, thay vì thấy phụng vụ thiếu thiếu rồi chế ra tùm lum tùm la. Nghĩ đơn giản là chế ra có thể làm vui lòng giáo dân lúc đó, nhưng việc tự ý thêm thắt trong nghi thức chính là đầu mối cội rễ của sự chia rẽ.
Đạo đức bình dân thì nên được biện phân và bảo tồn những cái gì không nghịch lại đức tin, vì nó là di sản, chứng tỏ đạo đã nên men muối, dậy lên thành văn hiến vậy. Còn ý riêng của mấy cha, thì nên dẹp đi thôi, vì thấy mình giỏi hơn cả giáo triều để mà cải sửa thêm thắt, ấy là mầm mống của sự phản nghịch vậy.
Cầu mong niềm vui Phục Sinh và sự chữa lành tâm hồn đến với tất cả!

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!