Giáo Hội Hoàn VũTin Giáo Hội

Nữ tu Helen Alford, tân Chủ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh về Khoa học Xã hội

Nữ tu Helen Alford, tân Chủ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh về Khoa học Xã hội

 

Ðức Giáo Hoàng Phanxicô vừa bổ nhiệm nữ tu Helen Alford, dòng Ða Minh Thánh Catarina Siena, 58 tuổi, vào vị trí đứng đầu Hàn lâm viện Tòa Thánh về Khoa học Xã hội.

 

Vatican đã công bố sắc lệnh bổ nhiệm vào ngày 1.4 và sơ Alford chính thức tiếp quản vị trí của nhà kinh tế học người Ý Stefano Zamagni từ ngày 1.5. Sơ là thành viên của cơ quan này từ năm 2020 và sẽ trở thành người phụ nữ thứ ba đứng đầu Hàn lâm viện Tòa Thánh về KHXH, sau giáo sư luật, đồng thời là cựu Đại sứ Mỹ cạnh Vatican, Mary Ann Glendon, với nhiệm kỳ chủ tịch 2004-2014; và nhà xã hội học Margaret S. Archer (2014-2019). Sơ cũng đứng đầu Khoa Khoa học Xã hội của Đại học Giáo hoàng Thánh Tôma Aquinô ở Rome.

Chọn đời thánh hiến sau khi trở thành tiến sĩ

Sinh ra ở London, sơ Alford làm việc trong ngành khoa học xã hội và lấy bằng tiến sĩ ngành kỹ thuật quản lý của Đại học Cambridge (Anh) trước khi trở thành nữ tu của dòng Đa Minh Thánh Catarina Siena. Kể từ đó, sơ dạy giáo lý xã hội Công giáo, đạo đức kinh doanh và những trách nhiệm của giới doanh nhân đối với xã hội. Năm 2020, vị nữ tu được Đức Thánh Cha Phanxicô chọn làm thành viên thường trực của Hàn lâm viện Tòa Thánh về Khoa học Xã hội, kiêm nhiệm Cố vấn của Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình.

Trả lời phỏng vấn hãng Catholic News Service khi ấy, nữ tu Alford gọi việc thánh Gioan Phaolô II thiết lập Hàn lâm viện vào năm 1994 là hành động hệ thống lại toàn bộ quan điểm về xã hội của Giáo hội Công giáo. Theo nữ tu, đây là bước đi vô cùng quan trọng, cho phép khẳng định Tin Mừng có sẵn những nguyên tắc rõ ràng và cụ thể nhằm hướng dẫn con người thực hành lối sống công nhận phẩm giá mà Thiên Chúa ban cho mỗi người, đồng thời thúc đẩy lối sống xã hội tốt đẹp, công bằng và hòa bình.

Trong quá trình làm luận án ở Đại học Cambridge, lúc vẫn chưa đi tu, sơ đặc biệt quan tâm đến thông điệp Laborem exercens (Lao động của con người) công bố vào năm 1981 của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Theo sơ, qua thông điệp này, Đức Gioan Phaolô II đã khơi lại sự chú ý những tác động xã hội của việc thực hành Kitô giáo. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI bổ sung phần mình vào thông điệp này, và Đức Giáo Hoàng Phanxicô thúc đẩy hành động suy niệm đạo đức và thần học về những điều mà Giáo hội cần áp dụng để đóng góp cho thế giới.

Nữ tu cho rằng một phần nhiệm vụ của giảng huấn Công giáo là giúp con người nhận ra rằng việc thúc đẩy lợi ích chung cho mọi người không chỉ dừng lại ở lòng vị tha, mà còn là vấn đề nhận ra những kết nối của bản thân đối với người khác và nuôi dưỡng nhu cầu bồi đắp các mối quan hệ đó.

Sơ Alford là thành viên thường trực của Hàn lâm viện về KHXH từ năm 2020

Nhiệm vụ ở Hàn lâm viện

Hàn lâm viện Tòa Thánh về Khoa học Xã hội là cơ quan nghiên cứu về khoa học xã hội của Giáo hội, được Đức Gioan Phaolô II thành lập ngày 1.1.1994. Đây là nơi tập hợp những nhà khoa học về lĩnh vực này, chủ yếu là các học giả chuyên về kinh tế, xã hội hội, luật và khoa học chính trị. Nhiệm vụ của họ là nghiên cứu những chủ đề được Vatican quan tâm trong quá trình phát triển và thúc đẩy ứng dụng giảng dạy học thuyết xã hội Công giáo, dựa trên nền tảng khoa học.

Thời điểm vào Hàn lâm viện vào năm 2020, lúc đó có 23 thành viên, nữ tu Alford cho biết nhiệm vụ mới cho phép sơ làm việc với những chuyên gia danh tiếng ở nhiều lãnh vực. Tại đây, các thành viên tự do quyết định chương trình làm việc, chủ đề nghiên cứu và phát hành các ấn bản, cũng như bỏ phiếu bầu thành viên mới. Về phần mình, sơ đặt mục tiêu xuất bản càng nhiều dữ liệu về Giáo hội Công giáo càng tốt.

“Nhiều người không rõ việc làm của Giáo hội. Họ không biết rằng nhiều sự quan tâm, chăm sóc bệnh nhân AIDS trên thế giới đến từ Giáo hội. Họ không biết rằng Giáo hội hành động chống nạn buôn người. Họ không biết về tầm ảnh hưởng rộng lớn mà Giáo hội lan tỏa thông qua hoạt động giáo dục”, nữ tu nhận định. Việc xuất bản dữ liệu thông qua Hàn làm viện cho phép cộng đồng hiểu được những gì đang diễn ra trên thế giới này, và Giáo hội đang làm gì cho thế giới.

 

Một lĩnh vực khác mà sơ Alford muốn đầu tư về dài hạn là một lần nữa nhận định lại cách thức nhân loại nghĩ về một con người. Theo sơ, nhiều mối quan hệ trong xã hội ngày này bị kiểm soát bởi “tư tưởng kinh tế” và được đánh dấu bằng “suy nghĩ cá nhân”. Vì thế, vị nữ tu cho rằng cần phải tìm cách đưa xã hội quay về thời điểm tách biệt những suy nghĩ về xã hội với khía cạnh kinh tế, bởi vì yếu tố then chốt nhất của hạnh phúc con người chính là những mối quan hệ xã hội.

Liên kết ý tưởng này với viễn cảnh mà Đức Thánh Cha Phanxicô muốn xây dựng xã hội dựa trên “Nền kinh tế theo thánh Phanxicô”, sơ Alford nêu bật sự cần thiết của việc nuôi dưỡng một cách tiếp cận song song từ dưới lên, theo đó cho phép giới trẻ bước vào cuộc trao đổi với các chính phủ và giới trí thức. Điều này mang lại hy vọng cho các thanh niên về tương lai có sự can dự của bản thân họ.

 

HỒNG HOANG

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!