Mục vụ gia đình

Phương pháp giáo dục

Phương pháp giáo dục

Đề cập đến giáo dục, có ít nhất hai phương pháp hay đường lối giáo dục được áp dụng dưới hình thức này hay hình thức khác: Phương pháp hay đường lối giáo dục cứng rắn, và phương pháp hay đường lối giáo dục mềm dẻo. Nhưng thế nào là giáo dục cứng rắn và thế nào là giáo dục mềm dẻo.

Giáo dục cứng rắn là phương pháp giáo dục lấy việc sửa trị, trừng phạt các khuyết điểm làm chính. Người theo đường lối giáo dục này vì chú tâm vào việc sửa dậy và trừng phạt các khuyết điểm, các tính xấu nên áp dụng những biện pháp trừng phạt, hoặc khủng bố thể xác và tinh thần người thụ huấn. Thí dụ, ra thêm luật lệ, cô lập, đánh, phạt quì, phạt nhịn ăn, chửi, mắng, hay làm nhục trước mặt người khác. Vì chú trọng vào việc áp đặt những luật pháp hay hình phạt, nên phương pháp giáo dục này còn được gọi là phương pháp giáo dục tiêu cực. Đa số những phụ huynh người Việt Nam ở lứa tuổi 45 hoặc 50 trở lên thường áp dụng phương pháp này. Thật ra xã hội Việt Nam ở vào thời đại trước vì chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa, nhất là Nho Giáo, và sau đó là nền giáo dục thuộc địa của Pháp, nên coi việc sửa phạt, chửi mắng, răn đe là một hành động được chấp nhận. Vì thế mới có câu: “Gìa đòn non nhẽ, đánh khoẻ phải chừa”. Tức là không lôi thôi gì cả, không cần phải nói nhiều, không cần phải lý luận xa xôi, hễ bảo không nghe thì mang que ra mà đánh. Đánh cho đau thì phải chừa thôi. Quan niệm này ngày nay được coi là lỗi thời vì không tôn trọng nhân vị, không quan tâm đến sự phát triển về thể lý, luân lý, tâm lý sinh lý của con người.

Theo tâm lý học, đường lối và phương pháp giáo dục trên thường đem lại những hậu quả tiêu cực. Hơn thế, nó còn là căn cớ cho những khuyết điểm được dịp phát triển. Thí dụ, một người con trong một gia đình mà cha mẹ có chủ trương cứng rắn trong đường lối và phương pháp giáo dục thường ít phát triển và trưởng thành về tâm lý. Và hơn thế, em còn mang trong người những mầm mống chống đối và phản loạn, hay yếm thế và miễn cưỡng phải chấp nhận. Kết quả đường lối giáo dục này thường tạo nên những trẻ em nhút nhát, yếm thế, hoặc ngược lại, mang đầu óc phản loạn và hận đời. Những trẻ em bụi đời, những trẻ em phản loạn cãi trả cha me,ï phần lớn là hậu quả tai hại của nền giáo dục tiêu cực này. Tưởng cũng nên thêm rằng, nuông chiều con quá đáng, nhu nhược quá đối với con, hay bỏ mặc không quan tâm đến những nhu cầu tâm sinh lý của con cũng là một hình thức tiêu cực.

Ngược lại với quan niệm cho rằng trẻ em cần được sửa trị, và giáo dục một cách cứng rắn là quan niệm và đường lối giáo dục mềm dẻo, hay còn gọi là đường lối giáo dục tích cực. Đây là phương pháp giáo dục dựa trên việc khích lệ và hướng dẫn để làm tăng trưởng những ưu điểm và những đức tính tốt nơi một người. Nếu đường lối cứng rắn chú tâm vào việc áp đặt và xử dụng những hình phạt, những luật pháp, thì đường lối và phương pháp giáo dục mềm dẻo lại chú tâm và việc tăng trưởng những đức tính tốt và làm thăng hoa thiện chí tốt nơi con người. Đường lối này chú tâm vào việc tìm kiếm và phát hiện những nét tích cực và tốt của một người để hướng dẫn và làm phát triển. Đây là phương pháp giáo dục mà tâm lý học cho là hợp với sự phát triển và tâm lý nhất. Điều này đòi hỏi cha mẹ hay những người có bổn phận giáo dục cần phải làm sao để khuyến khích và làm tăng trưởng những đức tính tốt nơi con cái hay người thụ huấn.

Nếu căn bản của đường lối giáo dục cứng rắn là việc sửa sai, nhổ cỏ nơi một thửa ruộng tinh thần, thì đường lối giáo dục mềm dẻo là việc cấy những cây trái tốt vào thửa đất mầu mỡ vừa mới được nhổ cỏ ấy. Như vậy khi những cây trái này tốt và lớn lên, tự nhiên những cỏ xấu phải tàn lụi. Nếu không, ta cứ như người chủ vườn nọ chỉ bỏ công nhổ cỏ mà quên cấy những hoa trái và cây cảnh vào khu vườn vừa được nhổ cỏ ấy, và như thế, ta cứ phải nhổ cỏ hoài mà khu vườn vẫn cứ đầy cỏ dại.

Qua thí dụ trên, ta thấy rằng việc áp dụng phương pháp giáo dục tích cực là một việc làm khó khăn và đỏi hỏi nhiều nỗ lực hơn nơi cha mẹ và những người có trách nhiệm. Họ cần phải để ý xem xét, phân tích và tìm hiểu xem con em mình, người thụ huấn có những ưu và khuyết điểm gì, để từ đó tìm cách phát triển dần dần những ưu điểm và đề phòng những khuyết điểm. Có lẽ vì khó và vất vả, nên những phụ huynh ươn lười hay những nhà giáo dục thiếu thiện chí thường áp dụng phương pháp thứ nhất, tức là phương pháp tiêu cực cho nhanh, cho gọn và dễ dãi đối với mình. Và như đã trình bày trên, kết quả là cả cha mẹ hay những người có trách nhiệm lẫn con cái và những người thụ huấn đều phải chịu thiệt thòi.

Đối với những ai muốn áp dụng phương pháp giáo dục tích cực thì câu nói của tiền nhân xưa cũng rất hay: “Ngọt mật thì chết ruồi”. Điều này sẽ làm cho cả cha mẹ lẫn con cái, những nhà giáo dục và người thụ huấn không đến chỗ phải kình chống nhau, hoặc tạo điều kiện quá vất vả hay khó khăn trong việc giáo dục. Đúng ra chỉ cần một lời khuyên đúng, một lời khích lệ đúng lúc, và đúng với tâm lý của con cái hay người thụ huấn có khi sẽ kết quả nhiều hơn việc áp dụng những biện pháp mạnh và kỷ luật. Nếu ta áp dụng kỷ luật, trẻ em sẽ tìm cách phá vỡ kỷ luật. Nếu ta cho rằng mình mưu trí đủ để gạt gẫm hay rào đón, cấm đoán, trẻ em sẽ có cách làm ta bị bẽ mặt. Nhưng nếu ta dùng một lời khuyên răn ngọt ngào, một lời khích lệ đúng chỗ và đúng với hoàn cảnh, tự nhiên ta sẽ được lòng tuổi trẻ, và mọi chuyện lúc đó sẽ dễ dàng. Kinh nghiệm này ai cũng đã có không những khi đóng vai cha mẹ hay những nhà giáo dục, mà cả khi mình còn nhỏ bé nữa.

Việc giáo dục theo phương pháp tích cực, do đó, còn đòi hỏi cha mẹ hay những nhà giáo dục phải tự sửa sai mình trước, phải trở thành mô phạm của điều mình nói, và việc mình đòi hỏi nơi con cái hoặc những người thụ huấn. Điều này có lẽ là một điểm khó khăn đối với cha mẹ và những nhà giáo dục muốn theo phương pháp tích cực, hoặc mềm dẻo. Bảo con mình đừng chửi thề, đừng hút thuốc, hoặc đừng uống rượu là một việc làm dễ. Bảo những người thụ huấn phải liêm khiết, phải tôn trọng luật pháp và kỷ luật là một việc làm dễ, nhưng chính mình không uống rượu, không hút thuốc hoặc liêm khiết trong tư tưởng, lời nói và hành động là việc khó.

Thêm vào đó, những người theo phương pháp tích cực còn phải để ý tìm kiếm và theo dõi tiến trình phát triển những đức tính tốt của con cái hay những người thụ huấn nữa. Nhiều khi cha mẹ cũng không biết con cái mình thuộc những nhóm tâm lý nào. Có bao nhiêu tính tốt, và bao nhiêu xu hướng xấu. Đứa con này khác với anh, chị, hoặc em nó ở những điểm nào. Và lời than thở như một hình thức chạy tội đối với những cha mẹ hoặc những nhà giáo dục thiếu trách nhiệm vẫn là: “Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính.” Chỉ cần nói như vậy rồi buông xuôi và không cần để ý và theo dõi nữa. Như vậy họ lại biến thành những cha mẹ hoặc những nhà giáo dục theo đường lối tiêu cực. Vì như đã nói, nhu nhược, chiều chuộng quá đáng hoặc buông xuôi không phải là những phương pháp của giáo dục.

Tóm lại, khi đề cập đến cách thức và sự chọn lựa một phương pháp giáo dục, rõ ràng là phương pháp cứng rắn, tiêu cực không thích hợp với đường lối giáo dục của những con người thời đại, vì nó xúc phạm và coi thường nhân vị con người, dù người đó là con hay là học trò của mình. Nhưng ngược lại, cũng không bảo rằng những người áp dụng phương pháp tích cực không cần sửa sai, uốn nắn, và cắt tỉa những khuyết điểm của con cái hay nơi người thụ huấn. Ngược lại, một phần trong việc giáo dục là sửa sai, uốn nắn và hướng dẫn, vì thế những cha mẹ muốn theo phương pháp giáo dục mềm dẻo, tích cực mới phải bỏ công tìm hiểu, phải tự tu tỉnh mình, và phải tham khảo với những nhà chuyên môn khi hoạch định một phưong pháp và đường lối giáo dục cho con mình. Nhất là phải biết phân biệt giữa người con này với những con khác. Nhưng điểm quan trọng hơn hết vẫn là lời khuyên cho những cha mẹ và những nhà giáo dục là phải uốn nắn, và sửa sai, khuyến khích những em nhỏ khi còn bé, đợi khi chúng bước vào tuổi vị thành niên thì e rằng đã quá trễ: “Bé không vin, cả gẫy ngành”, đó là lời khuyên của cha ông mình trong lãnh vực giáo dục. Ngoài ra, bổn phận cha mẹ và những nhà giáo dục là phải trở thành mô phạm cho con cái hoặc những người thụ huấn: “Muốn giáo dục một đứa trẻ, thì phải giáo dục 20 năm trước khi nó sinh ra”.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!