Phương tiện và mục đích
Trong cuộc sống, con người dù làm bất cứ điều gì đều hướng và nghĩ đến mục đích. Muốn đạt đến mục đích thì con người phải ngang qua phương tiện và với phương tiện để đạt được mục đích đề ra.
Một vận động viên điền kinh. Muốn đoạt giải, người đó buộc lòng phải dày công để luyện tập. Thế nhưng trong thực tế, có một số người muốn đoạt giải nhưng đi con đường tắt là dùng chất kích thích để mình dẻo dai, mạnh hơn đối phương và thắng giải.
Một nồi bún bò hay nồi phở. Muốn nước lèo ngon thì phải ngang qua xương hầm cho ngọt nước cũng như cách nêm nếm cùng với kinh nghiệm. Thế nhưng rồi có những người muốn nồi nước lèo cũng ngon mà ít chi phí thì người bán dùng thứ bột nêm. Và dĩ nhiên chất lượng và dinh dưỡng của nồi nước lèo được hầm bằng xương thật khác với nồi dùng bột nêm.
Đơn giản nhất là hoa quả, ta thấy để cho hoa quả phát triển thì dùng thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng. Dĩ nhiên trong mức độ cho phép thì được. Thế nhưng rồi vì lòng tham để được kích cỡ cũng như hiệu quả cao, nhiều người đã dùng quá hàm lượng thuốc tăng trưởng và kích thích cho phép. Tâm lý thì ai ai cũng muốn mua những quả mọng và chín nhưng trong thực tế thì những quả đó ngậm trong mình bao nhiêu là thuốc. Ngược lại, những quả không có hay ít thuốc thì nó trông không bắt mắt như những quả ngậm thuốc nhiều.
Ngày hôm nay, giữa xã hội phát triển cùng với sự cạnh tranh gay gắt, người ta thường tìm mọi cách để mức chi phí thấp nhất và đạt lợi nhuận cao nhất. Người ta quên đi tiếng nói của lương tâm để rồi làm sao đạt được mức lợi nhuận cao nhất, đạt được mục đích của mình đề ra nhất dù phương tiện không cho phép.
Và như vậy, con người luôn phải đối diện với những thực tại của cuộc sống như là dùng phương tiện nào để đạt được mục đích mà không lỗi luân thường đạo lý và lương tâm. Tiếc thay lòng tham nó cứ mãi giằng co để rồi không khéo là con người lại dùng phương tiện xấu để đạt cái gọi là mục đích tốt.
Còn nhớ, có một người kia hỏi thăm rằng thì là trong xóm khi nghe người đó đi từ thiện thì có một người trong xóm đến xin gửi tiền để cùng từ thiện. Tiếc thay là người gửi tiền lại là người buôn bán chất cấm nghĩa là thu nhập có được không phải là từ nguồn tiền ngay chính. Khi nghe như vậy thì dĩ nhiên tôi khuyên là từ chối không nhận những đồng tiền như thế vì khi đó ta lại tiếp tay cho hành vi xấu của người kia.
Mình làm việc bác ái thì không được phạm tội này để làm điều kia được. Ví như không thể nào lấy tiền trộm cắp để đi làm việc bác ái. Bác ái là điều tốt nhưng không phải bằng mọi giá để có tiền để làm việc bác ái.
Ở đời, ai thấy tiền mà lại chả ham. Thế nhưng nguồn tiền có từ đâu mới là chuyện quan trọng. Chả phải thấy người ta có tiền hay nhà cao cửa rộng là mình cũng bằng mọi giá để đạt được như họ.
Những chuyến xe ôm khi cần đến, nghe những người chạy Grab trần tình thật dễ thương. Đa phần họ vui vẻ và bằng lòng với cái nghề xe Grab vì lẽ họ chạy bao nhiêu họ dùng bấy nhiêu. Họ bằng lòng với cuộc sống và họ sợ phải lao vào những cách kiếm tiền bất chính.
Nhan nhản những câu chuyện trong cuộc sống truyền lại cho ta cái kinh nghiệm khi chọn dùng phương tiện để đạt mục đích. Là người và nhất là Kitô hữu thì lại càng hết sức cẩn trọng khi đứng trước vấn đề dùng phương tiện như thế nào để đạt mục đích tốt chứ không phải cứ thấy mục đích là lao vào làm dù phương tiện bất minh cũng như vi phạm luật pháp.
Đừng nghĩ tưởng bên ngoài giàu sang phú quý mà lại ham. Thật may mắn nếu như những đồng tiền họ kiếm được do trí thông minh cũng như sức lao động. Ngược lại, khi họ kiếm được mọi thứ mà bằng phương tiện bất minh thì không sớm thì muộn họ cũng rơi vào vòng lao lý cũng như tiếng nói của lương tâm dấy lên trong lòng họ.
Để sống đời sống luân lý có thể nói như là tử đạo.
Mỗi chúng ta luôn luôn bị đặt trước lựa chọn những phương tiện để đạt mục đích. Hãy cận trọng để chọn cho mình những phương tiện hợp với lương tâm và đạo đức của con người để đạt mực tiêu mà con người mong muốn.
Tưởng nghĩ trong mọi sự hãy nghĩ đến cùng đích.
Tác giả bài viết: Lm. Anmai, CSsR