SỐ PHẬN CỦA CÁC NGÔN SỨ
(THỨ SÁU TUẦN 17 TN NĂM CHẴN)
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Sáu Tuần 17 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa là sức mạnh và là niềm trông cậy của chúng ta, không có Chúa, chẳng có chi vững bền, chẳng có chi thánh thiện. Xin Chúa mở lòng nhân hậu mà hướng dẫn chúng ta, để khi biết cách dùng những của cải chóng qua đời này, chúng ta đã gắn bó với của cải muôn đời tồn tại.
Đã gắn bó với của cải muôn đời tồn tại, khi ý thức được sức mạnh của Chúa được biểu lộ trong sự yếu đuối của chúng ta, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô hãnh diện vì những yếu đuối của mình. Sở dĩ, người Tông Đồ lên tiếng rao giảng, là bởi vì, chính bản thân họ đã cảm nghiệm được quyền năng và tình yêu của Chúa Kitô. Tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi. Kho tàng ơn thánh, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa. Vì sức mạnh của Chúa được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối của chúng ta.
Đã gắn bó với của cải muôn đời tồn tại, khi nhẫn nại chịu khổ vì Chúa, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Inhaxiô Antiôkhia nói với thánh Pôlycáp: Hãy vững vàng như đe dưới búa. Chúng ta phải biết chịu đựng tất cả vì Thiên Chúa, bởi vì, chính Người đã chịu đựng vì chúng ta. Đấng vô hình, nhưng, đã trở nên hữu hình vì chúng ta. Người là Đấng không ai chạm tới được, không ai làm khổ được, nhưng, đã trở thành con người biết chịu khổ, và đã vì chúng ta mà chịu mọi nhục hình… Anh hãy gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hòa. Anh hãy thi đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp vì đức tin, giành cho được sự sống đời đời.
Đã gắn bó với của cải muôn đời tồn tại, khi chấp nhận bị thiệt thân vì lo việc nhà Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách ngôn sứ Giêrêmia cho thấy: Các tư tế, các ngôn sứ và toàn dân túm lấy Giêrêmia mà bảo: Thế nào ông cũng phải chết! Tại sao ông lại dám nhân danh Đức Chúa mà tuyên sấm rằng: Nhà này sẽ nên như Silô, còn thành này sẽ ra điêu tàn, không ai cư ngụ? Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 68, vịnh gia cũng đã cho thấy: Lạy Chúa, xin đáp lại, vì ơn cả nghĩa dày. Âu cũng vì Ngài, mà con bị người đời thóa mạ, chịu nhuốc nhơ phủ lấp mặt mày. Anh em nhà kể con như người dưng nước lã, hàng máu mủ xem con bằng khách lạ mà thôi. Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân. Lời kẻ thóa mạ Ngài, này chính con hứng chịu.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lời Chúa vẫn tồn tại đến muôn thuở muôn đời. Đó chính là Lời đã được loan báo cho anh em như một Tin Mừng. Trong bài Tin Mừng, dân chúng sửng sốt và nói: Ông không phải là con bác thợ sao? Đức Giêsu nói: Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương và trong gia đình mình mà thôi. Lời Chúa muôn đời tồn tại, đó là Tin Mừng cứu độ được loan báo cho chúng ta, và chúng ta cũng có sứ mạng loan truyền Tin Mừng đó cho tất cả mọi người. Các ngôn sứ xưa và nay đều cùng chung một số phận: bị rẻ rúng, bị thóa mạ, bị khinh chê. Tuy nhiên, chúng ta hãy bắt chước Đức Kitô, vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta: hãy lấy lòng bác ái, mà nhẫn nhục chịu đựng mọi người; hãy lấy đức hiền hòa, mà cảm hóa những kẻ hư hỏng nhất; hãy gánh đỡ sự yếu đuối của mọi người, vất vả càng nhiều, công phúc càng lớn. Chúa là sức mạnh và là niềm trông cậy của chúng ta, không có Chúa, chẳng có chi vững bền, chẳng có chi thánh thiện. Chúa đã mở lòng nhân hậu đối với chúng ta, ước gì đang khi dùng những của cải chóng qua đời này, chúng ta đã gắn bó với của cải muôn đời tồn tại. Ước gì được như thế!Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB