Sống Tình Hiệp Thông Qua Bí Tích Thánh Thể
Bí tích Thánh Thể là một trong bảy bí tích quan trọng nhất trong Giáo hội Công Giáo. Khi đón nhận Bí tích Thánh Thể, người Kitô hữu được nuôi dưỡng linh hồn bằng chính Mình và Máu Đức Giêsu Kitô. Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo (GLGHCG) số 1358 khẳng định: Thánh Thể là “việc tạ ơn và chúc tụng Chúa Cha; như việc tưởng niệm hy tế của Chúa Kitô và của Thân Mình Người; và là việc hiện diện của Chúa Kitô nhờ quyền năng lời Người và Thần Linh Người”. Như vậy, Thánh Thể vừa là một hy lễ tạ ơn Thiên Chúa Cha về tất cả những gì Ngài đã làm qua việc tạo dựng vũ trũ, cứu chuộc, và thánh hoá; vừa là hy tế chúc tụng Giáo hội hiệp ý cùng tôn vinh Thiên Chúa nhân danh tất cả mọi loài thụ tạo (GLGHCG, số 1360-1361). Trong thư mục vụ Năm Hiệp Thông 2021, Đức Tổng Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiên mời gọi cộng đoàn dân Chúa Tổng Giáo Phận Hà Nội tiếp tục hành trình Nên Thánh bằng cách Sống Tình Hiệp Thông. Việc sống hiệp thông với Thiên Chúa và tha nhân trong Bí tích Thánh Thể có thể là cách thế hữu hiệu giúp mỗi người Kitô hữu thánh hoá cá nhân, gia đình, Giáo hội và xã hội. Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể dạy chúng ta bài học về tình yêu khiêm nhường, tình yêu tự hiến và sống tình hiệp thông.
Bản Chất Của Bí Tích Thánh Thể
Bí tích Thánh Thể còn được gọi là a) Lễ Tạ Ơn vì đây là việc chúng ta làm để tạ ơn Thiên Chúa; b) Bữa Ăn của Chúa vì Hội Thánh tưởng niệm bữa Tiệc Ly Chúa Giêsu cùng ăn với các môn đệ tối hôm trước ngày chịu nạn; c) Lễ Bẻ Bánh vì Chúa Giêsu đã bẻ bánh trong bữa Tiệc Ly (x. Mt 26, 26; 1 Cr 11, 24); d) Cuộc tưởng niệm Chúa Giê-su chịu chết và sống lại; e) Hy Lễ Thánh; và f) Thánh Lễ hay Lễ Mi-sa. Bí tích Thánh Thể là bí tích Hiệp Thông vì qua việc tham dự vào Bí tích Thánh Thể, chúng ta được kết hợp với Chúa Ki-tô, Ðấng ban Mình và Máu Người để tất cả trở nên một thân thể (x. 1 Cr 10, 16-17).
Bí tích Thánh Thể là một mầu nhiệm. Do đó, chúng ta cần đức tin để hiểu việc cử hành Bí tích Thánh Thể. Qua quyền năng của Chúa Thánh Thần, và nhờ lời truyền phép của Chúa Giêsu mà bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô. Bí tích Thánh Thể là bí tích của tình yêu: Chúa Giêsu ban tặng cho chúng ta chính Mình và Máu Người để nhờ đó nhiều người được ơn tha tội(Mt 26, 26-28). Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể trong bữa tiệc Vượt Qua trước khi Ngài rời thế gian và trở về cùng Thiên Chúa Cha để bày tỏ tình yêu vô vị lợi của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Là bí tích của tình yêu, Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ của sự hiệp nhất thể hiện trong tình bác ái. Mỗi khi chúng ta “lãnh nhận Chúa Kitô, tinh thần ta được tràn đầy ân sủng, và bảo chứng cho ta một vinh quang tương lai (Công đồng Vaticanô II, Hiến chế về Phụng Vụ Thánh, số 47). Chúa Giêsu truyền dạy các môn đệ cử hành mầu nhiệm này cho tới khi Chúa đến lần thứ hai. Chúa Giêsu nói: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy”; và sau đó Ngài nói: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em (Lc 22, 19-20). Chúa Giêsu dâng hiến chính mình như của lễ hiến tế để Mình và Máu thánh Người có thể trở thành lương thực thiêng liêng cho toàn thể nhân loại. Chúng ta được nuôi dưỡng nhờ Mình và Máu thánh Đức Kitô vì “Hiệp lễ là việc lãnh nhận chính Chúa Kitô Đấng đã hiến mình cho chúng ta” (GLGHCG, số 1382).
Tình Yêu Khiêm Nhường
Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể dạy ta bài học về tình yêu khiêm nhường. Chúa Giêsu hứa trao ban sự sống đời đời cho tất cả những ai rước Mình và Máu thánh Ngài. Chúa Giêsu nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6: 53-54). Chúa Giêsu liên tục mời gọi tất cả chúng ta đến gần bên Chúa để được nghỉ ngơi và đón nhận tình yêu và ơn của Chúa. Chúa Giêsu nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11: 28-30). Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể luôn luôn hiện diện, và Ngài luôn mong ngóng được gặp gỡ và lắng nghe những chia sẻ vui, buồn trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người chúng ta. Ơn của Chúa trong Bí tích Thánh Thể có thể lấp đầy những trống vắng và bất lực của chúng ta.
Chúng ta đến với Chúa Giêsu Thánh Thể không chỉ đơn giản nhắc nhớ ta rằng Chúa Giêsu đã chịu chết cho chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta được lớn mạnh trong Đức Kitô để có thể trưởng thành một cách toàn diện, hướng chúng ta đến khả năng có thể làm cho người khác những gì mà Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta. Với cá nhân tôi, mỗi khi đón rước Chúa vào lòng hay chầu Mình Thánh Chúa, tôi luôn cảm động trước tình yêu vô bờ bến Chúa Giêsu dành cho nhận loại. Tình yêu của Thiên Chúa thật là cao cả nhưng lại rất giản đơn như tấm bánh đời thường. Trước khi rước lễ, tôi thường hợp ý cùng cộng đoàn hiện diện trong Thánh Lễ cầu nguyện: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào lòng con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh.” Tôi ý thức mình là con người tội lỗi nhưng Chúa vẫn để tôi đón rước Mình Máu Thánh Ngài vào lòng.
Tình yêu của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể dạy cho chúng ta bài học về tình yêu khiêm nhường của Đức Kitô. Tôi thường tự hỏi mình: “Tại sao Chúa không hiện diện trong hạt kim cương hay một biểu tượng gì quý giá, mà lại chọn ẩn mình trong tấm bánh nhỏ bé trắng tinh?” Tấm bánh rất đơn sơ và cũng chẳng đắt cho lắm. Tuy nhiên, cũng thật ý nghĩa khi tôi nghĩ về tấm bánh như lương thực hằng ngày cho cuộc sống của chúng ta. Cũng giống như không khí và nước, chúng ta không thể sống mà không ăn lương thực như bánh mì. Chúa Giêsu trở nên tấm bánh để Chúa có thể đến gần chúng ta, và trở thành lương thực cho cuộc sống đời thường của chúng ta. Chúng ta có thể đến với Chúa mà không cảm thấy hổ thẹn hay bối rối. Tình yêu của Chúa Giêsu Thánh Thể thật là quyền năng vĩ đãi và cũng rất đời thường giản dị biết bao!
Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể dạy ta sống và phục vụ người khác cách khiêm nhường. Nếu chúng ta sống tự cao, cho mình là trên hết mọi sự thì chúng ta một cách nào đó chưa sống tinh thần của Bí tích Thánh Thể. Nếu chúng ta sống một cuộc sống buông thả và tự cho mình là trung tâm, thì Bí tích Thánh Thể một cách nào đó chỉ là một nghi lễ xa lạ, vô nghĩa, có thể nhàm chán. Nếu chúng ta đi Thánh Lễ mà thiếu động cơ tích cực và lòng yêu mến, thì việc tham dự như vậy xem ra chỉ là sự ép buộc hay chỉ làm để vui lòng bố mẹ và người khác. Mỗi khi đón rước Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta được mời gọi trở nên những tấm bánh đơn sơ tinh tuyền đời thường. Chúng ta được thúc bách luôn mở lòng sẵn sàng và nhạy cảm với những nhu cầu và bận tâm của người khác, phục vụ họ trong tình yêu khiêm hạ của mình.
Tình Yêu Tự Hiến
Khi đón rước Mình và Máu Thánh Chúa trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta cảm nghiệm được tình yêu tự hiến của Chúa Giêsu. Joseph Martos (1991) trong cuốn sách Cánh Cửa vào Thánh Thiêng (Doors to the Sacred) đã từng khẳng định: “Việc cộng đoàn thờ phượng khi tưởng niệm cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô là lời mời gọi họ tiếp tục trải qua những điều đó trong cuộc đời của họ; đó là sự hy sinh tự hiến vì họ được kết hợp với Chúa Giêsu trong việc dâng ý chí của mình cho Thiên Chúa và sự sống của mình cho người khác” (trg. 263). Chúa Giêsu hứa trao thưởng “cuộc sống đời đời” cho tất cả những ai rước Mình và Máu Thánh Người. Nhưng chúng ta có thể có cuộc sống đời đời bằng cách nào? Phải chăng đó là khả năng tự hiến mình cho người khác như chính Chúa Giêsu đã làm trong Bí tích Thánh Thể. Đó là việc làm quan trọng và là dấu chỉ đảm bảo cho chúng ta được vào Nước Thiên Chúa. Là môn đệ của Đức Kitô, chúng ta được mời gọi “hãy từ bỏ mình và vác thập giá mình theo Chúa” (Lc 9, 22-23) để phục vụ người khác như chính Chúa Giêsu đã tự hiến mình vì tình yêu nhân loại trong cuộc Thương Khó của Ngài.
Khi nhìn các linh mục bẻ Bánh thánh trước khi rước lễ, tôi thường ấn tượng bởi suy nghĩ: bánh và rượu sẽ chẳng có giá trị gì nếu chúng chỉ được dùng để trưng bày cho mọi người nhìn ngắm. Bánh và rượu chỉ thực sự có ý nghĩa khi chúng trở thành thức ăn và đồ uống cho con người. Như vậy, bánh trở thành lương thực cho con người tức là bánh chấp nhận phải bị bẻ ra, bị nghiền nát, bị tiêu hoá và bị tan biến mất. Chúa Giêsu trở nên tấm bánh và sẵn sàng chịu chết để cho nhận loại có thể được sống dồi dào, sống viên mãn, sống đúng nhân vị và nhân phẩm của con người được Thiên Chúa dựng nên. Những gì chúng ta tuyên xưng, lắng nghe và làm trong Thánh Lễ là lời mời gọi, thử thách chúng ta thực hành trong cuộc sống hằng ngày. Mỗi người chúng ta được mời gọi trở nên “tấm bánh.” Đó là khả năng sẵn sàng chấp nhận bị bẻ ra và tan biến đi. Sống Bí tích Thánh Thể khích lệ chúng ta sống tình yêu hy sinh tự hiến, thậm chí là chấp nhận yếu kém, thua thiệt và đau khổ vì tình yêu Thiên Chúa và tha nhân.
Sống Tình Hiệp Thông
Hoa trái của việc rước lễ giúp gia tăng mối liên hệ hiệp nhất của chúng ta với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã nói: “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì ở trong Tôi và Tôi ở trong người ấy” (Ga 6, 56). Chúa Giêsu chủ ý trở nên Bánh để Chúa có thể liên hệ với chúng ta một cách thân mật. Chúa hy sinh chính mình để trở thành thịt và máu để nuôi dưỡng nhân loại. Bên cạnh đó, Thánh Thể là nguồn mạch làm nên Giáo hội. Mỗi khi rước Thánh Thể, chúng ta được kết hợp mật thiết hơn với Chúa Kitô và qua đó Chúa Kitô hiệp nhất tất cả các tín hữu với nhau trong cùng một thân thể của Người là Giáo hội. Thánh Phaolô đã khẳng định: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cor 10, 17). Mỗi khi chúng ta tham dự nghi thức Bẻ Bánh, chúng ta được hiệp nhất với Thiên Chúa và với nhau. Chúa Giêsu đã yêu thương thế gian đến nỗi hiến mạng sống mình để chúng ta được nuôi dưỡng bằng chính Mình và Máu thánh người. Chúa Giêsu luôn mời gọi chúng ta sống thân mật với Chúa. Khi còn sống, Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20). Chúa Giêsu cũng nói với đám đông là những người Do Thái rằng: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy” (Ga 6, 56). Khi thiết lập Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã giữ lời hứa với các môn đệ và toàn thể nhân loại vì Ngài muốn ở với nhân loại mãi mãi.
Sống Bí tích Thánh Thể giúp các tín hữu xa tránh tội lỗi. Chúa Giêsu đã tự hiến mình làm của ăn nuôi dưỡng linh hồn chúng ta. Chính Mình và Máu thánh Chúa đổ ra để nhiều người được sạch tội lỗi. Khi rước lễ, chúng ta được mời gọi ăn năn sám hối tội lỗi mình đã phạm. Do đó, Thánh Thể giúp thanh tẩy chúng ta khỏi tội lỗi mình đã phạm và gìn giữ chúng ta khỏi các tội lỗi sẽ phạm (GLGHCG, số 1393)
Ngoài ra, sống Bí tích Thánh Thể mời gọi mỗi người chúng ta xây dựng tình hiệp thông và các mối quan hệ hài hoà với nhau. Khi chúng ta rước Mình và Máu thánh Chúa, chúng ta đón nhận tình yêu của Thiên Chúa. Đáp lại, Chúa mời gọi chúng ta hãy chia sẻ tình yêu của Thiên Chúa cho người khác. Mỗi khi Thánh Lễ kết thúc, đó là lúc chúng ta sống hoa trái của Bí tích Thánh Thể bằng chính cách sống quảng đại, yêu thương của mình. Một cách nào đó, chúng ta hiệp dâng lên Chúa chính thánh lễ đời mình, hiệp cùng Thánh Lễ của Chúa Giêsu. Khi được chia sẻ cùng một Tấm Bánh Thánh Thể với mọi người trong Thánh Lễ, chúng ta được nhắc nhớ chia sẻ những món quà chúng ta đã đón nhận cho người khác. Chúng ta không nên rước Thánh Thể Chúa vào lòng và rồi giữ cho riêng mình. Thay vào đó, chúng ta cần chia sẻ những ơn đón nhận từ Thiên Chúa cho người khác với một tình yêu vô vị lợi như chính Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta.
Thêm vào đó, Thánh Thể tượng trưng cho sự hiệp nhất. Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi người chúng ta có thể là thành viên của một cộng đoàn nào đó, chẳng hạn như giáo họ, giáo xứ, hội đoàn, hay một dòng tu, Bí tích Thánh Thể khích lệ chúng ta biết đón nhận sự khác biệt của người khác như tuổi tác, chủng tộc, quốc gia, giới tính, trình độ học thức, ngôn ngữ hay đia vị xã hội để có thể xây dựng cộng đoàn yêu thương và sống hiệp nhất với nhau. Ngoài ra, qua mỗi Thánh Lễ và qua việc hiệp Lễ, chúng ta được trở nên Thánh Thể, thân mình Chúa Kitô. Do đó, sống hiệp thông Thánh Thể, sống khiêm nhường, yêu thương và hy sinh chính mình sẽ có một ý nghĩa hoàn toàn mới – không phải là tôi cố gắng để sống hy sinh, khiêm nhường, yêu thương và hiệp thông như Chúa Giêsu đã làm trong Bí tích Thánh Thể, mà là chính Chúa Kitô đang sống và đang làm điều đó trong và ngang qua cuộc đời tôi, giống như tâm tình của Thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20).
Lời kết
Việc rước Thánh Thể giúp chúng ta ý thức rằng những gì xảy ra với bánh và rượu cũng có thể xảy ra với chính chúng ta. Với con mắt đức tin, bánh và rượu sau khi truyền phép trở nên Mình và Máu thánh Chúa Giêsu. Khi rước Chúa Giêsu vào lòng, bề ngoài, chúng ta có thể trông vẫn như trước, nhưng bên trong chúng ta cần có sự thay đổi hoàn toàn. Theo Giáo luật của Giáo Hội Công Giáo, Bí tích là do chính Đức Kitô thiết lập và uỷ thác cho Giáo Hội. Bí tích là “những dấu chỉ và phương thế biểu lộ và củng cố đức tin, cử hành việc thờ phượng Thiên Chúa và thực hiện việc thánh hoá loài người, vì thế các bí tích góp phần rất nhiều vào việc xây dựng, củng cố và biểu lộ sự hiệp thông của Giáo Hội” (K. 840). Bí tích cần có những dấu chỉ và hiệu quả tích cực trong cuộc sống hằng ngày. Do đó, mỗi khi chúng ta cử hành các bí tích, chúng ta nên có một sự thay đổi tích cực trong cuộc sống của mình. Khi chúng ta cảm nghiệm được tình yêu tự hiến, tình yêu khiêm nhường và tình hiệp nhất của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta được mời gọi sống có trách nhiệm và dấn thân hơn, yêu mến Thiên Chúa và tha nhân hơn như chính Chúa Giêsu đã yêu mến chúng ta trong Bí tích Thánh Thể.
Nữ tu Maria Lê Kim Yến, Dòng MTG Hà Nội