Tại Sao Theo Đạo Công Giáo?
Lời Giới Thiệu
Đã từ lâu, Cơ Sở Truyền Thông Dân Chúa nói chung, và Ủy Ban Giáo lý Dân Chúa nói riêng hằng băn khoăn phải nghiên cứu và biên soạn thế nào để có một cuốn Giáo Lý (Giáo Lý Tân Tòng) vừa ngắn gọn lại vừa súc tích và không khô khan, dễ hiểu, có thể dùng cho những người muốn tìm hiểu Đạo Chúa và Giáo Lý Công Giáo.
Trước đây một năm, Ủy Ban Giáo Lý Dân Chúa đã hoàn tất một cuốn Giáo Lý Tân Tòng với tựa đề : “Cuộc hành trình đến với Thiên Chúa” dầy gần 300 trang. Sách biên soạn rất công phu và trình bày với một phương pháp mới mẻ. Khi đọc lại, chúng tôi nhận thấy cuốn sách rất có giá trị nhưng nếu dùng để giúp cho Tân Tòng thì có lẽ chưa hội được những tiêu chuẩn “ngắn, gọn, dễ hiểu” cần thiết như một bước đầu giúp người có thiện chí muốn tìm hiểu Đạo Chúa. Vì lý do đó, cuốn sách nói trên đây đã chưa tới tay quý Bạn.
Hôm nay, chúng tôi muốn gởi tới tay quý Bạn cuốn : “Tại sao theo Đạo Chúa”. Cuốn sách viết dưới một hình thức “tâm tình”, tác giả muốn cùng với Bạn giải đáp một vài “vấn nạn” như những băn khoăn khắc khoải của cuộc đời về vấn đề tôn giáo mà có lẽ đã hơn một lần “những khắc khoải” ấy đã đến trong tâm tư và trong cuộc đời của Bạn.
Mong đọc xong những trang sách ngắn gọn này, Bạn sẽ thêm hứng khởi, xông pha vào con đường tìm kiếm cho chính Bạn con đường “chính lộ” để làm kim chỉ nam cho cuộc đời của Bạn.
New Orleans, đầu xuân Kỷ Tỵ 1989
Lm. Việt Châu, SSS
Vào đề
Gửi tới những bạn bè tôi chưa biết tên, chưa từng quen thuộc. Đây là những tâm tư đơn sơ nhất, phát xuất từ cõi lòng chân thành nhất của một tâm hồn. Đây cũng là một trao đổi, một đối thoại, một chia sẻ giữa người với người.
Bạn đừng bảo những trang giấy này là những bài truyền đạo. Nhưng hãy coi như một cuộc tâm sự của những bạn bè thâm giao, muốn nói cho nhau một câu chuyện tế nhị sâu thẳm nhất của đời người. Đã coi nhau như bạn bè, mình chẳng nên lặng thinh, một khi nghe lương tâm và trí lòng thôi thúc. Tôi muốn đề cập đến chuyện “TÔN GIÁO” đó bạn ạ.
Thật ra thì ngại lắm, khó lắm.
Biết mình chẳng là một nhà hùng biện, mà cũng chẳng là một cây bút sâu sắc, nên tôi chỉ mong được nói bằng những từ ngữ giản dị mộc mạc nhất. Tôi đã tin vào Đạo. Đã để hình ảnh một Thiên Chúa ngự trị trong đời mình. Đã sung sướng và hãnh diện vì niềm tin đó. Nhưng tôi chẳng muốn khư khư ôm chặt nguồn hạnh phúc đó cho một mình mình.
Thế là tôi quyết định lên tiếng để san sẻ, thông chia. Không nhất thiết là bạn phải đồng ý và đi theo con đường tôi đang đi, nhưng ít ra mong bạn cùng hiểu với tôi theo Đạo Chúa là gì. Hiểu nhau rồi, cảm thông rồi, chúng mình sẽ tránh được những ngộ nhận đáng tiếc.
Đôi khi, có lẽ tại quá xác tín về tôn giáo của mình, tôi bỡ ngỡ tự hỏi tại sao còn nhiều người chưa một lần đề cập đến chuyện tin thờ Thiên Chúa. Cố tìm ra một giải đáp, tôi đã đôi lần thầm nghĩ: Có lẽ có những bạn tháng năm phải vật lộn với kế sinh nhai, vật chất và tiền bạc trở nên như những yếu tố cốt yếu của đời sống, để rồi chuyện thần thiêng vô hình không còn chỗ đứng trong tâm tư họ. Có lẽ cũng có những bạn muốn giữ thật kỹ cái nề nếp Á Đông và khuôn khổ gia đình, tổ tiên, không muốn đi khác con đường cha ông xưa đã đi.
Mà cũng có những bạn chủ trương “Đạo nào cũng tốt”, Đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành, mà quên rằng tôn giáo có phần cao hơn và khác biệt với luân lý suông. Cũng có thể có những bạn nhìn vào một số giáo hữu Thiên Chúa Giáo không mấy gương mẫu và tử tế, kể cả một số chức sắc lãnh đạo, rồi đâm ra có ác cảm với chính tôn giáo của họ.
Và nữa, một số khá đông nghĩ rằng theo Đạo là phải gò bó vào những luật lệ, phép tắc, hôm nay phải giữ điều này, ngày mai phải thi hành điều nọ. Chi bằng cứ để dành đó, đợi tới khi đời xế bóng, bớt bận rộn hơn, mình sẽ tính đến chuyện đạo nghĩa, tôn giáo, cũng chưa muộn ! Giống như thái độ của nhà thơ nào đó tâm sự:
Chơi xuân kẻo nữa xuân đi,
Cái già sống sộc nó thì theo sau!
Tất cả những biện luận trên đây đều có cái lý của nó. Nhưng trên đời nào ai dám bảo đảm cái lý nào cũng đúng, cũng phải đâu!
Theo Đạo đâu có nghĩa là mình sẽ chẳng còn đủ thời giờ để lo kế sinh nhai cho gia đình. Theo Đạo đâu phải là theo bừa theo bãi, không cần nghiêm chỉnh tìm hiểu cân nhắc.
Theo Đạo cũng đâu phải thờ kính người cùng Đạo, nhưng là thờ kính Đấng là cội nguồn của nhân loại, của tôn giáo. Mà theo Đạo cũng chẳng đòi buộc ta phải nhất thiết trở thành những vị khổ tu đêm ngày hãm mình ép xác hay thường xuyên ăn chay đánh tội.
Trái lại, ĐẠO là đường, là ánh sáng, là nguồn vui. Có ĐẠO, ta hiểu vị trí của mình giữa càn khôn thế giới, ta biết mình hơn, nhìn đời bằng cặp mắt khách quan hơn, cũng như thấy rõ hơn cái lý do đòi mình luôn phải hiên ngang trong khiêm tốn. Đó là đường dẫn về hạnh phúc. Hạnh phúc ngay từ trần gian này.
Và dĩ nhiên, ĐẠO sẽ đưa ta tới cõi phúc mai sau dài lâu. Cầu chúc bạn tìm được Đạo để cuộc sống thêm ý nghĩa và đời bạn thêm hương sắc của Đạo, hầu Hạnh Phúc sẽ là phần thưởng của bạn.
Thân ái,
Lm. Nguyễn văn Thư
Nhân loại kiếm tìm
Đọc lại lịch sử loài người, ta phải công nhận rằng nhân loại luôn thao thức kiếm tìm một cái gì khả dĩ giải đáp được ý nghĩa cuộc sống. Tìm kiếm về cái nguyên thủy cũng như cánh chung của đời người.
Tại sao ta hiện diện trên trần gian? Bằng cách nào? Và rồi ta sẽ đi về đâu sau cái chết? Bao nhiêu bí mật, bao nhiêu huyền nhiệm bao trùm tâm trí. Và thế giới triết học cũng bởi thế phát sinh và triển nở ngay từ khởi thủy của nhân loại.
Người ta nhất định phải khám phá ra cho bằng được một cái nguyên tố siêu hình nào đó, đã hiện diện, đang vượt lên trên vạn vật và mãi mãi chi phối mọi biến chuyển của vũ trụ.
Tất nhiên, con người không chịu thỏa mãn với những hiểu biết thuộc về triết lý, nhưng còn đòi vươn lên, đòi hướng về một cái gì linh thiêng cao cả hơn, dẫu cho trí óc họ không khi nào thấu hiểu được. Để rồi, cái Siêu việt, cái Nhiệm mầu ấy đêm ngày ám ảnh lôi cuốn, gọi mời.
Đó là dấu vết của TÔN GIÁO. Nó nằm sâu trong tâm khảm mỗi cá nhân. Tiềm ẩn nhưng bền chặt, vững vàng. Để rồi, người ta đã thấy quả không ngoa khi bảo rằng Tôn giáo cần cho loài người như mặt trời cần cho cây cỏ lá hoa.
Qua nhiều thế hệ, người ta thường tranh luận về đề tài “con gà có trước hay cái trứng có trước”. Biện luận nào xem chừng cũng có lý của nó. Nhưng rồi, dẫu cho trứng hay gà có trước, ai ai cũng phải nghiêm chỉnh mà chân nhận rằng cần có một bàn tay cao siêu nào đó tạo dựng nên trứng hay gà từ thuở đầu tiên.
Gần đây, người ta đua nhau đi học hỏi về thuyết tiến hóa. Họ dựa vào những chứng minh khoa học cho thấy các sinh vật, và cả con người nữa, xuất hiện trên mặt đất này đã từng cả triệu năm. Tất cả biến thay qua nhiều thế hệ.
Thế là họ lớn tiếng đả phá tôn giáo và kết án cái ý tưởng “tạo dựng từ bàn tay Thượng Đế”. Họ làm như thể các sinh vật đã phát sinh từ những hạt bụi vô tri giác bay lượn trong vũ trụ cũng tình cờ mà hiện hữu!
Thật ra, dẫu có muốn tin rằng tất cả đã đến từ những hạt bụi nhiệm mầu đó, người ta cũng phải hỏi cho ra làm sao có được những mầm sống mầu nhiệm ẩn tàng nơi hạt bụi. Trả lời “Tự nhiên mà có” thì khác nào không tìm được câu trả lời!
Thế là dẫu “hồ hởi” với giả thuyết “tiệm tiến đổi thay và phát triển” này cách mấy đi nữa, người ta cũng vẫn phải hiểu ngầm có một THƯỢNG TRÍ cao siêu nào đó, đã có trước và ở trên vạn vật.
Người vô thần, khi lần đầu phóng phi thuyền lên không gian, đã huênh hoang tuyên bố rằng dù đã lên tới chín tầng trời cũng chẳng gặp được bóng dáng Thượng Đế nào, nhưng quả thật họ đã để lộ cái chủ quan, ngu dốt của mình khi phải đề cập tới một Đấng Tạo Hóa siêu việt vô hình. Thượng Đế nào chỉ ngồi trên mấy tầng mây hay bơi lội trên đại dương ngàn dặm! Nhưng Thượng Đế nắm toàn thể vũ trụ trong lòng bàn tay.
Họ tố cáo tôn giáo là như thuốc phiện mê dân, nhưng rồi chính họ đã mê hoặc dân chúng khi đưa ra cái lý tưởng thiên đàng cộng sản huyền hoặc xa vời. Thế là, thiếu tôn giáo, tất cả cuộc sống nhân loại như đi vào con lộ một chiều để dẫn vào chỗ bế tắc, cùng đường.
Tôn giáo, với ý niệm về một Đấng thiêng liêng cao cả, sẽ cho ta khả năng giải quyết được vô vàn thắc mắc. Sẽ giúp ta hiểu được nhiệm mầu diễn tiến hằng ngày trước mắt ta: Từ những diệu kỳ của trí óc, của con tim. Của những cảm xúc vui buồn yêu ghét. Của những động tác tinh vi nơi các bộ phận của cơ thể con người. Của những phản ứng lạ lùng do bản năng bẩm sinh nơi loài vật.
Tư tưởng về tôn giáo thường xâm chiếm hồn ta khi ngỡ ngàng trước cảnh núi đồi hùng vĩ hay sông hồ đại dương bát ngát. Tôn giáo cũng thôi thúc ta hướng lên một Vị Thiêng liêng cao cả khi ta ngồi nhìn hoàng hôn lúc chiều tà hay ngắm trăng lên giữa đêm khuya. Bởi vì khi ngây ngất trước những vẻ đẹp kỳ diệu đó của thiên nhiên, tâm tư ta thường hay tự hỏi: Đâu là nhà nghệ sĩ, nhà kiến trúc đại tài đến thế?
Rồi nữa, Thượng Đế cũng hiện diện trong hồn ta qua những phán quyết và cảm nghĩ của lương tâm. Những nẽo đi thầm kín đâu đó dẫn ta về một nền luân lý ẩn hiện và réo gọi đêm ngày. Này Trách nhiệm. Này Tự do. Mỗi ý niệm khơi lên bóng dáng của một HỒN THIÊNG tiềm tàng lúc nào cũng móc nối tương giao với một Đấng Thượng Đế Chí Tôn.
Ta ở đâu tới? Rồi ta sẽ về đâu? Từng câu hỏi mãi dằn vặt tâm tư cùng với cái ý nghĩ của một nền công lý tuyệt hảo, của chuyện thưởng phạt phân minh tối hậu. Lẽ nào chết lại là hết, là chấm dứt mọi sự! Và, bắt buộc phải có một chân lý đang chờ đợi cuối đường.
Những cố gắng giải đáp
Chẳng ai chối cãi sự kiện TÔN GIÁO đã hiện diện với nhân loại từ thuở ban sơ.
Dĩ nhiên, lịch sử cho thấy đa số dân “bán khai” đều tôn thờ ngẫu thần. Lý do thật dễ hiểu: Qua những chặng đường phiêu bạt giang hồ lo sinh kế, sau những tháng năm dài đương đầu với thú dữ cũng như trăm ngàn hiểm nguy khác, họ cố gắng tìm về những nguồn trợ lực huyền bí mơ hồ mà, với khối óc còn hoang sơ đơn giản, họ coi như thần thánh quyền uy.
Tâm trí họ luôn hướng về một tiềm lực cao cả nào đó từ trên cao đang ảnh hưởng và chi phối cuộc sống mình. Để rồi đi tìm kiếm bằng tất cả khả năng hiểu biết đang có. Tất cả chỉ là tự nhiên, trong khuôn khổ nhân loại hạn hẹp. Thế là kể cả với những xã hội được coi như đã khá văn minh, tỉ như Ai Cập, Hy Lạp và La Mã, người ta cũng chỉ gặp được một hệ thống tôn giáo đa thần.
Đó đây đều có bóng dáng của thần núi, thần sông, thần mặt trời, thần mặt trăng v.v… Và rồi, có cúng bái, cầu khẩn, riêng tư cũng như công cộng.
Nhiều dân tộc, không khác dân Việt là bao, còn quan niệm hồn thiêng của tổ tông ông bà cũng có thần lực khả dĩ hộ phù được cho đoàn con lũ cháu. Và rồi ngay cả những vị anh hùng dân tộc chết rồi cũng có sức linh thiêng giáng phúc cho người trần.
Bên Trung Quốc được thấm nhuần tư tưởng Khổng Mạnh, đã có một ý niệm tổng quát mù mờ về “Ông Trời”, mặc dù Khổng giáo không bao giờ muốn khai triển thêm về tư tưởng này, bởi người ta chỉ chú trọng đến cuộc sống xã hội nhân bản. (Lão giáo cũng có một quan niệm tương tự về ĐẠO như một nguyên tố tuyệt đối tối hậu). Khi phải giải đáp cho những thắc mắc về nguồn gốc vũ trụ và nhân sinh, họ cũng chỉ nói xa vời về 2 yếu tố Âm – Dương kết tinh tạo nên sự hiện hữu vạn vật, như một câu trả lời tối thiểu, bắt buộc phải có cho một học thuyết.
Nơi xứ Ấn Độ huyền bí, từ gốc rễ đạo Bà-la-môn phiếm thần cho đến Ấn giáo ngự trị nơi hầu hết các gia đình ngày nay, người ta thấy cả một hệ thống đạo giáo phức tạp khó hiểu: Vừa có một vị Brahman tối cao mà lại vừa có cả trăm triệu vị thần khác. Thế giới luôn nhìn vào dân Ấn Độ như một dân tộc đầy tôn giáo tính: lúc nào người ta cũng muốn tìm kết hợp với Đấng tối cao và kiếm con đường giải thoát bằng cuộc sống khắc khổ, chay tịnh và an hòa. Tuy nhiên giáo thuyết Ấn giáo, qua cái nhìn khách quan của người bên ngoài, luôn mang đặc tính mù mờ, tối tăm, khó chấp nhận và nhiều khi bao gồm rất nhiều mâu thuẫn, không cắt nghĩa được.
Cũng từ trong môi trường đó, Phật giáo đã phát sinh và khai triển con đường giải thoát khỏi vòng luân hồi nghiệp chướng, bằng phương thức diệt dục và tìm về Niết Bàn. Cũng giống như Khổng Tử, Phật Thích Ca luôn nhấn mạnh đến cuộc sống thực tế hôm nay, nhưng rồi ở mặt khác, cũng phải lo chuẩn bị cho cuộc tự giải thoát mai sau. Tuyệt nhiên, Ngài không muốn đề cập tới nguyên thủy vạn vật. Người ta nghĩ về Phật giáo như một giáo thuyết nhân bản luân lý, đặt nền tảng trên sự giác ngộ bản thân nhiều hơn là xây dựng mối tương giao với một Đấng Thượng Đế bên ngoài nào khác. Do đó, một số đã ngần ngại khi phải xếp loại học thuyết nhà Phật vào số những học thuyết tôn giáo.
Người dân Việt, ngoài tư tưởng Khổng Mạnh, còn được nhiều ít thấm nhuần tư tưởng nhà Phật qua bao thế kỷ. Phật giáo thật đáng mến khi đem lại những kêu mời về từ bi hỷ xả, tạo nên những vị cao tăng thiền sư đức độ cao vời, cũng như nhắc bảo ta về những giá trị tương đối và mau qua của trần đời, nhưng phần nào Phật giáo đã thiếu sót khi không đưa ta đến cuối con đường tìm hiểu về nguyên thủy và cánh chung, thiếu sót khi chủ trương không chấp nhận những chân lý khách quan (tất cả là vô thường, sắc sắc không không), và khi bản thân ta là vô ngã, không có cái chi là bản thể riêng tư. Mà cũng vì không nhận cái bản thể ngã biệt này mà người ta sẽ lúng túng khi phải giải thích về câu chuyện luân hồi: Ai luân hồi, ai trách nhiệm cho ai?
Cũng ở Việt Nam, còn có 2 tổ chức lớn khác lôi cuốn được niềm tin của quần chúng, đó là: Đạo Hòa Hảo và đạo Cao Đài. Hòa Hảo thì chỉ là một phong trào Phật giáo canh tân. Còn Cao Đài thì cố gắng tổng hợp giáo thuyết của nhiều đạo khác nhau; tuy có mang được sắc thái hòa đồng sung mãn, nhưng xem ra không khách quan và mạnh đủ về mặt giáo lý khi phải trình bày cho người ngoài cuộc. Rõ ràng là thiếu đặc tính nguyên thủy.
Trên đây chỉ nhắc qua những giáo thuyết ta thường nghe nói tới, những giáo thuyết từ căn bản không muốn chấp nhận một Thượng Đế tuyệt đối duy nhất và như một Vị Tạo Hóa toàn năng, luôn trực tiếp chi phối cuộc sống con người.
Đó đây trên toàn thế giới, ngay cả hôm nay, cũng còn nhiều hình thức tôn giáo phiếm thần hoặc đa thần khác nhau. Ngoại trừ một số đang vô tình hay hữu ý chủ trương vô thần, nhân loại hầu hết đều mang một ý thức tôn giáo trong tâm tư.
Để tiếp theo con đường đổi trao và đối thoại, ở chương sau, chúng ta sẽ đề cập đến lập trường chủ trương chân nhận và tin thờ một Thiên Chúa.
Thiên Chúa Giáo
Mấy chữ “Thiên Chúa Giáo” tự nó đã nói lên mối tương quan giữa nhân loại với một Vị Thượng Đế tối cao, Đấng được tin là toàn năng đã làm nên mọi sự. Thiên Chúa Giáo cũng được hiểu ngầm là một Đạo được mạc khải: Được chỉ vẽ bởi chính Đấng tối cao đó, thay vì đạt được nhờ đi tìm tòi suy luận bằng trí óc con người.
Cụ thể là các tín điều đã được chỉ dạy nơi sách Thánh Kinh, những sách được viết bởi người trần, nhưng qua sự linh ứng của Thiên Chúa. Tín điều căn bản hàng đầu là chỉ có một Thiên Chúa duy nhất làm chủ toàn thể vũ trụ; và theo Thánh Kinh, Ngài diễn tả mình là Đấng Tự Hữu (Ego sum qui sum).
Ngài đã tạo dựng nên muôn loài muôn vật từ hư vô, có thể qua một tiến trình tiệm tiến lâu dài. Ngài đã dựng nên các thiên sứ thiêng liêng vô hình, và giữa chim muông cầm thú, đã dựng nên loài người có hồn và xác.
Chẳng may vì Ông Bà Nguyên Tổ đã phạm tội bất tuân lệnh Chúa, nên Ngài ra án phạt nặng nề kéo theo nhiều hậu quả tai hại khôn lường. Nhưng vì thương, Ngài đã hứa sẽ sai Đấng Cứu Chuộc để cứu vớt con người.
Đồng thời Ngài cũng chuẩn bị đường cứu độ bằng cách tuyển lựa dân tộc Do Thái như dân riêng để duy trì niềm tin chân chính. Ngài đã ban giới luật, đã dùng các án quan vua chúa hướng dẫn cũng như dùng các Sứ Ngôn để dạy dỗ chuẩn bị tâm hồn dân chúng.
Chẳng may, quá hợm hĩnh, kiêu căng với tôn giáo riêng của mình (Do Thái giáo = Jusdaism), họ đã đi lạc con đường Thiên Chúa mong muốn. Họ đã nhiều lần bất trung phản bội với chính Thiên Chúa. Tệ hại hơn cả là khi chính Chúa sai Con Ngài xuống trần gian để đem lại nguồn cứu độ, dân Do Thái chẳng những đã không muốn đón nhận mà lại ra tay giết đi.
Thực ra, vì là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô, khi xuống trần, đã mượn thân xác hữu hình như mọi người, để dạy dỗ và làm gương cho chúng ta, nên sau khi thọ hình, Ngài đã phục sinh vinh hiển. Đức Kitô đến chẳng những để cứu thế mà còn để bổ túc tất cả những gì thiếu sót trong Lề Luật Đạo cũ, thời Cựu Ước.
Những giáo huấn của Ngài và các Tông Đồ đã được gom lại thành Thánh Kinh Tân Ước, như để hoàn tất mọi điều mạc khải của Thiên Chúa cho nhân loại. Ngài chịu khổ đau và chịu chết để dạy loài người về ý nghĩa của đau khổ và cái chết. Ngài sống lại để chứng minh Ngài đã chiến thắng tất cả và bảo đảm cho ta sẽ được sống mãi với Ngài, nếu thực tâm muốn đi theo Ngài.
Ngài đã lập nên Giáo Hội để hướng dẫn và thánh hóa chúng ta, bằng nhiều phương thức khác nhau, đặc biệt bằng ơn sủng qua việc lãnh nhận các nhiệm tích; có các vị Tông Đồ cũng như các đấng kế vị thay mặt Ngài coi sóc đời sống thiêng liêng của tín hữu.
Thế là thay vì giữ dân Do Thái làm dân riêng, Đức Kitô đã mời gọi các người tin theo Ngài trở thành dân mới của Thiên Chúa, và người ta bắt đầu nói đến KITÔ GIÁO từ đó, dẫu rằng Kitô giáo luôn nằm trong khuôn khổ Đạo Thiên Chúa.
Ở đây, người ta được biết nhiều hơn về chính Thiên Chúa (như Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi), cũng như về cuộc sống và ý nghĩa đời người, nhất là biết rõ những phương thức chính đáng để sống và chuẩn bị cho cuộc đời vĩnh cửu mai sau.
Khoảng 6 thế kỷ sau khi Đức Kitô xuống thế, bên miền Trung Đông có một người tên là Ma-hô-mét tự xưng là phát ngôn nhân chính thức và cuối cùng của Thượng Đế (ông gọi là đấng Allah), để rồi lập ra Hồi Giáo (Islamism). Ma-hô-mét viết ra tập sách Coran như tóm gồm mọi giáo thuyết của ông. Trong sách này có nhiều điểm tương đồng với sách Cựu Ước của thời dân Do Thái, nhưng lại có vô số quan niệm và điều thực hành khác biệt trong đời sống.
Hồi Giáo đã có cơ hội phát triển mau lẹ và mạnh mẽ đi các nơi, nhất là trong “thế giới” Ảrập. Không may, Hồi Giáo đã có nhiều va chạm và thường rất ác cảm với Kitô Giáo cũng như Do Thái Giáo.
Tiếp đến thế kỷ 10, một biến cố khác đáng buồn là ngay trong nội bộ Kitô Giáo, một nhóm bên Đông Âu tự tách ra lập thành Giáo Hội Đông Phương (tự gọi là Chính Thống Giáo). Họ không muốn tuân phục quyền phổ quát của Giáo Chủ Kitô Giáo ở La Mã nữa, đồng thời tạo nên một số nghi thức mới riêng biệt. Từ đó, Kitô Giáo nguyên thủy thường được gọi là Công Giáo La Mã để phân biệt với giáo phái mới kia. Rồi đau thương hơn nữa, tới thế kỷ 16, từ bên Châu Âu, ông Luther cùng với một số đồng bạn đã khởi xướng thuyết Cải Cách để lập thành Giáo Hội Tin Lành (gốc gọi là Thệ Phản), dần dần với nhiều nhóm nhỏ với những giáo thuyết khác biệt ở nhiều nơi. Đa số đều chỉ nhận Đức Tin làm căn bản và chỉ muốn dựa hoàn toàn vào Sách Thánh, thay vì còn phải vâng phục vào phán quyết của Giáo Quyền.
Thế là, cùng thuộc Kitô Giáo, cùng là Thiên Chúa Giáo, người ta đã xé tấm áo nguyên thủy ra thành nhiều mảnh. Ở chương sau, chúng ta sẽ thảo luận về Giáo Hội nguyên thủy này.
Giáo Hội Công Giáo
Người ta phải gọi Giáo Hội nguyên thủy của Chúa Kitô là CÔNG GIÁO để phân biệt khỏi những giáo phái tân lập. (Dĩ nhiên khi lập ra một giáo phái mới, các vị cải cách luôn bảo giáo phái mình mới là nguyên thủy, là chân chính).
Đương nhiên, Giáo Hội Công Giáo đã liên tục bị chỉ trích phê bình qua lịch sử, dù là với những sai lầm được ngụy tạo hay vô tình Giáo Hội đã thực sự vấp phải nơi một số cá nhân hay đoàn thể.
Khi không muốn chấp nhận những giới luật xem ra khó khăn, họ nhân danh tự do dân chủ để tố cáo Công Giáo là cổ hủ, là độc tài.
Nhưng một số đã quên rằng Giáo Hội không là một tổ chức chính trị trần đời, mà mọi quyền bính và luật lệ đều do từ trên và được ơn trên hướng dẫn.
Người ta lập ra nhiều giáo phái khác chỉ vì muốn được hoàn toàn tự do hành Đạo theo ý riêng của mình. Dĩ nhiên, đời nào cũng có một số người tin theo vì thấy đáp ứng được sở thích của họ.
Nơi Đạo Công Giáo, điểm nổi bật hơn cả là thủy chung vẫn được giữ nguyên vẹn mọi giáo huấn của các Tông Đồ tiên khởi của Đức Kitô. Giáo Hội vẫn tuân phục quyền bính những Đấng kế vị các ngài, đặc biệt Đức Giáo Hoàng La Mã thay mặt chính Đức Kitô.
Đọc các sách Phúc Âm kể về cuộc sống và giáo lý của Ngài, ta sẽ thấy chính Ngài đã công khai lập nên một Giáo Hội và cắt cử Phêrô là ĐẦU tiên khởi.
Đức Kitô đã ban cho Phêrô và các kẻ kế vị ông được nhiều quyền hạn lớn lao để dạy dỗ, cai trị và thánh hóa người đời.
Do đó Giáo Hội cần có một số những điều lệ và giới răn giúp tín hữu chu toàn nhiệm vụ kính Chúa yêu người.
Việc phụng tự cũng cần có những lễ nghi và kinh bổn riêng, nhất là phụng vụ Thánh Lễ Misa như trung tâm điểm.
Nơi trí lòng, các tín hữu phải tin thờ một Thiên Chúa Ba Ngôi. Phải nhận Đức Kitô là vị cứu thế duy nhất, nhập thể làm người từ cung lòng Trinh Nữ Maria. Phải tin có thưởng phạt đời sau và 2 kiếp sống Thiên Đàng, Hỏa Ngục khác biệt. Phải tôn kính các vị thánh và biết cầu xin để được các ngài bầu cử cho trước nhan Thiên Chúa.
Trong cuộc sống đạo hàng ngày và qua suốt chặng đường dài từ nhỏ tới khi về già, các tín hữu phải nhận các Nhiệm Tích chính Đức Kitô thiết lập để được tăng triển thêm Ơn Thánh bên trong tâm hồn.
Lúc còn là hài nhi, người ta chịu phép Rửa Tội để được khỏi tội Nguyên Tổ (lưu truyền hậu thế) và chính thức nhập đoàn với Dân mới của Chúa.
Rồi khi đủ trí khôn thì lãnh phép Thêm Sức để được vững mạnh trong niềm tin nhờ ơn Chúa Thánh Linh.
Đồng thời họ chuẩn bị để biết tới xưng thú tội mình với các vị đại diện của Chúa là Linh Mục mỗi khi có lỗi lầm đáng kể nơi lương tâm : Đây là Nhiệm Tích Hòa Giải.
Khi tâm tư được thanh sạch, họ được khích lệ tới thánh đường lãnh nhận Nhiệm Tích Thánh Thể như đồ ăn thiêng liêng cho linh hồn, thường được cử hành trong các Thánh Lễ Misa.
Khi trưởng thành và sẵn sàng sống đời lứa đôi, họ lãnh nhận nhiệm tích Hôn Phối để được thêm ân sủng đặc biệt giúp thương mến và trung thành với nhau bền lâu.
Lúc yếu đau, họ mời Linh Mục tới ban Nhiệm Tích Xức Dầu Thánh để mạnh mẽ và bền đỗ tới cùng trong niềm tin.
Riêng với một số người được ơn gọi đặc biệt làm tông đồ, họ lãnh nhận Nhiệm Tích Thánh Chức để được năng quyền thay mặt Chúa thánh hóa người đời.
Người Công Giáo hãnh diện vì nghĩ mình thuộc Giáo Hội thực sự được thiết lập bởi chính Thiên Chúa: Có đủ đặc tính DUY NHẤT, THÁNH THIỆN, PHỔ QUÁT và TÔNG TRUYỀN (do chính các Thánh Tông Đồ truyền lại).
Họ gặp được nơi giáo huấn của Đạo những điểm thích đáng phù hợp nhất với lý trí và lương tâm.
Họ biết ở các Đạo khác cũng có nhiều điểm rất tốt, xây dựng, nhưng chĩ nơi Giáo Hội Công Giáo mới có đầy đủ những yếu tố của một ĐẠO CHÂN THẬT.
Họ sung sướng khi có đầy đủ lý do để thờ kính và yêu mến Thiên Chúa và, nhân danh Ngài, yêu mến và phục vụ tha nhân.
Đời sống cầu nguyện và các ân sủng hàng ngày giúp họ thường xuyên liên hệ với Chúa, khiến họ luôn được an bình trong tâm trí.
Họ hạnh phúc ở mỗi phút giây và coi cuộc sống trần gian như một chuẩn bị dài lâu và thoải mái cho cuộc sống vĩnh cửu mai hậu.
Làm gì?
Sau khi đã nhìn ra tôn giáo là cần, là chính đáng cho đời người, bạn lại được nghe về những hình thức tôn giáo khác nhau qua lịch sử nhân loại.
Bởi chân lý thì chỉ có một, nên ta phải lấy tất cả lương tri để nhận định ra đâu là nẻo ngõ đúng đắn nhất của tôn giáo.
Do đó, bạn đã được dẫn tới để gặp gỡ Giáo Hội Công Giáo qua vài nét chấm phá căn bản tổng quát nhất.
Mong sao bạn đã phần nào nhận ra rằng Đạo Công Giáo đã thật sự đưa ra những giải đáp thiết thực nhất cho những thắc mắc khắc khoải của tâm trí con người, về mối tương quan với Thượng Đế, về ý nghĩa đời người cũng như những bổn phận thông thường của từng cá nhân.
Để rồi, khi không muốn “ba phải” tuyên bố Đạo nào cũng đúng và cũng tốt ngang nhau, bạn sẽ dứt khoát tìm đến một lập trường cho chính mình.
Đừng nhát đảm lo sợ theo Đạo sẽ phải vất vả khổ cực. Hãy biết rằng những người Công Giáo chân chính có thể chứng minh cho bạn về một cuộc sống an bình hạnh phúc họ đang được hưởng, dẫu cho hàng ngày họ phải trực diện nhiều khó khăn thử thách.
Bạn cũng không phải sợ sẽ bỏ ông bà tổ tiên. Đạo Công Giáo sẽ tạo cơ hội để bạn bày tỏ lòng tôn kính biết ơn tối đa với các Ngài.
Có thể bạn không phấn khởi đặt vấn đề theo Đạo Chúa chỉ vì gia đình bà con cản trở hay chê bai đàm tiếu. Nhưng liên hệ nào trọng đại bằng liên hệ với Đấng Toàn Năng đang thực sự điều khiển đời bạn?
Tốt hơn hết, trong mọi hoàn cảnh, khi chợt thấy mình lưu tâm đến việc tìm hiểu Đạo Chúa, bạn hãy thành khẩn và khiêm tốn cầu nguyện xin chính Thiên Chúa soi dẫn trí lòng cho bạn.
Mấy trang giấy đơn giản này, cũng như một câu chuyện hoặc một cơ hội trao đổi tình cờ nào đó, có thể gieo vào tâm tư bạn đôi ý nghĩ sơ khởi về con đường theo Chúa, vẫn được coi như một dịp bạn nghe tiếng Ngài mời gọi.
Để rồi, Đức Tin phải là một lời đáp từ bạn. Nó thành hình sau khi được ân sủng thúc đẩy bên trong tâm hồn, và kết tinh như một món quà thiêng liêng vô giá.
Bạn đã biết tranh luận bàn cãi chẳng bao giờ đem lại cho ta Đức Tin. Nhưng nếu Ơn Thánh của Chúa tác động đưa đến cho bạn Đức Tin, bạn phải hiểu đó như một phép lạ Ngài dành cho bạn, y như những phép lạ vô hình cũng như hữu hình khác Ngài đã và đang dành cho biết bao nhiêu tâm hồn khác trên trần gian.
Nếu thuận tiện, bạn hãy tìm đến một Linh Mục, một Tu Sĩ hay một Tín Hữu có khả năng giúp bạn tìm hiểu thêm về Đạo Chúa.
Vô số thắc mắc còn đang chờ đợi trong đầu óc bạn. Đức Tin cần được hướng dẫn để triển nở theo thời gian.
Có thể có những lúc bạn thấy thất vọng chán nản. Nhưng con đường Đức Tin vẫn luôn là chông gai thử thách. Bạn có thể gặp nhiều gương xấu nơi một số tín hữu. Bạn cũng có thể không hài lòng khi lấy hết tin tưởng khẩn xin để được một chuyện gì mà rồi không được. Con đường nhiệm mầu của Chúa cần được bạn chấp nhận và học hỏi dài lâu.
Điều quan trọng là bạn phải xác tín rằng Ngài luôn yêu thương chăm sóc cho đời bạn.
Ngôi Hai Thiên Chúa đã chọn thập giá và cái chết để cứu chuộc bạn, bạn cũng cần học hỏi nhiều với Ngài về ý nghĩa của thập giá, hy sinh.
Hãy nhẫn nại kiên trì để tìm ra Thánh Ý của Ngài cho bản thân và cuộc sống bạn.
Đức Tin Đạo Chúa am hợp với lý trí con người, nhưng không có nghĩa là bạn sẽ thấu hiểu được mọi chi tiết của giáo lý.
Chỉ nguyên cái mầu nhiệm Chúa yêu thương trần đời quá mức như thế cũng đủ để bạn phải băn khoăn thao thức cho tới cuối đời.
Thế là phải biết khiêm tốn chấp nhận và lắng nghe.
Phải biết hãnh diện vì mình được gọi mời để thông chia nguồn sống linh thiêng cao cả.
Cố làm sao đừng để những tham vọng và lắng lo trần tục làm cản trở hướng đi lên của bạn.
Nhờ được hướng dẫn thích đáng và nhờ tìm hiểu thành khẩn, bạn sẽ chẳng mấy mà vững mạnh trên đường gặp Chúa.
Và rồi khi đã thực sự gặp được Chúa trong hồn, đời bạn sẽ hoàn toàn đổi mới.
Lời kết
Bây giờ tôi xin tạm thời kết thúc câu chuyện TÔN GIÁO ở đây. Hy vọng chúng ta đã gặp nhau bằng tâm hồn cởi mở đơn thành nhất. Cũng hy vọng bạn đã thấy lóe lên đôi ánh lửa trong trí óc và con tim mình.
Một lần nữa tôi cũng xin trao hết những tâm tư sâu kín nhất cho bạn và tạm biệt bằng tất cả niềm tin tưởng mến thương. Tất cả tùy thuộc ở bạn để suy tưởng và xét định về con đường hệ trọng hàng đầu trong đời bạn. Cầu chúc bạn đạt được những điều mình tìm kiếm để rồi bạn không một lần phải ân hận trong tương lai.
Và rồi cũng xin chúc bạn sẽ thực sự sống cho niềm tin, biết bênh vực niềm tin, tìm truyền bá niềm tin và sẵn sàng chết cho niềm tin này.