Tâm sự cá nhân về chuyện :
Xôn xao hình gương mặt Chúa Giêsu trên thân gốc cây si tại chợ xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah, tỉnh Gialai. Tối 11 sáng 12.9 thì được đưa về khuôn viên nhà thờ Sé-đăng (Ea Luh) cách chợ khoảng 2 km cũng thuộc xã Nghĩa Hưng. Cuộc di dời ban đêm nên dân chúng không hay biết, cha xứ và một số người trong làng thì biết.
Tôi từng là cha xứ làng Sé-đăng suốt 19 năm: 1986-2005. Làng được thành lập 1987. Cha xứ kiêm nhiệm chứ không ở tại chỗ. Làng cách thành phố Pleiku nơi tôi ở khoảng 15 km. Tôi làm mục vụ tại Pleiku 32 năm.
Mấy ngày “xôn xao” vừa qua, tôi chỉ xem hình ảnh và các video clip trên mạng, chứ không đến mục thị tại nơi có sự việc.
Tôi được nhiều người, lương có giáo có, đặt những câu hỏi đại loại như sau :
– Cha nghĩ sao về sự việc này ?
– Tại sao chuyển cây về nhà thờ và ai là người chuyển, vì nghe nói cây đó đã được tặng cho nhà chùa ?
Về câu một : Khi được hỏi cha nghĩ sao, thì tôi nói: Ông nghĩ sao thì tôi cũng nghĩ như vậy thôi. Mà con đâu có biết nghĩ sao, thì tôi nói là tôi cũng không biết phải nghĩ sao cả. Thôi để thời gian trả lời. Nếu hình ngẫu nhiên tạo thành thì ít bữa nó sẽ hết thôi. Xem hình thì rõ ràng là khuôn mặt của Chúa Giêsu, giống khuôn mặt Chúa Giêsu nơi Khăn Liệm ở Turin. Người công giáo thì tức khắc nhận ra khuôn mặt đó là của ai, khỏi cần phải giới thiệu.
Về câu hỏi thứ hai :
Chính quyền địa phương chuyển cây đó ra khỏi chợ là điều rất đúng và cần thiết, vì dân chúng tập trung ban ngày và cả ban tối, làm mất trật tự. . . Bên kia đường phía trước chợ là trường học cấp 1 và 2 nên ảnh hưởng không tốt về nhiều phương diện. Có điều là chính quyền có thể phá bỏ cây đó rất dễ dàng, nhưng lại âm thầm trong đêm chuyển đến nhà thờ Sé- đăng. Nghe nói là nhà thờ không phải tốn kém gì cả. Thích thật đó !
Thành thật mà nói, nếu ai hỏi tôi có thích cây đó không thì tôi trả lời là rất thích. Cây si sống rất khỏe, tàn lá đẹp và sum suê, mùa nào cũng xanh mướt tạo bóng mát rất. . . mát, lá ít rụng ! Lại nữa hiện giờ trên thân cây, sao lại có khuôn mặt của Chúa Giêsu mà tôi tin thờ suốt đời. Tôi coi như làng Sé-đăng rất là may mắn vậy.
Còn về chuyện người Sé-đăng sao lại có mặt ở vùng người Jarai ?
Đất của bộ tộc Sé-đăng là ở các huyện phía Bắc tỉnh Kontum: Dak Tô, Tu Mơrong, Ngọc Hồi, cũng có ở Dak Glei. Người Sé-đăng rất mạnh mẽ, rắn rỏi và cương quyết. Bây giờ người Sé-đăng có khoảng chừng 250 ngàn người. Rất đông là người công giáo từ cả hơn thế kỷ. Tỷ lệ đi học cũng đông, có nhiều ơn gọi nhất là giới nữ.
Khoảng năm 1940, người Pháp lập đồn điền chè ở Biển Hồ, xã Nghĩa Hưng bây giờ. Các linh mục Pháp bèn giới thiệu người Sé-đăng đến đây làm công nhân. Họ được lập làng sát biển hồ Pleiku, có nhà thờ cho riêng họ. Năm 1955, vì thời cuộc, người Pháp bán lại cho người Hoa. Năm 1975 thì nhà nước quản lý. Trải qua bấy nhiêu người chủ , người Sé-đăng vẫn là công nhân.
Đến năm 1987, thì chính quyền địa phương và lãnh đạo đồn điền di dời làng vào chỗ bây giờ nơi cây si được đưa đến cách đây mấy hôm.
Tôi vất vả cùng với dân làng những năm rất khó khăn này : Đất đai khô cằn, lương thực thiếu thốn, nước sạch không có, trường học thì xa, chợ búa cũng xa, mà đối với dân làng cái thiếu nhất là không có nhà thờ. Nhà thờ đang có là cái thứ ba. Cái thứ nhất là cây chặt trong rừng và trét đất, một trận mưa lớn có gió mạnh sập vách luôn ! Cái thứ hai bằng gỗ vuông mua ở tiệm , nét gỗ này làm nhà cha xứ ở bây giờ và cái thứ ba đẹp như chúng ta thấy trong hình mấy bữa nay được xây dựng cách đây hơn 10 năm.
Tôi đã xây dựng trường học đầu tiên cho làng, ngành giáo dục đồng ý cho thầy cô đến dạy hết lớp 3 tại đây. Năm 1994 chúng tôi, nghĩa là với dân làng, đem nước sạch từ trên núi xuống tới làng cách đó gần 3 km , nước chảy liên tục 24/24, tha hồ uống, tha hồ tắm giặt, bớt ghẻ ngay, chúng tôi tập trung vào chăn nuôi và dạy khai thác lợi tức từ phân chuồng và phân xanh. Chúng tôi cố gắng mở nhà trẻ trong làng để các em làm quen với tiếng Việt và quen với kỷ luật trường lớp để sau đi học được dễ hơn. Nhà trẻ cũng hơn 10 năm rồi, nhà thờ trả lương cho các cô giáo.
Các linh mục dòng Phanxico đã phục vụ quá tốt về mọi lãnh vực. Cha xứ hiện giờ cũng thuộc dòng Phanxi co. Đã có một tu sĩ của dòng, tên là Nguyễn đình Phục có bằng cấp về y tế đã miệt mài cho người nghèo, cho bệnh nhân, nhất là người phong, rất tuyệt vời. Tu sĩ Phục đã qua đời và ngôi mộ cũng chung chỗ với dân làng.
Cha xứ làng Sé-đăng nhận được cây thì mừng mà thấy cũng băn khoăn, vì thiên hạ đồn nhau đến nhà thờ đông quá, gây ồn ào, mất đi sự yên tĩnh nơi thờ phượng ! Theo tôi nghĩ thì thời gian đầu họ đến vì tò mò, vì tin gì đó, rồi sau này sẽ không tới nữa đâu. Có nhiều người chưa thấy khuôn mặt Chúa Giêsu như thế nào, thì có thể cũng nhờ sự cố này lại được biết gương mặt Chúa Giêsu.
Chúc anh em làng Sé-đăng Ea Luh
sống đạo đức để trở nên gương tốt cho những ai đến với làng mình cả lương lẫn giáo.
Lm. Phero Nguyễn Vân Đông