Có một anh chàng thấy mình bơi giỏi như một vận động viên. Tuy nhiên, hồ rất rộng, anh khó lòng bơi được vào bờ. Đúng lúc đó, có một chiếc thuyền đến gần anh. Trên thuyền, cha anh đưa tay ra, bảo anh nắm lấy. Anh ta liền nhớ lại việc hồi nhỏ anh thường bị cha mắng mỏ, thậm chí đánh đòn, nên anh chỉ mỉm cười khô khan và nói: “Cảm ơn cha, nhưng cha cứ kệ con!”
Anh ta bơi tiếp, cố hết sức hướng về phía bờ. Rồi anh nhìn thấy một người khác chèo thuyền lại gần. Đó là cô em gái anh. Cô em gái quăng một chiếc phao về phía anh và nói: “Anh mau bám vào phao đi!”
Nhớ lại rất nhiều lần cô em gái hỗn láo, ương bướng cãi lời mình, anh lại lắc đầu và xua tay.
Sau khi dốc hết sức, cuối cùng, anh thanh niên cũng vào được đến bờ. Anh ta nằm vật ra trên bãi cát ướt, nỗi mệt mỏi rã rời khiến đầu óc anh trở nên lơ mơ, còn chân tay thì không cử động nổi. Một đám đông tụ tập quanh anh ta. Khuôn mặt nào anh ta cũng thấy quen. Đó là gia đình, họ hàng, bè bạn của anh. Người thì muốn đưa anh vào bệnh viện, người thì muốn đốt lửa giúp anh sưởi ấm, người thì muốn mang quần áo khô và khăn cho anh… Nhưng hễ có ai đó định làm gì, anh ta lại nhớ đến những khi người ấy đối xử không tốt với mình.
“Không, cứ kệ tôi.” Anh ta gượng đứng dậy, quần áo ướt sũng, dính đầy cát, chân tay rã rời, mệt mỏi rời xa đám đông.
Sau khi liên tục mơ thấy giấc mơ đó trong vài đêm, anh ta liền đi hỏi bà mình, người duy nhất luôn luôn đối xử tốt với anh, và là người mà anh tin tưởng sẽ không bao giờ làm gì hại anh cả.
“Bà không rành lắm về ý nghĩa của những giấc mơ”, bà anh nói, “nhưng bà nghĩ cháu đang giữ trong đầu quá nhiều nỗi bực bội và hằn học.”
“Bực bội ư? Hằn học ư? Không thể thế được!”, anh ta kêu lên. “Nếu có thì cháu phải cảm thấy chứ!”
Người bà trầm tĩnh đáp: “Những cố gắng của cháu và hồ nước trong giấc mơ chính là những gì cháu đang phải đấu tranh trong tâm trí. Cháu cần sự giúp đỡ, cháu muốn được quan tâm, nhưng cháu thấy không ai đủ tốt để tin tưởng. Cháu đã bơi được tới bờ một lần, nhưng còn những lần khác thì sao? Tha thứ không phải là việc chúng ta làm cho người khác, mà cho chính bản thân mình. Khi không tha thứ, có phải là chúng ta đang dồn nén trong tâm trí mình những bực bội và tức giận ngày càng chồng chất đó không? Cháu không phải là người hoàn hảo, nên cháu cũng có những sai lầm. Nếu biết tha thứ những sai lầm của người khác đối với cháu, cháu cũng sẽ được những người khác nữa bỏ qua những lầm lỗi của chính mình.” st