Mục vụ gia đình

Thế nào là GIA ĐÌNH SỐNG ĐẠO?

Thế nào là
GIA ĐÌNH SỐNG ĐẠO?

VÀO ĐỀ

Trong Tông huấn “Giáo hội tại Á Châu” (1999), Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết: “Chứ́ng tá Kitô đích thực là hết sức cần thiết cho ngày hôm nay, vì con người thời nay tin các chứng nhân hơn là các thầy dạy” (số 42).

Vì thế, việc sống đạo của mỗi người, gia đình và cộng đoàn công giáo là điều rất quan trọng và đáng được xem là “ưu tiên số một” của Giáo hội và các gia đình công giáo trong Thiên Niên Kỷ thứ 3 này. Nói theo cách nói của Phong Trào Cursillo – một Phong Trào Canh Tân Đời Sống Kitô hữu từ căn bản – thì mỗi người, gia đình và cộng đoàn Kitô hữu không được dừng lại ở mức MỘ ĐẠO mà phải tiến tới mức HIỂU ĐẠO và nhất là mức HÀNH ĐẠO hay SỐNG ĐẠO mới là hoàn hảo.

TRÌNH BÀY

I. Thế nào là sống đạo?

1.1 Quan niệm ngày xưa

Ngày xưa cha ông chúng ta nói là xem lễ chứ không nói là dâng lễ hay tham dự thánh lễ như chúng ta ngày nay. Các cụ cũng nói là giữ đạo hay theo đạo chứ không nói là hành đạo hay sống đạo như chúng ta thường nói ngày nay.

  • Giữ đạo là bảo vệ đạo, bảo vệ đức tin, là giữ các giới răn. Hiểu như thế không có gì là sai, nhưng chỉ là chưa hết ý nghĩa của đời sống Kitô hữu mà thôi và thường chỉ chú trọng đến mặt tiêu cực là xa lánh tội mà ít đề cao mặt tích cực là sống bác ái, yêu thương, loan báo Tin Mừng hay làm chứng nhân cho Chúa.
  • Theo đạo là tin theo giáo lý của đạo. Hiểu như thế cũng không có gì là sai, nhưng là chưa hết ý nghĩa mà thôi. Vì thật ra thì theo đạo là theo Chúa Giêsu Kitô tức bước đi theo Người, có những tâm tình, lời nói và hành động như Người, sống chết như Người.

Sở dĩ cha ông chúng ta có quan niệm giữ đạo hay theo đạo nặng tính thụ động như thế là vì sự hiểu biết giáo lý còn hạn chế. Thật ra thì không chỉ trình độ giáo lý của cha ông ta còn hạn chế mà trình độ giáo lý của tất cả những người công giáo ở các nước khác vào thời bấy giờ cũng hạn chế. Hơn nữa các thừa sai người nước ngoài đến truyền giáo tại Việt Nam lại không thông thạo tiếng Việt (trừ một số ít vị) và phải đảm trách nhiều cộng đoàn ở xa nhau nên không có đủ thời gian để huấn luyện giáo dân. Rồi cũng không thể không kể đến trình độ dân trí của tổ tiên chúng ta còn thấp nên sự hiểu biết giáo lý có mức độ. Nhưng không phải vì thế mà lòng đạo của tiền nhân không sâu sắc, gắn bó. Bằng chứng hùng hồn là hằng trăm ngàn anh hùng Tử Đạo trong đó đã có 117 vị được phong Thánh và 1 vị được phong Chân Phước.

1.2 Quan niệm ngày nay

Ngày nay chúng ta không còn nói là xem lễ mà nói là dự lễ hay dâng lễ. Cũng thế chúng ta không còn nói giữ đạo, theo đạo mà nói là hành đạo, sống đạo. Rõ ràng nét tích cực, chủ động, ý thức được làm rõ trong các kiểu nói ấy.

Thời thế đã thay đổi nhiều, não trạng con người đã thay đổi và trình độ con người trong mọi lãnh vực, kể cả lãnh vực tôn giáo, tín ngưỡng và tâm linh cũng đã được nâng cao hơn xưa rất nhiều. Các khoa Thần học, Thánh Kinh, Giáo hội học, Bí tích học, Truyền Giáo học… cũng đã có những bước tiến vượt bậc so với những thế kỷ trước. Vì thế mà nội dung và phương cách giữ đạo cũng đã khác xưa rất nhiều nên mới gọi là hành đạo hay sống đạo. Thật vậy ngày nay, người công giáo hiểu Đạo cũng khác xưa. Đạo được hiểu là con đường mà con người phải đi để đến Thiên Chúa. Theo Đạo là đi vào con đường dẫn tới Thiên Chúa. Nhưng không có con đường nào chắc chắn, bảo đảm hơn con đường mà Chúa Giêsu Kitô đã vạch ra cho loài người mà mời gọi mọi người đi vào. Nên theo Đạo là đi theo chính Chúa Giêsu, Đấng đã khẳng định “là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.” Đạo còn được hiểu là Giáo lý Mạc khải mà Thiên Chúa đã bộc lộ cho con người trong lịch sử cứu độ và nhất là nơi Chúa Giêsu Kitô là Lời Thiên Chúa đã xuống thế nhập thể làm người. Nên theo Đạo là tin vào và sống theo Giáo lý Mạc khải ấy. Nói cách vắn gọn, sống đạo theo quan niệm thời nay là thể hiện căn tính hay ơn gọi làm môn đệ Chúa Giêsu Kitô một cách xác tín, trưởng thành trong mọi môi trường sống và lao động của người tín hữu Kitô giáo.

II. Thế nào là Gia đình Sống đạo?

Khi nói “gia đình sống đạo” là chúng ta nhấn mạnh đến chiều kích cộng đoàn, chiều kích gia đình trong việc thể hiện đức tin mà không còn dừng lại ở tính cách cá nhân của người tín hữu. Từ trong việc tham dự các cử hành phụng vụ, cầu nguyện cho đến việc loan báo Tin Mừng, làm chứng cho Tin Mừng, thể hiện lòng bác ái và tinh thần phục vụ của Kitô giáo, tính tập thể, gia đình, cộng đoàn đều được làm nổi bật. Trước kia là cá nhân đi lễ. Bây giờ là cả gia đình cùng tham dự thánh lễ. Trước kia người cha, người mẹ hay người anh, người chị làm việc tông đồ. Bây giờ cả bố mẹ con cái cùng làm việc tông đồ. Trước kia người cha, người mẹ bớt tiền chợ để giúp đỡ người nghèo. Bây giờ mọi thành viên trong gia đình đều bớt ăn bớt tiêu để chia sẻ với người nghèo hay hỗ trợ công việc truyền giáo. Trước kia chứng tá đức tin là của mỗi cá nhân trong gia đình (có người làm chứng nhưng cũng có người làm phản chứng). Ngày nay chứng tá đức tin là của cả gia đình.

Nếu đọc kỹ Sách Tông đồ Công vụ chúng ta sẽ thấy rằng Giáo hội công giáo lúc ban đầu mang đậm tính gia đình (household). Vì thế ngày nay Giáo hội đặt ưu tiên vào việc gia đình sống đạo là cách trở về nguồn cội của Kitô giáo, đồng thời là đáp ứng nhu cầu thâm sâu nhất của nhân loại ngày nay, vì gia đình đang gặp rất nhiều thử thách trong giai đoạn hiện nay.

III. Có nhiều cách sống đạo?

Theo linh mục Đào Quang Chính, Dòng Đa Minh, Giám đốc Văn Phòng Di Dân và Tỵ Nạn của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, thì có bốn tiêu chuẩn để phân loại người Công giáo:

  • Tiêu chuẩn 1: đi nhà thờ thường xuyên,
  • Tiêu chuẩn 2: làm việc cho/liên quan đến nhà thờ, đến các việc đạo đức,
  • Tiêu chuẩn 3: Chú tâm đến việc học hỏi Thánh Kinh, Thần Học,
  • Tiêu chuẩn 4: Chú tâm đến các sinh hoạt liên quan đến công lý và bác ái, chính trị-xã hội trần thế.

Tùy theo những tiêu chuẩn mà mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn chúng ta đạt được mà chúng ta có cách sống đạo tương ứng. Nhìn vào thực tế của Giáo hội Việt Nam hay Hoa Kỳ hay ở bất cứ Giáo hội nào trên thế giới chúng ta cũng đều thấy rằng chỉ một số ít, thậm chí rất ít, giáo dân đạt được hai tiêu chuẩn 3 và 4, vì phần đông hoặc thờ ơ với đạo hoặc vẫn quan niệm đạo trong nhà thờ. Còn hai tiêu chuẩn 1 và 2 thì rất phù hợp với cách giữ đạo truyền thống của đại đa số giáo dân Việt Nam mà có người nói cách văn hoa là cách giữ đạo “sáng lễ chiều kinh”. Đến các xứ đạo Miền Bắc Việt Nam hay các xứ đạo gốc Bắc ở Miền Nam Việt Nam vùng nông thôn, chúng ta thấy cách giữ đạo này còn rất thịnh hành. Tiếng chuông nhà thờ là một âm thanh rất quan trọng trong cách và nhịp sống của đại đa số giáo dân.

Nhưng thời buổi và xã hội đã và đang thay đổi cách nhanh chóng và sâu rộng. Trong bối cảnh của một xã hội công nghiệp như Hoa Kỳ thì có lẽ chỉ các người về hưu mới có thể duy trì được cảnh “sáng lễ chiều kinh”! Mà dù có duy trì được cách giữ đạo “sáng lễ chiều kinh” thì cũng chưa thỏa đáng với đòi hỏi của Tin Mừng vì Tin Mừng đòi người Kitô hữu phải là muối men ánh sáng trong các môi trường trần thế. Vì thế mà có nhiều câu hỏi chúng ta phải đặt ra mà suy nghĩ và tìm câu trả lời:

  • Liệu chúng ta có duy trì được cách giữ đạo “sáng lễ chiều kinh” mãi không?
  • Liệu cách giữ đạo ấy có còn phù hợp nữa không?
  • Cách giữ đạo ấy có đủ sức nâng đỡ chúng ta trong cuộc sống đầy vật lộn này không?
  • Chúng ta phải chuẩn bị thế nào để giúp con em của chúng ta có thể sống Đức Tin trong một khung cảnh xã hội công nghiệp, thực dụng, coi nhẹ – thậm chí coi thường – tôn giáo và đời sống tâm linh?

KẾT LUẬN

Mỗi lần về giúp một giáo xứ vùng Ngã Ba Tam Hiệp (Biên Hòa) tôi chứng kiến cảnh một giòng xe cộ thật dài của những người công nhân trẻ vội vã chạy đến xưởng (ban sáng) hay về nhà (ban chiều). Trong số các người trẻ ấy chắc chắn có rất nhiều người công giáo, vì vùng Tam Hiệp có nhiều giao xứ chẳng kém gì vùng Hố Nai hay Gia Kiệm. Tôi vẫn ưu tư và tự hỏi không biết các cha xứ, các hội đoàn và các bậc cha mẹ ở vùng này (hay ở các vùng khác có khu công nhiệp giống như khu công nghiệp Biên Hòa I và II này) có ý thức về trách nhiệm phải giúp con em, giáo dân mình sống đạo trong nhịp sống công nghiệp không? Những người công nhân trẻ kia làm gì có thời giờ để sáng đến nhà thờ dự lễ, chiều đến nhà thờ đọc kinh? May ra họ được nghỉ ngày chủ nhật! Vậy ở phạm vi gia đình và giáo xứ, con em chúng ta có được đào tạo và chuẩn bị để sống đạo một cách khác chúng ta không? Nếu các em không được chuẩn bị thì điều gì sẽ xẩy ra?

Thật ra thì không phải không có cách sống đạo khác. Trên nhiều chuyến xe bus ở Manila, tôi thấy nhiều người Philippines mở Sách Kinh Thánh ra đọc và cầu nguyện. Tôi cũng thấy nhiều người khác lần chuỗi Mân Côi. Tôi cũng đã có dịp tham dự những buổi cầu nguyện chia sẻ của các nhóm giáo dân (gọi là cộng đoàn cơ bản = basic community) mà chắc chắn những người đến tham dự buổi sinh họat ấy chỉ có thể về đến nhà trước nửa đêm. Tôi cũng biết ở Mỹ có rất nhiều anh chị em giáo dân mở nhạc thánh ca vừa nghe vừa cầu nguyện hay mở băng Kinh Thánh vừa nghe vừa suy gẫm khi lái xe đến công ty hay sở làm vào buổi sáng. Đó là những hình thức “sáng lễ chiều kinh” phù hợp với hoàn cảnh sống của xã hội ngày nay. Ước gì mỗi gia đình chúng ta tìm ra cách thích hợp để sống đạo cách tích cực, xác tín và trưởng thành trong hoàn cảnh hiện nay!


Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!