Thiêng liêng nghi lễ truyền thống làm phép ghe, thuyền
Ngày 29.6 hằng năm, dịp mừng lễ thánh Phêrô – Phaolô tông đồ, ngư dân giáo xứ Long Hương, giáo phận Phan Thiết cùng tham dự thánh lễ và nghi thức làm phép ghe, thuyền. Ðây là nghi lễ truyền thống, được người dân giáo xứ Long Hương duy trì hơn 50 năm qua.
Từ tờ mờ sáng, nhiều ngư dân đã đến tập trung tại giáo xứ để kiệu tượng thánh Phêrô ra bờ biển, nơi thực hiện nghi thức làm phép ghe, thuyền. Đây cũng là ngày tạ ơn thánh Phêrô bổn mạng dân chài đã cùng họ vươn khơi đánh bắt trong một năm qua và cầu mong năm tới được bình an, thuận lợi.
Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng thực hiện nghi thức làm phép ghe, thuyền |
Tạ ơn “người thầy” ngư phủ đã cùng vươn khơi đánh bắt
Dọc bờ biển cách giáo xứ gần 2 cây số, những ngày này có hàng trăm chiếc thuyền neo đậu, nghỉ ngơi sau một năm xuôi ngược. Trên giữa thân thuyền, những câu lời Chúa “Vâng lời Thầy con thả lưới”; “Có Thầy đây đừng sợ”… được treo trang trọng và đẹp mắt. Có một chiếc ghe được trang trí đặc biệt, ở giữa đặt tượng thánh Phêrô với những bình hoa được kết xung quanh. Chủ nhân cho biết đây là chiếc ghe được chọn để rước tượng thánh Phêrô – quan thầy của ngư dân và cũng là nơi để Đức cha giáo phận đứng chủ sự nghi thức.
Trước đó một tuần, sau chuyến đi biển cuối cùng, các ghe cập bến, ngư dân đã làm vệ sinh ghe, thuyền, ngư cụ. Họ sửa chữa, sơn màu, chỉnh trang cho mới ghe thuyền. Sau đó, được sắp xếp vị trí theo ban tổ chức.
Các công việc cho nghi thức làm phép ghe thuyền được người dân chuẩn bị từ những ngày trước đó. Trang trí bàn kiệu tượng thánh Phêrô, căng những câu Kinh Thánh liên quan đến thánh nhân và người dân biển, giăng đèn trên khắp đoạn đường rước kiệu, dọn dẹp khuôn viên nơi diễn ra sự kiện…
Các ghe, thuyền được chuẩn bị rực rỡ cho ngày lễ truyền thống |
Ông Nguyễn Thế Long, Chủ tịch HĐMV giáo xứ cho biết, nghi lễ được tổ chức vào ngày mừng lễ thánh Phêrô, bởi thánh nhân đã từng gắn bó và làm ngư phủ tại biển hồ Galilê trước khi Đức Chúa Giêsu gọi làm tông đồ đi theo Ngài. Ngư dân còn xem thánh Phêrô như người thầy của mình, thánh lễ và nghi thức làm phép ghe thuyền là một cách tạ ơn thầy, cầu mong sự bảo vệ và che chở họ trong mỗi chuyến ra khơi. “Ngư dân chúng tôi an tâm và tin tưởng rằng qua sự cầu bầu, che chở của thánh Phêrô, chúng tôi sẽ vững vàng trong mỗi chuyến ra khơi” – ông Trần Phương, 60 tuổi – một lão ngư với gần 50 năm kinh nghiệm nói.
Ước nguyện được bình an, thuận lợi
Từ chiều tối hôm trước ngày lễ, nhiều người đã ra bờ biển để ngắm nhìn những ghe thuyền đã được chuẩn bị và trang trí rực rỡ. Họ ngồi và kể cho nhau những kỷ niệm về ngày lễ truyền thống này và những may lành họ nhận được trong năm qua ở những chuyến vượt sóng ngoài khơi. Đối với họ, sự may lành không phải chỉ là đánh bắt được nhiều sản phẩm mà là giữa lúc khó khăn, vật lộn vất vả, họ vẫn được bình an. Gắn bó với biển từ khi sinh ra, bà Trần Thị Nghĩa (80 tuổi) đưa mắt nhìn ra biển, miệng chúm chím tự hào: “Năm nào cũng vậy, mọi người đều vui với tục lệ truyền thống lâu đời này. Vào ngày này, tôi đều nguyện cầu, mong cho tất cả mọi người đều bình an”.
Bà con ngư dân cùng Đức cha giáo phận và các linh mục rước tượng thánh Phêrô từ biển về lại nhà thờ Long Hương để cùng hiệp dâng thánh lễ tạ ơn |
Ngay từ 4 giờ sáng ngày lễ, đoàn người tiến về giáo xứ để rước tượng thánh Phêrô ra bờ biển. Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Giám mục giáo phận Phan Thiết, sau những lời cầu nguyện và ban phép lành, đã xuống ghe với anh chị em ngư dân. Cùng với ngài, cha quản xứ GB. Trần Văn Thuyết và cha phó Phaolô Nguyễn Anh Tuấn đi rảy nước thánh từng ghe thuyền được neo sát thẳng hàng. Gần 6 giờ, hơn 100 chiếc thuyền công suất từ 45CV đến 700CV đồng loạt nổ máy, nối đuôi nhau xuất hành khoảng 3 hải lý. Sau đó, mọi người trở về thánh đường giáo xứ để cùng nhau tham dự thánh lễ tạ ơn, cầu nguyện cho một năm ra khơi được thuận lợi, bình an và thu hoạch được dồi dào.
Là một ngư dân đánh bắt xa bờ, ông Trần Phương cho biết mỗi chuyến ra khơi từ 10-15 ngày, các anh em đem theo sách Tin Mừng để họp nhau cầu nguyện thay cho những ngày không tham dự thánh lễ. Mỗi năm, ngư dân đánh bắt được mùa là nhờ ơn Chúa phù hộ, thánh Phêrô che chở, ghe thuyền vươn khơi thuận buồm xuôi gió. Vì thế, mọi người cùng tạ ơn Thiên Chúa. Đồng thời, đây cũng là dịp để những người ngày đêm lênh đênh sóng nước luôn biết cậy dựa vào thánh quan thầy Phêrô, lấy việc sống đạo là điểm tựa cho công việc làm ăn của mình.