THỨ NĂM TUẦN THÁNH – NHIỆM TÍCH THÁNH THỂ
Khi linh mục đọc: “Đây Là Mầu Nhiệm Đức Tin”, cộng đoàn tung hô: “Chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến”. Với những lời này, Hội Thánh đã chỉ rõ: Đức Giêsu Thánh Thể, trong mầu nhiệm Khổ Nạn của Người, và cũng biểu lộ chính mầu nhiệm của Hội Thánh, nghĩa là, Hội Thánh khai sinh từ Thánh Thể. Việc thiết lập Thánh Thể trong nhà Tiệc Ly là một khoảnh khắc quyết định cho việc thiết lập Hội Thánh. Đức Giêsu đã trao cho Hội Thánh nhiệm vụ: không ngừng hiện tại hóa Mầu Nhiệm Vượt Qua. Thánh Thể thực sự là Mầu Nhiệm Đức Tin, chỉ có thể được chấp nhận bằng Đức Tin mà thôi.
Bí Tích Thánh Thể tái diễn biến cố thập giá bằng cách cử hành, chứ không phải bằng cách nhắc lại. Do đó, theo lịch sử, chỉ có một Hy Tế Thánh Thể, là Hy Tế do Đức Giêsu thực hiện: cùng với sự sống và cái chết của Người; nhưng mặt khác, theo Phụng Vụ, tức là nhờ Bí Tích Thánh Thể, mà có biết bao các Hy Tế Thánh Thể đã được cử hành, và sẽ được cử hành cho đến ngày tận thế. Sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần, còn Bí Tích thì diễn ra “mọi lúc”. Ước gì Chúa Thánh Thần “phủ bóng” trên chúng ta, để chúng ta cũng được thông dự vào Hy Tế Thánh Thể của Đức Kitô, và để rồi, chúng ta được thánh hóa, được biến đổi thành bí tích mang ơn cứu độ đến cho mọi người.
Bằng cách tham dự vào Hy Tế Thánh Thể, chúng ta dâng lên Thiên Chúa Cha: Lễ Vật thần linh, là chính Con Một của Người, và hiến dâng chính mình chúng ta cùng với Lễ Vật ấy. Có hai thân thể của Đức Kitô trên bàn thờ: (1) thân thể thật của Người: thân thể được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria, đã chết, sống lại và lên trời, và (2) thân thể mầu nhiệm của Người là Hội Thánh. Đây là cách Thánh Thể làm nên Hội Thánh. Thánh Thể làm nên Hội Thánh bằng cách làm cho Hội Thánh trở thành Thánh Thể. Ước gì, Hội Thánh không chỉ giới hạn mình trong việc cử hành Hy Tế Thánh Thể, mà còn, phải trở nên Thánh Thể cùng với Đức Kitô.
Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể. Chúng ta như những hạt lúa mì được nghiền nát, nhào trộn với nhau trong nước, và cùng được nấu trên lửa Thánh Linh: để làm thành một tấm Bánh Thánh Thể. Chúng ta với tư cách là những người được dìm vào trong nước: khi chịu phép rửa, và được nấu chín trong lửa của Thánh Thần, để tạo thành một Nhiệm Thể là Hội thánh, cho nên, chúng ta phải thật sự hiệp nhất, nên một với nhau, bởi vì, chúng ta không thể vừa lên rước Thánh Thể, vừa khước từ anh chị em mình, vì họ cũng là chi thể trong cùng một thân thể Đức Kitô.
“Ai” hiện diện trong Thánh Thể? Thưa, Đức Kitô; Đức Kitô hiện diện bởi “Ai”? Thưa, bởi Chúa Thánh Thần; Những người lãnh nhận cần có điều kiện nào? Thưa, đức tin. Chính đức tin làm cho Hy Tế Thánh Thể không bị mang tính máy móc, và ma thuật. Đành rằng, chính Đức Kitô, và Chúa Thánh Thần mới “làm nên” Bí Tích, nhưng, sẽ có ích lợi gì, nếu như: Bí Tích đó, không được chúng ta “lãnh nhận” bằng đức tin? Có lợi gì khi Đức Kitô thực sự “hiện diện” trên bàn thờ, nếu như: không phải là, Người “hiện diện” với chúng ta và cho chúng ta? Ước gì chúng ta luôn ý thức rằng: Đức tin là điều cần thiết để làm cho sự “hiện diện” của Chúa Giêsu trở nên riêng tư, cá vị, và sống động với chúng ta. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB