THỨ SÁU TUẦN THÁNH – THẬP GIÁ TÌNH YÊU
Qua Huấn Quyền và chứng từ của các thánh, Hội Thánh đã xác quyết rằng: chính những ai phạm tội đều là những thủ phạm, và là những dụng cụ được dùng để thực hiện những cực hình mà Đức Giêsu phải chịu. Vì tội lỗi của chúng ta, xúc phạm đến chính Đức Kitô, nên Hội Thánh không ngần ngại: quy cho các Kitô hữu, trách nhiệm nặng nề nhất, về cực hình mà Đức Giêsu phải chịu, trách nhiệm mà các Kitô hữu thường hay trút đổ trên đầu những người Dothái. Những ai sa đi ngã lại trong tội lỗi, đều là những người đã phạm tội đóng đinh Đức Giêsu, bởi vì, chính tội ác của chúng ta đã làm cho Đức Giêsu phải chịu khổ hình thập giá.
Tội lỗi mà chúng ta thường cố tình tái phạm, thì nặng nề hơn tội của những người Dothái đã đóng đinh Chúa, bởi vì, theo thánh Phaolô: Nếu họ đã được biết Vua vinh hiển, thì họ đã chẳng đóng đinh Người vào thập giá. Trái lại, chúng ta tuyên xưng rằng: chúng ta biết Người, cho nên, khi chúng ta chối bỏ Người bằng những hành vi tội lỗi, thì khi đó, chúng ta đã tra tay giết Người. Không phải quỷ dữ đã đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá, nhưng là: chính chúng ta cùng với chúng đã đóng đinh Người vào thập giá, và chúng ta còn đang đóng đinh Người những lần khác nữa, khi chúng ta cố tình đắm chìm trong các thói xấu và những tội lỗi “thâm căn cố đế” của mình.
Thập Giá cho thấy tình yêu đi bước trước của Thiên Chúa. Thật vậy, khi trao nộp Con của Người vì tội lỗi chúng ta, Thiên Chúa đã cho thấy ý định yêu thương của Người đi trước mọi công trạng của chúng ta. Tình yêu này không loại trừ một ai. Đức Giêsu đã nói: Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất. Người quả quyết rằng: Người hiến dâng mạng sống, để làm giá chuộc muôn người. Chúng ta phải nối gót các Tông Đồ xưa, xác quyết rằng: Đức Kitô đã chết cho hết thảy mọi người. Trước kia, hiện nay, cũng như sau này, không có một ai, mà Đức Kitô đã không chịu chết cho họ.
Đức Giêsu chịu chết là hy tế của Giao Ước Mới: cho chúng ta được hiệp thông lại với Chúa Cha, bằng cách giao hòa chúng ta với Chúa Cha, nhờ máu Đức Kitô đã đổ ra, cho muôn người được tha tội. Hy tế của Đức Kitô là duy nhất, hoàn tất, và vượt trên mọi hy tế. Hy tế này là một hồng ân của chính Chúa Cha: Chúa Cha phó nộp Con Mình để giao hòa chúng ta với Người. Kế đến, Chúa Con làm người, với ý chí tự do, và vì mến yêu, đã hiến dâng mạng sống mình cho Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần, để đền bù sự bất tuân của chúng ta. Ước gì chúng ta biết cùng chịu chết với Đức Kitô để được nên một với Người trong hy lễ cứu độ trần gian.
Hy tế của Đức Giêsu có giá trị cứu chuộc và đền bù; xá tội và phạt tạ. Không người nào có thể gánh hết tội lỗi mọi người. Vì là Con Thiên Chúa, Đức Kitô vừa vượt trổi, vừa đồng thời bao gồm hết tất cả mọi người. Đức Kitô là đầu toàn thể nhân loại, nên Người mới có thể dâng hy tế cứu chuộc mọi người. Hy lễ duy nhất của Đức Kitô là nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu. Nhờ Cuộc Khổ Nạn trên Thập Giá, Đức Kitô công chính hóa chúng ta. Khi tôn kính Thánh Giá, chúng ta ca ngợi: “Ôi Thánh Giá, nguồn cậy trông duy nhất của chúng con!” Ước gì chúng ta luôn biết quy hướng về Thập Giá, kín múc từ Thập Giá sự khôn ngoan, mà thế gian cho là điên dại. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB