Chưa phân loại

TÌNH PHỤ TỬ CỦA THIÊN CHÚA QUAN PHÒNG

TÌNH PHỤ TỬ CỦA THIÊN CHÚA QUAN PHÒNG

 

            Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Thường Niên XIX, Năm A này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: chúng ta đã được phúc gọi Thiên Chúa là Cha, nên chúng ta phải ngày càng hiếu thảo với Người, để chúng ta đáng được hưởng gia nghiệp mà Thiên Chúa đã hứa ban.

Thật vậy, Chúa Nhật XIX Thường Niên là Chúa Nhật của tình phụ tử, tình Cha chí ái: các bản văn Lời Chúa được các nhà phụng vụ lựa chọn đều xoay quanh chủ đề này. Mở đầu bằng bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Hôsê cho thấy: Thiên Chúa như người cha nhân từ, bị con cái đối xử bạc bẽo: Khi Ítraen còn là đứa trẻ, Ta đã yêu nó, từ Aicập Ta đã gọi con Ta về, nhưng ta càng gọi chúng, chúng càng bỏ đi. Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi. Mặc dù, bị con cái đối xử bạc bẽo, nhưng, ngôn sứ Hôsê cho biết: Thiên Chúa vẫn một dạ xót thương, và Người không hành động theo cơn nóng giận. Điều này được sách các Vua quyển thứ nhất nói đến trong bài đọc một của thánh lễ: Ngôn sứ Êlia đang bị bách hại, ông những mong Thiên Chúa ra tay can thiệp, tiêu diệt những kẻ đang truy cùng diệt tận ông. Tuy nhiên, Thiên Chúa không hành động theo cơn nóng giận: không ở trong gió bão, không ở trong trận động đất, không ở trong lửa, nhưng, lại hiện diện qua làn gió hiu hiu…

Bài đọc hai của giờ Kinh Sách trích từ sách Đối Thoại của thánh Catarina về Thiên Chúa là Cha Quan Phòng, thánh nữ có cùng tâm tình với thánh Phaolô khi nói: Làm sao con có thể yên tâm khi thấy con được hưởng sự sống, còn dân Chúa lại chìm trong sự chết? Trong bài đọc hai, thánh Phaolô viết cho những tín hữu Rôma: là những người dân ngoại, thánh nhân cho biết: mặc dù, họ không phải là con cháu của các tổ phụ về mặt huyết thống, nhưng, họ vẫn thuộc về dõng dõi của các ngài, vẫn là con cái của Thiên Chúa, và khi thánh Phaolô nói điều này, thì ngài đã cam chịu bị nguyền rủa bởi những người đồng bào của mình, và chấp nhận bị xa lìa Đức Giêsu về mặt huyết thống.

Bài Đáp Ca, với Thánh Vịnh 84, vịnh gia cho thấy Thiên Chúa là Cha nhân ái qua việc Người tỏ lòng nhân hậu và ban ơn cứu độ cho chúng ta. Thiên Chúa nhận chúng ta làm nghĩa tử qua việc Người ban cho chúng ta Ngôi Lời, Con Một của Người, làm Đấng trung gian hòa giải giữa chúng ta với Người, để: tín nghĩa, ân tình được hội ngộ; hòa bình, công lý được giao duyên. Người sẵn sàng ban ơn cứu độ cho ai kính sợ Người, để vinh quang của Người hằng chiếu toả trên đất nước chúng ta.

Trong bảy ơn Chúa Thánh Thần, ơn đạo đức đi trước ơn kính sợ, khi nghe nói tới “đạo đức”, chúng ta nghĩ ngay tới các nhân đức. Tuy nhiên, ơn đạo đức (Piety, don de piété) dịch đúng phải là: ơn hiếu thảo, là đạo làm con. Một người con năng chạy đến với cha là người con có hiếu. Ơn kính sợ cộng với ơn hiếu thảo khiến ta: kính sợ Chúa như con cái yêu mến, kính sợ Cha hiền. Ơn hiếu thảo là một ơn riêng của Chúa Thánh Thần, và với ơn này, chúng ta mới dám gọi Thiên Chúa là Cha của mình (x. Ga 4,6; Rm 8,15). Các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin cho mình: ngày càng hiếu thảo với Chúa, để ta đáng được hưởng gia nghiệp Chúa hứa ban.

Chúng ta phải hiếu thảo với Chúa bằng cách nào? Thưa, bằng cách tin tưởng, phó thác như con thơ trong tay Cha nhân hiền. Chắc hẳn, chúng ta đã từng chứng kiến cảnh: ông bố tung đứa con bé nhỏ của mình lên không trung, có em thì thích thú, phấn khởi, bảo bố tung nữa đi, nhưng, cũng có em lại quấy khóc, và đòi bố mau mau bỏ mình xuống đất, đâu là điểm khác nhau giữa hai em bé này?

Chúng ta ở trong trời đất này, đầu đội trời chân đạp đất, chúng ta không thể đi trên nước, nhưng, thánh Phêrô lại xin được đi trên mặt nước mà đến với Đức Giêsu. Khi tin tưởng tuyệt đối vào Chúa, thánh nhân đã đi được trên nước, nhưng, khi thấy gió nổi lên, thì đâm sợ, mà bị chìm xuống, và bị Chúa trách: kém lòng tin. Nếu chúng ta tin tưởng mình đang ở trong vòng tay của Chúa như con thơ đang được bố tung hứng, thì sóng gió cuộc đời có hề chi, ngược lại, chúng ta lại còn thấy thích thú, phấn chấn nữa là khác.

Bài Tin Mừng cho thấy Thiên Chúa là Cha quan phòng, luôn có mặt để giải cứu con cái mình thoát những điều nguy hại. Tin Mừng thuật lại: Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!” Thiên Chúa không tạo dựng vũ trụ, rồi để mặc cho nó vận hành theo những quy luật của nó, nhưng, Thiên Chúa là Cha nhân hậu, Người luôn nhập cuộc, Người đã xuống thuyền cùng với con người, đồng cam cộng khổ với con người. Con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, ấy thế mà, Thiên Chúa lại muốn trở nên giống con người trong thân phận phàm nhân. Người đã lấy nhân tính khốn cùng và tội lỗi của Ađam làm đám mây che khuất thần tính vĩnh cửu của Người. Thiên Chúa sẵn sàng ban ơn cứu độ cho những ai kính sợ Người. Kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan, nhưng, chúng ta kính sợ Chúa: không như người đầy tớ khiếp sợ ông chủ hà khắc, mà là, kính sợ Chúa như con thơ kính sợ Cha hiền. Xin cho chúng ta biết ngày càng sống hiếu thảo với Chúa để đáng được hưởng gia nghiệp Chúa hứa ban. Ước gì được như thế!

 

Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!