Tôn trọng sự khác biệt
Sự khác biệt trong hành động, suy nghĩ, quan điểm, giới tính,…đang là một trong những nguyên nhân lớn dẫn tới tình trạng bạo lực. Tôn trọng sự khác biệt là một giải pháp để giải quyết vấn đề bạo lực hiện nay.
Bạo lực được tổ chức Y tế thế giới – WHO định nghĩa là hành vi sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, quyền lực để gây tổn thương cho bản thân, người khác hoặc một nhóm người, gây nên những tổn thương về mặt thể xác, chấn thương tâm lý, ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm và sự phát triển của con người.
Một trong những nguyên nhân lớn dẫn tới hành vi bạo lực chính là sự khác biệt, ví dụ như khác biệt về chủng tộc, màu da, tôn giáo, quan điểm chính trị, quan điểm cá nhân, lối sống, giới tính,… gây nên những xung đột, căng thẳng ở nhiều cấp độ, từ cá nhân, gia đình, cho tới cộng đồng, quốc gia.
Sự khác biệt trong gia đình
Trong một gia đình, sự khác biệt được thể hiện khá rõ ràng. Ngay từ khi 2 vợ chồng về ở với nhau, cả hai người được sinh ra và trưởng thành ở 2 môi trường khác nhau, đương nhiên là sẽ có những khác nhau trong quan điểm, nhận thức, thói quen hay cách chi tiêu,…dẫn tới những xung đột không đáng có.
Đối với con cái, sự khác biệt lớn nhất giữa chúng và cha mẹ chính là sự khác biệt về thế hệ. Với sự phát triển nhanh chóng của xã hội, con cái được tiếp cận sớm với các thông tin bên ngoài qua các phương tiện truyền thông. Bên cạnh đó, môi trường giáo dục của trẻ cũng khác rất nhiều so với cha mẹ trước đây. Điều này dẫn tới những sự khác biệt nhận thức giữa cha mẹ và con cái trong các vấn đề, nếu không tìm được tiếng nói chung, con cái dễ trở thành nạn nhân của hành vi bạo hành tới từ cha mẹ.
Từ đó thấy được, nguyên nhân lớn dẫn tới bạo lực gia đình chính là sự khác biệt về tính cách, quan điểm, nhu cầu hay mong muốn giữa các thành viên trong gia đình.
Đồng tính không phải là một sự khác biệt
Phân biệt đồng tính hiện vẫn đang là một vấn nạn lớn trong xã hội hiện nay. Nạn nhân của vấn nạn này thường bị đối xử bất công, không được tôn trọng, thậm chí là bị bạo lực chỉ vì xu hướng tính dục được cho là đi lệch với lẽ thông thường.
Tại Việt Nam, theo một nghiên cứu của Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (ISEE) về sự kỳ thị đồng tính, cho thấy 1,5% đã bị đuổi học khi bị phát hiện là người đồng tính; 4,1% bị kỳ về vấn đề nhà ở; 4,5% từng bị tấn công và bị đánh đập vì là người đồng tính; 15,1% cho biết đã bị gia đình mắng chửi, đánh đập vì là người đồng tính.
Con số thực tế có thể còn cao hơn rất nhiều, chỉ riêng trong môi trường học đường, 80% học sinh đồng tính đều đã từng bị quấy nhiễu về vấn đề giới tính của mình mà không được giải quyết. Trong số đó, 45% đã bị bạo lực, phân biệt đối xử trong trường học; 54% thường xuyên căng thằng tinh thần, dẫn đến tình trạng học hành sa sút; đáng chú ý, có tới 34% có ý định tự kết thúc mạng sống của mình. Dựa theo khảo sát 521 người đồng tình của Trung tâm Sáng kiến, Sức khỏe và Dân số.
Điều đáng nói, hầu hết tất cả các trường học hiện nay đều không có chính sách chống kỳ thị người đồng tính, khiến vấn nạn bạo lực người đồng tính liên tục được diễn ra.
Sự khác biệt trong cộng đồng xã hội
Cộng đồng xã hội được hiểu là một cộng đồng mà các thành viên có thể nhận thức được họ đang thuộc về nó, được hình thành do những người nhân tự nhiên hoặc do tình cờ.
Trong một xã hội sẽ bao gồm các cộng đồng người khác nhau, tùy theo quan điểm tôn giáo, quan điểm chính trị, phong tục tập quán…Chính vì thế, giữa các nhóm cộng đồng khác nhau sẽ có những khác biệt lẫn nhau trong quan điểm, nhận thức về một vấn đề, nếu không đối thoại, tìm tiếng nói chung hoặc tôn trọng lẫn nhau thì rất dễ dẫn đến tình trạng bạo lực. Ví dụ như tấn công, bạo hành, thậm chí là sát hại.
Làm thế nào để tôn trọng sự khác biệt?
Mỗi con người đều là một cá thể khác nhau, không ai giống ai. Điều này thể hiện ở khía cạnh “độc nhất” của con người, bên cạnh các khía cạnh khác như tính thống nhất, tính thuộc về cộng đồng xã hội, bình đẳng về phẩm giá và sự tự do.
Khi nói về con người là đang nói tới bản ngã cá nhân, được hiện hữu như một cái “tôi” để hiểu chính mình, tự mình làm chủ, cũng như tự mình quyết định. Ngoài ra, mỗi người đều có nhận thức và sự tự do, mà những kinh nghiệm sống độc đáo của họ không thể tương đồng với những kinh nghiệm của bất kỳ ai khác. Chính vì thế, họ cũng phải chịu trách nhiệm về mặt luân lý cho các hành động của riêng mình.
Ngoài ra, sự tự do chọn lựa còn nằm ở bản thân mỗi người, đây là một quyền được khắc sâu vào trong bản tính con người. Quyền này không được xâm phạm bởi bất cứ cá nhân, tổ chức hay thể chế chính trị nào. Mỗi người khi lên tiếng để bảo vệ quyền tự do chọn lựa của mình, cũng cần phải có trách nhiệm tôn trọng và bảo vệ quyền tự do chọn lựa của người khác.
Chính vì thế, tôn trọng sự khác biệt chính là tôn trọng con người, tôn trọng bản ngã cá nhân, đồng thời là sự tự do chọn lựa của họ. Không có bất cứ lý do chính đáng nào để một người có thể lên án, sử dụng bạo lực với người khác chỉ vì những sự khác biệt của họ. Bạo lực không phải là phương thức để giải quyết bất cứ một vấn đề nào, thay vào đó, nó chỉ đem đến những tổn thương sâu sắc tới nạn nhân, cả về thể xác lẫn tinh thần. Thực hiện việc tôn trọng con người và sự khác biệt của họ là giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa, giải quyết tình trạng bạo lực hiện nay.
st