Tông đồ thời Facebook
Danh ngôn nước ngoài có câu: “Người muốn làm thì tìm phương tiện, kẻ không muốn làm thì tìm lý do”. Vậy thì phương tiện làm tông đồ luôn có sẵn trong tầm tay của chúng ta kia kìa…
Đêm mất ngủ gặp vị tu sĩ online
Hôm rồi vào đêm chung kết hoa hậu quá nửa khuya về sáng, giật mình thức giấc rồi chớ hề ngủ lại được. Tôi bèn cầm lấy chiếc smartphone, vào mạng Bigo Live để xem giới trẻ tâm tình qua hình thức video trực tiếp (live stream).
Đang lướt qua “nhà” của những bạn trẻ thức quá khuya trong cơn ghiền chat, tôi giật mình thắng ngay cái két lại trước nhà một vị áo vàng. Ngạc nhiên chưa, một vị tu sĩ đang khai thác ưu thế và sức hấp dẫn của mạng xã hội có hình cục cựa, có tiếng nỉ non này để mà thuyết giảng.
Vị tu sĩ đó say sưa giảng giáo lý, trong khi có những người đang xem phản hồi qua những comment bằng chữ hay những biểu tượng biểu cảm.
Vị tu sĩ này lại làm chuyện “thắp lên ngọn lửa” là tham gia để giảng đạo lý. Và vị tu sĩ này không hề đơn độc. Trên các mạng truyền thông xã hội như Facebook, YouTube, Twitter,… lâu nay vẫn có nhiều vị tu sĩ xuất hiện để hành đạo bên cạnh những tín hữu của mình.
Có những vị linh mục hằng tuần vẫn siêng năng đưa lên trang Facebook của mình những thông tin cập nhật về xứ đạo, giáo phận và cả Giáo hội. Tất nhiên là không thể thiếu những bài đọc, bài giảng lễ.
Mỗi khi có một sự kiện gì đó có liên quan tới Công giáo ở địa phương hay trên thế giới, người ta có thể vào các mạng xã hội để tìm những chia sẻ, những thông tin. Người này chia sẻ cho kẻ khác, cứ vậy thông tin lan tỏa khắp cả thế gian, không phân biệt ngôn ngữ và quốc gia.
Giáo Hội luôn đi đầu trong ứng dụng công nghệ
Công giáo vốn là một tôn giáo tiên tiến (chẳng trách mà ngày xưa ở xứ Việt, nó bị gọi là đạo Tây và có biết bao người theo đạo đã bị triều đình bách hại). Vì thế, chẳng có gì phải ngạc nhiên khi từ rất lâu rồi, Giáo Hội Công giáo luôn ý thức được sức mạnh của truyền thông đại chúng trong hoạt động tôn giáo của mình.
Nhật báo Mỹ New York Times (3-12-2012) viết như vầy: “Giáo Hội Công giáo có lẽ là một trong những cơ cấu thay đổi chậm chạp nhất trên thế giới nhưng khi vào thời thông tin liên lạc với niềm tin của mình, Giáo Hội lại tiếp nhận sớm”. Ý muốn nói là tuy bảo thủ siêu cấp độ nhưng cũng cách tân thiên hạ vô đối.
Này nhé. Năm 1896, Đức Giáo hoàng Leo XIII đã trở thành vị giáo hoàng đầu tiên xuất hiện trên phim. Năm 1931, Đài Phát thanh Vatican Radio được thành lập và Đức Giáo hoàng Pius XI là vị giáo hoàng đầu tiên lên sóng phát thanh. Tới năm 1949, Đức Giáo hoàng Pius XII là giáo hoàng đầu tiên xuất hiện trên truyền hình.
Nên nhớ là chỉ sau Chiến tranh thế giới thứ II (1945), những chiếc tivi đen trắng mới bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trong các ngôi nhà ở Mỹ và Anh. Và mãi đến những năm 1950, truyền hình mới trở thành một phương tiện truyền thông hàng đầu tạo được ảnh hưởng tới ý kiến công chúng.
Mạng Facebook ra đời năm 2004 và tới năm 2009, Vatican lập website Pope 2 You, đưa ra một ứng dụng gọi là “Đức Giáo hoàng gặp gỡ bạn trên Facebook” và một ứng dụng khác cho phép người đọc tải các bài nói chuyện và các thông điệp của Đức Giáo hoàng về smartphone của họ. Năm 2011, Vatican mở một website tin tức riêng là News.va. Vậy là Giáo Hội online toàn tập và multimedia.
Còn nhớ hồi năm 2011, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã viết rằng: Các mạng xã hội và truyền thông mới đưa ra “một cơ hội vĩ đại” nhưng ngài cũng cảnh báo rằng chúng mang tới nguy cơ “vong thân” (tự đánh mất mình – alienation) và tự buông thả đam mê lạc thú (self-indulgence)”. Hồn ai nấy giữ à nghen.
Các buổi lễ thụ phong, truyền chức từ khấn dòng, thụ phong phó tế, linh mục, cho tới tấn phong giám mục, hồng y và cả giáo hoàng, tất tần tật đều được quay phim và đưa lên mạng YouTube cho cả thế giới cùng xem mọi lúc, mọi nơi.
Nếu không có YouTube, làm sao tôi ngồi ở một góc Chợ Lớn có thể xem được những sự kiện lớn của Giáo Hội Công giáo đang diễn ra tận Rome của nước Ý. Thậm chí có những sự kiện được phát sóng trực tiếp và có phiên dịch tiếng Việt hẳn hoi. Tôi đã được dự từ xa như vậy lễ đăng quang của Đức Giáo hoàng Phanxicô, lễ phong thánh, lễ tấn phong các hồng y,… Cảm giác thiệt là phiêu linh, cứ như đang chạm tay tới ngạch cửa Thiên đàng!
Đặc biệt, trong cao điểm mùa dịch Covid 19, khắp nơi trên toàn cầu được theo dõi thánh lễ online của Đức Giáo hoàng Phanxicô từ Vatican. Người trong nước thì tha hồ lựa chọn những thánh lễ online do các giám mục, linh mục mình yêu quý để hiệp thông từ xa.
Có lẽ chưa bao giờ thánh ca lại được quảng bá sâu rộng và không biên giới như ngày nay, với mạng YouTube. Có một ca đoàn ở nhà thờ Sapa tận Lào Cai đã tổ chức ghi hình những bản thánh ca do họ trình diễn rồi phát lên YouTube.
Tôi không thể ngờ được các bạn ở nơi địa đầu đất nước lại có thể thực hiện được những video clip thánh ca chuyên nghiệp đến như vậy. Một buổi chiều, tôi vào mạng tìm kiếm với từ khóa “thánh ca Công giáo” và có được khoảng 143.000 kết quả. Mặc sức mà nghe hết ngày dài tới đêm thâu nhé.
Tương tác với giáo dân
Truyền giáo và sống đạo qua các mạng truyền thông xã hội ư? Sao lại còn hỏi kia chứ, nhào vô trong vòng một nốt nhạc đi mà. Liệu Giáo Hội được lợi hay bị hại nếu như vị cha xứ và hội đồng mục vụ giáo dân có tài khoản trên Facebook, Twitter,… để thường xuyên tương tác với các giáo dân.
Hai bên sẽ hiểu nhau hơn và biết được bổn phận của mình hơn. Vào mỗi thứ Bảy, cha và mấy ông trùm đưa lên mạng xã hội những thông tin mà giáo dân cần lưu ý cho ngày Chúa nhật hôm sau. Thánh lễ sẽ đạt hiệu quả cao hơn nếu như giáo dân trước đó đã được đọc qua những bài đọc, Lời Chúa,… và được lưu ý, nhắc nhở phải làm những gì.
Các sinh hoạt và cuộc sống của giáo xứ được chia sẻ (dĩ nhiên những gì có thể chia sẻ công khai) trên các mạng xã hội cũng giúp cộng đồng gắn kết với nhau hơn. Kìa, nhà cụ X đang cần giúp đỡ, cả giáo khu cùng xúm lại nghen. Trưa nay, nhà ông trùm họ có đám giỗ kìa, xách lốc bia lại thôi. Cứ thế mà sống đạo sao vui và sinh động đến thế.