Tài liệu JraiThư viện

Tự cứu lấy mình (6)

Tự cứu lấy mình (6)

Tôi đã về Krông Pa được vài ngày rồi, đã dần quen với cuộc sống lặng lẽ ở đây. Hôm nay là thứ hai, một ngày đầu tuần. Nếu ở Sài Gòn thì đây sẽ là ngày bắt đầu một tuần mới của tôi. Tôi sẽ hối hả, bận rộn, sẽ quay cuồng với đủ mối bận tâm, nhưng ở đây, ngày đầu tuần cũng như những ngày khác. Thời gian rộng thênh thang. Cha Gioan để cho tôi được tự do thong thả thích làm gì thì làm. Vì thế, mỗi sáng sau giờ lễ, tôi leo lên tháp nước, tự thưởng cho mình chừng nửa tiếng ngắm bình minh.

 

Từ tháp nước phóng tầm mắt về phía đông, sẽ thấy sông Pa miên man chảy về phía biển, núi chất ngất mờ sương. Quang cảnh bồng bềnh tựa chốn thiên thai. Và mỗi sớm mai là một màn trình diễn tuyệt diệu của ánh sáng. Bắt đầu từ khi trời mới ươm hồng cho đến khi hàng ngàn, hàng vạn thanh sáng ghép vào nhau tạo nên một vầng sáng khổng lồ tựa như hào quang. Vầng sáng ấy mỗi lúc một tráng lệ cho đến khi chiếu ra muôn ngàn dải sáng trắng đâm toạc đám mây đen dày đặc. Rồi những dải sáng ấy kết lại thành tấm thảm ánh sáng mềm mại cho vỡ òa một bình minh rạng ngời. Các tầng trời như mở ra. Từ mặt trời, tôi không còn thấy từng tia sáng một nữa mà chỉ thấy một khối chói lóa đến không dám nhìn. Cảnh tượng rất giống trong những bức tranh mô tả ngày ông Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho Chúa Giêsu bên bờ sông Jordan năm xưa. Tôi cảm tưởng như Thiên Chúa Toàn Năng Hằng Hữu đang ngự trị trong mặt trời bừng sáng kia, để cho bao nhiêu ân phúc thiên đình đổ xuống địa cầu và nguồn bình an vĩnh cửu rót xuống nhân gian. Dưới sự sáng láng của mặt trời, chỉ có chú chim sơn ca là lựa chọn khôn ngoan. Nó chắp cánh bay lượn thỏa thuê và dùng miệng lưỡi hót lời ca ngợi hừng đông. Nó là con vật biết cái gì đáng giá nhất trong cuộc sống này.

Một bình minh đang lên.

Khởi sự của ngày mới, của vạn vật bắt đầu.

Tôi cứ đứng giữa đất trời ấy mà tận hưởng bầu khí dịu ngọt của sớm mai cho tới khi ánh nắng dần gay gắt.

Buổi chiều, tôi men theo lối mòn nương rẫy lần mò ra sông Pa. Từ nhà ra sông chỉ độ 200 met. Chiều về, ánh nắng dần nguôi ngoai. Hoàng hôn xuống thật mềm và thật quyến rũ. Ánh vàng hực lên một màu huyền ảo. Trắng xen tím. Vàng pha xanh. Bầu trời cao vời vợi với muôn vàn hình thù. Nắng chiếu xuống dòng sông hắt lên lấp lóa. Bây giờ đang mùa khô, con sông co lại chỉ còn một phần ba, để lộ bờ cát vàng mênh mông. Sông lững lờ trôi. Gió từ sông thổi vào mát rượi. Tịnh không một bóng người. Quanh cảnh vừa nên thơ vừa hiu hắt. Bao giờ sông cũng gợi lên trong tôi hình ảnh về cố nhân, nên khi nào muốn đắm chìm trong hoài niệm cũ, tôi lại tìm tới sông. Nhưng tôi là người mê núi. Ra sông để nhìn núi, nhìn cây để nhớ người. Bao quanh sông là những dãy núi trùng điệp tưởng chừng như dâng mãi lên tới trời. Tôi trải tấm áo mưa trên nền cát sông Pa, nằm đó nghe sóng võ, chim hót. Đầu óc thanh thản. Cõi lòng bình an. Ngoài kia gió vẫn thổi, sông vẫn trôi nhưng thời gian như ngưng đọng.


Hoàng hôn trên Ia R’suom

…………………….

Krông Pa không có tài nguyên gì đặc biệt, ngoại trừ nắng nóng nổi tiếng. Nắng nóng đến mức người ta nói bắt đầu từ khi gà gáy cho tới khi đi ngủ. Được cái, nắng vùng này rất thích hợp để trồng thuốc lá. Thuốc lá nơi đây vừa dày, vừa to, được thương lái ưa chuộng hơn cả. Nhưng người Jrai không tận dụng nguồn ưu tiên này được vì đòi đầu tư lớn. Một hecta thuốc lá chi phí có khi lên tới trăm triệu. Người Jrai không có tiền làm. Biết thế, trước tết, người Kinh nhanh chân thuê lại những thuở đất trống khoảng bốn tháng để trồng thuốc lá. Mỗi ký thuốc lá có giá khoảng 50 ngàn. Một hecta người ta có thể thu từ 2 – 2,5 tấn. Người Kinh đã giàu lại càng giàu thêm. Còn người Jrai đã nghèo thì ngay cả cái có trong tay cũng bị lấy đi.


Mùa hái dưa

Ở đây, người Jrai cũng không tránh được làn sóng của cuộc sống hiện đại. Quốc lộ 25 chạy ngang qua Ia R’siơm thu hút nhiều người Kinh đến lập nghiệp bên đường. Họ mở quán café, quán nhậu, cửa hàng điện thoại và nhiều dịch vụ khác. Người Jrai vốn là một dân tộc hiền lành và thật thà, đã không được chuẩn bị gì để thích ứng trước cuộc đổ bộ ồ ạt của người Kinh. Còn người Kinh thì ra sức phô bày những sản phẩm của sự tiến bộ khiến người Jrai cảm thấy mình lạc hậu, ngu dốt. (Có phải vì vậy mà người Jrai khi nói chuyện với người có Kinh mặt cứ cúi gằm xuống và tự nhận mình là con lật đật không?). Kết quả là người Jrai bị kinh hóa mà không biết. Những đứa trẻ Jrai đứng trước hàng bánh đầy màu sắc của người Kinh, không thể nào cưỡng lại nổi sự hấp dẫn. Chúng nào biết trong cái bánh xanh đỏ ấy là chất bảo quản độc hại.

Trong buôn, tôi bắt đầu có những người bạn mới. Đó là bộ ba H’nhao, H’nhơi va H’nem. Ba bạn còn đang đi học, lần lượt lớp 11, lớp 10 và lớp 7. Tên của người Jrai có một nguyên tắc mà cứ nhìn vào đó người ta sẽ biết đó là con gái hay con trai liền. Tên con gái khi nào cũng có chữ “h” đằng trước, ví dụ như H’nhơr. Còn con trai thì không. Ba cô gái này ngày nào cũng qua nhà cha chơi. Các bạn gọi cha tiếng Jrai là ama, cho nên tôi cũng bắt chước gọi theo. Gọi kiểu này có cảm giác cha gần gũi hơn. (Có lẽ vì thế mà sau này khi về lại Sài Gòn, tôi gọi tất cả những vị linh mục là ama). Ở đây, người Jrai xem ama là người con chung của cả buôn làng. Vì thế, có chuyện gì họ cũng đến nói với ama. Từ chuyện đau cái răng, nhức cái chân, đến chuyện con heo đẻ được mấy con họ cũng đến nói cho ama nghe. Thậm chí, nếu kẹt quá, họ cũng chạy qua mượn tiền ama. Tôi cảm giác ama như cái sọt rác để họ trút vào đó tất cả mọi ưu tư, phiền muộn. Nhưng để trở thành cái sọt rác không phải dễ đâu nhé.

Ama giao cho ba cô gái nhiệm vụ dạy tôi tiếng Jrai. Thế là mỗi tối, các bạn tới, mang theo những câu chuyện của một ngày, đủ màu sắc cuộc sống. Nhờ ba cô gái này mà tôi bớt quạnh hiu và hiểu thêm về người Jrai. Ngoài Ayunpa, ami H’siu đã dạy tôi chút đỉnh tiếng Jrai, nhưng ở Krông Pa người ta nói khác. Ví dụ như Ayunpa nói là “bĭa mớ?” (nghĩa là “đúng không”?) thì Krông Pa nói là “jăk mớ?”. Mỗi vùng tùy theo thổ nhưỡng mà có nhiều phương ngữ khác nhau, nên vùng Plei Chuet nói nhiều từ vùng Cheo Reo không hiểu, kiểu như miền Trung và miền Bắc người Kinh vậy. Tuy nhiên, người vùng Pleily lại có thể nghe được tiếng của mọi vùng khác vì Pleily vốn là cội nguồn của người Jrai. Để cho dễ nhớ, tôi nhờ các bạn viết từ Jrai ra, rồi dán nó lên mọi vật dụng trong nhà. Nhưng khi làm thế thì tôi mới biết các bạn không rành viết chữ Jrai lắm. Và đó là tình hình chung của dân tộc này. Người Jrai có bộ chữ của riêng mình, điều mà rất nhiều dân tộc khác không có, nhưng bây giờ con cháu họ không biết viết chữ Jrai. Ở trường làng, một vài buôn có dạy chữ Jrai cho con em họ, kiểu dạy thêm chứ không nằm trong chương trình học, và đó là tất cả vốn liếng chữ nghĩa Jrai của các em. Khi lên cấp hai, trong trường chỉ dạy tiếng Kinh, các em cũng từ từ quên tiếng dân tộc mình. Nghe nói Bộ Giáo dục đang làm bộ sách giáo khoa riêng cho người Jrai. Không biết bao giờ các em mới được học bằng tiếng mẹ đẻ của mình.

Một tối nọ, ba cô gái qua sớm hơn thường lệ, hào hứng rủ tôi đi hội chợ. Ừ đi thì đi. Loại hội chợ này chỉ dụng võ được ở những làng quê hẻo lánh, nơi người dân tò mò muốn biết bê đê ra sao. Họ bày ra vài gian hàng vui chơi như ném banh vào rổ, phóng phi tiêu, chuột chạy…Mỗi lần chơi phải mua vé một hoặc hai ngàn tùy theo trò chơi. Giải thưởng thường là các loại kẹo, nước giải khát rẻ tiền, hết hạn. Dẫu cho người chơi có thắng giải thì họ vẫn lời. Nhưng người Jrai đâu có biết những điều này. Nghe nói hội chợ, cả buôn nô nức kéo nhau đi, đông nhất vẫn là giới trẻ. Ở một nơi không có nhiều trò giải trí, một hội chợ như thế này dễ dàng thu hút tất cả mọi người. Người Jrai lại vốn là một dân tộc thích chơi đùa, điều này thể hiện rất rõ khi làm lễ bỏ mả. Bây giờ không còn lễ bỏ mả nhưng dấu ấn vẫn còn đó. Mà đã chơi là người Jrai chơi hết mình. Cho nên, tôi chẳng lạ gì khi một bạn trẻ Jrai ném banh vào rổ không trúng, cứ đứng ném cho tới khi thắng hoặc hết tiền thì thôi. Hội chợ về đây đúng là hốt bạc. Có lẽ vì thế mà tháng sau lại thấy họ về.


Giới trẻ Jrai giải trí

Cũng từ ba cô gái này mà tôi biết được giới trẻ Jrai thích nghe nhạc trẻ của người Kinh, loại nhạc mì ăn liền, thần tượng các ca sĩ mới nổi, và có người muốn rũ bỏ nguồn gốc của mình. Các bạn thấy ngại ngùng khi mặc cái bành eng truyền thống (như cái xà rông của người Khơme), ngại địu con trên lưng, ngại đeo gùi, ngại nói cả tiếng Jrai. Người già mỗi ngày một già đi, tựa cửa nhìn ra thấy con cháu càng ngày càng nhạt màu dân tộc mà không biết phải làm sao níu lại. Thời của đêm đêm bên bếp lửa, già làng kể akhan qua rồi. Bây giờ, trong buôn không còn già làng nữa. (Nếu còn thì lại là già làng quốc doanh). Có một thực tế đáng buồn là nhiều bạn trẻ Jrai sau khi học hành thành đạt thì ra vẻ kiêu căng ngạo mạn với anh em mình và không muốn trở về giúp buôn làng nữa. Các bạn có lí của mình: ở làng, không có đất dụng võ. Tất nhiên, những điều trên đều có thể thông cảm vì đó là cái giá phải trả cho sự mở cửa, nhưng sẽ thật là xấu hổ với tổ tiên nếu các bạn được cho ăn học mà không biết viết chữ viết của dân tộc mình. Tôi chưa bao giờ có cảm thức về sự lụi tàn của dân tộc tôi trong đất nước này, cũng như chưa khi nào tôi mảy may nghĩ đến chuyện con cháu chúng tôi sẽ không biết viết tiếng Việt. Đơn giản chỉ vì người Kinh làm chủ đất nước này. Nhưng tôi nhận thấy rất rõ sự mỏng manh dễ vỡ của dân tộc này và có lẽ của 52 dân tộc còn lại. Khối đại đoàn kết dân tộc không làm cho mỗi dân tộc triển nở và giữ gìn được bản sắc riêng của mình, mà ngược lại, đang lột bỏ cá tính từng dân tộc để tất cả trở nên giống nhau như một con cừu trong hàng ngàn con cừu, một cỗ máy trong hàng ngàn cỗ máy. Nói theo ngôn ngữ bình dân thì dân tộc này đang trên đà tuyệt chủng.

Không biết có phải tôi đang bi quan yếm thế quá sức hay không, nhưng tôi thật sự lo sợ cho sự tồn vong của dân tộc này. Dù rằng Giáo Hội đã gánh lấy trọng trách đồng hành cùng với họ, nhưng chính họ, họ phải tự cứu lấy mình. Trách nhiệm thuộc về các bạn đó, người trẻ Jrai ơi. Các cha dù có tài giỏi và nhiệt huyết đến đâu thì các cha vẫn là người Kinh, các cha không có dòng máu Jrai, không có đủ sự đau khổ và bất hạnh để giữ mãi dân tộc các bạn trong tay đâu.

Amai H’ Blan

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!