Góc tư vấn

Từ “like” – “share”… đến đạo đức truyền thông

Từ “like” – “share”… đến đạo đức truyền thông

 

Ngày nay, sự phát triển nhanh chóng của các mạng xã hội đã mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng, nhưng cũng đòi mỗi người phải có trách nhiệm khi sử dụng chúng.​
Mỗi công dân trở thành “nhà báo”
Kể từ khi có mạng xã hội, đặc biệt với các mạng xã hội thông dụng như Facebook, Tik Tok, Instagram, LinkedIn, WhatsApp, Wechat… thì bất kỳ ai cũng có thể trở thành những “nhà báo”.

Trong thực tế, ngày nay, với các nền tảng kỹ thuật số, người dân không chỉ là những người “tiếp nhận thông tin một cách thụ động như trước đây, chỉ xem những gì người khác in ra, gửi tới, hay sản xuất mà họ còn tham gia như một nhà sản xuất, gõ “thích” hay bình luận hoặc đưa ra một tin nhắn, viết blog, tải đoạn video, hay hình ảnh lên mạng” (Docat #41).

thegioisaigontimes.jpg

Nguồn ảnh: Thegioisaigontimes

Vì là chủ thể và chủ động trong mỗi bản tin ngắn, mỗi đoạn video hay hình ảnh được tải lên mạng xã hội, thậm chí ngay cả việc bấm “like” hay “share” một sản phẩm truyền thông của người khác, nên các “nhà báo công dân” đương nhiên “phải gánh lấy trách nhiệm đạo đức có thể sánh được với trách nhiệm của bất cứ nhà cung cấp các phương tiện truyền thông đại chúng nào khác” (Docat # 38), vì nút “like” (thích) hay “share” (chia sẻ), không chỉ là những nút hay một thao tác biểu đạt sự thích, tán thưởng… mà còn trở thành một lời cam kết, đồng tình hoặc ủng hộ.

“Like” – “share” có trách nhiệm
Chính vì thế, khi sử dụng các phương tiện truyền thông, các “nhà báo công dân”, cách riêng các tín hữu Công giáo, bị buộc phải chịu trách nhiệm về những gì mình viết, nói, chia sẻ hay biểu đạt…

Trách nhiệm ở đây, trước hết là trách nhiệm đối với Thiên Chúa, vì: “Truyền thông là quà tặng của Thiên Chúa kèm theo một trách nhiệm lớn lao” (Sứ điệp ngày Truyền thông Thế giới lần thứ 50, năm 2016). Do đó, khi tham gia mạng xã hội, người Công giáo phải luôn ý thức về “sứ mạng truyền thông” mà Chúa đã ủy thác. Họ phải “loan truyền sự thật và tìm kiếm nhau trong tình bằng hữu” (Docat # 42), phải “bày tỏ và chia sẻ tất cả những gì là Chân – Thiện – Mỹ” (Phanxicô, Sứ điệp ngày Thế giới truyền thông lần thứ 52, ngày 24/1/2018) và phải diễn tả lòng thương xót, nhân từ và tha thứ của Thiên Chúa đối với mọi người. (Sứ điệp ngày Truyền thông Thế giới lần thứ 50, năm 2016)

Ngoài ra, họ cũng phải “chịu trách nhiệm với người lân cận, những người cần được hội nhập, quan tâm và thăng tiến nhờ các phương tiện truyền thông xã hội” (Docat # 42). Vì thế, các thông tin họ chia sẻ phải “phục vụ công ích và sự phát triển của con người” (Docat # 39). Các thông tin được chia sẻ và đón nhận phải giúp “vượt qua những hiểu lầm, chữa lành những ký ức đau thương… có thể bắc những nhịp cầu nối các cá nhân, các gia đình, các nhóm xã hội và các dân tộc với nhau.” (Ibid)

Cuối cùng, khi sử dụng các phương tiện truyền thông, họ còn phải “chịu trách nhiệm về chính bản thân mình”, vì dù là ai, mỗi con người “cần phải hội nhập vào một cộng đồng thực sự với những người khác thông qua các phương tiện truyền thông, thay vì cô lập mình trong không gian “ảo”, đóng kín mình trươc những người khác, trước những nhu cầu thực tế của tha nhân” (Docat # 42).

Kết luận
Người Công giáo khi viết, chia sẻ, thậm trí ngay cả khi bấm “like” luôn phải là những nhà truyền thông trách nhiệm: trách nhiệm với Thiên Chúa trong sứ mạng Ngài trao, trách nhiệm với tha nhân, với gia đình và xã hội trong tình liên đới và trách nhiệm với bản thân, để khi tham gia mạng xã hội, họ không bị tha hóa, biến chất, nhưng luôn là sứ giả đem Tin mừng của Chúa đến cho mọi người.

Vì thế, hỡi bạn, những “nhà báo công dân Công giáo”, hãy viết, “like” và “share”… có trách nhiệm!


Phải làm gì?

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!