VÌ SAO CÓ TÊN GỌI LÀ “MIỆT THỨ”
Đại Nam Nhứt Thống Chí chép đó là vùng “Lâm Sác”, vùng Thập Câu, giới bình dân gọi nôm na đó là Miệt Thứ, là ven U Minh. Thập Câu là mười con rạch mang tên là rạch thứ Nhứt, rạch Thứ Hai… rạch thứ Mười chảy song song từ vùng đất thấp U Minh Thượng ra biển, gọi là “thập” nhưng trong thực tế hơn mười con rạch. Người địa phương lần hồi khai thác và khám phá thêm, thí dụ như rạch thứ chín rưỡi (giữa rạch thứ Chín và thứ Mười) hoặc rạch Xẻo Vẹt, Xẻo Ngát, Chà Và giả, Chà Và thiệt, rạch Ổ Heo, rạch Nằm Bếp, rạch Kim Quy…
Đây là vùng đất vào thời trước rất xa xôi, hiểm trở với nhiều thú dữ và bệnh tật, là nơi dừng chân cuối cùng của người dân Việt trên con đường Nam tiến, người dân chỉ đến khai thác vùng này từ sau năm 1870. Ở vùng Miệt Thứ ruộng xấu năng xuất kém, đất thấp nhiều muỗi mòng, nhưng được một cái ở Miệt Thứ những thức ăn như kỳ đà, rắn, lươn, cua, cá lóc, tôm, đuông chà là nhiều đến mức ê hề, người sành điệu tha hồ mà chế biến, có lẽ dân miền Tây nhậu giỏi cũng nhờ “mồi nhậu” chế biến từ những “hế biến từ những “đặc sản” này.
Miệt Thứ thời ấy xa xôi cách trở quá, cho nên cô gái Miệt Vườn theo chồng về Miệt Thứ có tâm sự:
Đêm đêm ra đứng hàng ba,
Trông về quê mẹ lệ sa buồn buồn.
Sương khuya ướt đẫm giàn bầu,
Em về Miệt Thứ bỏ sầu cho ai?
Còn cô gái ở miền Miệt Thứ Cà Mau lại bày tỏ:
Mẹ mong gả thiếp về vườn,
Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh.
Trong sách của Bùi Đức Tịnh (1923-2008), một học giả, nhà giáo, nhà báo quê ở Ba tri – Bến Tre, sách của ông viết nhiều về đủ mọi thể loại (Văn học sử, Văn học, Ngôn ngữ học, Địa danh Nam bộ…) cũng có viết về Thứ và Miệt Thứ:
– Thứ: Danh từ dùng riêng trong vùng Rạch Giá, Cà Mau để gọi 9 con rạch đổ ra vịnh Thái Lan bắt đầu từ chỗ gần sông Cái Lớn (Rạch Giá) xuống đến Khánh Lâm (Cà Mau). Ngọn rạch gần sông Cái Lớn nhất gọi là Thứ Nhứt, rồi đến Thứ Nhì, Thứ Ba… cho đến Thứ Chín.
Cũng cần phân biệt vùng có những con rạch đến thứ chín này là khu vực Thới Bình, Huyện Sử (tên một ngôi chợ) với khu vực gọi là “Miệt Thứ” thuộc quận Năm Căn ngày trước. Đây là vùng U Minh Hạ có 12 con kinh đưa vào rừng lấy củi, ăn ong (lấy mật ong), được gọi theo thứ tự từ kinh 1 đến kinh 12.
Theo: Fanpage Nam Kỳ