Vở kịch “Người con hoang đàng” trở lại Đà Lạt
“Người con hoàng đàng” là mẩu chuyện Kinh Thánh nổi tiếng mà bất cứ người Kitô hữu nào cũng biết, thậm chí… thuộc lòng. Dụ ngôn này đã được cố nhà giáo Phanxicô Xaviê Trần Duy Nhiên ở Đà Lạt trước đây viết thành kịch bản và diễn lần đầu ở nhà thờ Chánh tòa Đà Lạt vào đầu thập niên 80 thế kỷ XX.
Sau hàng chục năm vắng bóng, chiều thứ bảy 25.3.2023 vừa qua, vở kịch “Người con hoang đàng” đã xuất hiện trở lại ở phố núi Đà Lạt, lần này được nhóm Rabboni từ Tổng Giáo phận TPHCM, diễn xuất trong nhà nguyện giáo sở Thánh Tâm theo lời mời của cha Phêrô Lê Văn Hùng, đặc trách giáo sở.
Một cảnh trong vở kịch “Người con hoang đàn”
|
Hồi hộp theo dõi
Được giới thiệu và mời gọi trước, chiều 25.3, nhà nguyện Thánh Tâm dường như kín chỗ. Cha Phêrô giới thiệu nhóm Rabboni sẽ diễn nguyện hoạt cảnh Tin Mừng “Người con hoang đàng”. Kịch bản được nhà giáo Phanxicô Xaviê Trần Duy Nhiên viết dựa theo bản văn trong Tin Mừng Luca. Vở diễn chỉ có 3 nhân vật chính: Người cha, người anh, người em và nhân vật phụ là gia nhân, nhưng đã cuốn hút cộng đoàn chăm chú theo dõi từ đầu đến cuối.
Nội dung đoạn Tin Mừng Lc 15,11-32 vốn đầy kịch tính, được chuyển thể thành kịch bản và được các diễn viên thể hiện trong một chiều thứ Bảy mùa Chay thật sống động, giúp người xem cảm nhận sâu sắc hơn tính cách, nội tâm, sự trăn trở của từng nhân vật. Khi người em hối cải ăn năn trở về được người cha mở rộng vòng tay đón nhận, sai gia nhân làm thịt con bê béo để ăn mừng khiến người anh ganh tị, bực tức. Thế nhưng phần tiếp theo thật bất ngờ, khác hẳn bản văn Kinh Thánh. Đỉnh điểm của sự mâu thuẫn lúc này mới bắt đầu, khi người anh lại bất mãn, bất cần, quyết bỏ nhà ra đi, khiến người xem hồi hộp…, chẳng lẽ vở kịch không có hồi kết!
Cha đặc trách giáo sở đã can thiệp, đặt câu hỏi cho cộng đoàn, có cách nào để hóa giải sự mâu thuẫn giữa người anh và người em, làm sao để hàn gắn sự bất hòa… Sau một số “hiến kế” từ phía khán giả thì rất may, người anh bất ngờ xuất hiện. Cha sở hỏi anh “đã quyết bỏ nhà ra đi vậy anh có trở về không?”, người anh vui mừng kể lại “Rốt cuộc thì tôi không ra đi”. Lý do, khi đến chào người cha để ra đi thì người cha năn nỉ anh ở lại 1 tháng rồi đi, cha không hề ngăn cản. Trong thời gian ở lại, người anh thấy người em có sự thay đổi, chuyển biến và trưởng thành thực sự. Do đó, người anh thấy mình cũng phải thay đổi, cần phải trở về (dù chưa đi) từ chính nội tâm của mình.
Xem vở kịch tôi thích nhất lời thoại của người anh: “Tôi có lý nhưng không có tình. Chỉ có cha là người có tình có lý. Cha đã yêu thương chú với cái đẹp của chú, và yêu thương tôi với cái hay của tôi. Chú đã làm cha buồn một kiểu, tôi đã làm cha buồn kiểu khác, cả hai chúng ta, chẳng đứa nào biết yêu thương cha hết”.
Phần kết của vở kịch “Người con hoang đàng” gởi đến người xem thông điệp: bên cạnh sự trở về thì “Chúng ta đã khởi hành bằng tình thương và chúng ta dằng dai trên vấn đề giao hòa với anh em… Bởi vì muốn yêu thương thì cần phải giao hòa với anh em, và trước tiên là giao hòa chính mình với Cha chung là Thiên Chúa…”
Cộng đoàn chăm chú theo dõi vở kịch và cảm nhận được nhiều điều ý nghĩa trong mùa Chay… |
Những diễn viên nhà đạo tình nguyện
Sau khi vở diễn kết thúc, người viết tìm gặp nhóm diễn viên. Anh Marcelino Nguyễn Hồng Phúc (Phó nhóm), năm nay 41 tuổi nhưng có 20 năm tham gia nhóm kể: “Nhóm Rabboni hình thành năm 1992 bởi linh mục Giuse Tiến Lộc và thầy Phanxicô Xaviê Trần Duy Nhiên, quy tụ các thành viên yêu kịch nghệ đến từ nhiều giáo xứ, giáo hạt trong TGP TPHCM”. Hiện nay anh Luca Nguyễn Thành Tâm là trưởng nhóm.
Theo anh Phúc, anh may mắn gặp cha Tiến Lộc và thầy Trần Duy Nhiên tại một lớp đào tạo giáo lý viên. Cha Tiến Lộc dạy cách dàn dựng và biểu diễn những câu chuyện Kinh Thánh, diễn nguyện… làm anh mê tít, từ đó tình nguyện tham gia vào nhóm.
Vào những dịp như mùa Vọng, mùa Chay… nhóm thường tháp tùng cha Tiến Lộc khi cha đi giảng tĩnh tâm cho các giáo xứ, dòng tu. Trong những ngày tĩnh tâm đó, nhóm Rabboni được hân hạnh phục vụ các vở kịch “mùa nào thức đó”. Có thể kể đến các vở như “Đâu có tình yêu thương”, “Cuốn Phúc âm thứ năm”, “Trước ngã ba đường”, “Ngài đã bị khước từ”, “Thiên đường ở trong tôi”… Lúc sinh thời, soạn giả Trần Duy Nhiên đã đặt hết tâm huyết của mình vào đây. Trong vai trò vừa biên soạn, vừa đạo diễn, ông đã tập cho các “diễn viên” để tất cả có thể sống và giúp cho các cộng đoàn đọc Lời Chúa dưới hình thức thoại kịch, thổi một luồng gió mới để các sinh hoạt nhà đạo bớt khô khan hơn.
Thầy Trần Duy Nhiên mất năm 2009, năm 2022 cha Giuse Tiến Lộc cũng về với Chúa, nhưng nhóm Rabboni vẫn sống. Một số anh em kỳ cựu trong nhóm tiếp tục đảm nhiệm cương vị đạo diễn để tập dợt cho các thành viên. Các bạn trẻ vẫn sẵn sàng lên đường phục vụ các giáo xứ, các dòng tu khi nhận được lời mời, dù ở Sài Gòn hay ở các tỉnh.
Với chuyến lên Đà Lạt lần này, nhóm Rabboni cử 8 thành viên, trong đó có Giuse Trần Thanh Hải (vai người cha) đến từ giáo xứ Gia Định, Giuse Võ Tiến Phát (vai người anh) đến từ giáo xứ Thủ Đức, Giuse Phạm Nguyễn (vai người em) đến từ giáo xứ Từ Đức và một người vào vai gia nhân đến từ giáo xứ Tân Hương… Mỗi người đều có công ăn việc làm, có gia đình nhưng đều sẵn sàng sắp xếp công việc, thời gian để tập luyện và lên đường phục vụ.
Anh Marcelino Nguyễn Hồng Phúc cho biết thêm, thời gian gần đây Nhóm Rabboni vẫn thường xuyên phục vụ các dòng tu nam, nữ; dựng thêm những vở kịch khác… Để có một buổi diễn, các bạn trẻ phải ôn luyện lại, chuẩn bị trang phục, tự trang điểm cho nhau để hóa trang thành các nhân vật cách sống động nhất. Dù vất vả là vậy, nhưng các diễn viên nhà đạo đều chia sẻ: “Với chúng em được biểu diễn phục vụ mọi người là niềm vui rồi”.
Dù thầy Trần Duy Nhiên, cha cố Giuse Tiến Lộc đều không còn, nhưng những “di sản” mà các vị để lại vẫn tiếp tục đơm hoa kết trái, đó là những kịch bản viết từ Kinh Thánh bất hủ; là nhóm Rabboni vẫn sẵn sàng đi đến với muôn nơi, để loan truyền Lời Chúa bằng kịch nghệ cho mọi người. Được biết, vừa qua, Tủ sách Nước Mặn của giáo phận Qui Nhơn đã phát hành tuyển tập 1 các kịch bản của cố nhà giáo Trần Duy Nhiên với tựa “Cuốn Phúc Âm thứ năm và 6 kịch bản khác”.
Bài và ảnh: THÔNG XANH