Roma – La Mã
Nhà văn/ nhà giáo Nguyễn Hoàng Quý sinh năm 1950 tại Quảng Nam qua đời ngày 15 tháng 2. 2024 tại Nha Trang. Ông xuất thân Đại Học Sư Phạm Huế – với sở học uyên thâm, từng là cộng tác viên của Báo Trẻ. Ông cũng là người nặng lòng đối với đất nước đang lầm than khốn khổ dưới một chế độ không phải của người. Qua hàng chục năm tận tụy cống hiến, đóng góp câu nói tiếng cười và những trang viết, trong mối giao tình đẹp đẽ với mọi người, ông được các đồng nghiệp, bạn bè, học trò nhiều nơi… quý mến. Khi nghe tin ông nằm xuống đã có những bài viết tưởng nhớ ông rất cảm động và sâu sắc. Ta có thể kể ra đây một vài người: Đặng Thị Thanh Nhã, Hằng Nguyễn, Phan Nữ Lan, Minh Thư… Sau đây để tưởng niệm nhà văn/nhà giáo Nguyễn Hoàng Quý – một tấm lòng và nhân cách đáng tôn trọng, báo Trẻ xin giới thiệu bài viết của người vừa ra đi. BÁO TRẺ
Hồi vào tiểu học tôi đã làm quen với các con số và phép tính cộng, trừ, nhân, chia. Lên lớp trên, biết thêm các số La Mã. Cái tên “La Mã” ngày ấy không gợi lên một ý nghĩ gì. Cho đến khi học môn Sử Địa, thủ đô Roma phiên âm thành La Mã, rồi “đế quốc La Mã,” tôi mới gắn tất cả những từ, những khái niệm đó với nhau để thành cái biết sau này. Đi Roma/ La Mã, một kinh đô có tuổi đời hơn 28 thế kỷ này, với tôi là một hạnh phúc lớn!
Đấu Trường La Mã (Colosseum)
Khi dạy Lịch sử cổ đại lớp 10 sau 1975, trong bài “La Mã cổ đại” có nói đến Đấu Trường La Mã (Colosseum) là nơi thi đấu giữa các võ sĩ giác đấu (với nhau hoặc với thú dữ). Cứ ngỡ là nơi này cũng chỉ là một sân khấu lộ thiên bình thường. Đến thăm mới thấy đây là một công trình khổng lồ được đưa vào sử dụng từ năm 80 sau CN này có sức chứa lên đến 60,000 người. Colosseum có 2 vòng tường, tường ngoài cao tương đương một ngôi nhà 15 tầng (48m), dài 189m và rộng 156m. Có tận mắt chứng kiến những khối đá xây tường, những cây cột đồ sộ ở đây người ta mới kinh ngạc về trí tuệ trong việc thiết kế và xây dựng ở một thời đại chưa có máy móc
Tòa Thánh Vatican
Ở Vatican có 3 nơi để du khách chiêm ngưỡng: Bảo tàng Vatican bao gồm cả Nhà Nguyện Sistina (Cappella Sistina), Khu vườn Vatican (Giardini del Vaticano) và Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê Rô (Basilica S. Pietro).
Bảo tàng trưng bày hiện vật cổ đại Ai Cập và Cận Đông, Bình cổ Etruscan, Hy Lạp La Mã cổ đại, Cổ vật Ki Tô giáo, Nghệ thuật thế kỷ 12-18, thế kỷ 19-21… Chừng như du khách dành nhiều thời gian nhất cho Nhà Nguyện Sistina là nơi trưng bày các bích họa của Michelangelo mà nổi tiếng nhất là bức “Ngày Phán xét cuối cùng” và đây cũng là nơi khách đông đảo nhất, nhìn ngắm lâu nhất. Để giữ sự trang nghiêm nơi tôn kính này, có bảng cảnh báo bên ngoài và khách luôn được nhắc giữ im lặng, không được chụp hình.
Phải trở ra ngoài xếp hàng rồng rắn qua kiểm tra an ninh rồi khách mới được vào Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê Rô. Có rất nhiều nơi để chiêm ngưỡng trong đó có mộ phần của Đức Thánh Cha Jean Paul II.
Không thể nào diễn đạt hết lòng kính ngưỡng của mình trước những gì được nhìn thấy nhưng lòng vẫn thầm cầu mong cho thế giới bình an và dân mình thoát khỏi hiểm họa mất nước đang cận kề.