Phụng vụSuy niệm ngày thường

Xin cho chúng con được thấy

3.5 Thánh Philipphê và Giacôbê, Tông Đồ

Cv 12:2413; Tv 67:2-3,5,6,8; Ga 12:44-50 Gioan (14, 6-14)

Xin cho chúng con được thấy

          Giáo Hội mừng kính hai thánh Tông đồ Philipphê và Giacôbê. Hai vị thánh này xuất thân từ Bếtsaiđa, cùng quê với Phêrô và Anrê thuộc nhóm môn đệ của Gioan Tẩy Giả, và trở thành những môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu.

          Nếu như Giacôbê tiền là anh của Gioan, là con của ông Dêbêđê, thì Giacôbê chúng ta mừng kính hôm nay là Giacôbê hậu, con của ông Anphê. Tiền và hậu chỉ sự phân biệt chứ không nói lên đặc tính gì quan trọng.

          Còn thánh Philipphê là người đã giới thiệu ông Nathanaen cho Chúa Giêsu; đồng thời cũng là người giới thiệu nhóm người Hy Lạp khi họ xin được gặp Chúa Giêsu.
Hai vị thánh được Giáo Hội mừng kính hôm nay nếu chỉ dựa trên những gì Sách Thánh nói, thì không có gì nổi trội đặc biệt. Thế nhưng, họ đã được chọn làm Tông đồ của Chúa, chứng tỏ nơi tâm hồn các ông đã có sẵn lòng nhiệt thành và sự sốt sắng đáp trả khi được ơn kêu gọi. Với thánh Philipphê khi xin Chúa: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”; và thánh Giacôbê, vị Tông đồ được sánh bước với Thầy và được thấy những việc Chúa làm. Như thế đủ thấy các ngài được chọn là để thấy, để nghe, để ra đi và để làm chứng cho chính Chúa.

          Mỗi người chúng ta cũng được Chúa chọn qua bí tích Rửa Tội; và vì vậy, chúng ta cũng được diễm phúc: thấy những việc Chúa làm trong cuộc đời mình; nghe những lời Chúa nói qua Tin Mừng, qua Giáo Hội; được sai đi loan báo Tin Mừng và làm chứng bằng đời sống gương mẫu về công bình, bác ái, niềm tin, lòng trông cậy và tình mến Chúa.

          Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã giải thích cho các Tông Đồ rằng Người đã sửa soạn chỗ cho họ trên trời, để họ sẽ được ở với Người mãi mãi, và họ đã biết cách để đến nơi đó. Cuộc hàn huyên cứ tiếp tục – các Tông Đồ nêu câu hỏi, và Thầy Chí Thánh trả lời. Lúc ấy, Philipphê nêu lên một câu hỏi dường như lạc lõng: “Lạy Thầy, xin tỏ chúng con thấy Cha, và như thế là đủ cho chúng con”. Chúa Giêsu đã trách yêu người môn đệ: “Thầy đã ở với con bấy lâu rồi, mà con vẫn chưa biết Thầy sao, hỡi Philipphê? Hễ ai nhìn thấy Thấy là đã nhìn thấy Cha Thầy, sao con lại nói, ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Cha”.’

          Có lẽ nhiều lần Chúa Giêsu cũng phải trách chúng ta như đã trách thánh Philipphê! Thầy đã ở với con bấy lâu rồi mà con vẫn không nhận ra Thầy sao! Chúa có thể kể cho chúng ta hết trường hợp này đến trường hợp khác, những lần chúng ta có lẽ đã vì áp lực hoàn cảnh mà quên mất mình là con cái Chúa và sự gần gũi của Người. Chúng ta thấy lời đáp của Chúa Giêsu dành cho người Tông Đồ thật an ủi biết bao! Chúng ta cũng nhận ra nơi vị Tông Đồ ấy con người của chúng ta.

          Chúa Giêsu mặc khải về Chúa Cha. Nhân tính Chúa Kitô là con đường để nhận biết và yêu mến Thiên Chúa Cha, Thiên Chúa Con và Thiên Chúa Thánh Thần. Cách thế thông thường để đến với Thiên Chúa Ba Ngôi là chiêm ngắm Chúa Kitô. Nơi Người, chúng ta có mặc khải tối chung về Thiên Chúa dành cho nhân loại. Chính Người… đã đến bổ túc và hoàn tất mặc khải, bằng tất cả sự hiện diện của Người, và tỏ mình qua lời nói cũng như việc làm, dấu chỉ và phép lạ, nhất là qua cái chết và sự sống lại vinh quang, sau cùng bằng việc phái Thần Chân Lý đến.

          Người xác nhận Thiên Chúa hằng ở với chúng ta để giải thoát chúng ta khỏi bóng tối tội lỗi và sự chết, rồi cho chúng ta sống lại để được sống đời đời. Chúa Kitô làm cho cuộc đời của chúng ta được sung mãn. Thánh Augustine đã nói, Thiên Chúa đủ cho bạn rồi. Ngoài Người ra, không gì có thể nói được như thế. Thánh Philipphê đã hiểu điều này rất rõ khi nói rằng, “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Cha, và như thế là đủ cho chúng con” Chúng ta đã có một niềm xác tín như thế chưa?

           Muốn được thấy Chúa, được đụng chạm vào Chúa là khát vọng của thánh Philipphê và cũng là của con người. Thỏa mãn được khát vọng này là một điều khó. Về phía Thiên Chúa, Ngài là Đấng thiêng liêng vô hình, Ngài bao trùm cả trời đất trăng sao, cả vũ trụ này cũng không thể chứa nỗi Ngài, nên con người không thể nào chiêm ngưỡng hết, thấy Ngài hết được. Và về phía con người, con người quá nhỏ bé và yếu kém, nên không thể nào nhìn thấy Thiên Chúa mà sống được.

          Ngày xưa, có một vị vua cũng đòi một nhà truyền giáo chỉ cho ông ta thấy Chúa, rồi ông mới tin. Nhà truyền giáo dẫn vị vua ra ngoài cung điện, chỉ lên mặt trời, và nói: nhà vua cứ nhìn lên mặt trời thật lâu rồi sẽ thấy Chúa. Nhà vua nhìn lên mặt trời khoảng một vài phút, đến lúc không thể nhìn thêm được nữa, thì mới quay sang hỏi nhà truyền giáo: Ông muốn cho tôi mù mắt hay sao mà cứ bắt tôi nhìn lên mặt trời, sao tôi nhìn nỗi. Lúc này, nhà truyền giáo mới nói: Mặt trời chỉ là thụ tạo nhỏ bé của Chúa, vậy mà ông còn nhìn không nỗi, sao ông dám nhìn Thiên Chúa cao sáng mà có thể sống được?

          Thế nhưng, vì tình yêu, Thiên Chúa đã hạ mình, trút bỏ vinh quang, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế để con người có thể nhìn thấy và đụng chạm vào Ngài, cũng như để mặc khải cho con người biết về Thiên Chúa và con đường cứu độ Thiên Chúa dành cho con người. Vị Thiên Chúa trở thành xác phàm đó chính là Chúa Giêsu, như lời Người khẳng định trong câu trả lời cho thánh Philipphê: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha… Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy…”. Quả thật, Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa thật, và các việc vĩ đại Ngài đã làm minh chứng cho điều đó.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!