Phụng vụTư liệu Phụng vụ

5 điều cần biết về Chúa Thánh Thần

5 điều cần biết về Chúa Thánh Thần

 

Năm khía cạnh liên quan đến Chúa Thánh Thần mà không phải ai cũng biết.

Với tư cách là Kitô hữu, chúng ta tin rằng Thiên Chúa có Ba Ngôi – Cha, Con và Thánh Thần. Tuy vậy, không phải lúc nào chúng ta cũng biết rõ về Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa. Dưới đây là 5 điều cần biết về Chúa Thánh Thần được rút ra từ Giáo lý Hội thánh Công giáo.

1. CHÚA THÁNH THẦN LUÔN HIỆN HỮU

“Chính Thiên Chúa là sự trao đổi tình yêu vĩnh cửu: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và Ngài đã tiền định cho chúng ta được dự phần vào sự trao đổi tình yêu đó”.

(GLCG 221)

“Trước cuộc Vượt Qua của Người, Chúa Giêsu báo tin sẽ sai đến một “Đấng Bào Chữa (Đấng Bảo Vệ) khác”, là Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần, Đấng đã hoạt động trong công trình tạo dựng và sau khi “đã dùng các Tiên tri mà phán dạy”, nay Ngài sẽ đến với và ở trong các môn đệ, để dạy bảo họ, và dẫn họ tới “sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13). Như vậy, Chúa Thánh Thần được mặc khải như một Ngôi Vị thần linh khác, trong tương quan với Chúa Giêsu và với Chúa Cha”.

(GLCG 243)

2. CHÚA THÁNH THẦN LÀ THIÊN CHÚA

Chúa Thánh Thần, Ngôi Thứ Ba trong Ba Ngôi, là Thiên Chúa duy nhất và đồng hàng với Chúa Cha và Chúa Con, cùng một bản thể, cùng một bản tính; … Ngài được gọi là Thần Khí không phải chỉ của Chúa Cha cũng không phải chỉ của Chúa Con, nhưng một trật là của Chúa Cha và của Chúa Con”.

(GLCG 245)

3. CHÚA THÁNH THẦN KHÔNG PHẢI LÀ CHIM BỒ CÂU

Chúa Thánh Thần thường được miêu tả như chim bồ câu, nhưng Ngài không phải là chim bồ câu thực sự mà là chính Thiên Chúa, Đấng đôi khi có thể mang lấy hình dạng của chim bồ câu.

“Vào cuối trận lụt đại hồng thủy (đây là một biểu tượng chỉ bí tích Rửa Tội), chim bồ câu được ông Nôê thả ra đã trở về, ngậm một nhánh ô liu xanh tươi, báo cho biết mặt đất lại đã có thể cư ngụ được. Khi Chúa Giêsu tiến lên từ dòng nước phép rửa của Người, Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu đáp xuống và ngự trên Người. Chúa Thánh Thần đáp xuống trái tim đã được thanh tẩy của những người lãnh bí tích Rửa Tội và nghỉ ngơi ở đó. …. Trong truyền thống nghệ thuật ảnh tượng Kitô Giáo, chim bồ câu là biểu tượng để chỉ Chúa Thánh Thần”.

(GLCG 701)

4. CHÚA THÁNH THẦN ĐƯỢC MẶC KHẢI TRỌN VẸN VÀO LỄ HIỆN XUỐNG

“Ngày lễ Ngũ Tuần (vào cuối bảy tuần mừng lễ Vượt Qua), cuộc Vượt Qua của Đức Kitô được hoàn thành bằng việc tuôn đổ Chúa Thánh Thần, Đấng được biểu lộ, được ban, và được truyền thông với tư cách là một Ngôi Vị thần linh: Chúa Kitô từ nguồn sung mãn của Người tuôn đổ cách đầy tràn Thần Khí của Người”.

“Trong ngày đó, mầu nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh được mặc khải trọn vẹn”.

(GLCG 731-732)

5. CÁC TÍN HỮU LÃNH NHẬN THÁNH THẦN KHI CHỊU PHÉP RỬA

“Từ ngày lễ Ngũ Tuần, Hội Thánh đã cử hành và ban bí tích Rửa Tội. Thật vậy, thánh Phêrô tuyên bố với đám đông đang bối rối vì bài giảng của ngài: “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu Phép Rửa nhân danh Chúa Giêsu Kitô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được hồng ân là Thánh Thần” (Cv 2,38).

(GLCG 1226)
Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!