Giáo Hội Hoàn VũTin Giáo Hội

7 loại cây phổ biến vào thời Chúa Giêsu

7 loại cây phổ biến vào thời Chúa Giêsu

 

Là một phần quan trọng của sự sống trên Trái đất nên cây cối đã “xuất hiện” nhiều trong Kinh Thánh.

Các loài cây nào sinh sôi nhiều ở những nơi Ðức Giêsu từng đi qua? Ôliu có lẽ là loài thực vật được các Kitô hữu biết đến nhiều nhất, với vườn Cây Dầu Gethsemani, nơi cầu nguyện cuối cùng của Người trước khi bước vào cuộc khổ nạn. Tuy nhiên, chắc chắn tuổi thơ của Ðức Giêsu cũng gắn bó với nhiều loài cây và ắt hẳn khi Người đi rao giảng, đã không ít lần ngồi dưới bóng mát của một gốc cổ thụ… Ðó là chưa kể, là thợ mộc, thánh Giuse từng sử dụng gỗ của các giống cây địa phương để làm việc.

Các chuyên gia đã nghiên cứu hệ thực vật ở Israel và Palestine trải dài hàng ngàn năm, kết hợp với các phương pháp phân tích có tính chính xác cao nhờ những thiết bị hiện đại để đưa ra 7 loài cây phổ biến với cuộc sống của người dân vào thời Ðức Giêsu.

 

1. Cây “ngọt” (sweetgum, Liquidambar styraciflua)

Ðây là loài cây thân gỗ lớn, thuộc chi Sau sau. Cây có rất nhiều công dụng, đầu tiên, với kích thước lớn (có thể cao từ 25-35m), rất nhiều lá nên tạo được bóng mát, dễ chịu cho những ngày thời tiết oi bức ở vùng Ðất Thánh. Gỗ của cây được dùng để đóng bàn ghế, hoặc tạc thành đồ trang trí. Ðặc biệt, từ trái và thân cây có thể chiết xuất được loại nhựa ngọt, là một nguồn dược liệu và cũng từng được thổ dân châu Mỹ dùng để nhai như kẹo cao su (nên có tên là “sweetgum”).

 

2. Cây tuyết tùng (Cedrus libani)

Cây này thuộc họ thông, được đề cập nhiều trong Kinh Thánh. Trong Thánh vịnh, tuyết tùng được xem là biểu tượng của sự công bằng. Trên núi Lebanon ngày nay, có khoảng 400 cây tuyết tùng được cho là khoảng 2.000 năm. Và đây cũng là loại cây biểu tượng của nước Lebanon. Ở Ðất Thánh, từ xưa, tuyết tùng đã được dùng nhiều trong dựng nhà, đóng tàu, chế tác đồ trang trí. Vua Salomon đã sử dụng gỗ của cây này khi xây Ðền thờ Giêrusalem. Làm nghề mộc nên chắc chắn thánh Giuse rất quen thuộc với tuyết tùng.

 

3. Cây keo (Acacia)

Còn được gọi là shittah, được sử dụng làm Hòm Giao Ước. Cây sống ở vùng thung lũng Jordan và sa mạc Sinai. Tán cây lớn mang lại sự dịu mát giữa nhiệt độ cao của sa mạc. Cây keo có nhiều công dụng: nhựa cây dùng trong chế biến thực phẩm; gỗ dùng trong xây dựng, điều chế thuốc…

 

4. Cây nhựa thơm Gilead (Commiphora opobalsamum)

Loài cây thuộc họ trám, được đề cập trong Kinh Thánh là “nhựa thơm của Gilead”, vùng đất ngày nay thuộc Jordan. Cây giàu giá trị dinh dưỡng, trái cho ra tinh dầu thơm dùng để sản xuất xà phòng và các loại dầu khác, ngoài ra còn được dùng để điều chế dược phẩm.

 

5. Cây bách (Cupressus sempervirens)

Gỗ của loài cây mọc nhiều ở Ðất Thánh này được dùng để dựng nhà, đóng tàu, đóng bàn ghế… Con tàu Noê và những cánh cửa đầu tiên của Vương Cung Thánh Ðường Thánh Phêrô được cho là làm từ gỗ cây bách. Tinh dầu của cây này được dùng làm dược phẩm, có tác dụng giúp máu lưu thông tốt.

 

6. Cây vả: (Ficus carica)

Ðây là một trong những loại cây đặc trưng của các vùng đất ven Ðịa Trung Hải, trong đó có Israel. Do vậy, trái vả là thức ăn vô cùng phổ biến đối với cư dân Ðất Thánh từ bao đời nay và được xem là dấu hiệu của sự thịnh vượng. Chúa Giêsu có lẽ cũng có thói quen ăn loại trái này, như Phúc Âm theo thánh Máccô từng ghi nhận: “Hôm sau, khi thầy trò rời khỏi Bêtania, thì Ðức Giêsu cảm thấy đói. Trông thấy ở đàng xa có một cây vả tốt lá, Người đến xem có tìm được trái nào không. Nhưng khi lại gần, Người không tìm được gì cả, chỉ thấy lá thôi, vì không phải là mùa vả”(Mc 11,12-13).

 

7. Cây ô liu (Olea europaea)

Ô liu xuất hiện rất nhiều lần trong Kinh Thánh, vì cũng là một loại cây phổ biến của các quốc gia ven Ðịa Trung Hải. Từ thời Chúa Giêsu cho đến ngày nay, trái ô liu đã chứng tỏ được giá trị dinh dưỡng rất cao. Cây ô liu cung cấp dầu, trái và gỗ có thể dùng để trao đổi hàng hóa vào thời xa xưa. Ngày nay, loài cây này được trồng nhiều nơi trên thế giới.

 

 

Thiện Tâm (theo Aleteia)

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!