Giáo Hội Việt NamTin Giáo Hội

Nhà thờ Nhà Đá và những chuyện chưa kể

Nhà thờ Nhà Đá và những chuyện chưa kể

 

Trong hàng ngàn kỷ vật gắn với giáo phận Qui Nhơn ở nhà truyền thống trong Tòa Giám mục, tôi chú ý nhiều đến quả chuông đặt gần cuối gian phòng, không chỉ bởi độ to lớn mà còn vì câu chuyện lưu lạc của chiếc chuông này quá lạ lùng, nói theo đức tin nhà đạo là có sự quan phòng của bàn tay Thiên Chúa. Quả chuông đã thôi thúc tôi tìm về một ngôi thánh đường đổ nát và nay không còn giáo xứ: nhà thờ Nhà Đá.

Cha Gioan Võ Đình Đệ – Quản lý Tòa Giám mục Qui Nhơn – người sưu tầm và coi sóc phòng truyền thống giáo phận Qui Nhơn, đã cho người đóng một khung gỗ chắc chắn để quả chuông cao hơn 1m được treo lên. Trên quả chuông đã nhuốm màu thời gian ghi năm sản xuất là 1896. Đối chiếu với tư liệu viết về nhà thờ Nhà Đá, biết rằng chuông được đúc từ Pháp gởi về Việt Nam sau khi thánh đường này khánh thành 7 năm. Nếu cần phải thêm một chi tiết liên quan thì chuông do ba mẹ của cha Théodule Joseph Hamon (cố Lựu) – người xây dựng nhà thờ Nhà Đá – hiến tặng. Những giáo dân xứ Nhà Đá xưa mà tôi gặp, trong đó có cha Phêrô Nguyễn Vân Đông – nguyên Tổng Đại diện giáo phận Kon Tum – kể, hồi trước mỗi lần chuông nhà thờ được kéo lên thì tiếng vang xa đến vài cây số, lan tỏa trên từng vạt vườn, từng mái nhà của một vùng thôn dã trù phú, yên bình… Dân các làng xung quanh lấy giờ chuông điểm làm các chuẩn thời gian trong ngày.

Nhưng đó là những câu chuyện của ngày cũ. Vì sao chuông rời nhà thờ và bây giờ lại hiện diện ở TGM Qui Nhơn, cách chốn cũ đến hơn 40km? Trước hết, xin lùi lại một chút để lục tìm lịch sử của giáo xứ và ngôi thánh đường cổ kính này.

NHÀ THỜ NHÀ ĐÁ XƯA

Đây là một vài tư liệu chép được từ văn khố giáo phận Qui Nhơn: Theo thống kê số lượng các nhà thờ, nhà nguyện năm 1747 (do linh mục Guillaume Rivoal ghi phần của các cha Hội Thừa sai Paris và Thánh Bộ Truyền giáo phụ trách, linh mục Jakob Graff ghi phần của Dòng Tên và linh mục Felipe de la Concepcion ghi phần dòng Phanxicô…), thì phần đất tỉnh Bình Định (Qui-ning) lúc này có hai nhóm thừa sai truyền giáo hoạt động: từ Kiều Đông (Ki-dou) thuộc Phù Cát vào phía Nam thuộc Hội Thừa sai Paris (M.E.P.) gồm 13 giáo điểm; từ Phù Mỹ ra phía Bắc thuộc dòng Phanxicô gồm 14 giáo điểm, trong đó có Mương Lỡ được 80 tín hữu, là nơi đón nhận Tin Mừng sớm nhất trong các giáo họ thuộc giáo xứ Nhà Đá (lúc đó có tên là Truông Dốc). Một tài liệu khác gần một thế kỷ sau, là báo cáo của thánh Giám mục Stêphanô Thể gởi về M.E.P. năm 1850, thông tin Bình Định có 4 giáo hạt, trong đó hạt Phù Ly gồm 18 giáo điểm, với giáo điểm Mương Lỡ 230 tín hữu, Truông Dốc 78 tín hữu. Như thế có thể nói, giáo đoàn Truông Dốc hay Nhà Đá đã đón nhận Tin Mừng từ giữa thế kỷ XVIII.

Do giai đoạn này số linh mục còn ít ỏi, sự hiện diện của các cha tại những giáo điểm vẫn mang tính cách vãng lai, chỉ Mương Lỡ (Hòa Mục) là có linh mục hiện diện thường xuyên. Tháng 3 năm 1882, Đức cha Luy Galibert bổ nhiệm linh mục Théodule Joseph Hamon (cố Lựu) đến ở tại Truông Dốc, với nhiệm vụ như một cha sở. Lúc đầu cộng đoàn tín hữu Truông Dốc sống gần chân một gò đất trên triền núi phía Bắc. Nơi đây trống trải, gió lạnh, nhất là mùa Đông hay sinh nhiều bệnh tật. Do đó, đầu năm 1883, cha Hamon dời cộng đoàn lên đỉnh dốc như vẫn thấy về sau. Khi cơ sở vật chất vừa tạm ổn định thì đầu tháng 8 năm 1885, ngài phải dẫn một số đông tín hữu trong vùng về Qui Nhơn lánh nạn phong trào Văn Thân, rồi lại vô tận Vĩnh Long cho đến khi phong trào Văn Thân chấm dứt. Tháng 7.1887, khi tình hình tạm yên, số tín hữu ở lại Qui Nhơn rục rịch trở về quê; ngày 1.8.1887, cha Hamon cũng dẫn tín hữu tạm cư ở Vĩnh Long trở lại Truông Dốc. Cha tổ chức quy tập thân xác các tín hữu trong xứ đã bị bách hại, chôn cất tại vị trí ngày nay thuộc khu Đất Thánh của giáo xứ (hiện trong Đất Thánh có một trụ tứ giác với Thánh giá trên đỉnh, cao khoảng 2m, xung quanh có sân đất vuông, tục truyền đây là nơi an nghỉ của các vị ấy – NV).

Ra đi rồi trở về, cha Hamon cùng giáo dân đã nghĩ đến việc xây dựng ngôi thánh đường để có nơi sinh hoạt kinh nguyện. Và cái tên “nhà thờ Nhà Đá” có từ sau ngày khánh thành – dịp lễ Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm 1889 – xuất phát từ việc nhà thờ được xây chủ yếu bằng vật liệu đá ong – một nguồn tài nguyên có sẵn trong vùng – được xem là một trong những công trình bằng đá ong đầu tiên của giáo phận Đông Đàng Trong. Tuy vậy, ngôi thánh đường đổ nát chúng tôi sắp kể và những gì còn sót lại như hiện nay lại là của nhà thờ được xây dựng năm 1955. Lý do vì tháng 10 năm 1932, một trận bão đã làm hư hại hoàn toàn công trình cũ, sau đó nhà thờ được dựng lại bằng gỗ vào năm 1940, nhưng năm 1955, nhà thờ này cũng bị hỏa hoạn. Đức cha Piquet Lợi cho làm lại bằng cột, kèo bêtông, mặt tiền xây gạch kiên cố với những nét tỉ mỉ. Vậy mà, tai họa vẫn không buông tha vùng đất vốn hiền hòa đó. Cha Gioan Võ Đình Đệ, một người có những nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử giáo phận Qui Nhơn cho biết: “Vì là vùng đất thường đón nhận bom đạn chiến tranh, từ năm 1965 đến 1968, đa số dân chúng di cư đi nơi khác. Hầu hết họ đã ổn định cuộc sống nơi những vùng đất mới, nên khi hòa bình lập lại, nhiều người trong số họ không trở về quê quán. Nhà thờ Phù Mỹ nguyên là nhà thờ giáo họ Gò Đồng thuộc giáo xứ Nhà Đá, cách nhà thờ Nhà Đá khoảng 6km về hướng Nam, hiện là nơi duy nhất trong xứ Nhà Đá cũ có số giáo dân sum họp thường xuyên, nhà thờ các giáo họ khác đều sụp đổ hư nát như nhà thờ xứ chính Nhà Đá…”.

HOANG TÀN

Khi phát hiện về lai lịch chiếc chuông nhà thờ Nhà Đá, rồi lại nghe những người con gốc Nhà Đá kể chuyện về một xứ đạo từng là niềm tự hào của một vùng đất trong quá khứ, nay chỉ còn sót lại mươi gia đình, và ngôi thánh đường thì hoang phế bởi dấu lửa chiến sự và cũng bởi vắng bóng người lui tới…, tôi quyết định về thăm lại Nhà Đá. Sở dĩ nói là “về thăm lại” vì 7 năm trước, trong một dịp ra Qui Nhơn viết bài, tôi đã từng tình cờ dừng chân nơi đây. Tôi của ngày ấy chỉ như một lữ khách mang nhiều tiếc nuối trước các dấu tích còn lại của một ngôi thánh đường trơ gạch đá, một phần vì chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” ghé qua, phần khác vì chưa biết rõ về các nốt thăng trầm của giáo xứ lâu đời này, nên chỉ âm thầm mang những tiếc nuối cùng những câu hỏi bỏ lửng mà rời đi. Lần này thì quay lại với những hy vọng vén lên được ít nhiều các thông tin về một xứ đạo kỳ cựu, vốn đã bị bức màn thời gian che phủ lâu ngày. Thú thực, suốt đoạn đường di chuyển mấy chục cây số từ Qui Nhơn ra đây, thâm tâm tôi chỉ mong chí ít thì những gì mình đã thấy 7 năm trước cũng vẫn còn nguyên như thế, đừng hư hại thêm, đừng phế hoang hơn nữa…

Nhà thờ Nhà Đá bây giờ sau nhiều năm hoang phếẢnh: Trần Tin

Nhà Đá hiện tại nằm ở thôn Đại Thuận, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Tôi về lại trong ký ức xưa giữa buổi hoàng hôn cận kề. Không biết là nên vui do phế tích mình từng gặp vẫn còn nguyên dấu vết cũ, hay nên buồn vì đã thêm từng ấy thời gian, ngôi thánh đường đẹp chực đổ sập vẫn chưa có một dấu hiệu nào hồi sinh? Trong ánh nắng xiên xiên nhuốm màu trầm mặc ấy, ở giữa những vách tường, cột kèo, cỏ lá…, ngôi thánh đường dẫu hoang, dẫu không còn nguyên vẹn đường nét, vẫn có thể hình dung đây từng là một tổng thể kiến trúc rất đẹp vào những ngày xưa vãng. Các cây cột bê tông vẫn vững chãi, phần mặt tiền còn đầy đủ các hành lang, lối đi, mái vòm, chóp nhọn, ô cửa… kiểu cổ điển, tiết lộ các phế tích này từng vàng son một thời! Bây giờ, ngôi thánh đường mang đầy vết đau lặng lẽ đứng đó, đón bước chân những ai thấy nhớ mà tìm về đất xưa…

Người “quản đền kiêm quản trang” Ngô Hồng Khanh bên lăng mộ các chứng nhân đức tin của nhà thờ Nhà Đá

Trong một buổi chiều có thể nói là may mắn, khi len lỏi vòng ra viếng khu Đất Thánh ở phía sau nhà thờ, tôi bất chợt gặp được ông Ngô Hồng Khanh – 55 tuổi, một giáo dân hiếm hoi sống gần đó – đang mướt mồ hôi chặt nhổ cây hoang cỏ dại xung quanh ngôi thánh đường. Ông giới thiệu mình làm thợ hồ, chiều về hay ngày nghỉ rảnh thì ra coi ngó, phát quang, dọn dẹp bớt cây cối mọc trong ngoài nhà thờ và khu vực Đất Thánh, như một cách thể hiện tình yêu với xứ đạo xưa cũ của ông bà. Ông tâm sự thật ra gia đình ông mới trở về quê sống vài chục năm nay thôi, xưa cũng tản cư đi nơi khác. Trong vùng giờ chỉ còn mười mấy gia đình có đạo, xem lễ thì ra ngoài Phù Mỹ, cách nhà lối 5-7 cây số. Khi được hỏi động lực nào khiến ông âm thầm làm việc nghĩa một cách tự nguyện, ông nói “do nghĩ ráng giữ gìn nhà thờ để không hư thêm, biết đâu một ngày họ đạo tái lập thì chỉ cần trùng tu, sửa sang lại ít ít; còn thường xuyên dọn cỏ, tu bổ các mộ phần trong Đất Thánh vì biết chắc không gần thì xa, đó là tổ tiên, họ hàng mình, hay ít là hàng xóm của ông bà cha mẹ mình ngày trước; chưa nói trong nghĩa trang còn có một lăng tử đạo là nơi an nghỉ của tiền nhân làm chứng đức tin mà chết, phải trân trọng; rồi hang đá Đức Mẹ từng là chỗ cậy trông, tìm đến của bao nhiêu thế hệ giáo dân Nhà Đá, giờ mình phải bảo tồn chứ!”. Người đàn ông có khuôn mặt khắc khổ buông câu cuối với chữ “chứ” nhẹ tênh, đúng chất hào sảng, tốt bụng của người Bình Định… Đặc biệt, khi dẫn tôi đi thăm một vòng trong làng, rồi quay trở lại nhà thờ, thấy tôi thắc mắc vì sao trên một ô tường vỡ ở gian Cung Thánh lại có đặt một tấm ảnh Lòng Chúa Thương Xót và vẫn còn vài cành hoa héo chưng trong chiếc bình bông cũ, ông hào hứng kể mấy năm trước có một đứa học trò ở đâu vùng sâu vùng xa, mỗi ngày đạp xe đi học mấy chục cây số, trưa hay ghé vô nhà thờ nghỉ cho mát, có khi tranh thủ ngồi học bài. Bẵng đi một thời gian không thấy, rồi nó bất chợt trở lại, khoe đậu Đại học rồi, chẳng biết có đạo không nhưng thấy đem bức hình đặt ở đây, giải thích “để tạ ơn”. Còn hoa trong bình là do ông thi thoảng hái cây dại ven đường làng hoặc ngoài các trảng đồi về cắm vô.

Bất chợt chúng tôi thầm nghĩ, tấm ảnh hiện diện nơi ấy mấy năm nay, đã như một điểm sáng ở cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, giữa muôn vàn tàn phai. Bức hình Chúa được vẽ có nhiều ánh hào quang sáng, trông giống như những tia hy vọng đang thắp lên cho Nhà Đá. Trên đường về, tâm trí tôi thật khó quên nụ cười hiền queo của người “quản đền kiêm quản trang” không lương này; và cũng mang máng hình dung ra cảnh một chiều nọ, có chàng học trò cúi mình xuống trên bàn thờ đã mục ruỗng, đặt một tấm lòng nơi nền móng cũ trong tâm tình biết ơn, để gợi cảm xúc và nhen lại ước mơ cho nhiều người.

QUẢ CHUÔNG LƯU LẠC

Sập, cháy, rồi bị bom đạn hư hao, giáo dân nhiều bận tản mác, giáo xứ Nhà Đá đúng là từng trải qua quá nhiều thăng trầm. Chỉ có quả chuông được tặng từ thuở ban đầu là tồn tại, dù đã chu chuyển nhiều nơi, bị đưa đi xa hàng trăm cây số…

Như đã nói, Nhà Đá êm đềm cho tới khi vùng này diễn ra chiến tranh khốc liệt. Chẳng ai có thể ngờ rằng một xứ đạo lâu đời và nhộn nhịp là thế rồi phải tan đàn, vắng vẻ. Năm 1968, chuông được giáo dân hạ xuống cất giấu đi. Bẵng đi một thời gian dài sau đó, chẳng ai còn biết tung tích chuông chính xác ở nơi nào và ai giữ. Vì vậy, trong những câu chuyện của những người con gốc Nhà Đá khi có dịp gặp nhau, ôn lại kỷ niệm xưa, không ít lần họ nhắc đến quả chuông cổ với những niềm cảm thán.

Và rồi, nhân duyên đã đến, “châu về hợp phố” vào một dịp rất khó nghĩ ra. Cha Phêrô Nguyễn Vân Đông chúng tôi có đề cập ở trên nhớ lại: “Năm 2017, mình dự Đại hội Caritas toàn quốc. Giờ cơm, đang rì rầm câu chuyện hiện trạng xứ Nhà Đá quê mình với cha Gioan Võ Đình Đệ – trưởng Caritas Qui Nhơn. Hai anh em nhắc đến quả chuông và không khỏi tiếc nuối vì giờ chẳng biết ở đâu mà tìm lại, quý là do nó gắn với gia đình vị linh mục đầu tiên của giáo xứ. Đang khi còn thở dài than ngắn thì ông cha Uy, chánh xứ Tiên Chu lúc đó – trưởng Caritas của giáo phận Xuân Lộc – từ đằng sau choàng vai hai anh em nói nãy giờ không cố ý, nhưng đã nghe hết chuyện, vừa may có tin vui cho hai cha, là có một quả chuông tạm trú ở nhà thờ Tiên Chu đã 30 năm lẻ, nghi là quả chuông Nhà Đá hai cha đang nói…”.

Chuông nhà thờ Nhà Đá có hành trình lưu lạc kỳ thú

Vì sốt ruột, và cũng để xác định có đúng là quả chuông bị thất lạc không, nên ngay sau Đại hội, cha Đệ và cha Đông đã theo chân cha Uy vô xứ Tiên Chu, cùng leo lên tháp chuông. Niềm vui vỡ òa, cha Đông như hét lên sung sướng vì nhận ra các dòng chữ vẫn chưa mờ dấu trên thân chuông: Đúng là chuông của Nhà Đá! Sự đau đáu đi tìm vật quý bao năm của những người con nặng lòng với quê xưa coi như đã chạm đến được một tay. Các cha về Qui Nhơn trích tư liệu văn khố giáo phận làm chứng từ xác định chắc chắn, và cũng mong muốn làm lại một chiếc chuông mới đổi cho xứ Tiên Chu. Nhưng cha xứ và bà con trong xứ rất quảng đại, quyết định tặng hẳn quả chuông cũ cho cố nhân. Cha Đông đã xin chở chuông về Kon Tum trưng bày ít lâu để bà con gốc Nhà Đá sinh sống khá đông trên đó có thể tận tay, tận mắt hoài niệm… Sau cùng, do Nhà Đá vẫn còn là phế tích, nên chuông được đưa về Tòa Giám mục Qui Nhơn trưng bày đến nay, chờ một ngày nào đó có thể cùng người dân “quy cố hương”.

Thế thì tại sao chuông lại vượt một quãng đường xa đến vậy và ở Tiên Chu đến hơn ba thập niên? Cha Uy kể, năm 1985, khi đang xây nhà thờ Tiên Chu gần xong thì một ngày, bỗng có một chiếc xe tải bị chết máy ngay trước cổng. Tài xế và chủ xe loay hoay sửa mãi vẫn chưa xong. Ra hỏi thăm, anh chủ xe nói phải thay phụ tùng abc gì đó mà không còn đủ tiền, rồi ngỏ ý xin bán lại chiếc chuông đồng đang chở trên xe để mua đồ thay thế. Vì cũng đang dự định mua chuông cho nhà thờ mới nhưng còn cân nhắc tài chánh, nên cha bàn với giáo dân mua lại quả chuông này, giá trị bằng hai lượng vàng lúc đó, nhưng vẫn rẻ hơn mua mới.

Cứ như vậy, quả chuông lặng lẽ vang những tiếng trầm bổng giữa một xóm đạo đông đúc tận miền Đồng Nai, cách Nhà Đá nửa ngàn dặm. Tưởng rằng quả chuông từ cảng Marseille rời đi đến đất An Nam năm xưa sẽ hoàn thành sứ mệnh của mình tại vùng đất đỏ miền Đông, chẳng ai nghĩ đến một ngày, nó lại quay trở về miền Trung cát trắng biển xanh, với những tình huống ngẫu nhiên như vừa trình bày.

Thật diệu kỳ…

 

Minh Hải

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!