Ánh Sáng Đẹp Tươi: Nhiệm Huấn Vượt Qua, Bài IV Chúa Giêsu là Chúa và Người Yêu Các Linh Hồn
Tác giả: Đức TGM Peter Sartain – Được đăng trong Eucharistic Revival Blog Ngày 2 tháng 5 năm 2023. Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam.
Chào mừng bạn đến với Ánh Sáng Đẹp Tươi, những bài giáo lý phụng vụ bắt nguồn từ truyền thống nhiệm huấn của Hội Thánh. Nhiệm huấn là một hình thức giáo lý cổ xưa giúp chúng ta đi sâu hơn vào các mầu nhiệm chúng ta cử hành trong các Bí tích. Mỗi tuần, một chủ đề mới sẽ giúp bạn tập trung vào những ân sủng có sẵn cho bạn qua Thánh Lễ khi bạn trong cầu nguyện suy niệm về nội dung của chủ đề.
Hãy Tưởng tượng Nghi Thức
Sự chú ý của Linh mục tập trung vào những miếng bánh và những giọt rượu đựng trong chén thánh. Mắt bạn di chuyển, theo dõi hành động của ngái khi ngài cẩn thận láy tay nhấc Bánh Thánh lên. “Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn, vì này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con”. Bạn âm thầm tôn thờ Chúa Giêsu khi Mình Thánh Chúa được Linh mục nâng cao. Một sự im lặng… một sự dịu dàng đặt Của Lễ Thánh xuống… đầu bạn cúi xuống. Một lúc sau, những lời này vang vọng bên tai các con: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống: vì này là chén máu Thầy, máu Giao Ước Mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.” Những ngọn nến trên bàn thờ phản chiếu chén rượu lấp lánh khi nó được nâng lên hướng về Thiên đàng, và bạn thầm nói trong lòng mình: ‘Lạy Chúa Giêsu, con yêu Chúa.’ Chẳng bao lâu nữa, bạn và Người sẽ làm một trong trong cả xác lẫn hồn, và qua Người, kết hợp mật thiết với toàn thể Hội Thánh.
Câu hỏi để Suy niệm
Tôi đã chứng kiến giây phút long trọng này nhiều lần, nhưng tôi có thực sự cảnh giác không? Tôi chỉ “tham dự Thánh Lễ” hay tôi “tham gia” một cách có ý thức vào việc cử hành Bí tích Thánh Thể? Chẳng hạn, trong khi Truyền phép, tôi có dâng hiến chính mình cùng với Chúa Giêsu lên Chúa Cha không?
Trích dẫn từ các Giáo Phụ
Vào đêm bị phản bội, Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã cầm lấy bánh, và khi đã tạ ơn, Người đã bẻ ra và đưa cho các môn đệ mà nói: “Các con hãy nhận lấy mà ăn: này là Mình Thầy”. Người cầm lấy chén, tạ ơn và nói: “Các con hãy cầm lấy mà uống: này là máu Thầy”. Vì chính Đức Kitô đã tuyên bố bánh là mình mình nên ai còn có thể nghi ngờ gì nữa? Vì chính anh ta đã nói một cách khá dứt khoát: Này là máu Thầy, ai dám nghi ngờ và nói rằng đó không phải là máu của Người? Vì vậy, chúng ta hoàn toàn chắc chắn rằng chúng ta nhận được bánh và rượu như Mình và Máu Đức Kitô. Mình Người được ban cho chúng ta dưới biểu tượng của bánh, và máu Người được ban cho chúng ta dưới biểu tượng của rượu, để làm cho chúng ta trở nên một thân xác và máu huyết với Người. Có Mình và Máu Người trong các chi thể của chúng ta, chúng ta trở thành những người mang Đức Kitô và thông phần, như Thánh Phêrô nói, vào bản tính Thiên Chúa.
—Thánh Cyril của Jerusalem
Một Suy tư Giáo lý về Nghi thức
Kể lại câu chuyện về sự ra đời của Chúa Giêsu, Thánh Luca dạy chúng ta một điều rất quan trọng: đó là từ khi được thụ thai, Chúa Giêsu đã tuân theo luật nhân loại và luật Môsê và tham gia vào mọi kinh nghiệm của con người, ngoại trừ tội lỗi. Mặc dù là Con Thiên Chúa, nhưng Người không miễn trừ mình khỏi những luật lệ như vậy, hoặc khỏi những bất tiện khi phài hành trình trong cuộc điều tra dân số, hoặc khỏi những đau khổ lớn hơn nhiều sắp xảy xa. Người không những chỉ làm tròn lề luật mà còn còn phải làm tròn nó cách hoàn hảo, để nó có thể bị một Lề Luật Mới vượt qua, cho chúng ta.
Thánh Luca đưa ra một gợi ý xa hơn về sứ mệnh của Chúa Giêsu khi ngài kể lại những gì thiên thần đã nói với các mục đồng:
“Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” (Luca 2:10–12)
Đấng Cứu Rỗi là “với bạn” và “cho bạn”—mọi sự về Người là một món quà của tình yêu, một sự hy sinh, “cho bạn”—tức là “cho chúng ta.”
Có lẽ điểm này sẽ rõ ràng hơn nếu chúng ta nghĩ đến những lời Linh mục đọc trong lúc Truyền phép, chính những lời của Chúa Giêsu:
“Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con.”
“Này là chén máu Thầy, máu Giao Ước Mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội”.
Thật hữu ích khi lưu ý rằng trong số những canh tân phụng vụ của Vaticanô II có việc đưa từ “vì các con” vào truyền phép bánh; trước đây những lời đó chỉ xuất hiện trong truyền phép rượu. Ý nghĩa của sự thay đổi này là sự hy sinh của Chúa là “cho chúng ta” một cách bao trùm, trọn vẹn và hiện tại vĩnh viễn: Ngôi Vị và Chức Tư Tế của Người là một.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết trong Pastores Gregis rằng trong Chúa Giêsu Kitô, chúng ta thấy một lối sống thân thiện rõ ràng, “một lối sống… được dành hoàn toàn để thờ phượng Chúa Cha và phục vụ tha nhân” (số 13). Do đó, khi chúng ta được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể – bằng Hy Lễ vĩnh cửu duy nhất của Đức Kitô – chúng ta cũng phải thấy cuộc sống của mình “vì Chúa Cha và vì người khác” trong sự hiến dâng hoàn toàn chính mình.
Khi chúng ta tham gia cử hành Bí tích Thánh Thể, chúng ta có mặt ở đó, tại Bữa Tiệc Ly và tại Đồi Canvê! Ở đó, chúng ta có cơ hội hiến dâng lên Chúa Cha chính mình – tình yêu và lòng sùng kính, sự tôn thờ, niềm vui và nỗi buồn, những đấu tranh và sự yếu đuối của chúng ta – cùng với Chúa Giêsu trong Lễ Vật vĩnh cửu duy nhất của Người. Ở đó, chính Chúa ban cho chúng ta Mình và Máu Người trong giây phút vĩnh cửu này; chính Chúa là Đấng ban sức mạnh Thân Mình Người là Hội Thánh; chính Chúa là Đấng củng cố mối dây hợp nhất giữa các chi thể trong Thân Mình Người; và chính Chúa là Đấng sai các môn đệ đi thi hành Mệnh Lệnh Cao Cả.
Sống như Đức Kitô Hôm nay
Chúng ta thường tự hỏi mình vào chiều Chúa nhật: “Tôi đã được gì sau Thánh Lễ hôm nay?” Mặc dù câu hỏi đó đôi khi chỉ có tính tư lợi, nhưng nó có thể là một câu hỏi hữu ích – nếu ước muốn của chúng ta là thưởng thức các phúc lành của phụng vụ.
Tuy nhiên, có một câu hỏi quan trọng chúng ta nên hỏi trước khi Thánh Lễ bắt đầu: “Tôi đã mang gì để cùng Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha?” Câu hỏi đó có thể tạo ra sự khác biệt trong việc xác định chất lượng việc tham dự Thánh Lễ sắp bắt đầu của tôi.
Sau này, khi suy niệm về việc cử hành Bí tích Thánh Thể hôm nay, chúng ta bắt đầu nhận ra rằng chúng ta đã nhận được những hồng ân không thể đếm xuể, những ân sủng không thể diễn tả được. Chúng ta đã có mặt ở đó sáng nay—ở Bữa Tiệc Ly, ở đó tại Lễ Hiến tế Đồi Canvê! Chúa Giêsu đã ở đó, hiện diện hoàn toàn với chúng ta, Mình, Máu, Linh hồn và Thiên tính! Chúa Giêsu đã cho chúng ta ăn bằng lương thực nuôi dưỡng và thay đổi chúng ta, lương thực ở lại với chúng ta, lương thực nuôi dưỡng cơn đói thầm kín nhất mà không gì trên trái đất này có thể thỏa mãn. Chúa Giêsu kéo chúng ta đến gần trái tim Người hơn, nhắc nhở chúng ta rằng Mình Người đã bị nộp vì chúng ta, Máu Người đã đổ ra vì chúng ta. Chúa Giêsu củng cố Thân Mình Người, Hội Thánh và kéo chúng ta đến gần hơn với tất cả các chi thể trong Thân Mình Người.
Những ân sủng có quyền năng, thay đổi đời sống, những ân sủng đáng chú ý đến mức khiến chúng ta phải tự hỏi: “Tại sao tôi lại bỏ lỡ Thánh Lễ Chúa Nhật?”
Khi Chúa sai chúng ta rời khỏi phụng vụ, Người đã ban cho chúng ta một sứ mệnh mà Thánh Phêrô đã dạy chúng ta trong lá thư đầu tiên của ngài:
“Anh em hãy tiến lại gần Đức Kitô, viên đá sống động bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa chọn lựa và coi là quý giá. Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giê-su Kitô… Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền.” (x. 1 Pherô 2:4-9).
Thánh Phêrô khích lệ chúng ta nghiêm túc thực hiện mệnh lệnh của Chúa vào cuối Thánh Lễ. Được chính Chúa sai đi, tôi sẽ để cho những ân sủng của Thánh Lễ ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày, hành động, lời nói, ước muốn, mục tiêu của tôi như thế nào để trở thành một môn đệ quyết tâm dấn thân hơn không? Liệu tôi có hình thành cuộc sống của tôi theo những mầu nhiệm cứu độ mà tôi đã cử hành hôm nay không?
Cuối cùng, có một câu hỏi khác cần đặt ra khi suy niệm về Thánh Lễ sáng nay: “Chúa Giêsu thực sự hiện diện với tôi. Tôi có thực sự hiện diện với Người không? Tôi có cùng với Người dâng chính mình để thờ phượng Chúa Cha không?”
Qua chuỗi Ánh Sáng Đẹp Tươi, mỗi tuần từ ngày 13 tháng 4 đến ngày 25 tháng 5 năm 2023, bạn sẽ được mời đi sâu hơn vào các mầu nhiệm của Thánh Lễ qua bốn bước:
- Suy niệm một nghi thức (hoặc một phần) của Thánh Lễ;
- Đọc đoạn trích của một trong các Giáo phụ liên quan đến nghi thức;
- Tham gia suy tư giáo lý về nghi thức Thánh Lễ;
- Hãy xem xét hãy kêu gọi làm thế nào bạn có thể “Sống Đức Kitô Hôm Nay”, bắc cầu giữa trải nghiệm đức tin của bạn với đời sống môn đệ hàng ngày của bạn.
Chúng tôi cũng mời bạn đi sâu hơn nữa bằng cách cầu nguyện với Tài liệu Đồng hành Kinh Nguyện Thánh Thể trong Mùa Phục Sinh [Tiếng Anh | Tiếng Tây Ban Nha | Tiếng Việt Nam] là những bài liên quan với loạt bài Nhiệm Huấn hàng tuần của chúng tôi.